Monday, March 18, 2024

hạnh phúc

 


Hôm qua chủ nhật 17/03/2024, trời mưa sướt mướt rừng Vincennes, ông bà con cháu cùng nhau vào nhà hàng Nhật, ăn sushi và mấy xâu thịt nướng, ~ xoàng xoàng thôi (theo kiểu công nghiệp Tàu phân phối khắp Paris và có lẽ cả Âu châu).
Ôi, sao mà ấm áp cõi lòng...

château de Vincennes
xuyên thiêu: xâu thịt nướng
trà xanh bánh ngọt
thọ ti: sushi
château de Vincennes





(photos 2024/03/17 dtk@hdc.com)



Tuesday, March 12, 2024

xuân muộn

 
(2024/03/11)
Năm nay mùa đông kéo dài. Hôm nay, cuối tháng Giêng ta, mới có một ngày ấm.
Trên con đường nhỏ, lót gạch tương đối sạch sẽ tươm tất, dành cho người đi bộ, bắt ngang avenue d'Ivry và avenue de Choisy, hai trục chính song song của khu phố Tàu này, — đập ngay vào mắt, một đống áo quần bị ngủ chồng chất che kín cái banc ghế, vốn để cho người ta ngồi nghỉ chân.
Ba con chim bồ câu tự do mổ bánh vụn trên vỉa hè. Tôi lại gần chụp hình, tụi nó chằng thèm để ý.


(2024/03/12 09:10)
Còn rủ nhau nghênh ngang đi ra giữa đường, mặc người qua lại.


Thây kệ mấy con chim hoành hành phố xá, lại coi kỹ đống áo quần. Có vẻ "chủ nhà" là một người đàn bà: xì líp, xú cheng... tung tóe.


Kẻ không nhà, chắc đang lang thang đâu đó, có "căn nhà" coi bộ không đẹp bằng những túp lều xanh đỏ tím vàng, như những lều cắm trại nghỉ hè, dưới gầm cầu Pont de Sully, tôi thấy hôm trước.


Cách đây hơn một nghìn năm, Đỗ Phủ (712-770) một hôm cưỡi ngựa đi ra ngoài thành:

Khóa mã xuất giao thì cực mục, 
Bất kham nhân sự nhật tiêu điều 
跨馬出郊時極目, 
不堪人事日蕭條 (Dã vọng 野望)
Tạm dịch:
Cưỡi ngựa ra ngoài thành nhìn mút mắt, 
Đau lòng vì cảnh đời ngày một suy đồi, rách nát.

Cũng đúng mà cũng không hẳn như vậy.

xuân muộn lang thang đường phố lạ
trời xanh nắng ấm biết nhà đâu

(2024/03/15)

Ờ, năm nay mùa xuân về muộn thật...








(
photos dtk 2024 mars)


Saturday, March 9, 2024

nhớ thi sĩ Bàng Bá Lân (1912-1988)

 
Có lẽ là vào những năm đầu bậc trung học, ở lớp đệ Lục đệ Ngũ gì đó, tôi đọc được hai bài thơ của Bàng Bá Lân và thấy thích ngay. Bây giờ, hơn 60 năm sau, tôi vẫn còn thuộc nằm lòng 4 câu đầu của hai bài thơ đó.

Bài thứ nhất:

Tôi yêu tiếng Việt miền Nam,
Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao.
Yêu xe thổ mộ xôn xao
Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê.

Bài thứ hai:

Dưới gốc đa già, trong vũng bóng,
Nằm mát, đàn trâu ngẫm nghĩ nhai.
Ve ve rung cánh, ruồi say nắng;
Gà gáy trong thôn những tiếng dài.


Cả đời, tôi chỉ là người phố thị, thế mà đọc mấy câu trên, tôi say mê mơ tưởng những cảnh đồng quê chưa từng biết bao giờ.

Vào thời kỳ đó (1962-1964), chưa đầy 15 tuổi, học trò con trai phải mang giấy Lược Giải Cá Nhân. Tôi còn nhớ năm đó, cùng bạn bè chen lấn trước Nha Học Chính (?), bên cạnh trường Trưng Vương, gần Thảo Cầm Viên, để lấy cho được mảnh giấy khổ bằng nửa trang vở học trò, in trên một thứ giấy bở hơn tờ nhật báo. Sau đó đem cho người ta bọc plastique hai mặt, dán chặt bốn cạnh bằng cái bàn ủi đốt than, rồi mới bỏ vào túi áo để mang theo thường trực bên mình.

Một lần trên đường Hai Bà Trưng gần nhà thờ đi về nhà phía chợ Tân Định, có cảnh sát đòi kiểm soát giấy tờ. Tôi móc túi lấy giấy Lược Giải Cá Nhân ra trình. Chợt nhìn thấy bóng mẹ tôi ở bên kia đường. Bề ngang đường Hai Bà Trưng khá rộng, vậy mà tôi thấy mẹ đứng yên, mặt xanh như tàu lá chuối. Tôi bỗng mủi lòng thương mẹ.

Vài năm sau đó, Sài Gòn bị giới nghiêm, không được phép ra đường kể từ 20 giờ tối. Mỗi lần đi đâu về trễ gần giờ giới nghiêm, vào nhà tôi lại thấy mặt mẹ xanh như lần tôi bị kiểm soát tờ Lược Giải Cá Nhân.

Hồi đó, tôi bắt đầu thích đọc báo Tự Do, và say mê theo dõi truyện dài feuilleton Khói Sóng của Như Phong Lê Văn Tiến, giúp tôi sớm hiểu về một thời kỳ chiến tranh rất phức tạp, manh nha từ buổi đầu Cách mạng mùa Thu 1945. Ngoài ra, tôi cũng thích đọc những truyện dài của Nguyễn Hoạt, mục Nói Hay Đừng của Hiếu Chân (một biệt hiệu của Nguyễn Hoạt), mục thơ Đàn Ngang Cung của Hà Thượng Nhân.

Tinh thần học sinh sinh viên những năm đó thường rất hoang mang, đau buồn vì ảnh hưởng chiến tranh lan rộng. 

Nhạc Trịnh Công Sơn bắt đầu chấn động nỗi niềm tuổi trẻ. 

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu...

Người con gái Việt Nam da vàng
yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Người con gái Việt Nam da vàng
yêu quê hương nước mắt lưng tròng...

Bẵng đến năm tôi sửa soạn thi Tú Tài Một (1966-1967). Tôi chợt đọc thấy rao tên Bàng Bá Lân trên nhật báo Tự Do, được cho giữ mục tuyển thơ gì đó.

Tôi làm một bài thơ gửi đăng. Điều bất ngờ là Bàng Bá Lân không đăng trong mục tuyển thơ của ông, mà lại viết một bài  trong mục Gàn Bát Sách dưới bút hiệu Đồ Gàn, nếu tôi nhớ không lầm. 

Đại khái, viết tản mạn về thời sự mùa hoa phượng, cũng là mùa thi cử, dẫn giải từng đoạn bài thơ của tôi.

Xin ghi lại dưới đây theo trí nhớ:

Những ngày tháng thanh xuân
Cắm đầu trên bàn học
Lấy mắt nhồi vào óc
Toán, Sử Địa, Công Dân

Những ngày tháng thanh xuân
Trôi dần dần đi mất
Chờ đi giựt bằng cấp
Để được sống yên thân

Những ngày tháng thanh xuân
Trôi dần dần đi mất
Giương mắt nhìn trân trân
Khóc không ra nước mắt

Có cảm tưởng thiếu mất một khổ 4 câu. Nhưng biết sao giờ? 

Bài thơ rất ủy mị đúng mode thời đó. Hình như mang chút hơi hướm thể điệu của Ý Thức Mới trong Văn nghệ và Triết học của một tác giả mới nổi tiếng Phạm Công Thiện (1941-2011).

Mối duyên thơ của tôi với Bàng Bá Lân không ngờ gặp lại hôm nọ trên Internet.

Tôi tình cờ đọc được một bài thơ khác của Bàng Bá Lân trên trang web "Chim Việt Cành Nam"
http://chimvie3.free.fr/83/huongcau/huongcau_BangBaLan_Doi_083.htm

Bài thơ dài 116 câu (viết năm 1957) ghi lại một biến cố lớn năm 1945, tức là nạn đói khủng khiếp do quân đội Nhật gây ra:

Năm Ất Dậu, tháng ba, còn nhớ mãi
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!...

Đây là một bài thơ phóng sự có giá trị lịch sử trong văn học Việt Nam.

Người giới thiệu trên trang web chimviet3.free có nhã ý dẫn làm mào bài thơ trên của Bàng Bá Lân bằng mấy câu tôi dịch thơ chữ Hán của Cao Bá Quát:

Củ củ thùy gia tử, 
Y phá, lạp bất hoàn,
Thúc tòng nam phương lai 
Hướng ngã tiền đầu than...
(Đạo phùng ngạ phu)

Lủi thủi ai đi đó,
Áo rách nón tả tơi.
Chợt từ phía nam lại,
Đến ta than mấy lời…
(Trên đường gặp người đói)

Ông thầy Việt văn của tôi năm đệ Nhị, dạy cho tôi ham đọc Truyện Kiều chẳng hạn, chính là thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1915-1976).

photo wikipedia: Bàng Bá Lân (1912-1988)

Bây giờ nhớ lại, tuy chưa bao giờ theo học Bàng Bá Lân (1912-1988), tôi cũng mạo muội tự coi như là học trò ông.

















Tuesday, March 5, 2024

đọc lại một bài thơ hay của Nghiêm Xuân Hồng


Tuần trước đọc được 2 bài thơ hay của Nghiêm Xuân Hồng (1920-2000) 
đăng trên FB Gió-O Hải Ngoại.


Đọc đoạn đầu bài Độc Đăng Đài, lại gặp ngay cái tên Sartre, 
cái tên ám chướng từ những năm đầu du học tại Pháp, 
nhất là vào năm 1972, đang diễn ra cuộc hòa đàm về chiến tranh 
Việt Nam tại Paris, mở đường dẫn đến biến cố tháng Tư 1975.

… Vừa lúc nãy, hắn đi qua mấy cái sạp lồng kính bày bán báo
Thấy đăng tải 1 giòng tin: Sartre, giant of philosopher, dies
Hắn lẩm bẩm: Thì ra y đã chết, đã chết, nhà triết gia của những 
con ruồi Hy Lạp
Nhưng không hiểu chết ra sao?
Hay lại chết trong một cơn lucidité đầy mê mê muội muội?
Hắn thầm nghĩ tay này có qúa nhiều chất não.
Đã nhìn thấy cái rỗng - không của tâm - thức con người
Nhưng không biết đường nhập vào cái không - hư ấy
Nên rút cuộc, chỉ vẽ ra một mê đồ vọng - tưởng
Rồi sa lầy trong đó như con ruồi mắc lưới nhện tơ!

Năm 1970, du lịch ở vùng Bretagne-Normandie, 
do bộ Văn Hóa Giáo Dục Pháp tổ chức, dành cho các sinh viên 
ngoại quốc được học bổng của chính phủ Pháp. Ngạc nhiên làm sao, 
khi vừa bước xuống xe car, gặp ngay một anh bạn cùng promo sang 
Pháp với tôi, tay cầm xấp báo do Jean-Paul Sartre chủ trương, 
miệng rao không ngớt: 
La Cause du Peuple! S’il vous plaît! Achetez La Cause du Peuple!”. 
Anh bạn tôi đó đúng là một đại biểu cho tinh thần phản chiến, chống 
Đế quốc Mỹ, ủng hộ Mặt trận Giải Phóng Miền Nam thời bấy giờ.
 
photo Internet: cặp Sartre-Beauvoir bán báo 
"La Cause du peuple" trên đường phố Paris, năm 1970

Đọc lại mấy câu đầu bài thơ Nghiêm Xuân Hồng:

Thấy đăng tải 1 giòng tin: Sartre, giant of philosopher, dies
Hắn lẩm bẩm: Thì ra y đã chết, đã chết, nhà triết gia của những 
con ruồi Hy Lạp
Nhưng không hiểu chết ra sao?
Hay lại chết trong một cơn lucidité đầy mê mê muội muội?

image Internet: bìa sách vở kịch "Những Con Ruồi"

Ờ, "Những Con Ruồi" là nhan đề một vở kịch của Jean-Paul Sartre (1905-1980). Ông ta là triết gia kiêm nhà văn, đã được trao giải Nobel (1964). 

Nhưng bộ não đầy chất xám ấy không hiểu sao lại cùng bà bồ Simone de Beauvoir (1908-1986) hì hục tuyên truyền cho ý thức hệ Mác-Lê?

Nghe nói, vào những ngày cuối đời, mắt đã mù, ông ta nhờ người đọc cho nghe truyện Thủy Hử. Đó là truyện 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, nổi lên chống lại triều đình độc đoán nhà Thanh. Không biết triết gia Sartre có sáng mắt ra chưa?

Nhẩn nha đọc lại trọn bài thơ lần nữa.

ĐỘC ĐĂNG ĐÀI
.
Chiều chiều, hắn lững thững tản bộ tới đó là y như thấy mỏi cẳng.
Có lẽ nơi đó có mấy lùm cây um tùm rậm rạp
Trông mát rượi, mà hắn thì thích lùm cây.
Nơi đó có mấy bức thềm tam cấp
Của ngôi nhà thờ Methodist Church.
Nên hắn hay ngồi trên thềm
Hút thuốc phì phèo nghĩ ngợi vẩn vơ
.
Vừa lúc nãy, hắn đi qua mấy cái sạp lồng kính bày bán báo
Thấy đăng tải 1 giòng tin: Sartre, giant of philosopher, dies
Hắn lẩm bẩm: Thì ra y đã chết, đã chết, 
nhà triết gia của những con ruồi Hy Lạp
Nhưng không hiểu chết ra sao?
Hay lại chết trong một cơn lucidité đầy mê mê muội muội?
Hắn thầm nghĩ tay này có qúa nhiều chất não.
Đã nhìn thấy cái rỗng - không của tâm - thức con người
Nhưng không biết đường nhập vào cái không - hư ấy
Nên rút cuộc, chỉ vẽ ra một mê đồ vọng - tưởng
Rồi sa lầy trong đó như con ruồi mắc lưới nhện tơ!
.
Ngồi nơi đây, hắn lặng nhìn quang cảnh buổi chiều chủ nhật.
Phía trước mặt là chiếc sân trống nhà trường
Chỉ có mấy đứa nhỏ cầm chầy đương quật bóng base ball
Quang cảnh buồn nản, trống vắng, ngắc ngoải
Vì những ngày cuối tuần tàn rỗi, và mai là ngày thứ 2
Ngày mai thì mặt trời vẫn mọc, nhưng mặt trời của lầm than
"... Các người sẽ phải đổ một bát mồ hôi
Để đổi lấy một khúc bánh mì..."
Đó là lời dạy chua xót của một bậc có nét mặt thiên thần
Nói vọng lại từ miền sa mạc Galilee
Ôi! Khúc bánh mì nâu hay bát cơm đỏ quạch
Thì cũng đồng một vị nhọc nhằn cay đắng...
Chợt nhìn thấy trên vách nhà thờ một tờ khuyến tấn
Có hàng chữ in to bằng nắm tay:
Be awake
Jesus will come again
Đó là một điệp khúc tín giải vững vàng
Hay chỉ là ảo-ảnh hy-vọng tương tự như chiếc cầu vồng 
khí ánh dương xuyên làn mưa bụi?...
Nhưng loài người trên trái đất hình như nhọc nhằn qúa rồi
Và đã chia thành 2 phe rõ rệt:
Một đa số thì bị đày ải, đói khát, rã rời, kinh hoàng như 
một lũ ứng viên địa ngục
Còn 1 thiểu số thì mê loạn: cuồng điên, nghiền máu 
và mùi thuốc súng như một đàn qủy đầu thai
Nên con người đành phải nhắc lại điệp khúc: 
Let Thou Come Again
Nhưng các bậc Thần Linh hình như còn lẩn mặt
Có lẽ chán nản vì mùi xú khí nồng nặc của loài người
Nên chưa chịu chìa bàn tay có ngàn mắt để độ trì cứu chuộc...
Bao giờ đây? Bao giờ đây?
.
Hắn nghĩ lan man, nhớ tới mấy lời trong kinh L'Ecclesiaste:
"Hư Không của Hư Không.... Tất cả chỉ là Hư Không..."
Nếu vậy, thì những niềm thống khổ kia cũng chỉ là hư không sao?
Như vậy, thì hơi đâu mà nhỏ lệ than van?...
Bỗng nghe những nhịp chân chạy lạch bạch
Thì ra một cặp vợ chồng trẻ
Mặc quần ngắn phô cặp đùi phốp pháp
Đương cùng nhau chạy bộ theo kiểu đường trường
Theo sau là một con chó lông xù thỉnh thoảng kêu lên ăng ẳng
Cả bọn qua rồi lại thấy một cô gái đi tới
Giầy vải, quần tím buộc túm mắt cá
Tóc vàng, mắt xanh, môi đỏ
Đôi vú căng phồng dưới làn áo có in mấy chữ Handle with care
Nét mặt mãn nguyện về tấm hình hài
Hắn ngẩn ngơ hồi lâu suy tư về đôi vú của Eva
Rồi bùi ngùi tự hỏi:
Không lẽ hai trái đồi tươi mát ấy lại chính là rừng rậm của khổ đau?
Không lẽ 2 trái cấm địa đàng ấy lại là Không Hư cả sao!?
.
Lòng hắn chợt vui lên: một con chim gáy đang đủng đỉnh khoan thai
Bước những bước nhỏ qua mặt đường nhựa
Rồi leo lên lề cỏ
Hắn nhìn kỹ con chim có bộ lông mầu hồng phơn phớt
Lần đầu tiên, hắn thấy con chim có phong thái
Ung dung tao nhã như cô gái không đẹp nhưng có phong tư
Con vật bước lăng xăng trong cỏ, chẳng biết định đi đâu....
Vừa lúc ấy thì cặp vợ chồng chạy bộ
Chắc đã qua hết lộ trình nên vòng trở lại
Con chó thấy hắn ngồi lù lù bất động
Bèn dừng lại, vểnh mõm sủa gâu gâu
Nó sủa một cách chân thành tin tưởng
Khiến hắn nẩy tình thương con vật
Nên nhủ thầm:
Này chó, đừng nên sủa nữa
Đừng nên thêm thắt những âm thanh vô nghĩa vào 
cái vũ trụ đã qúa vô nghĩa này
Nếu mi cứ tiếp tục sủa như vậy
Thì cái nghiệp chó của mi vẫn cứ dằng dặc triền miên
Hãy chịu khó suy tư một chút
Và cầu xin chuyển thân thành 1 hình hài khác thì hơn
Còn 2 ông bà chủ mi nữa
Nếu chỉ biết nâng niu chi chút cái mảnh hình hài bị thịt
Thì ngàn vạn năm nữa, trái đất này vẫn mãi mãi
Ly-loạn-loạn-ly
.
Hắn ngồi đã thấy ê đít, nên uể oải đứng dậy
Ngước mắt nhìn 1 lần nữa tờ giấy trên tường
Jesus will com again
Rồi bước đi.
Nhưng ra tới đầu đường lại nhìn thấy con chim gáy
Con vật không đi lăng xăng nữa, mà đương nằm phủ kín 2 chân
Nó nằm yên ổn, bình thản giữa vũ trụ quay cuồng
Đôi mắt nhỏ tròn, hiền hoà lấp loáng như 2 chấm mực.
Người và chim nhìn nhau, nhưng con vật vẫn không nhúc nhích
Tròng mắt long lanh như thoáng một nụ cười thầm...
Hắn bỗng lẩm bẩm: Biết sao được! Biết sao được!
Có thể, có thể lắm, HE will come again
Rồi hắn bước vòng xuống mặt đường để nhường lối cho chim

Nghiêm Xuân Hồng
(báo Đất Mới, Seattle, số 195, ngày 29-2-1984)

Mời xem 1 phút video hai con chim nhún nhảy cho vui:


https://vnexpress.net/doi-chim-nhun-nhay-tren-duong-4353958.html

Hôm qua (04/03/2024) đi dạo dọc bờ sông Seine từ Pont de Sully tới 
Pont de la Tournelle, đi vòng quanh nhà thờ Notre-Dame 
đang sửa chữa sau vụ hỏa hoạn 2019. 
 
Lòng vui phơi phới, không biết có phải vì nhớ tới đoạn cuối bài thơ.

Kèm theo đây mấy tấm hình chụp làm kỷ niệm, 
hình như vô tình minh họa cho bài thơ, — đọc hoài không chán.

Pont de Sully: dưới gầm cầu là những túp lều 
dành cho những kẻ không nhà (sdf = sans domicile fixe)

Notre-Dame de Paris: vài du khách đứng chụp hình

Pont de l'Archevêché: cô gái chạy jogging và 
một người dẫn chó đi dạo bờ sông

Pont de la Tournelle

Petit Pont: Notre-Dame đang sửa chữa

những mái lều cho những kẻ không nhà

bouquinistes: lục xem sách cũ ở đây, biết đâu tìm được mấy cuốn của Jean-Paul Sartre



chuẩn bị khai mạc Thế Vận Hội 2024



(photos dtk 2024 mars)

















Friday, February 9, 2024

đá cá lăn dưa

 
Đọc xong đầu đề bài toán đố, xơ Agnès đứng dậy, lấy tay vén tà áo tu màu trắng bước xuống bục gỗ, đi thẳng lại sau lưng chỗ Là ngồi ở dãy bàn đầu. Là tập trung tinh thần cố gắng hiểu từng câu từng chữ đề bài. Những con số quay mòng mòng trong óc Là, tối hu hu như đêm 30 Tết. Không quay đầu lại nhưng Là vẫn cảm thấy sự hiện diện của bà xơ đè nặng trên mình. Lần nào cũng vậy, tới giờ toán, Là khổ sở hết sức. Biết Là dở toán, xơ Agnès bắt Là ngồi ở hàng ghế đầu để kèm ráo riết...
— Đọc lại đầu bài coi!
Là giật bắn người, vội vàng lầm rầm đọc lại bài toán đố không biết đến lần thứ mấy. Một lúc sau thấy Là lại làm thinh không phản ứng gì cả, xơ Agnès nóng nảy vạch ngang dọc ngón tay trỏ lên cuốn tập của Là, cắt nghĩa:
— Lấy cái nầy nhơn với cái nầy rồi chia với cái kia. Bộ không hiểu sao?
— Dạ hiểu...
— Rồi sao nữa?
— ...
Sau cùng thì bà xơ làm trọn bài toán đố, Là chỉ còn phận sự lò dò chép lại lời giải. Lúc bà xơ trở lên bàn viết, Là mới cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Là liếc mắt nhìn lên thấy xơ Agnès sửa nhẹ lại sợi dây lưng thắt lấy cái eo thon của bà trước khi nhẹ nhàng ngồi xuống ghế. Là lại bắt gặp dáng điệu quen thuộc đã thấy nhiều lần, xơ Agnès vừa nghiêng mái đầu, hơi chúm miệng cười với bóng mình trong tấm gương tròn nhỏ, đặt trong lòng bàn tay bà trên lớp khăn lụa mỏng.
Xơ Agnès thương Là lắm vì tánh ngay thiệt. Có gì sai bảo, xơ cũng kêu đến Là, đem hồ sơ cho mẹ bề trên, mang giấy tờ cho cha làm lễ ở bên nhà thờ, cạnh trường nội trú. Nhiếu lần xơ dẫn Là sang gặp cha, hai người rù rì nói chuyện rất lâu...
Trường làng ở Củ-Chi trình độ kém mà bà ngoại lại cho Là đi học thiệt trễ. Hồi mới vào nội trú trường dòng Thánh Phao-Lồ ở Lái-Thiêu nầy, Là bết bác quá cỡ. Là nhớ ơn xơ Agnès hoài hoài, nhờ có xơ kèm toán mà năm lên lớp Nhứt, Là không bị đuối. Cuổi năm thi Tiểu-học, Là mừng húm vì đề thi toán quá dễ, Là làm xong bài trước giờ hạn định. Tội nghiệp con nhỏ ngồi sau lưng, nó cứ đá bịch bịch vào ghế Là ngồi. Là cố ý ngồi nghiêng mình qua một bên. Con nhỏ chép lia lịa...
Trường nội trú tỉnh nhỏ rất nghèo, mà học trò nhiều đứa mồ côi được miễn học phí, các xơ phải nuôi heo, gà, vịt... làm thức ăn cho học trò. Có cả mấy con gà tây, dưới cổ lủng lẳng miếng da gai gai đỏ máu, lông đen, đuôi cong phồng lên, tiếng ục ục như mấy bà đầm. Đến bữa cơm, Là thường thích ăn cá. Những miếng cá hoặc làm mắm, hoặc chiên, hoặc kho, thịt săn chắc ăn hoài không ngán. Một hôm tình cờ, Là buột miệng hỏi Thu, con nhỏ bạn thân:
— Cá ở đâu ra đó mậy?
— Cá tra ở ngoài cầu đó.
— Ẹ ẹ...!
Là hoảng hồn phun cơm đang nhai trong miệng tung tóe ra bàn. Con Thu cười ngất. Í ẹ, mấy con cá Là ăn thì ra vớt ở trong ao chỗ đi tiêu nhà trường. Là nhớ một lần bị bịnh nóng sốt dữ dội, xơ Agnès nói với con Thu:
— Kêu nó xuống đây!
Bà bắt Là uống cạn một ly đầy thuốc xổ, mặn chát. Bịnh gì thì bịnh, uống thuốc xổ. Là đi cầu mấy bữa, cứt đen thui, mới rớt xuống mặt nước xanh rêu, lũ cá tra đã ào ào nhào lại rỉa rói, trong nháy mắt không còn gì nữa...
Gần Tết, xơ Agnès dẫn học trò ra chợ. Đó là những ngày vui nhất, rau trái ê hề. Là thích ăn những chùm củ sắn, lột lớp vỏ vàng còn dính đất để lộ ra cơm trái trắng nuốt, cắn vào dòn rụm, mát rượi ngọt tan trong cổ họng. Thiệt đã khát dưới trời nắng cháy chang chang. Nhiều vô kể là những núi dưa hấu cao ngất xếp thẳng hàng từ gian chợ này nay sang gian chợ kia. Những trái dưa hấu tròn to, màu xanh lục xậm, láng mướt làm quên đi cái nóng rát miền Nam. Thỉnh thoảng, một trái bổ đôi phơi lòng đỏ thắm...

photo: https://thanhnien.vn/cho-dua-hau-sai-gon-sat-tet-van-vang-khach-1851036390.htm

Lũ học trò ríu rít theo sau bà xơ dẫn đầu.
— Dạ chào «xưa» mạnh giỏi!
Xơ Agnès dừng chân bắt chuyện với một người nhà quê bán trái cây. Là chợt cảm thấy cái gì tròn tròn man mát dưới chân. Chưa kịp phản ứng, con Thu đã ghé vào tai thì thầm: «Chuyển ra phía sau!» Là làm theo như cái máy. Vừa thích thú vừa hồi hộp... Tánh Là không lấy của ai bao giờ. Một lần bắt gặp một đứa bạn cùng lớp chụp được một trái xoài tượng của ai bỏ quên, Là hỏi nó:
— Của mầy sao?
— Không. Lấy đại ăn chơi...
Con nhỏ gọt vỏ trái xoài còn xanh, chấm muối ớt vừa ăn vừa xuýt xoa, hỏi:
— Mầy ăn không?
 Hông.
Là trả lời, nước miếng ứa ra...
Nhưng lần «ăn trộm» nầy, Là không thấy sợ. Vả lại, ở thế chẳng đặng đừng. Liên tiếp năm sáu trái dưa hấu được lăn về phia sau, xen lẫn với những tiếng cười khúc khích.
Trên đường về trường nội trú, lũ học trò hè nhau đập những trái dưa hấu vào đất cứng, bể đôi, đưa lên miệng cạp ngồm ngoàm, kín cả mặt mũi.
Xơ Agnès sửng sốt hỏi:
— Dưa tụi bây mua hồi nào vậy?
Một đứa ngừng ăn, ngóc mỏ dính đầy dưa hấu đỏ trên má trên mũi, vừa cười vừa trả lời:
— Dạ, tụi con lăn.
Bà xơ lắc đầu, chắc lưỡi:
— Tụi bây về nhớ xưng tội, nghe hông!

Đặng Thế Kiệt
(Bordeaux, 28.05.1985)




Ghi chú
photo: dtk@hdc.com

Bài này đã đăng trên tạp chí Quê Mẹ số 67, tháng Chín năm 1985. Chỉ xin đổi lại nhan đề, từ "lăn dưa" trở thành "đá cá lăn dưa". Cf. Tham khảo.













Tham khảo

https://www.facebook.com/Saigontrongtraitimtoi/posts/2230139670648018/
Sài Gòn trong tim tôi

Đá cá lăn dưa 
Gần Tết thấy bán dưa hấu chợt nhớ câu thành ngữ trên. Người Nam Kỳ gọi những thằng láo cá lưu manh, kiểu như ăn giựt, tiểu yêu trong xóm làng là cái đồ "đá cá lăn dưa".
Đây là câu thành ngữ rất dễ hiểu.
Đá cá là gì: Không phải là đá cá lia thia. Có nhiều thằng láo cá trong xóm làng đi ra chợ, chổ mấy bà bán cá mà đang bận bịu khách đông. Thấy cá trong tràng trong thau mà nhảy ra ngoài đất thì dùng chưn đá con cá đi xa xa, xong lại bắt con cá đó về ăn khỏi phải tốn tiền. Có khi nó giả đò mua cá, lợi dụng đông khách nó hất cá từ trong thau ra ngoài.
Lăn dưa: Canh lúc tết, khi mấy cái chành dưa chất đống mà người chủ lo bán hoặc mỏi mệt, trời hồi xưa không có đèn điện, chỉ xài đèn hột vịt nên tối lờ mờ, thằng láo cá và bè đảng của nó sẽ dùng chân đá những trái dưa gần đường đi ra xa rồi ôm về nhà ăn khỏi phải mua. 
Hồi xưa chỉ có dưa hấu tròn nên đá rất dễ. Một khu chợ đêm Tết có chừng 15 gian hàng bán dưa hấu, đá mỗi chành một trái là tết đó có 15 trái dưa ăn rồi. Biết thế nên chành dưa bán Tết thường có một người phía trong một phía ngoài để canh.

Nguyễn Gia Việt



Monday, January 29, 2024

Mơ ơi!


Ăn cơm xong, vợ chồng Hoàng ra ngồi hóng mát bên gõc cây sồi điển điển.
— Ô kìa! Con rùa! Con rùa!
Tiểng Lành thảng thốt làm Hoàng giật mình quay đầu lại, nhìn theo tay vợ chỉ. Trên sân cỏ nám vàng, nắng hè chói chang, thoạt đầu hoa mắt chàng không nhìn ra gi cả. Lành bước ra, để sát ngón tay vào một khối đen đen vàng vàng. Lúc đó Hoàng mới nhận ra quả thực có một con rùa, to hơn một bàn tay người lớn, đang gậm nhấm một trái chín rụng dưới gốc cây mơ. Con rùa trông dễ thương quá! Chàng bảo vợ:
— Lành vào kêu hai đứa nhỏ ra coi.
Nàng chắc cũng nghĩ như chồng, lật đật đi kiểm hai đứa con. Không phải đợi lâu, đã nghe tiếng ngưởi chạy lạo xạo trên sân sỏi từ nhà trước ra nhà sau.

photo: Internet

— Đâu? Đâu? Con rùa đâu?
Hai đứa nhỏ, một gái một trai, đua nhau hỏi rối rít. Con rùa cảm thấy bị đe dọa, bỏ trái mơ đang gặm dở, lủi chạy. Ai bảo «chậm như rùa». Con này nhanh gớm! Loáng một cái nó đã tới chân bụi trúc đào gần đó. Hoàng vội xòe tay nắm lấy cái mai, đặt con rùa vào giữa bãi cỏ. Hai đứa nhỏ thích chí cười vang. Con rùa càng thêm hoảng hốt, vừa được thả ra là cắm đầu chạy nhào về hướng mấy khóm cây um tùm. Chốc chốc, Hoàng lại phải chụp lấy nó bỏ vô giữa sân. Hải, — đứa con trai nhỏ sắp lên 10, — bắt đầu dạn dĩ, lấy hai tay khệ nệ bưng con rùa để về chỗ cũ, mỗi lần nó chạy ra xa. Hai ba lần, con rùa ngã chổng cẳng lên trời giãy giụa...
Hoàng trở vô nhà lấy máy chụp hình kỷ niệm. Con rùa này coi bộ không thích chụp hình. Mỗi lần Hoàng đưa máy lên nhắm, sẵn sàng bấm nút thì nó lại thụt đầu vô mai hoặc xoay mình đi hướng khác. Sau cơn kinh hoảng ban đầu, con rùa bây giờ bớt sợ, bò vô bụi dâu nhồm nhoàm ăn nốt mấy trái chín đỏ còn sót lại. Rồi lại bò tới đám rau sam, ngốn lá rào rạo. Lành nhận xét:
— Bộ nó bị bỏ đói hay sao mà ăn nhiều vậy!
— Ăn no khát nước, — Hoàng nói.
Hoàng bốc con rùa bỏ vô bồn tắm cho trẻ nít, không biết của ai để trên sân gạch. Bồn chứa sẵn nước, — chắc nước mưa đọng lại. Bốn người ngồi vây quanh, cười đùa chỉ trỏ. Con rùa cứ loi ngoi ngóc đầu ra khỏi mặt nước. Bé Yến, chị của Hải, nói:
— Chắc đây là loài rùa đất.
Hoàng đổ con rùa ra sân cỏ. Nó lò dò đi tới khu vườn hồng. Mới trung tuần tháng bảy mà hoa đã tàn gần hết, chỉ còn trơ lá và gai. Con rùa lại lấm nhấm ăn mấy lá rau sam lan đầy mặt đất. Lành bàn:
— Có thể là rùa hàng xóm đi lạc.
Gia đình Hoàng đến đây nghi hè. Ngôi biệt thự họ đang ở là do cha mẹ vợ cho mượn. Hoàng nói:
— Biết ai mà trả. Mai hỏi ông già xem sao.
Lành nhìn ra ngõ, thấy bóng người lui cui đang kiểm cái gì trong mấy lùm cây. Nàng nói để ra hỏi có phải họ đánh lạc con rùa chăng. Hai đứa nhỏ lo ngại ra mặt, sợ không giữ được con rùa. Nhưng không ai mất rùa cả.
Chơi một hồi cũng chán, hai đứa nhỏ bỏ đi chỗ khác. Vấn đề của Hoàng bây giờ là làm sao canh giữ được rùa. Vợ chàng tìm được một cái thùng gỗ đựng trái cây khá lớn. Hoàng úp thùng lên con rùa rồi chận trên một khúc củi to. Hoàng một minh ngồi ngắm rùa. Nhìn kỹ, mai nó chạm trổ ô vuông to, cạnh bốn phân. màu vàng viền đen, nổi vân tuyệt đẹp. Hoàng để ý con rùa cứ ngoai cổ đưa đầu ló ra mấy cái lỗ hổng. Ngó hai con mắt đen hinh trăng khuyết, buồn buồn, Hoàng động lòng trắc ẩn. Nhớ chuyện cổ tích thời thơ ấu. Có chàng thư sinh một hôm gặp người chài lưới được con rùa vàng rất đẹp. Chàng đem lòng thương xót, bỏ tiền mua, thả rùa về biển. Đêm ấy, có thần báo mộng rằng rùa đó là hoàng tử thần Kim Quy, đền ơn chàng cứu mạng, giúp chàng thi đỗ Trạng nguyên...
Tổi lên giường ngủ, Hoàng nói với vợ:
— Này Lành biết đâu không phải rùa thần.
Vợ chàng cười:
— Ồ, làm gì có chuyện hoang đường.
Đêm hôm đó, không có thần nào về báo mộng cả.
Sớm hôm sau, ông cha vợ nghỉ hè cách đó chừng 50 cây số, về nhà tìm cần câu cá, nhân tiện ghé thăm gia đình con rể. Hoàng kể chuyện con rùa, ông cho biểt ở vùng Provence-Côte d'Azur này người ta bắt được là thường.
Gần mười giờ sáng hai đứa nhỏ mới thức giấc. Vừa mở mắt, quên cả ăn sáng, đứa con trai chạy ra vườn tìm rùa rồi đem ra chơi trên sân sỏi. Con rùa bị lật tới lật lui đến tội nghiệp. Hoàng nói:
— Này Hải! Con có thích ai đem con lật lên lật xuống như vậy không?
Lúc đó, thằng bé mới gượng nhẹ với con rùa hơn một chút. Hoàng thấy con chơi như vậy không tiện, đi tìm một khúc dây dài ba thước. Chàng thắt hai vòng chung quanh thân rùa như một gói quà, còn đầu dây kia buộc vào gốc cây mơ. Nhưng con rùa kéo đi kéo lại một hồi, sợi dây lại tuột ra. Chàng theo lời khuyên của ông cha vợ, lấy máy điện khoan vào mai rùa một lỗ gần đuôi. Mai rùa rất cứng, và có lẽ chàng sợ rùa bị thương nên khoan không lủng. Tiểng máy é lên nhức óc làm thằng nhỏ xót ruột:
— Thôi! Bố đừng khoan nữa.
Sau cùng Hoàng nghĩ ra một cách. Chàng ra sau nhà, đẩy ba xe bù-ệt đầy củi đòn lớn bằng hai báp vế đàn bà, ra khu vườn hồng. Những cây củi dùng đốt suởi mùa đông. Chàng sắp bên cạnh những gốc hồng thành một cái chuồng lớn, chu vi hơn l0 thước. Thế mà con rùa chưa thỏa mân. Vừa bỏ vô nó đã hì hục gồng mình đủn mấy khúc gỗ to. Hoàng đứng cả giở xem nó xoay xở ra sao. Cử thế, con rùa đi hết một vòng, ra sức đẩy gỗ tìm lối thoát.
Nhưng rõ ràng là những khúc cây nặng quá sức rùa. Nhiều lần, nó thử leo hai chân trước lên khúc gỗ tròn nhưng đành bỏ cuộc. Không khéo đưa bốn vó lên trời, chỉ còn phương chờ chết. Hoàng yên tâm để hai đứa con chơi, không lo xổng mắt rùa.
Buổi chiều, trước khi đi tắm biển, chàng kiểm soát kỹ lưởng cái chuồng. Con rùa nằm im như một hòn đá dưới một hốc cây.
Trên đường lái xe ra biển, chàng vui miệng hỏi các con đã đặt tên cho rùa chưa. Hải muốn gọi rùa là Caroline, như trong một sách hình của nó. Chị Yến nó gạt đi bảo phải tìm ra một tên mới lạ. Lành nói:
— Kêu nó là Rùa cho rồi!
Cả nhà phì cười vì cái tên làm biếng đó. Hoàng đề nghị đặt tên «Mơ», — vì đã gặp rùa dưởi gốc cây mơ. Vấn đề đặt tên chưa ngả ngũ, mọi ngưởi đã bàn sang chuyện làm sao đem về nuôi ở vùng Paris. Lành tính mua rào và đá tảng làm chuồng cho rùa ở trong vườn. Hoàng lo ngại không biết khí hậu lạnh Paris có thích hợp với con rùa quen nóng ở miền Nam nước Pháp này không. Nhưng ra tới biển thì mọi ngưởi quên hết chuyện rùa, chạy ùa xuống nước.
Tắm biển xong về nhà, chưa kip đem phơi mấy tấm khăn ướt, Hoàng bỗng nghe tiếng vợ con xôn xao từ khu vưởn hồng vọng lại:
— Con rùa đi mất rồi! Con rùa đi mất rồi!
Chàng vội vàng chạy lại. Con rùa đã biến mất. Chàng nhìn kỹ từng góc kẹt, không thấy dấu vết con rùa đâu cả. Lạ nhất là những khúc củi không bị xê dịch chút nào. Bấy giờ Hoàng mới tin lời ông cha vợ là đúng. Giống rùa đất ở đây rất tài tình, chúng đến đi, biến hiện bất ngờ, ngưởi ta không biết đưởng nào mà canh giữ... Cả nhà chia nhau lục lọi trong những bụi cây. Khu vưởn rộng thênh thang đầy những bụi trúc đào nở hoa ba màu rực rỡ, — hồng, trắng, đỏ —, những khóm hoa bát tiên hinh cầu ba ngưởi ôm không xuể. Rồi trúc, sung, lựu... xum xuê. Vưởn này tiếp sang vườn kia gần như không ranh giới. Hoàng đứng trên sân thượng nhìn ra xa, không thấy nhà, chỉ thấy toàn một màu xanh lục của thông, khuynh diệp và sồi điển điển chạy dài tới biển.
Tiếng đứa con khóc tấm tức từ một bụi hoa vẳng lại làm Hoàng bồi hồi thương cảm. Song, đồng thời, một niềm vui len nhẹ vào lòng. Mơ đã tìm lại tự do. Mọi sự diễn ra tốt đẹp, đúng như chàng thầm uớc ngay lần đầu gặp gỡ. 
Mơ ơi!


Đặng Thế Kiệt
Saint-Tropez, tháng 7 1986
(QUÊ MẸ SỐ 80 - THÁNG 4. 1987)




Ghi chú

Ở đây ghi lại nguyên văn bài đã đăng trên tạp chí Quê Mẹ số 80 tháng 4-1987.

Năm 2020 khi chưa tìm được bản gốc trên báo Quê Mẹ năm 1987, đã viết lại hoàn toàn theo trí nhớ, có thể đọc theo link sau:




 

Saturday, January 27, 2024

Ông đồ của Vũ Đình Liên (1936) và người bộ đội già bán rế tre (2024)

 
Bài thơ hoài cổ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên là một bài thơ mà tôi rất thích, đọc lần đầu trong sách giáo khoa Việt văn năm đệ Lục (khoảng năm 1962). Thích đến nỗi, khi kèm học em trai ở nhà, tôi dạy nó 8 câu đầu:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”


Image: https://download.vn/doan-van-cam-nhan-ve-nhan-vat-ong-do-50013

Nhưng không thể nào nói hết được nỗi niềm thất vọng mênh mông, khi đọc tin sau biến cố tháng Tư 1975, Vũ Đình Liên theo phái đoàn Tố Hữu từ Bắc vô Nam. Trong một đêm “họp mặt văn nghệ” với các nhân vật miền Nam, Vũ Hoàng Chương đã được mời tham dự. Đề tài được đưa ra là mấy câu thơ của Tố Hữu (đã làm để khóc Stalin khi ông này chết vào năm 1953):
 
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười

Sau lời thẩm định dứt khoát của Vũ Hoàng Chương về bài thơ này (vô giá trị, — vì hoàn toàn dối trá), Vũ Hoàng Chương bị bắt. Và chết năm 1976 ở Gác Bút, nhà riêng của ông, sau khi được ra khỏi ngục Chí Hòa. Tham khảo: (*1)

Hôm qua, tình cờ xem được trên Internet Facebook, tấm hình chụp một người bộ đội già ngồi bán rế tre ở một góc đường hình như ở Hà Nội, tôi liên tưởng ngay đến bài “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên.


photo: Facebook
Năm nay đào sắp nở
Chợt thấy ông đội già
Bày rế tre giấy đỏ
Bên đường xe chạy qua

Không thấy người ghé lại
Hỏi xem bán gì đây:
"Rế tre đẹp lắm đấy
Ai đan thật khéo tay"

Nhưng sao hàng thưa vắng
Người làm bếp nay đâu?
Giấy đỏ cuộn chi lắm
Nón cối buồn cúi đầu

Bộ đội già ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Bụi đường rơi trên giấy
Trên đường ô-tô bay

Vũ Đình Liên, ta hỏi:
Làm thơ ông đồ xưa
Nay Chủ Nghĩa Xã Hội
Thiên đường sao vẫn chưa?

(2024-01-26)




Ghi chú

ô-tô: thông dụng tại miền Bắc. Trở nên rất phổ biến tại miền Nam sau 1975. Trước đó, người miền Nam thường dùng từ "xe hơi". (*2)


Tài liệu tham khảo

(*1)
https://vietbao.com/a314954/nha-tho-vu-hoang-chuong-nhung-he-luy-cuoi-doi#:~:text=Nhà%20thơ%2C%20nhà%20giáo%20Vũ,17%20tháng%209%20năm%201976.
Vương Trùng Dương
(Little Saigon, Feb 14, 2023)

(*2)
https://fr.wiktionary.org/wiki/ô_tô
ô tô:
Étymologie
Du français auto [1].
Nom commun 
Automobile; voiture; auto.
Synonymes
xe hơi
Paronymes
ô-tô
Références
Free Vietnamese Dictionary Project, 1997–2004 → consulter cet ouvrage
[1] Mark J. Alves. 2011. Loanwords in Vietnamese. In Martin Haspelmath and Uri Tadmor (eds.), Loanwords in the world’s languages: a comparative handbook, 617-637. Berlin: Mouton, page 637.




Wednesday, January 17, 2024

đi chợ trời mưa

 Sáng nay trời lạnh và mưa, đến khu chợ trời phố Tàu trước siêu thị Paris Stores, thấy vắng teo.
Thường thường ở đây, trên vỉa hè rộng, trải dài khoảng một trăm mét, lúc nào cũng lố nhố kẻ đứng người ngồi, bán rau cỏ bánh trái tấp nập.
Tôi để ý ngay một bịch giấy to, đựng đầy bánh mì, đặt trên một bờ tường thấp, trước lối vào những cửa tiệm trên lầu.
Một ông sư khất thực, mặc áo nâu sồng, đứng bên trái, nói với tôi câu gì nghe không rõ. Nhưng nhìn ánh mắt của ông, tôi hiểu ý ông bảo tôi đây là của bố thí, ai muốn lấy ăn thì lấy. Ở đây, người ta chết lạnh chứ không chết đói.
Nhà sư này tôi thấy lần đầu. Từ hơn hai chục năm nay, tôi vẫn gặp ngay chỗ ông đứng, hoặc bên gốc cây đối diện, một bà sãi mặc áo cà sa màu nghệ "đóng đô" thường trực ở chợ trời này.
Hình như tôi chưa biết bố thí bao giờ, nên hỏi ông sư: 
"Thầy ở chùa nào vậy?"
Ông sư đáp: 
"Không có chùa nào hết."
Vì không có sẵn thức ăn trong tay, tôi hỏi:
"Dạ, bố thí bằng gì được?"
Ông sư nói gì không rõ, nhưng tôi hiểu là cho tiền cũng nhận. Tôi moi ví, còn tờ 5 euros, bỏ vào cái khay bằng đồng nhà sư vừa đưa ra. Nghe ông lí nhí nói cảm ơn.
Tôi theo nhà tôi đi lên lầu theo những hành lang tiệm ăn, nhà bán thịt, cửa hàng nữ trang, v.v. 
Chợt thấy trong tủ kính một món hàng ngộ ngộ. Thoạt nhìn, tưởng là một bình trà bằng sứ. Nhưng xem cái mõm con heo mở tròn xoe, thì không hợp lý. Đọc lõm bõm mấy chữ Nhật trên hông con heo sứ trắng, mới hay cái này dùng để cắm nhang bắt muỗi mùa hè. Giữa trời đông giá, bán đồ dùng cho trời nóng nực, kể cũng lạ.

(viết tiếp 2014-01-18 12:08)

Hai vợ chồng dẫn nhau ra ngoài sân thượng, rẽ qua hành lang bên trái, đến quán Phở 13. Dạo này, nhà tôi làm biếng nấu bếp, chúng tôi thường ra ăn ngoài tiệm. Cả mấy chục nhà hàng ăn món Việt ở Paris, chúng tôi đã đến gần hết. Giở tới giở lui tờ thực đơn, quanh đi quẩn lại mấy món chả giò, phở bò, chả cá Hà Nội, bún bò Huế, mì Quảng, bánh tôm Hồ Tây, v.v., riết không biết chọn gì nữa. Ăn xong, xuống lại avenue d'Ivry, đi về phía tiệm Khai Trí, nhà tôi vào mua hai khúc bánh mì sandwich kiểu Việt Nam, đem về nhà để dành ăn tối.
A, cái tiệm Khai Trí này, cách đây hơn 10 năm, còn là quán sách tiếng Việt cuối cùng ở Paris. Chẳng biết cái tên có liên quan gì với nhà sách Khai Trí đường Lê Lợi Sài Gòn trước 1975. Nơi mà tôi thường say mê đến coi sách cọp thời xưa ở trung học. Tuy nhiên bây giờ, trong tiệm ở đây, vẫn còn một quầy nhỏ bày bán vài chục cuốn sách cũ kỹ từ mấy mươi năm trước. Nhớ năm ngoái, tôi tình cờ mua được cuốn tiểu thuyết Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh của Lê Thị Huệ (Gió-O, 1987), giá 6.50 $. Tôi  thấy truyện rất hay, kể lại thời kỳ tác giả đang theo học ở Đại Học Văn Khoa Đà Lạt trước sau biến cố 1975. Dưới hình thức "hư cấu lập thể", theo lời kể của một nhân vật phái nam tên Quang, ghi lại không khí lãng đãng lãng mạn của Đà Lạt sương mù, trong những ngày tháng đó, với những bạn trẻ đó, nhìn nhân vật nữ chính trong truyện là Mỵ Ánh, — một sinh viên văn chương xinh đẹp, đam mê, sôi nổi, sống với sự thật không nhân nhượng
Tôi nhớ mãi đoạn cuối, Mỵ Ánh lúc đó đang đứng bán ở một chợ trời Sài Gòn, nói với Quang, hình như chỉ ít lâu trước ngày Mỵ Ánh vượt biển sang Mỹ: 
Ánh xòe tay ra. Bàn tay của nàng gầy và xanh. Vành môi nhấp nhô. Cười nửa miệng. Nói với một giọng trầm trầm nhưng vẫn ào ạt như ngày nào.
— Phải đùa một tí vậy mới được, Ánh nói. Đời sống có khi phải biết đùa giỡn tí xíu vậy mới mỉm cười được vào những nghịch lý của nó, mới tha thứ nổi cho mình, rộng lượng nổi với đời. Có gì đâu. Còn hơi thở là còn đường binh mà. Bạn thân.

Chúng tôi ra về, qua avenue de Choisy. Vỉa hè loang loáng nước mưa, dưới hàng cây trụi lá. Nhà tôi mang dù đi lút thút dưới mưa, bóng ngày vút qua như mộng. 
Chợt nhận thấy hai đứa đã bước vào mùa đông cuộc đời. Ờ thì xuân, hạ, rồi thu...
Bài blog chưa xong, đăng trên Facebook. Cô bạn nhà văn ở Le Havre vô đọc và viết một câu tuyệt cú mèo cuối năm Quý Mão:
Trời tuyết lạnh nhà nước kêu nằm nhà mà ông đi chợ!
Mua được gì chưa, thơ mấy câu? 
Vắng người lui tới chợt dâng sầu.





Ghi chú
photos dtk 2024-01-17



Tuesday, December 12, 2023

cánh chim mùa thu


photo 2023 dtk@hdc.com


Sáng nay lái xe đưa nhà tôi có việc ở Montparnasse, tôi đậu xe và đi bộ ra nhà ga trong khi chờ đợi.
Chỉ còn hơn mười ngày nữa là tới Noël, người ta tấp nập sửa soạn đi về tụ họp với người thân. Một con chim bồ câu bay vút lên cao trời mây xám.
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
Hai vợ chồng dẫn nhau đi ăn trưa ở một tiệm Nhật gần đó. Tiệm ăn nhỏ, nhưng sạch sẽ, lại trang trí hoa đèn, mang không khí giáng sinh. Nhìn qua cửa kính, xe cộ và người qua lại, mang dù hay không, ũm thũm dưới mưa, với hàng cây lá vàng run rẩy.
Nhà tôi muốn ghé siêu thị Thanh Bình Jeunes ở gần Porte de Choisy quận 13. Siêu thị này lụp xụp so với những siêu thị lớn của người Tàu. Nhưng nhà tôi bảo ở đây có bán bưởi xanh chở máy bay từ Việt Nam sang.
Tôi đứng lớ ngớ trong sân đậu xe. Bỗng một ông già tóc trắng, râu ria tua tủa, rõ ràng một người thuộc loại "kẻ không nhà", — tiếng Pháp gọi là sdf (sans domicile fixe) —,  lại trước mặt tôi, quơ tay múa chân nói năng lia lịa.
Ông ta vạch áo, phơi hai cánh tay, lưng, bụng và hai ống chân, sần sùi như da cóc. Tôi cố gắng nghe, vì ông ta nói tiếng Pháp với giọng, hình như của người Đông Âu thì phải, rất nặng tai. 
Định thần một lúc, thì tôi hiểu ông ta muốn xin tiền mua thức ăn và mua thuốc chữa bệnh ung thư. Ông kể lể có mấy đứa cháu nhỏ, sống chui rúc trong một xó xỉnh gần đây.
Tôi nghĩ đến một đoạn trong tiểu thuyết Notre-Dame de Paris của Victor Hugo. Vào thời trung cổ, ở đảo Cité giữa dòng sông Seine, có những tên giả làm ăn mày, mù mắt, què tay, thọt chân, v.v., đứng các ngả đường, ban đêm về xóm, ca hát nhảy múa chửi bới nhau trong những quán rượu hàng ăn.
Tôi lấy tờ giấy bạc mười euros đưa cho ông già sdf, nhưng ông ta lắc đầu bảo không đủ mua hộp thuốc. Tôi moi túi được thêm năm euros. Ông ta cầm lấy và bảo tôi đi với ông ra một tiệm pharmacie người Tàu trên đường cạnh đấy, vẫn thường bán cho ông, tên thuốc gì đó tôi nghe không rõ.
Tôi không tỏ vẻ nghi ngờ gì cả, nhưng ông ta dẫn tôi ra một góc tường, tụt quần rớt xuống đất, lộ nguyên bộ mông trắng và hai ống chân ghẻ lở, bảo tôi chụp hình. Câu văn của Vũ Trọng Phụng bỗng lọt về trong trí nhớ: "chiếc quần lĩnh đánh tròng." Ở đây chẳng có cái quần lĩnh nào cả. Ông già sdf kéo quần lên, mở cái bụng phồng da cá sấu cho tôi xem thêm.
Vào tiệm pharmacie, người bán thuốc có vẻ quen mặt ông già sdf, nhưng một mực nói không có thuốc kia. Ông già sdf bảo tôi cùng đi đến một pharmacie khác ở Porte d'Italie, cách đó 5 phút đi bộ, vừa đi vừa kể huyên thiên chuyện thái tử Siddartha nào đó, từ bỏ vua cha, ngồi bảy năm dưới gốc bồ đề, rồi bay lên trời. Hóa ra ông ta cũng biết chuyện về đức Phật ngày xưa của nhà văn Hermann Hesse.
Trên vỉa hè loang loáng nước mưa, ngang qua một cái thùng rác, trông thấy một cái áo blouson ai bỏ, ông ta cầm lấy, đo lên mình phía trước phía sau, coi bộ không vừa ý nên vứt trở lại. Nhiều lần ông ta đưa tay cho tôi bắt, tôi cũng hơi ớn ớn vì sợ lây bệnh.
Rốt cuộc đến chỗ pharmacie thứ hai, vào trong, mấy nhân viên bán thuốc người da đen đều tỏ vẻ nhận ra ông. Ông ta nói tên thuốc và bảo muốn mua hai hộp. Tôi hỏi giá mỗi hộp là 36 euros vài chục centimes, bảo ông già lấy ra 15 euros tôi cho lúc nãy và tôi sẽ dùng thẻ tín dụng trả thêm, cho đủ tiền mua một hộp thôi. Ông ta chỉ đưa ra 10 euros. Người bán thuốc nói với tôi tháng nào ông này cũng làm một mửng như vậy.
Tôi bỏ ông ta ở đấy, đi về siêu thị Thanh Bình Jeunes, đúng lúc nhà tôi vừa gọi điện thoại tìm tôi.
Một người già trong công viên
Một người điên trong thành phố...
trích: Ngày Dài Trên Quê Hương
Có những kẻ co kéo chữ nghĩa hay thế nhỉ, — những tay "phù thủy ca từ". Nhưng tài mà để làm gì? Đem cho những thế lực quỷ quái tinh ma, xí gạt nhân dân, đưa đẩy đất nước vào vòng lao lụy không lối thoát, gần nửa thế kỷ rồi? 
"Có tài mà cậy chi tài, 
Chữ tài liền với chữ tai một vần."
(Nguyễn Du)


Ghi chú

Gia Tài Của Mẹ

Trước 1975, nghe bài hát này, tuổi trẻ Miền Nam mất hết lòng tin, không còn tinh thần chiến đấu.
Sau 1975, cả nước Việt Nam rơi vào chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, mất hết độc lập tự do. Nghe lại bài này thấy lời lẽ vẫn đúng.
Nhắm đúng vào những kẻ chủ trương gây cuộc chiến tranh tương tàn, dù bây giờ thắng cuộc, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cái "Tai Họa đổ xuống dân tộc Việt Nam", đã gần nửa thế kỷ rồi.

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một rừng xương khô
Gia tài của mẹ, một núi đầy mồ
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Nước Việt xưa
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
Gia tài của mẹ, nhà cháy từng ngàn
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một bọn lai căn
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Nước Việt xưa
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù



(dtk, 2023/12/13)