Thursday, January 3, 2019

chiếc lá bàng


Có hai đoản văn viết về lá bàng mà tôi rất thích. Một bài của Nhất Linh, trong lời tựa cuốn tiểu thuyết Đôi bạn. Một bài của Quách Tấn, viết theo lối địa dư chí.

Bài của Nhất Linh tôi đọc năm đệ Thất (tức lớp Bảy kể từ năm 1975). Trên một đường phố Hà Nội, một đêm cuối thu, có hai đứa bé một gái một trai đứng vỉa hè đợi gió lên để chạy ra đường lượm từng chiếc lá bàng đem về bán cho người ta sưởi ấm mùa đông. Trời lạnh buốt, một chị một em mặc áo rách, có lẽ thiếu ăn nữa,  đứng run rẩy, mà vẫn cầu xin: "Lạy trời, gió nữa lên, gió nữa lên!"

Bài văn ấy, tôi đọc lâu rồi, vang bóng chàng trai cách mạng trong tiểu thuyết đã nhạt mờ trong trí tưởng, nhưng hình ảnh hai đứa bé nhà nghèo nhặt lá bàng vẫn còn ghi rõ trong tôi.

Bài của Quách Tấn tả lại một con đường thành phố miền Trung, có hai hàng cây bàng đỏ như pháo mùa xuân. Tôi ao ước, nhưng chưa bao giờ thấy được...

Hôm nay, tôi vụt nhớ lại một kỷ niệm thời thơ ấu. Năm đó tôi học lớp tư tiểu học, một hôm đứa anh họ cùng lớp bỗng giúi vào tay tôi một chiếc lá to bản, nửa xanh nửa vàng. Thì ra, đó là giờ học Thường thức, học trò đang theo nhau lên bàn thầy nộp lá bàng lấy điểm. Tôi lơ đãng đã quên. Nhờ chiếc lá đứa anh cho, tôi được 7 điểm trên 10 — thiệt ngon lành. Tôi mơ hồ thắc mắc tại sao đứa anh họ của tôi không làm như mọi người. Hình như nó mang mặc cảm bị thầy ghét bỏ. Ngồi cùng bàn học, tôi có lần xem vở của nó viết chữ lí nhí như kiến bò, có một hàng chữ đỏ phê chéo ngang trang giấy như sau: "Bẩn! Đã dốt lại lười." Như một lằn roi trên lưng đứa bé học trò. Nó bảo tôi: "Tao viết chữ nhỏ để đỡ tốn tiền mua vở cho mẹ tao."

Chính với thằng anh họ đó mà tôi học được cách làm diều, thả bay phất phới trên bờ sông xóm Cầu Mới Sài Gòn. Mấy chục năm qua rồi, người anh họ kia nay đã lưu lạc phương nào?

Chớp mắt ngàn thu quạnh
Về đâu chiếc lá bay...

(Quách Tấn).





Phụ lục

Nhặt Lá Bàng
Lời tựa: Đôi Bạn - Nhất Linh (1906-1963)

Ở ngoài, có lẽ gió thổi mạnh hơn vì tôi nghe tiếng lá bàng rụng trên đường mau hơn.
— Gió lên ... gió nữa lên.
Tiếng nói của một đứa bé, và tiếng cười giòn tiếp theo làm tôi ngạc nhiên. Tôi viết nốt một đoạn rồi chạy ra cửa sổ nhìn xuống, nhưng không nom thấy rõ, chỉ thấy bóng chấn song và bóng người tôi in trên đường nhựa.
Tôi vội tắt đèn trong phòng đi.
Trên đường khô ráo, tôi ngạc nhiên không thấy chiếc lá rụng nào. Tôi vẫn biết có những người đi nhặt lá khô bán lấy tiền; họ chờ đợi rồi hôm nào lá đã chín lại có gió to, họ đem rổ, đem thúng, lũ bảy lũ ba chia nhau các phố tới tấp quét lượm. Ban ngày tôi đã nhiều lần nhìn ngắm cảnh tượng đó. Nhưng tôi không ngờ đâu, đêm khua lạnh, họ ngồi ở ngoài gió để chờ nhặt từng cái lá một. Tôi cũng đứng lặng yên ở của sổ đợi cơn gió đến.
Lại có tiếng lúc nãy nói:
— Lại ngồi sau gốc cây này khuất gió đỡ lạnh.
Một tiếng khác trả lời:
— Lạnh chẳng tại gió, làm gì có gió lúc này.
— Khi nào có gió thì lạnh ghê.
— Chuyện; không có gió thì lá đã không rụng ...
Yên lặng một lúc lâu, rồi có tiếng tức bực:
— Mãi không có gió.
Ở phía sau một gốc bàng, một cái bóng chạy ra. Tôi nhìn kỹ mới biết đó là một đứa bé, vào trạc mười tuổi; đầu nó chít một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má; áo nó rách để hở cả hai vai. Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại. Một con bé, ở sau gốc cây bàng khác cũng chạy ra, rồi hai chị em — tôi đoán là hai chị em — chạy lăng quăng đuổi những lá bàng gió thổi lăn trên đường.
Một cơn gió mạnh nổi lên. Lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.
— Mau lên chị ơi, nhặt cả hai tay chị ạ.
— Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên. Thằng nỡm. Tao đã biết trước là đêm nay có gió to. Thằng nỡm, mày chẳng nghe tao bao giờ. ... Thằng nỡm.
Tôi mỉm cười vì sao chị không mang chổi đi. Tôi mỉm cười vì con bé mắng một cách thông thạo lắm: lúc mắng nó lại tỏ ra vẻ người lớn đã biết mắng em, dạy em rồi. Đứa bé không để ý đến lời chị nó, vừa nhặt vừa reo.
— Gió lên ... lạy giời gió nữa lên
Chúng vẫn nhặt không ngừng tay, lá vẫn rụng không ngớt; nhiều khi vì màu áo lẫn với màu đường, tôi không nom rõ người, chỉ thấy hai cái bóng đen lăng quăng. Chúng chạy vụt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đường chạy về một phiá bỗng nhiên đứng dừng: một đám lá rơi loả toả trên người chúng khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào.
— Lạnh quá.
— Chạy mau lên cho ấm ... thằng nỡm.
Thấy chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm, tôi mỉm cười đoán có lẽ tên đứa bé là thằng Nỡm chăng. Tôi tự nhiên cũng thấy vui với chúng và mặc dầu trời rét tôi cũng mong mỏi gió thổi thật mạnh. Mỗi lần cơn gió tới làm rụng lá, là mỗi lần tôi hồi hộp và sung sướng một cách thành thực.
Nhưng chỉ có gió một lúc rồi tạnh hẳn. Thỉnh thoảng còn thưa thớt một hai chiếc lá rơi. Lá trên đường chúng nhặt đã hết.
— Em được tám bó.
— Tao được năm bó. Tại mày tranh lấy hết của tao, thằng ranh con.
Tôi lại mỉm cười vui vẻ vì thằng nỡm đã đổi ra thằng ranh con.
Rồi chúng lại về ngồi chỗ cũ, mỗi đứa một gốc bàng, cho "khuất gió", khuất những cơn gió làm cho chúng rét run mà chúng vẫn mong nổi lên.
Tôi quay trở vào, bật đèn rồi lại ngồi vào bàn giấy viết tiếp, trong lòng tự nhiên thấy đỡ chán nản. Ở ngoài, thỉnh thoảng có tiếng của đứa bé:
— Gió lên ... lạy giời gió lên

oOo

Trời sáng rõ lúc nào tôi không để ý. Ánh nắng lấp lánh trên những lá bàng như sơn son. Tồi nhìn xuống đường. Hai đứa bé còn đứng đó. đướng buộc mấy gánh lá bàng nhặt được đêm qua. Chúng vui vẻ, nhưng tôi không thể dựa theo nét mặt chúng mà đoán được chừng ấy lá là nhiều hay ít.
Một người đi qua nhìn gánh lá bàng nói:
— Lá bàng này sưởi ấm lắm đấy.
Tôi quay lại nhìn lên bàn; suốt đêm tôi mới viết được lèo tèo vài trang giấy, lại dập dập, xóa xóa gần nửa. Tôi thất vọng.
Đối với tôi, những cơn gió tôi chờ đón đã nổi lên, đã khiến tôi đêm qua lạnh cả tâm hồn, nhưng lá bàng nhặt được không là bao. Lại không biết có ấm được lòng ai ở xa không?


ed 2023-02-08