Saturday, August 5, 2017

mất quê hương



Hôm đó, vợ chồng tôi đang ngồi trong quán ăn Au Vieux Saigon, avenue d'Ivry quận 13 Paris. Chợt có một cặp già nhỏ nhắn lại ngay bàn bên cạnh. Nhà tôi bỗng nhìn đăm đăm người đàn bà lớn tuổi, rồi ngập ngừng nói: — Dạ, có phải là chị Thu Tâm không ạ?

Người đàn bà khựng lại nhìn nhà tôi, và rồi tỏ vẻ nhận ra nhau.

Từ nhiều năm qua, nhà tôi hay nhắc đến những kỉ niệm thời học trò ở Saigon. Vào những năm cuối trung học đệ nhất cấp ở trường Regina Pacis, ở trọ nhà cô bạn con gái nhạc sĩ Bửu Lộc, nổi tiếng trên Đài Phát Thanh Saigon. Và nhờ đó quen biết ca sĩ Thu Tâm. Chị Thu Tâm thỉnh thoảng làm ca sĩ trong những buổi tối ca nhạc tổ chức tại nhà riêng của nhà đàn tranh Bửu Lộc, trong một ngõ hẻm trên đường Phan Thanh Giản. Khách tham dự thường là mấy tướng tá người Huế.

Người đi kèm chị Thu Tâm trong tiệm ăn hôm đó lại chính là Lê Văn Hảo.


Mấy hôm sau, cặp Thu Tâm - Lê Văn Hảo nhận lời đến thăm chúng tôi. Vào nhà tay bắt mặt mừng. Một cách rất tự nhiên, bốn người xếp thành hai cặp nói chuyện với nhau: chị Thu Tâm và nhà tôi tạo thành một cặp, Lê Văn Hảo và tôi thành cặp thứ hai.

Hai người đàn bà huyên thiên nói gì với nhau, sau lần gặp mặt đó nhà tôi mới kể lại một phần cho tôi biết. Riêng cặp Lê Văn Hảo và tôi, thì Lê Văn Hảo nói nhiều hơn và tôi gần như chỉ lắng nghe.

Không ai bảo ai, đề tài nói chuyện xoay quanh "trường hợp Lê Văn Hảo" trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế. Tôi chỉ đọc lần đầu tiên đến cái tên Lê Văn Hảo, trong cuốn tiểu thuyết hồi kí Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca. Lê Văn Hảo lặp lại nhiều lần: "Họ đã bombardé tôi vào chức đó, chứ nào tôi có muốn làm."

Cái chức vụ mà Lê Văn Hảo nói đến ở đây, chính là chức "Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên – Huế" khi quân cộng sản Bắc Việt tấn công Huế năm Mậu Thân 1968. Lê Văn Hảo trầm giọng kể cho tôi nghe kỉ niệm xưa. Hồi đó, quân đội Pháp cưỡng chiếm nhà cha mẹ ông làm tổng hành dinh.

Thế mà ông lại say mê cô con gái của viên sĩ quan trưởng đóng tại nhà.

Rồi một đêm, người mẹ của Lê Văn Hảo nhảy xuống giếng trong vườn. Để lại mấy lời trăn trối: Mẹ đau quá con ơi, đau không chịu nổi... Ông Lê Văn Hảo nói mẹ ông bị bệnh ung thư tử cung. Ông ấy còn nhắc lại lời mẹ bắt ông phải hứa không bao giờ lấy đầm làm vợ. Vừa kể ông ấy vừa rơm rớm nước mắt làm tôi cũng mủi lòng.

Thế rồi câu chuyện chuyển sang thời kì Lê Văn Hảo được đưa về Bắc. Cả mười năm trời, không phải làm gì hết, lại được nuôi cho đi thăm viếng khắp các miền non nước.

Ông ấy đem một tập giấy hơn hai chục trang chụp photocopie từ những bài đăng trên báo Thông Luận ở Paris khoảng năm 2007, cùng với lời viết tay nắn nót trên bìa cứng: 


Lê Văn Hảo
Tiến sĩ Dân tộc học, nguyên hội viên Société Asiatique de Paris
MẤY NÉT VIỆT NAM ĐẸP TƯƠI MUÔN THUỞ
Bản riêng tặng cô R. & anh K.
L.V.H. và Thu Tâm
Mùa Xuân tháng 3/2009

Hôm đó, Lê Văn Hảo nói ước vọng của ông hoàn thành tác phẩm, dày khoảng 800 trang.

Chỉ cần đọc nhan đề 13 bài viết trên đây là đủ nhớ da diết quê hương nghìn dặm:




Bản đồ Việt Nam
Mũi Cà Mau
Chòm Lũng Cú
Ao Bà Om
Hương Sơn - Chùa Hương
Hòn Non Nước
Nha Trang
Đà Lạt
Vũng Tàu
Yên Tử
Vườn Chim, Sân Chim, Tràm Chim
Lời cảm ơn của tác giả
Cùng một tác giả (danh mục tác phẩm)

Tôi đã đọc mấy bài này, rất thú vị. Lời văn trong sáng, đượm tình yêu nước non dân tộc.

Không nhớ trong hoàn cảnh nào, chúng tôi bốn người đứng trong sân siêu thị Thanh Bình Jeunes ở gần Porte de Choisy. Siêu thị này là của một người trong nước làm chủ. Theo một người bạn học cùng trường xưa ở Việt Nam, người chủ này là họ hàng với tiệm Thanh Bình kì cựu ở Place Maubert Paris từ mấy chục năm về trước. Trước 1975, hầu như dân Việt cả nước Pháp và cả Âu châu đều về đây mua thức ăn rau trái Việt Nam. Sau 1975, cửa tiệm này thất thế dần dần vì bị các siêu thị lớn của người Tàu (Tang Frères, Paris Store, ...) đè bẹp. Riêng siêu thị Thanh Bình Jeunes này chuyên bán các thực phẩm đem từ Việt Nam sang (thay vì phần lớn nhập cảng từ Thái Lan như các siêu thị của người Tàu), và đặc biệt còn có mấy ngăn hàng bán sách báo Việt Nam in trong nước.
 

Lúc đó, tôi hơi ngạc nhiên thấy Lê Văn Hảo đến trò chuyện với một người Pháp, khoảng 40-50 tuổi, rõ ràng mang dáng dấp của một SDF (sans domicile fixe) như người Pháp nói bây giờ, tức là một loại clochard truyền thống ở Paris ngày xưa: áo quần xốc xếch, hai gò má lộ ra những tia máu đỏ của những người nghiện rượu. Trông thái độ hai người như thầy trò với nhau. Điều tôi lấy làm lạ, người Pháp này nói được tiếng Việt khá sỏi. Anh ta bảo với tôi rằng trong siêu thị đang bày bán mấy tạp chí có bài của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hóa ra, cứ mãi quanh quẩn với mấy nhân vật trí thức ngày xưa: Trịnh Công Sơn, Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, v.v.

Mấy hôm nay, tôi tìm được trên Internet mấy bài phỏng vấn Lê Văn Hảo và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cả hai chối bai bải không chịu nhận có dây dưa gì trong cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế. Cả hai nói, khi đó họ đều ở trên núi, không hề tham gia quyết định trong trận chiến. Họ quá lắm chỉ tự coi là bù nhìn.

Năm 1996, lần đầu tiên về thăm quê hương sau biến cố 1975, tôi ra xem hai tiệm sách lớn ở Saigon đường Nguyễn Huệ và đường Tự Do (cũ), chỉ rặt thấy bán những sách: hồi kí của Trần Văn Khê, nhạc của Trịnh Công Sơn, tiểu thuyết của Sơn Nam, sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ngoài ra, còn có một số sách của Nguyễn Hiến Lê. Nói tóm lại, đều là những người được chế độ mới ưu đãi.

Gần như cả cuộc đời trên mặt đất tôi chỉ là một kẻ mất quê hương.

Từ mấy chục năm nay, tôi chỉ có một câu hỏi quay quắt trong đầu:

Một cá nhân Hồ Chí Minh, xảo quyệt dường nào đi nữa, nếu không có những bộ hạ, và nhất là những tay "trí thức" loại "trung lập", "chủ hòa" hoặc "thành phần thứ ba", cộng với sự hỗ trợ đắc lực của hàng triệu những bác sĩ, giáo sư, thi sĩ, kĩ sư, tu sĩ... —những "tên khờ có ích" (idiots utiles), thì làm sao có thể đưa đẩy đất nước và dân tộc Việt Nam vào con đường vô vọng ngày nay?