Monday, July 11, 2016

cá chết



Buổi trưa ra vườn xem hoa súng nở, chợt thấy một con cá phơi bụng bạc trên mặt nước trong hồ. Trông dáng con cá nằm, biết ngay là nó đã chết. Tôi lấy cái gáo dừa vớt nó lên, đem ra cuối vườn vùi xác dưới mấy phân đất đen. Lòng buồn buồn. Gần một tuần qua rồi, lòng tôi vẫn cứ mãi buồn buồn. Lạ thực.

Ờ, đem chôn một con cá chết trong hồ như vậy, tôi đã quen việc từ nhiều năm nay. Thỉnh thoảng thường có mấy con chim lớn bay lại rửa cánh, đôi khi ngắm nghé muốn mổ cá lội trong nước. Đó là chưa kể còn có con mèo lông xám nhà hàng xóm hay lảng vảng bên bờ hồ, nhiều khi còn thò chân xuống nước, định chộp cá. Mấy con cá nhỏ trong hồ, chắc biết thế nên ít khi dám trồi lên mặt nước, trừ vài khi lúc có người thêm nước vào hồ, nghe tiếng nước róc rách, chắc tụi nó vui quá, quên cả sợ, bơi lội tung tăng. "Bầy cá mới sướng chứ," tôi mỉm cười tự nhủ.

Mấy tuần nay, tin tức qua Internet báo động cá ngộ độc chết tràn trên biển miền Trung (Việt Nam). Ôi, mà tin tức buồn thảm về đất nước thì hà rầm từ mấy chục năm rồi. Nhưng lần này liên quan tới cá, nên tôi cứ ưởng ưởng trong người gần cả tuần nay?

Bất chợt, muôn vàn kỉ niệm xưa đổ dồn như nước lũ về trong tâm khảm.

Năm ấy, chưa đầy 17 tuổi, tôi đang học thi Tú Tài phần Một ở Sài Gòn. Chiến tranh Việt Nam bắt đầu càng ngày càng khốc liệt. Anh tôi nghỉ phép quân đội về thành, đem tặng tôi cuốn sách mỏng nhan đề "Nói với tuổi hai mươi" của tác giả Nhất Hạnh mà tôi chưa nghe đến bao giờ. Tôi hiểu ý anh tôi dùng món quà thay lời khuyên nhủ đứa em trai. Giản dị lắm, đại khái muốn bảo tôi hãy cố gắng học giỏi thi đậu và chưa phải đi lính ngoài tiền tuyến như anh ấy bấy giờ. Nhưng khi đọc cuốn sách, mặc dù lời văn rất trong sáng ngọt ngào, tôi lại bị lôi cuốn mãnh liệt vì một lá thư của một người tuổi trẻ ngang tàng, cũng chính là đối tượng của cuốn sách kia. Nhất là mấy câu viết này (ghi lại theo trí nhớ): "Chúng tôi không cần tới các ông nữa. Chúng tôi tự gánh lấy trách nhiệm của mình trên những đôi vai yếu đuối..." Không còn nhớ trong hoàn cảnh nào, tôi vùng ra tiệm sách Khai Trí đường Lê Lợi 
(*) Nhà sách Khai Trí, Saigon, trước 1975
mua về đọc ngấu nghiến bộ sách dày cộm "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" của Phạm Công Thiện.

Trong lá thư gửi cho Hồng (nào đó), dùng làm lời tựa, tác giả viết mấy dòng nồng nàn đầy cảm xúc làm tôi đau điếng tâm hồn (ghi lại theo trí nhớ): "Ngoài kia có những người tuổi trẻ đang giãy giụa chết trong mưa... Khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu..."

Có một điều kinh khủng mà tôi không bao giờ hiểu nổi: Tại sao còn những bàn tay bẩn điên cuồng đưa đẩy con người đến bước đường phá sản cùng tận mà hôm nay vẫn ngang ngược không nguôi?







Tham khảo
















7 comments:

  1. Cảnh cá chết rất đau lòng , khi lên 8 tuổi , có ai cho tôi một con cá lia thia , vì cá lia thia đá rất dở , không bằng cá xiêm nên người ta đem cho đi , nuôi con cá lia thia thì không khó , chỉ cần cho chục con đỏng đảnh mỗi ngày là được ...............

    Khổ một cái là ngày ấy không có cái vợt để hớt đỏng đảnh trong mấy cái vũng nước nên không có gì nuôi con cá , thấy nó đói lả , bắt đầu thỉnh thoảng thấy nó nổi cái bụng lên , sau đó cái bụng nổi lên thường xuyên hơn , và cuối cùng là nổi hẳn và không trở lại được ...........

    VMT

    ReplyDelete
  2. con thú mình nuôi khi nó vì lý do gì mà chết thì cũng có chút ưu buồn.
    Hồ súng của anh rất tốt. Lá xanh rờn mà cá bị chết là chuyện lạ. Anh có dùng
    filter lộc không? Bên nầy hôm filter dơ mà M. hơi làm biến không đổi, sáng hôm
    sau chết con cá đầu lân. Nuôi được hơn 5 năm.
    Chút anh vui lại. Blogspot anh có chút gợi cảm.

    M.
    Tue, Jul 12, 2016 at 6:47 PM

    ReplyDelete
  3. Câu kết của K trong cái blog mà K đính kèm nghe thống thiết và tuyệt vọng quá !!!

    "Có một điều kinh khủng mà tôi không bao giờ hiểu nổi: Tại sao còn những bàn tay bẩn điên cuồng đưa đẩy con người đến bước đường phá sản cùng tận mà hôm nay vẫn ngang ngược không nguôi?"

    Tôi có một suy nghĩ hơi khác K. Buộc tội những tên ma đầu là cần thiết, nhưng tôi không chỉ dừng ở đó.

    Sau khi vạch mặt chỉ tên đám ma đầu bịp bợm, tôi đi thêm một bước nữa là phải nói lên cái lỗi của đám nạn nhân bị bịp. Chúng ta không nên chỉ oán trách thằng đi bịp mình hay dẫn dắt mình vào con đường "phá sản tận cùng", mà cũng nên oán trách chính mình đã bị bịp hay đã để mình rơi vào trong hoàn cảnh khốn nạn vì một trong ba cái lỗi của chính mình: ngu, hèn, hoặc vô cảm.

    Trong XH, có người chỉ có một trong ba cái đức tính quý này, nhưng cũng có người loại thiên phú khi có cả ba.

    Một người có trình độ học vấn lơ tơ mơ việc đầu tiên qua Pháp là xin vào trường Thuộc Địa để muốn phục vụ cho Tây, và một người có cái lí lịch ma mãnh bán đứng và giết hại các người chống Pháp như bác Hồ nhà ta khi rống lên "đồng bào cả nước nghe tôi nói đây", mà rất nhiều người nghe theo và tiếp tục tin theo sau khi ông ta tỏi mặc dù đã có những dữ kiện lịch sử nói lên cái tính vừa ngu vừa gian của ông ta thì cái lỗi đó rõ ràng là "lỗi tại tôi mọi đàng", như một câu kinh của Công Giáo luôn nhắc nhở.

    Khó có thể thay đổi được thằng đi bịp, mà chỉ có thể thay đổi chính mình để khỏi bị bịp.

    PTĐ
    2016-07-12 21:34 GMT+02:00

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn VMT rất đa tài đa cảm. Đọc hồi ức của Thủy về con cá lia thia chết đói, tôi nghĩ VMT có thể là nhà văn. Tôi còn nhớ, mấy năm về trước, VMT đã một lần kể lại chuyện tình rất ướt át thời niên thiếu.

      Bạn PTĐ của ta thì cân não hơn nhiều, nhưng vẫn ngầm chứa tấm lòng bồng bột tuổi hai mươi.

      Bàn chơi về quan điểm của PTD đối với bài "cá chết". Câu kết là một câu hỏi. Tuyệt vọng chăng? Có thể. Nhưng chủ yếu không phải nhắm "buộc tội những tên ma đầu", nghĩa là đúng như ý hai câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn mà tôi đã mượn quá nửa cho đoạn kết:

      "Giận đời ghê những bàn tay bẩn,
      "Đưa đẩy người trong cát bụi mù."

      Kết án, buộc tội những tay cuồng ngạo trong lịch sử xưa nay của nhân loại (Tần Thủy Hoàng, Hilter, Mao Trạch Đông...), đúng đấy. Nhưng đó mới là điều vô vọng. Họ có thay đổi một tơ hào nào đâu? Nhưng điều làm tôi vẫn hoài kinh ngạc, là những con ác quỷ như vậy, ở mọi chân trời, sao chúng nó đều nắm giữ quyền hoành hành ngang ngược quá lâu như vậy? Lấy trường hợp Hồ Chí Minh của Việt Nam, tạm coi hắn là đầu dây mối nhợ cho tấn bi kịch đen như mõm chó của dân Việt, thì hãy hỏi vì sao, trong suốt chiều dài lịch sử — 1925, 1945, 1954, 1975, VÌ AI NÊN NỖI?
      Tôi hỏi. Và PTD đã trả lời.

      Chuyện cá chết trên biển rộng miền Trung đất nước, là hình tượng bi kịch kinh hồn của toàn thể dân Việt ngày nay.

      DTK
      Tue, Jul 12, 2016 at 10:55 PM

      Delete
  4. Con người có trái tim tình cảm mà lị! Cỏ cây, hoa lá cũng còn có linh hồn, huống chi là con vật.
    (...)
    Kính chúc an vui.
    Smile!

    SL
    Tue, Jul 12, 2016 at 8:49 PM

    ReplyDelete
  5. Hôm qua đi đường, M. cũng mớI nghĩ đến Phạm Công Thiện và Thich Nhất Ha.nh. Vì mấy hôm trước chat với người bạn học cũ nhắc lại chuyện he ngồi chép Bát Nhã Ba La Mật Đa trong lớp học chính trị sau 1975. Lúc đó he đã mang ý định bỏ học đi tu. Thuả đó chưa đến 20, tài học không thiếu mà M. và bạn học cũng biết đến BNBLMD có lẽ vì ... đọc sách của mấy ông Krishnamurt, NH và PCT.... Biến cố 1975 lại khiến nhiều người "ngộ" ra cái không của ` kiếp sống hơn nữa.
    MD
    Wed, Jul 13, 2016 at 2:00 AM

    ReplyDelete
  6. Ghi chú 2023-02-17 17:02: Góp ý ở trên (Wed, Jul 13, 2016 at 2:00 AM) ký tên MD là của chị MaiDao md@huediepchi.com

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.