Saturday, September 9, 2023

Paris les bouquinistes


Hồi xưa học tiếng Pháp theo  sách của G. Mauger (*1) ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp, đọc đến bài mô tả những hàng bán sách trong rương bên bờ sông Seine (les bouquinistes), tôi thích quá.
Không ngờ mấy năm sau (tháng 12 năm 1968) được đến Paris. 
Chân ướt chân ráo, mới hôm thứ hai ở khách sạn Lutèce Paris 5, tôi rủ ngay một anh bạn đi khám phá thành phố. Tôi có 2 chỗ muốn coi trước nhất: tháp Eiffel và mấy hàng sách bouquinistes này đây.
Tôi còn nhớ rõ chữ "bouquiniste" cùng họ với chữ "bouquin", nghĩa là "cuốn sách". Hôm đó chúng tôi từ đường Berthollet đi về phía đường Saint-Jacques, thuộc quartier Latin (*2), ngóng theo ngọn tháp mà đi, khi thấy khi không, quanh co bao nhiêu đường ngang lối dọc. Buổi sáng hôm đó, mỏi nhừ hai cẳng, mà không đến chân tháp Eiffel. Về phòng, mấy anh sinh viên kỳ cựu ở Paris cười bảo tháp Eiffel cách xa khách sạn hàng mấy cây số, đi bộ sao nổi.
Bây giờ không nhớ tôi đến bờ sông Seine có bouquinistes lúc nào nữa. Nhưng cảm giác bồi hồi, — lần đầu tiên nhìn tận mắt những cái thùng gỗ màu xanh lá cây, bày dọc theo những bức tường đá thấp bên bờ sông —, tôi không bao giờ quên được. 
Sống và làm việc ở Paris gần nửa đời người, càng ngày càng gắn bó với chỗ này. Không biết tôi đã đi bao nhiêu lần rồi, theo dòng sông Seine từ Musée d'Orsay, qua trước mặt Musée du Louvre, ngang Pont Neuf rồi Pont des Arts đến Notre-Dame, lòng thênh thang nhìn nước và mây. Thỉnh thoảng ghé một gian hàng bouquiniste, lật bâng quơ vài trang sách vàng úa, xem một bức tranh cũ của Monet hay một họa sĩ cổ điển nào đó. Hôm nay, bỗng ngạc nhiên vì mình chưa hề mua một cuốn sách nào ở đây.
Blaise Cendrars: "Paris là thành phố duy nhất trên thế giới có một dòng sông trôi giữa hai rặng sách (Paris, la seule ville au monde où coule un fleuve encadré par deux rangées de livres.)" (*3)

hình Internet

Tôi bỗng nhớ ra, mỗi lần dẫn bạn bè người quen đến thăm Paris, tôi đều đưa qua chỗ này.









images Internet

Mấy tuần nay, đọc trên Facebook, tự nhiên thấy người ta đưa lên gần như mỗi ngày những tấm hình chụp hoặc tranh vẽ — xưa và nay — những gian hàng bouquinistes rất đẹp. Thì ra bà thị trưởng Paris vừa ra lệnh đòi dẹp bỏ những gian hàng này, — theo con mắt của bà, làm giảm mất bao nhiêu cảnh đẹp dọc hai bờ sông. Lý do chính là chuẩn bị chào đón Thế Vận Hội năm tới 2024. Và vì thế mà hội của những bouquinistes của Paris mới nổi lên chống đối như ong.





Lâu lâu cao hứng tôi hát theo Joséphine Baker (1906-1975): "J'ai deux amours, mon pays et Paris..."  




Một phần tư sống quê hương,
Ba phần tư sống phố phường người dưng...

Bây giờ chỉ biết nguôi ngoai cùng với mấy rặng sách xanh lá cây, bên dòng sông rêu lờ lững.





 
chú thích
(*1) 
G. Mauger: "cours de Langue et de Civilisation Françaises, tome III
(*2) Cung Trầm Tưởng (1932-2022): gọi là Xóm Học, vì ở đây tập trung nhiều trường Đại học và Grandes Ecoles của Paris.
(*3) Blaise Cendrars (1887-1961): nhà văn nhà thơ gốc Thụy Sĩ, tác giả bài thơ "Les Pâques à New York", sáng tác trước và được coi là có ảnh hưởng lớn trên bài Zone của Apollinaire (1880-1918) 
trong tập Alcools. cf. https://fr.wikipedia.org/wiki/Zone_(poème)

























Monday, September 4, 2023

lời cảm tạ

 


Thứ bảy, cô bạn Tuyến (từ Le Havre) hẹn với vợ chồng chúng tôi gặp nhau ở quán Foyer Mon Vietnam, 24 rue de la Montagne Sainte-Geneviève, Paris 5, để nghe Hòa thượng Huyền Diệu (*1) giảng pháp về Maha Mangala Sutta. Tối hôm trước, Tuyến viết cho tôi qua Messenger có ý muốn tặng tôi một cuốn sách gì tôi thích. Đúng lúc mấy hôm trước, "tình cờ" đọc được trên mạng Internet một truyện ngắn của Tiểu Tử "Thằng đi mất biệt" — làm tôi muốn đứt ruột. Tôi viết hỏi Tuyến có truyện này không. Thế là trưa thứ bảy, Tuyến đem tặng cho tôi tập "Chị Tư Ù". Lật xem mấy trang đầu, hóa ra cuốn này chính là cuốn của tác giả Tiểu Tử ký tặng cho chị từ 10 năm về trước (2013). Buổi tối về nhà, tôi đọc thêm hai ba truyện nữa. Quả thực tôi biết đến nhà văn Tiểu Tử hơi muộn. Tất cả những nỗi đau thương về một quê hương đày đọa, — từ gần nửa thế kỉ nay, dưới tay một bọn người "quỷ quái tinh ma", — đều được giãi bày ra đó. Tôi trằn trọc cả đêm. Sáng sớm nhổm dậy lên gác mở máy ra đọc viết lăng quăng. Mấy tuần lễ vừa qua, tôi đang xếp đặt lại cả trăm hồ sơ tài liệu trong các máy tính. Gặp lại một bài thơ cũ (*2), đã đăng trên báo Quê Mẹ mùa xuân Đinh Mão 1987. Bài thơ nhớ nhà năm ấy mới vụng dại làm sao. Bởi tôi xa nhà nhiều năm trước biến cố 30 tháng Tư 1975, thì khó mà cảm nhận hết những thống khổ của người dân trong nước trong suốt mấy chục năm qua. 

Ấy thế mà khi đọc truyện "Thằng đi mất biệt", tôi lại có cảm giác tác giả nói về mình, đi bao năm biền biệt chưa về.

Đọc truyện "Chị Tư Ù" (*3), đến chỗ người đàn bà bán cá nửa đêm thức giấc, bước ra ngoài, trời đầy sao, gió sông nhè nhẹ, đến trước cửa nhà của tên công an trưởng trong làng. 

"Anh ta bước ra đảo mắt nhìn quanh, rồi mới mời: 

— Vào đi! 

Tiếng "đi" vừa dứt là chị Tư đã bổ con dao phay vào ngay giữa đầu, nhanh gọn và chính xác như chị bổ cái đầu cá."

Chị Tư Ù vừa trả thù cho người yêu của mình đã bị tên này hãm hại.

Tôi thiệt tình hả lòng hả dạ.









Phụ lục

(*1) An Việt Nam Phật Quốc Tự
https://anvietnamphatquoctu.com
Shanti Lumbini Boudha Bhrumi Vihara, Sacred Lumbini Garden, Westside Monastery Zone 
NEPAL


(*3) Chị Tư Ù