Friday, February 9, 2024

đá cá lăn dưa

 
Đọc xong đầu đề bài toán đố, xơ Agnès đứng dậy, lấy tay vén tà áo tu màu trắng bước xuống bục gỗ, đi thẳng lại sau lưng chỗ Là ngồi ở dãy bàn đầu. Là tập trung tinh thần cố gắng hiểu từng câu từng chữ đề bài. Những con số quay mòng mòng trong óc Là, tối hu hu như đêm 30 Tết. Không quay đầu lại nhưng Là vẫn cảm thấy sự hiện diện của bà xơ đè nặng trên mình. Lần nào cũng vậy, tới giờ toán, Là khổ sở hết sức. Biết Là dở toán, xơ Agnès bắt Là ngồi ở hàng ghế đầu để kèm ráo riết...
— Đọc lại đầu bài coi!
Là giật bắn người, vội vàng lầm rầm đọc lại bài toán đố không biết đến lần thứ mấy. Một lúc sau thấy Là lại làm thinh không phản ứng gì cả, xơ Agnès nóng nảy vạch ngang dọc ngón tay trỏ lên cuốn tập của Là, cắt nghĩa:
— Lấy cái nầy nhơn với cái nầy rồi chia với cái kia. Bộ không hiểu sao?
— Dạ hiểu...
— Rồi sao nữa?
— ...
Sau cùng thì bà xơ làm trọn bài toán đố, Là chỉ còn phận sự lò dò chép lại lời giải. Lúc bà xơ trở lên bàn viết, Là mới cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Là liếc mắt nhìn lên thấy xơ Agnès sửa nhẹ lại sợi dây lưng thắt lấy cái eo thon của bà trước khi nhẹ nhàng ngồi xuống ghế. Là lại bắt gặp dáng điệu quen thuộc đã thấy nhiều lần, xơ Agnès vừa nghiêng mái đầu, hơi chúm miệng cười với bóng mình trong tấm gương tròn nhỏ, đặt trong lòng bàn tay bà trên lớp khăn lụa mỏng.
Xơ Agnès thương Là lắm vì tánh ngay thiệt. Có gì sai bảo, xơ cũng kêu đến Là, đem hồ sơ cho mẹ bề trên, mang giấy tờ cho cha làm lễ ở bên nhà thờ, cạnh trường nội trú. Nhiếu lần xơ dẫn Là sang gặp cha, hai người rù rì nói chuyện rất lâu...
Trường làng ở Củ-Chi trình độ kém mà bà ngoại lại cho Là đi học thiệt trễ. Hồi mới vào nội trú trường dòng Thánh Phao-Lồ ở Lái-Thiêu nầy, Là bết bác quá cỡ. Là nhớ ơn xơ Agnès hoài hoài, nhờ có xơ kèm toán mà năm lên lớp Nhứt, Là không bị đuối. Cuổi năm thi Tiểu-học, Là mừng húm vì đề thi toán quá dễ, Là làm xong bài trước giờ hạn định. Tội nghiệp con nhỏ ngồi sau lưng, nó cứ đá bịch bịch vào ghế Là ngồi. Là cố ý ngồi nghiêng mình qua một bên. Con nhỏ chép lia lịa...
Trường nội trú tỉnh nhỏ rất nghèo, mà học trò nhiều đứa mồ côi được miễn học phí, các xơ phải nuôi heo, gà, vịt... làm thức ăn cho học trò. Có cả mấy con gà tây, dưới cổ lủng lẳng miếng da gai gai đỏ máu, lông đen, đuôi cong phồng lên, tiếng ục ục như mấy bà đầm. Đến bữa cơm, Là thường thích ăn cá. Những miếng cá hoặc làm mắm, hoặc chiên, hoặc kho, thịt săn chắc ăn hoài không ngán. Một hôm tình cờ, Là buột miệng hỏi Thu, con nhỏ bạn thân:
— Cá ở đâu ra đó mậy?
— Cá tra ở ngoài cầu đó.
— Ẹ ẹ...!
Là hoảng hồn phun cơm đang nhai trong miệng tung tóe ra bàn. Con Thu cười ngất. Í ẹ, mấy con cá Là ăn thì ra vớt ở trong ao chỗ đi tiêu nhà trường. Là nhớ một lần bị bịnh nóng sốt dữ dội, xơ Agnès nói với con Thu:
— Kêu nó xuống đây!
Bà bắt Là uống cạn một ly đầy thuốc xổ, mặn chát. Bịnh gì thì bịnh, uống thuốc xổ. Là đi cầu mấy bữa, cứt đen thui, mới rớt xuống mặt nước xanh rêu, lũ cá tra đã ào ào nhào lại rỉa rói, trong nháy mắt không còn gì nữa...
Gần Tết, xơ Agnès dẫn học trò ra chợ. Đó là những ngày vui nhất, rau trái ê hề. Là thích ăn những chùm củ sắn, lột lớp vỏ vàng còn dính đất để lộ ra cơm trái trắng nuốt, cắn vào dòn rụm, mát rượi ngọt tan trong cổ họng. Thiệt đã khát dưới trời nắng cháy chang chang. Nhiều vô kể là những núi dưa hấu cao ngất xếp thẳng hàng từ gian chợ này nay sang gian chợ kia. Những trái dưa hấu tròn to, màu xanh lục xậm, láng mướt làm quên đi cái nóng rát miền Nam. Thỉnh thoảng, một trái bổ đôi phơi lòng đỏ thắm...

photo: https://thanhnien.vn/cho-dua-hau-sai-gon-sat-tet-van-vang-khach-1851036390.htm

Lũ học trò ríu rít theo sau bà xơ dẫn đầu.
— Dạ chào «xưa» mạnh giỏi!
Xơ Agnès dừng chân bắt chuyện với một người nhà quê bán trái cây. Là chợt cảm thấy cái gì tròn tròn man mát dưới chân. Chưa kịp phản ứng, con Thu đã ghé vào tai thì thầm: «Chuyển ra phía sau!» Là làm theo như cái máy. Vừa thích thú vừa hồi hộp... Tánh Là không lấy của ai bao giờ. Một lần bắt gặp một đứa bạn cùng lớp chụp được một trái xoài tượng của ai bỏ quên, Là hỏi nó:
— Của mầy sao?
— Không. Lấy đại ăn chơi...
Con nhỏ gọt vỏ trái xoài còn xanh, chấm muối ớt vừa ăn vừa xuýt xoa, hỏi:
— Mầy ăn không?
 Hông.
Là trả lời, nước miếng ứa ra...
Nhưng lần «ăn trộm» nầy, Là không thấy sợ. Vả lại, ở thế chẳng đặng đừng. Liên tiếp năm sáu trái dưa hấu được lăn về phia sau, xen lẫn với những tiếng cười khúc khích.
Trên đường về trường nội trú, lũ học trò hè nhau đập những trái dưa hấu vào đất cứng, bể đôi, đưa lên miệng cạp ngồm ngoàm, kín cả mặt mũi.
Xơ Agnès sửng sốt hỏi:
— Dưa tụi bây mua hồi nào vậy?
Một đứa ngừng ăn, ngóc mỏ dính đầy dưa hấu đỏ trên má trên mũi, vừa cười vừa trả lời:
— Dạ, tụi con lăn.
Bà xơ lắc đầu, chắc lưỡi:
— Tụi bây về nhớ xưng tội, nghe hông!

Đặng Thế Kiệt
(Bordeaux, 28.05.1985)




Ghi chú
photo: dtk@hdc.com

Bài này đã đăng trên tạp chí Quê Mẹ số 67, tháng Chín năm 1985. Chỉ xin đổi lại nhan đề, từ "lăn dưa" trở thành "đá cá lăn dưa". Cf. Tham khảo.













Tham khảo

https://www.facebook.com/Saigontrongtraitimtoi/posts/2230139670648018/
Sài Gòn trong tim tôi

Đá cá lăn dưa 
Gần Tết thấy bán dưa hấu chợt nhớ câu thành ngữ trên. Người Nam Kỳ gọi những thằng láo cá lưu manh, kiểu như ăn giựt, tiểu yêu trong xóm làng là cái đồ "đá cá lăn dưa".
Đây là câu thành ngữ rất dễ hiểu.
Đá cá là gì: Không phải là đá cá lia thia. Có nhiều thằng láo cá trong xóm làng đi ra chợ, chổ mấy bà bán cá mà đang bận bịu khách đông. Thấy cá trong tràng trong thau mà nhảy ra ngoài đất thì dùng chưn đá con cá đi xa xa, xong lại bắt con cá đó về ăn khỏi phải tốn tiền. Có khi nó giả đò mua cá, lợi dụng đông khách nó hất cá từ trong thau ra ngoài.
Lăn dưa: Canh lúc tết, khi mấy cái chành dưa chất đống mà người chủ lo bán hoặc mỏi mệt, trời hồi xưa không có đèn điện, chỉ xài đèn hột vịt nên tối lờ mờ, thằng láo cá và bè đảng của nó sẽ dùng chân đá những trái dưa gần đường đi ra xa rồi ôm về nhà ăn khỏi phải mua. 
Hồi xưa chỉ có dưa hấu tròn nên đá rất dễ. Một khu chợ đêm Tết có chừng 15 gian hàng bán dưa hấu, đá mỗi chành một trái là tết đó có 15 trái dưa ăn rồi. Biết thế nên chành dưa bán Tết thường có một người phía trong một phía ngoài để canh.

Nguyễn Gia Việt