Monday, April 24, 2023

Vĩnh biệt Lê Văn Hảo


Tác giả: Thi Vũ (1935-2023)

Lời dẫn của bloggerDưới đây xin đăng lại nguyên văn bài viết nhan đề như trên, với phụ đề "tài liệu lịch sử lần đầu tiên được công bố" trên website gio-o.com vào cuối tháng Hai năm 2023: 
http://www.gio-o.com/ThiVu/ThiVuVinhBietLeVanHao.pdf
Hoàn toàn đồng ý với 4 chữ "tài liệu lịch sử". Vì riêng cái tên Lê Văn Hảo (của người chính được nói đến trong bài) tự nó đã đi vào lịch sử, đặc biệt là trong vụ Thảm sát Mậu Thân (1968) ở Huế. Thi Vũ Võ Văn Ái, khi kể lại kỷ niệm của mình với Lê Văn Hảo — từ những năm mài đũng quần dưới mái nhà trường đến thời kỳ họ gặp lại nhau tại Pháp, có lúc cùng nhau hoạt động —, đã nhắc đến vài nhân vật có liên quan với lịch sử Việt Nam hôm nay, nhất là về biến cố 30 tháng Tư 1975, thời điểm mà cả miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) đã bị sáp nhập với miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) dưới chế độ độc tài Cộng Sản. Đó là: Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khắc Viện và Võ Thanh Minh.

www.gio-o.com

Trích dẫn một bài Thi Vũ gửi riêng cho Đặng Thế Kiệt (thư đề ngày 18 juin 2018). Thi Vũ thảo bài này nhân đọc một trang blog của tôi viết về Lê Văn Hảo. Sau đây tôi cắt phần đầu không trực tiếp liên quan với đề tài. Xin gửi đến cô Lê Thị Huệ Gió-O, tùy nghi sử dụng, trong bối cảnh Thi Vũ Võ Văn Ái vừa mất (26/01/2023).

(…)
Bài Đặng Thế Kiệt viết ngày 5 tháng 8 năm 2017 về Lê Văn Hảo trên Trang nhà Bóng Ngày Qua của Kiệt dưới đề mục “Mất Quê hương” như sau :
« Hôm đó, vợ chồng tôi đang ngồi trong quán ăn Au Vieux Saigon, avenue d'Ivry quận 13 Paris. Chợt có một cặp già nhỏ nhắn lại ngay bàn bên cạnh. Nhà tôi bỗng nhìn đăm đăm người đàn bà lớn tuổi, rồi ngập ngừng nói:
— « Dạ, có phải là chị Thu Tâm không ạ?
« Người đàn bà khựng lại nhìn nhà tôi, và rồi tỏ vẻ nhận ra nhau.
« Từ nhiều năm qua, nhà tôi hay nhắc đến những kỉ niệm thời học trò ở Saigon. Vào những năm cuối trung học đệ nhất cấp ở trường Regina Pacis, ở trọ nhà cô bạn con gái nhạc sĩ Bửu Lộc, nổi tiếng trên Đài Phát Thanh Saigon. Và nhờ đó quen biết ca sĩ Thu Tâm. Chị Thu Tâm thỉnh thoảng làm ca sĩ trong những buổi tối ca nhạc tổ chức tại nhà riêng của nhà đàn tranh Bửu Lộc, trong một ngõ hẻm trên đường Phan Thanh Giản. Khách tham dự thường là mấy tướng tá người Huế.
« Người đi kèm chị Thu Tâm trong tiệm ăn hôm đó lại chính là Lê Văn Hảo.
« Mấy hôm sau, cặp Thu Tâm - Lê Văn Hảo nhận lời đến thăm chúng tôi. Vào nhà tay bắt mặt mừng. Một cách rất tự nhiên, bốn người xếp thành hai cặp nói chuyện với nhau: chị Thu Tâm và nhà tôi tạo thành một cặp, Lê Văn Hảo và tôi thành cặp thứ hai.
« Hai người đàn bà huyên thiên nói gì với nhau, sau lần gặp mặt đó nhà tôi mới kể lại một phần cho tôi biết. Riêng cặp Lê Văn Hảo và tôi, thì Lê Văn Hảo nói nhiều hơn và tôi gần như chỉ lắng nghe.
« Không ai bảo ai, đề tài nói chuyện xoay quanh "trường hợp Lê Văn Hảo" trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế. Tôi chỉ đọc lần đầu tiên đến cái tên Lê Văn Hảo, trong cuốn tiểu thuyết hồi kí Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca. Lê Văn Hảo lặp lại nhiều lần: "Họ đã bombardé tôi vào chức đó, chứ nào tôi có muốn làm."
« Cái chức vụ mà Lê Văn Hảo nói đến ở đây, chính là chức "Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên – Huế" khi quân cộng sản Bắc Việt tấn công Huế năm Mậu Thân 1968. Lê Văn Hảo trầm giọng kể cho tôi nghe kỉ niệm xưa. Hồi đó, quân đội Pháp cưỡng chiếm nhà cha mẹ ông làm tổng hành dinh.
« Thế mà ông lại say mê cô con gái của viên sĩ quan trưởng đóng tại nhà.
« Rồi một đêm, người mẹ của Lê Văn Hảo nhảy xuống giếng trong vườn. Để lại mấy lời trăn trối: Mẹ đau quá con ơi, đau không chịu nổi... Ông Lê Văn Hảo nói mẹ ông bị bệnh ung thư tử cung. Ông ấy còn nhắc lại lời mẹ bắt ông phải hứa không bao giờ lấy đầm làm vợ. Vừa kể ông ấy vừa rơm rớm nước mắt làm tôi cũng mủi lòng.
« Thế rồi câu chuyện chuyển sang thời kì Lê Văn Hảo được đưa về Bắc. Cả mười năm trời, không phải làm gì hết, lại được nuôi cho đi thăm viếng khắp các miền non nước.
« Ông ấy đem một tập giấy hơn hai chục trang chụp photocopie từ những bài đăng trên báo Thông Luận ở Paris khoảng năm 2007, cùng với lời viết tay nắn nót trên bìa cứng:


Lê Văn Hảo, Tiến sĩ Dân tộc học, nguyên hội viên Société Asiatique de Paris
MẤY NÉT VIỆT NAM ĐẸP TƯƠI MUÔN THUỞ
Bản riêng tặng cô R. & anh K.
L.V.H. và Thu Tâm
Mùa Xuân tháng 3/2009

« Hôm đó, Lê Văn Hảo nói ước vọng của ông hoàn thành tác phẩm, dày khoảng 800 trang.
« Chỉ cần đọc nhan đề 13 bài viết trên đây là đủ nhớ da diết quê hương nghìn dặm:

Bản đồ Việt Nam
Mũi Cà Mau
Chòm Lũng Cú
Ao Bà Om
Hương Sơn - Chùa Hương
Hòn Non Nước
Nha Trang
Đà Lạt
Vũng Tàu
Yên Tử
Vườn Chim, Sân Chim, Tràm Chim
Lời cảm ơn của tác giả
Cùng một tác giả (danh mục tác phẩm)

« Tôi đã đọc mấy bài này, rất thú vị. Lời văn trong sáng, đượm tình yêu nước non dân tộc.
« Không nhớ trong hoàn cảnh nào, chúng tôi bốn người đứng trong sân siêu thị Thanh Bình Jeunes ở gần Porte de Choisy. Siêu thị này là của một người trong nước làm chủ. Theo một người bạn học cùng trường xưa ở Việt Nam, người chủ này là họ hàng với tiệm Thanh Bình kì cựu ở Place Maubert Paris từ mấy chục năm về trước. Trước 1975, hầu như dân Việt cả nước Pháp và cả Âu châu đều về đây mua thức ăn rau trái Việt Nam. Sau 1975, cửa tiệm này thất thế dần dần vì bị các siêu thị lớn của người Tàu (Tang Frères, Paris Store, ...) đè bẹp. Riêng siêu thị Thanh Bình Jeunes này chuyên bán các thực phẩm đem từ Việt Nam sang (thay vì phần lớn nhập cảng từ Thái Lan như các siêu thị của người Tàu), và đặc biệt còn có mấy ngăn hàng bán sách báo Việt Nam in trong nước.
« Lúc đó, tôi hơi ngạc nhiên thấy Lê Văn Hảo đến trò chuyện với một người Pháp, khoảng 40-50 tuổi, rõ ràng mang dáng dấp của một SDF (sans domicile fixe) như người Pháp nói bây giờ, tức là một loại clochard truyền thống ở Paris ngày xưa: áo quần xốc xếch, hai gò má lộ ra những tia máu đỏ của những người nghiện rượu. Trông thái độ hai người như thầy trò với nhau. Điều tôi lấy làm lạ, người Pháp này nói được tiếng Việt khá sỏi. Anh ta bảo với tôi rằng trong siêu thị đang bày bán mấy tạp chí có bài của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hóa ra, cứ mãi quanh quẩn với mấy nhân vật trí thức ngày xưa: Trịnh Công Sơn, Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, v.v.
« Mấy hôm nay, tôi tìm được trên Internet mấy bài phỏng vấn Lê Văn Hảo và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cả hai chối bai bải không chịu nhận có dây dưa gì trong cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế. Cả hai nói, khi đó họ đều ở trên núi, không hề tham gia quyết định trong trận chiến. Họ quá lắm chỉ tự coi là bù nhìn.
« Năm 1996, lần đầu tiên về thăm quê hương sau biến cố 1975, tôi ra xem hai tiệm sách lớn ở Saigon đường Nguyễn Huệ và đường Tự Do (cũ), chỉ rặt thấy bán những sách: hồi kí của Trần Văn Khê, nhạc của Trịnh Công Sơn, tiểu thuyết của Sơn Nam, sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ngoài ra, còn có một số sách của Nguyễn Hiến Lê. Nói tóm lại, đều là những người được chế độ mới ưu đãi.
« Gần như cả cuộc đời trên mặt đất tôi chỉ là một kẻ mất quê hương.
« Từ mấy chục năm nay, tôi chỉ có một câu hỏi quay quắt trong đầu:
« Một cá nhân Hồ Chí Minh, xảo quyệt dường nào đi nữa, nếu không có những bộ hạ, và nhất là những tay "trí thức" loại "trung lập", "chủ hòa" hoặc "thành phần thứ ba", cộng với sự hỗ trợ đắc lực của hàng triệu những bác sĩ, giáo sư, thi sĩ, kĩ sư, tu sĩ... —những "tên khờ có ích" (idiots utiles) —, thì làm sao có thể đưa đẩy đất nước và dân tộc Việt Nam vào con đường vô vọng ngày nay? ».

(theo sau là phần cuối bài viết của 
Thi Vũ Võ Văn Ái)

Lê Văn Hảo là bạn học thời tôi trẻ ở Huế.

Hồi cư về năm 1947, trường trung học Khải Định ở Huế bị quân đội Pháp chiếm. Chúng tôi phải học tạm trong mấy gian chuồng ngựa tân trang thành lớp học ngoài đồng An Cựu. Thời gian ngắn sau dời qua trường Chaigneau, một trường trung học Pháp, gần Khách sạn Morin và sở bưu điện. Được một thời gian mới về hẳn Trường Đồng Khánh vốn là trường nữ trung học, nay phân nửa cho nữ sinh, phân nửa cho nam giới, do Thầy Nguyễn Hữu Thứ làm Hiệu trưởng học sinh nam.

Thời gian này tôi hoạt động bí mật trong đoàn Học sinh Kháng chiến của Việt Minh. Một hôm, Vĩnh Sum phụ trách bạo động trong đoàn nhờ tôi cất hộ 5 trái lựu đạn. Mang về giấu trong nhà dưới gầm giường, không may bị cha tôi phát gíac. Chẳng nói chẳng rằng ông mang đi vất, rồi nói với tôi : « Tao ghi tên cho mi lên học trường trung học Pèlerin (trường của các Sư huynh Thiên chúa giáo), không học Khải Định nữa ! » Tôi quyết liệt không chịu, lấy cớ mình là Phật tử không học trường đạo. Vài ngày sau ông đấu dịu, đánh vào tâm lý trẻ con của tôi : « Mi lên học Pèlerin cho yên ổn, tao mua cho chiếc xe đạp. » Số là thời gian ấy tôi mơ xe đạp như các bạn học đồng lứa. 

Nhưng tôi cũng chẳng vừa, báo cáo lên đoàn chuyện gay cấn cha mẹ bắt bỏ trường Khải Định nơi tôi đang hoạt động với nhiều kế hoạch. Lệnh ở « trên » (chẳng biết trên nào, ở đâu, ai) chỉ thị tôi chấp nhận học Pèlerin để hoạt động, vì « bọn trên đó  khá phản động với kháng chiến, chẳng phản ứng chi tới tình hình đất nước ». « Trên »  nhắn vậy. Thế là tôi vừa có xe đạp vừa tiếp tục « kháng chiến » ! Và cũng từ khi nhập học, hàng tuần xuất hiện truyền đơn kháng chiến ở Pèlerin, chuyện chưa hề xẩy cho các Frères (Sư huynh).

Ở Pèlerin tôi ngồi bàn đầu cạnh Hảo. Chúng tôi cùng  nhau đánh bạn. Hảo láu táu sính nói, ngay lúc Frère (tức Sư huynh đứng lớp) đang giảng bài. Hảo nói, tôi nghe, vậy mà lần nào Frère Archange cũng phạt cả ai đứa. Bãi lớp học trò ra về, hai chúng tôi phải vào Nhà Nguyện đọc kinh Đức Mẹ, khi ba chục lần, khi năm chục, có khi lên 100 lần. Vào Nhà Nguyện, Hảo lại nói chuyện tía lia không đọc kinh, hoặc chọc cười tôi Hảo đọc Lạy ông thánh Phê-rô thành Lạy ông thánh Xia-rô… May Frère Archange không đi đi lại lại quan sát như thường khi, có ông chắc chúng tôi sẽ phải đọc kinh suốt đêm.

Hảo con ông Lê Văn Tập, một phú gia ở Hàng Bè có môn bài bán gạo, muối. Hảo hay rủ tôi ghé nhà. Căn nhà rộng thinh, lạnh lẽo, tăm tối, chất những bao gạo hay muối. Tôi ngạc nhiên thấy xây một phòng nhỏ tí, bốn bề tường xi măng xám xịt chừa khung cửa nhỏ, nơi Hảo vào học bài. Hỏi mới biết bị ông thân phạt. Hảo bảo trước kia ở trên lầu. Vì hay qua phòng chị thăm, chị cùng cha khác mẹ, mà « chị đẹp lắm », theo lời Hảo. Sau này qua Pháp Hảo kể trước khi rời nước đến chào từ giả bà chị này, lúc đó đã thành bà Đào Đăng Vỹ. Buổi trưa bà nằm trần truồng trên giường tuyệt đẹp khiến Hảo xao xuyến, mất hồn. Đời Hảo thiếu tình thương, vì mẹ Hảo, bà thứ hai trong nhà, đã trầm mình xuống giếng quyên sinh khi Hảo còn nhỏ. Suốt đời Hảo thầm kín quyến luyến với mọi phụ nữ hiền dịu. Thời theo học ngành Dân tộc học ở Sorbonne, Hảo vào đạo Thiên chúa cũng vì nhan sắc một cô đầm sinh viên trong chuyến hành hương Phục sinh về nhà thờ Chartre theo truyền thống Charles Péguy.

Hai chúng tôi như có duyên nợ nên sau bao thăng trầm vẫn gặp lại nhau. Một hôm cơ quan An Ninh Huế đến trường Pèlerin bắt tôi. Nhưng các Frères can thiệp không muốn gầy động học sinh, yêu cầu chờ tan học tôi về nhà hãy bắt. Nhớ mãi sáng ấy tới giờ ra chơi, Frère Arsène người có cảm tình đặc biệt với tôi, ngoắc tay gọi lại nói chuyện. Frère bảo : « Ái, sao mày không lo học mà làm chính trị hở ? » Tôi cười đùa : « Frère nói chi lạ, con lo học có biết chính trị gì đâu ! » -- « Ừ tao báo cho mày biết, liệu cái thân đi con. ». Trưa ấy, đạp xe về tới nhà An Ninh đã ngồi chờ hốt đi. Đó là năm 1949. Từ đó tôi không còn gặp Hảo.

Tôi sang Pháp cuối năm 1955. Một hôm sau khi ngồi học ở Thư viện Saint Geneviève cạnh Panthéon ở Paris quận 5 cho ấm lúc sang đông, ra trạm tàu hầm/métro Luxembourg về phòng trọ. Lững thững trên bến chờ xe, bỗng gặp lại Hảo.  Mừng rỡ lấy địa chỉ nhau hẹn gặp lại chủ nhật. Hảo thuê nhà ở Bourg-la-Reine, ngoại ô Nam Paris. Tôi đến thăm thấy một ông tây con ăn mặc sạch sẽ, thắt cà vạt. Hôm ấy anh chuẩn bị bài thuyết trình hôm sau. Hảo trịnh trọng đi lui đi tới trong phòng, tay cầm giấy, mắt nghiêm trang theo chữ, giọng đọc uốn éo, diễn xuất trầm bổng. Từ đó chúng tôi thường gặp nhau. Sau này Hảo dọn lên ở Khách sạn Sommerard cạnh Sorbonne theo học Văn chương. Những lúc tôi sa cơ không nhà ở, Hảo cho tôi tá túc trong căn phòng chật hẹp. Khách sạn tây nhưng dành toàn phòng cho sinh viên Việt Nam thuê. Đêm Hảo ngủ trên giường, tôi kê nệm mỏng dưới chân giường. Có những tập tục tôi mới sang Pháp chưa quen. Mỗi sáng còn ngái ngủ, Hảo dậy đi tiểu, nhưng nhác ra phòng vệ sinh công cộng ở mỗi tầng. Một chân kẹp sát người tôi, một chân choàng qua tôi chống lên bồn rửa mặt đái một trận. Lúc đầu hơi ghê. Vừa là bồn rửa mặt vừa là bồn đái của cậu Hảo, sao có chuyện lạ đời. Nhớ bên nhà khi mẹ phơi áo quần giặt ngoài vườn, dặn tôi đi ngang không được bước dưới quần đàn bà. Nay tôi nằm dưới hạ bộ một cậu đàn ông.

Sau này Hảo theo Cộng sản Tết Mậu Thân gia nhập Liên minh, làm chức lớn ngang ngửa với Thị trưởng thành phố Huế. Mặt trận vỡ rút vào núi, Hảo ra Hà Nội mười năm ăn cơm báo cô, ngồi chơi xơi nước tại nhà Thống nhất dành cho cán bộ miền Nam. Hảo kể tôi nghe những năm vô tích sự ấy, ngày mấy bữa cơm, dự học các khoá chính trị duy vật sử quan, hay đi truyên truyền các nước bạn cho chế độ. Nhưng Hảo tiết lộ, mỗi đêm đều leo tường vào chốn « thanh lâu » với sự hướng dẫn của anh em nghệ sĩ ngoài nớ.

Tôi đọc trên tạp chí Études Vietnamiennes xuất bản ở Hà Nội bằng tiếng Pháp do ông Nguyễn Khắc Viện chủ trương, viết về tiểu sử Hảo. Có hai chuyện không đúng. Một bảo rằng thời nhỏ ở Huế, Hảo hoạt động cho Học sinh Kháng chiến là sai. Thuở ấy Hảo chơi thân với tôi, con nhà giàu, ham học, chẳng biết chi khác. Tình hình chiến tranh Pháp Việt, đất nước ngửa nghiêng chẳng bao giờ Hảo để tâm, tôi có đề cập cu cậu cũng dửng dưng. Sau này ở Pháp y cùng tâm trạng. Tôi đoán Hảo lấy trường hợp tôi ghép vào anh chăng ? Tiểu sử cũng ghi thời ở Pháp Hảo hoạt động cho « cách mạng ». Tôi ngờ lắm, vì bản tính Hảo yêu quê hương, sông nước, hát hò, nhưng bất chấp chuyện thời thế, hoạt động. Lúc sắp sửa trình luận án tiến sĩ để về nưởc, Hảo cưới vợ, mời tôi làm nhân chứng phụ rể. Vợ Hảo con một đại phú gia họ Nguyễn, có mấy chiếc tàu lớn mua từ Nam Tư, tay chân tín cẩn của gia đình ông Ngô Đình Diệm. Hảo đặt tên Kiều Giang cho con gái đầu lòng, ghép tên cô Kiều tài hoa với cô Giang cách mạng.

Giai đoạn duy nhất Hảo dấn thân mà tôi chứng kiến, là sau thời Phật giáo thành công cuộc tranh đấu cho tự do tín ngưỡng năm 63. Lúc ấy Hảo đến làm việc hằng ngày, rất hăng say, với Đoàn Sinh viên Phật tử Paris do tôi thành lập, trụ sở đặt tại số 55, đường Doudeauville, Paris quận 18. Nguyên do dính dáng « cách mạng », có thể là một hôm tôi dẫn Hảo cùng đi thăm ông Võ Thanh Minh, Huynh trưởng Hướng đạo kỳ cựu cùng lớp với các ông Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu… Thời ấy, ông Minh bị chính phủ Thuỵ Sĩ trục xuất sang Pháp, ông tá túc trong một vỏ xe van trơ trọi nằm trên ngọn đồi trọc ở thị trấn Villejuif, ngoại ô nam Paris. Chúng tôi vừa đến thì thấy ông bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, lãnh tụ Việt Kiều theo Hà Nội tại Pháp, vừa bước khỏi xe van từ giả ông Minh. Hai người đồng xứ Nghệ. Ông Minh giới thiệu ông Viện cho hai chúng tôi. Người cộng sản động viên nhân dân giỏi và có bài bản. Họ luôn ở thế kẻ đi săn, tuyệt đối không để mất con mồi. Nhử bằng tình cảm, họ lo lắng, chăm sóc, nhất là ai ở hoàn cảnh thất thế, thất nghiệp. Ông Viện thăm viếng thường xuyên ông Minh, nhờ dịch thuật một số bài vở, để lấy cớ giúp tiền. Ông Minh kể cho tôi nghe và nói về gia thế ông Viện. Trong nhà có hai anh em đi hai đường ngược chiều, một người làm tu sĩ Thiên chúa giáo, một người theo Cộng sản. Không ngờ dịp gặp gỡ ngắn ấy, ông Viện liền đuổi theo con mồi Lê Văn Hảo, móc nối Hảo để sau này về Việt Nam hoạt động trong Đại học Huế cho cách mạng.

Sau 75, nhiều lúc tôi nghĩ tới Hảo vì mường tượng nếu có Hảo tại Pháp chúng tôi sẽ kết hợp nhau vận động cho nhân quyền, tự do.
Thế rồi, một ngày bỗng nghe tin Hảo qua Pháp theo lời mời của các bạn Pháp ở Đại học Paris. Anh ở lại không về rồi xin tị nạn. Thời kỳ này tạp chí Quê Mẹ có cuộc phỏng vấn Hảo về nội tình Mậu Thân Huế. Bài phỏng vấn gây tức tối cho nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân cũng như Hà Nội. Nhân một lần qua Pháp, Nguyễn Đắc Xuân về viết bài đăng trên báo Văn Nghệ cuộc gặp Hảo tại Bảo tàng viện Louvre, cao ngạo tự đắc tả cho mọi người hiểu Giáo sư tiến sĩ Hảo xưa, nay chỉ là anh gác-dan Bảo tàng viện Louvre. Giọng điệu tiểu nhân đắc chí, không biết rằng ở Tây phương chẳng ai coi rẻ con người vì nghề nghiệp. Trong đám clochards nằm lề đường, dưới gầm cầu ở thành phố Paris có những kẻ học vị tiến sĩ, cử nhân. Ngày xưa Xuân là học trò của Hảo ở đại học Huế, nay học thói tình nghĩa Cộng sản xem thầy cũ như thứ nhân, vì thầy hết làm đồng chí. 

Sau này vài lần Hảo đến giúp chúng tôi dịch thuật tài liệu nhân quyền.
Đời Hảo long đong việc tình ái và sự nghiệp. Một người bạn dễ mến, có tình, nhưng hay thay đổi. Tôi ngờ rằng Hảo mất tình mẫu tử từ bé trong một gia đình phú gia bạc tình, khiến Hảo bơ vơ, khắc khoải. Hảo cứ phải tìm kiếm những điều phôi pha như bóng nước, ảo ảnh, trong khi cuộc đời thực tế đến phũ phàng, vốn chỉ biết « dụng nhân như dụng mộc ». Ai cũng là thợ mộc, chỉ con người hồn hậu, lạc loài như chúng ta mới bị dần dà biến ra cái đòn, chiếc ghế, nếu không là gông đeo kẻ tử tù.

Mấy năm tôi cố tìm Hảo. Nhưng chẳng thấy. Điện thoại không chuông ren. Thư viết chẳng hồi âm. Cho đến ngày nhận được bài viết năm 2017 kể trên của Đặng Thế Kiệt. Gọi điện hỏi Kiệt mới biết Hảo đã mất từ năm 2015. Cớ gì ? bệnh gì ? Chẳng ai hay biết.

Lòng tôi bùi ngùi, như có cái thót thốn tâm.

Vĩnh biệt Hảo, người bạn nhỏ trường Dòng Huế cạnh dòng Hương xa lắc.



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.