Saturday, September 9, 2023

Paris les bouquinistes


Hồi xưa học tiếng Pháp theo  sách của G. Mauger (*1) ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp, đọc đến bài mô tả những hàng bán sách trong rương bên bờ sông Seine (les bouquinistes), tôi thích quá.
Không ngờ mấy năm sau (tháng 12 năm 1968) được đến Paris. 
Chân ướt chân ráo, mới hôm thứ hai ở khách sạn Lutèce Paris 5, tôi rủ ngay một anh bạn đi khám phá thành phố. Tôi có 2 chỗ muốn coi trước nhất: tháp Eiffel và mấy hàng sách bouquinistes này đây.
Tôi còn nhớ rõ chữ "bouquiniste" cùng họ với chữ "bouquin", nghĩa là "cuốn sách". Hôm đó chúng tôi từ đường Berthollet đi về phía đường Saint-Jacques, thuộc quartier Latin (*2), ngóng theo ngọn tháp mà đi, khi thấy khi không, quanh co bao nhiêu đường ngang lối dọc. Buổi sáng hôm đó, mỏi nhừ hai cẳng, mà không đến chân tháp Eiffel. Về phòng, mấy anh sinh viên kỳ cựu ở Paris cười bảo tháp Eiffel cách xa khách sạn hàng mấy cây số, đi bộ sao nổi.
Bây giờ không nhớ tôi đến bờ sông Seine có bouquinistes lúc nào nữa. Nhưng cảm giác bồi hồi, — lần đầu tiên nhìn tận mắt những cái thùng gỗ màu xanh lá cây, bày dọc theo những bức tường đá thấp bên bờ sông —, tôi không bao giờ quên được. 
Sống và làm việc ở Paris gần nửa đời người, càng ngày càng gắn bó với chỗ này. Không biết tôi đã đi bao nhiêu lần rồi, theo dòng sông Seine từ Musée d'Orsay, qua trước mặt Musée du Louvre, ngang Pont Neuf rồi Pont des Arts đến Notre-Dame, lòng thênh thang nhìn nước và mây. Thỉnh thoảng ghé một gian hàng bouquiniste, lật bâng quơ vài trang sách vàng úa, xem một bức tranh cũ của Monet hay một họa sĩ cổ điển nào đó. Hôm nay, bỗng ngạc nhiên vì mình chưa hề mua một cuốn sách nào ở đây.
Blaise Cendrars (*3) có câu: "Paris là thành phố duy nhất trên thế giới có một dòng sông trôi giữa hai rặng sách (Paris, la seule ville au monde où coule un fleuve encadré par deux rangées de livres.)"

hình Internet

Tôi bỗng nhớ ra, mỗi lần dẫn bạn bè người quen đến thăm Paris, tôi đều đưa qua chỗ này.









images Internet

Mấy tuần nay, đọc trên Facebook, tự nhiên thấy người ta đưa lên gần như mỗi ngày những tấm hình chụp hoặc tranh vẽ — xưa và nay — những gian hàng bouquinistes rất đẹp. Thì ra bà thị trưởng Paris vừa ra lệnh đòi dẹp bỏ những gian hàng này, — theo con mắt của bà, làm giảm mất bao nhiêu cảnh đẹp dọc hai bờ sông. Lý do chính là chuẩn bị chào đón Thế Vận Hội năm tới 2024. Và vì thế mà hội của những bouquinistes của Paris mới nổi lên chống đối như ong.





Lâu lâu cao hứng tôi hát theo Joséphine Baker (1906-1975): "J'ai deux amours, mon pays et Paris..."  



Một phần tư sống quê hương,
Ba phần tư sống phố phường người dưng...

Bây giờ chỉ biết nguôi ngoai cùng với mấy rặng sách xanh lá cây, bên dòng sông rêu lờ lững.





 
chú thích
(*1) 
G. Mauger: "cours de Langue et de Civilisation Françaises, tome III
(*2) Cung Trầm Tưởng (1932-2022): gọi là Xóm Học, vì ở đây tập trung nhiều trường Đại học và Grandes Ecoles của Paris.
(*3) Blaise Cendrars (1887-1961): nhà văn nhà thơ gốc Thụy Sĩ, tác giả bài thơ "Les Pâques à New York", sáng tác trước và được coi là có ảnh hưởng lớn trên bài Zone của Apollinaire (1880-1918) 
trong tập Alcools. cf. https://fr.wikipedia.org/wiki/Zone_(poème)

























Monday, September 4, 2023

lời cảm tạ

 


Thứ bảy, cô bạn Tuyến (từ Le Havre) hẹn với vợ chồng chúng tôi gặp nhau ở quán Foyer Mon Vietnam, 24 rue de la Montagne Sainte-Geneviève, Paris 5, để nghe Hòa thượng Huyền Diệu (*1) giảng pháp về Maha Mangala Sutta. Tối hôm trước, Tuyến viết cho tôi qua Messenger có ý muốn tặng tôi một cuốn sách gì tôi thích. Đúng lúc mấy hôm trước, "tình cờ" đọc được trên mạng Internet một truyện ngắn của Tiểu Tử "Thằng đi mất biệt" — làm tôi muốn đứt ruột. Tôi viết hỏi Tuyến có truyện này không. Thế là trưa thứ bảy, Tuyến đem tặng cho tôi tập "Chị Tư Ù". Lật xem mấy trang đầu, hóa ra cuốn này chính là cuốn của tác giả Tiểu Tử ký tặng cho chị từ 10 năm về trước (2013). Buổi tối về nhà, tôi đọc thêm hai ba truyện nữa. Quả thực tôi biết đến nhà văn Tiểu Tử hơi muộn. Tất cả những nỗi đau thương về một quê hương đày đọa, — từ gần nửa thế kỉ nay, dưới tay một bọn người "quỷ quái tinh ma", — đều được giãi bày ra đó. Tôi trằn trọc cả đêm. Sáng sớm nhổm dậy lên gác mở máy ra đọc viết lăng quăng. Mấy tuần lễ vừa qua, tôi đang xếp đặt lại cả trăm hồ sơ tài liệu trong các máy tính. Gặp lại một bài thơ cũ (*2), đã đăng trên báo Quê Mẹ mùa xuân Đinh Mão 1987. Bài thơ nhớ nhà năm ấy mới vụng dại làm sao. Bởi tôi xa nhà nhiều năm trước biến cố 30 tháng Tư 1975, thì khó mà cảm nhận hết những thống khổ của người dân trong nước trong suốt mấy chục năm qua. 

Ấy thế mà khi đọc truyện "Thằng đi mất biệt", tôi lại có cảm giác tác giả nói về mình, đi bao năm biền biệt chưa về.

Đọc truyện "Chị Tư Ù" (*3), đến chỗ người đàn bà bán cá nửa đêm thức giấc, bước ra ngoài, trời đầy sao, gió sông nhè nhẹ, đến trước cửa nhà của tên công an trưởng trong làng. 

"Anh ta bước ra đảo mắt nhìn quanh, rồi mới mời: 

— Vào đi! 

Tiếng "đi" vừa dứt là chị Tư đã bổ con dao phay vào ngay giữa đầu, nhanh gọn và chính xác như chị bổ cái đầu cá."

Chị Tư Ù vừa trả thù cho người yêu của mình đã bị tên này hãm hại.

Tôi thiệt tình hả lòng hả dạ.









Phụ lục

(*1) An Việt Nam Phật Quốc Tự
https://anvietnamphatquoctu.com
Shanti Lumbini Boudha Bhrumi Vihara, Sacred Lumbini Garden, Westside Monastery Zone 
NEPAL


(*3) Chị Tư Ù




Saturday, August 12, 2023

đọc Dương Nghiễm Mậu, từ nước ngoài, 54 năm sau

 

Tối hôm qua, chậm rãi đọc truyện ngắn "Ngày đốn cây vú sữa" (*1) theo link trên trang Facebook Hồ Thị Ngọc Trang (*2), sáng thức dậy, lòng mãi bùi ngùi.

Dòng cuối truyện ngắn ghi năm viết: 1969, một năm sau khi tôi đi du học nước ngoài, cho đến năm nay 2023, vẫn biền biệt chưa về.

Vài năm trước ngày ra đi, thời học trung học ở Sài Gòn, tôi nhớ có đọc qua vài cuốn sách của tác giả Dương Nghiễm Mậu (*3) trên báo Văn, Con sâu, Tuổi nước độc, v.v., nhưng bây giờ không nhớ gì nữa cả.

Dương Nghiễm Mậu (1936-2016), ký họa của Tạ Tỵ

Truyện kể diễn ra vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam bắt đầu trở nên khốc liệt, ở đâu đó một miệt vườn miền Nam. Tôi liên tưởng đến ngay vùng Củ Chi, là quê quán của nhà tôi. Những nhân vật và tình tiết trong truyện rất gần với những lời nhà tôi kể cho nghe từ gần một đời chung sống.

Dương Nghiễm Mậu lấy lời một người già sống ở khu làng đó, với một người vợ nhà quê, có hai đứa con trai, đứa lớn sống ở quận lị, đứa em vô bưng theo phe "cách mạng".

Câu chuyện gần như chỉ là những mẩu đối thoại giữa những người dân mộc mạc miền Nam, sống lay lắt trong bối cảnh chiến tranh xâu xé, — một bên là quân đội, dân vệ... Việt Nam Cộng Hòa, một bên là quân du kích "cách mạng giải phóng". Đồng thời với sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, với những hậu quả trong đời sống và ảnh hưởng về môi trường thiên nhiên (thuốc khai quang).

Ông già, nhân vật chính trong suốt câu chuyện, chỉ lo lắng tìm đường yên sống qua ngày, cho hai vợ chồng mình, cho hai đứa con trai và gia đình họ. Ban ngày, người của quận xã chính phủ lại dò la tung tích đứa con thứ hai, làm áp lực tìm cách "chiêu hồi" nó về với chính quyền. Ban đêm, cán bộ cộng sản lại dọa nạt người cha chớ có "lôi thôi dụ dỗ" con trai về "phe nguỵ", mà chịu khốn với "quân cách mạng".

Thế rồi, đúng ngày ông già quyết định đốn cây vú sữa, — vì từ nhiều tháng qua, lá nó úa vàng, rơi rụng dần dần, vô phương cứu sống —, người trong làng đến báo tin có người bị bắn chết bỏ xác bên một bờ rạch. Ông già ra đến nơi, lật miếng khăn che mặt xác chết, nhận ra đứa con trai thứ hai của mình.

Trên trang Facebook, Hồ Thị Ngọc Trang đặt câu hỏi (đối với người đọc bản dịch sang tiếng Anh):
Với cách đặt tên của người miền Nam: 'thằng hai, thằng ba , thằng tư,' Dương Nghiễm Mậu cố tình không viết hoa 'hai, ba, tư' vì họ không còn là những cá nhân có xác định cụ thể nữa, mà có thể là bất cứ thanh niên nào trong thời điểm đó. Dịch giả rất tinh nhạy khi dùng 'Our eldest son' cho thằng hai, 'the other son', 'my youngest son' cho đứa con kia. Chẳng biết cái không khí chiến tranh trong truyện có đến với người đọc nước ngoài chăng mà thôi.

Xa nhà đã gần cả đời người, có lẽ cũng trở thành như một người nước ngoài thôi, nhưng tôi có thể khẳng định rằng: không khí chiến tranh ép bức người đọc từ câu đầu đến câu cuối.

Đọc xong, tôi miên man nghĩ đến những chứng tích lịch sử chiến tranh trong văn chương Việt Nam:

# Nhã Ca: Giải Khăn Sô Cho Huế; Tình Ca Cho Huế Đổ Nát
# Hồ Đình Nam: HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
VÀ VỤ THẢM SÁT TẾT MẬU THÂN HUẾ 1968
https://www.facebook.com/gioohaingoai
# Nguyễn Thị Thái Hòa: NHÂN CHỨNG SỐNG TRONG ĐỢT THẢM SÁT TẾT MẬU THÂN Ở HUẾ  
https://hon-viet.co.uk/NguyenThiThaiHoa_NhanChungSongVuCSSatHaiNguoiDanHueTetMauThan1968.htm

Có khủng khiếp không: cảnh Hoàng Phủ Ngọc Phan (em Hoàng Phủ Ngọc Tường) trong một ngày chạy khắp thành phố Huế lùng bắt và giết cho bằng được gần trọn một gia đình (người quen cũ của ông ta) — từ hai ba người con, người bạn sinh viên Văn Khoa của một trong những người con này, cho tới ông nội 70 tuổi của nhân chứng Nguyễn Thị Thái Hòa. Tất cả những người bị bắn đều bị đem vứt xuống một hố chôn tập thể đào ở trong vườn nhà các nạn nhân.

Không khỏi kinh hoàng khi ôn lại cảm tưởng lúc đọc xong cuốn tiểu thuyết "Giờ thứ hai mươi lăm", xuất bản năm 1949, của nhà văn Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992), thời Thế chiến thứ hai, ở Đông Âu: những nông dân chất phác, những nhà trí thức nhân bản... bị đày đọa, tra khảo, giết chết, đưa từ nhà tù này đến nhà tù khác (thuộc về tất cả những phe phái tham chiến: Đức Quốc Xã, Liên Xô và cả quân đội Mỹ đến giải cứu Âu Châu); những người vợ hiền lành, những cô gái ngây thơ... bị quân Liên Xô hãm hiếp ngày đêm như súc vật.

Gần nửa thế kỷ sau "Ngày đốn cây vú sữa" (1969) của Dương Nghiễm Mậu, nhà văn Tiểu Tử qua truyện ngắn "Thằng đi mất biệt" (*4) (Chị Tư Ù, Tác giả xuất bản, 2012), xác nhận thêm một lần nữa, thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam: (1945-1954-1968-1975-????).

Khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu (Alan Paton, 1903-1988).




Đặng Thế Kiệt
2023-08-12



Chú thích

(*1) Ngày Đốn Cây Vú Sữa
https://www.facebook.com/nghiemtr.ho
Truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu
Võ Đình Mai chuyển sang Anh ngữ
Đăng trong War and Exile, A Vietnamese Anthology
Vietnamese PEN Aboard, East Coast U.S.A., 1989
THE DAY THE MILK-BREAST TREE WAS CUT DOWN
Nguyên bản tiếng Việt
(*2) Hồ Thị Ngọc Trang là vợ của nhà văn Dương Nghiễm Mậu.
(*3) Dương Nghiễm Mậu (1936–2016)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Dương_Nghiễm_Mậu
(*4) Thằng đi mất biệt





Tuesday, July 25, 2023

đây thiên đường tổ quốc chúng ta


Lời dẫn: từ tối hôm qua, 2023-07-24, trên diễn đàn của nhóm huediepchi, anh bạn trẻ ở Việt Nam ha@hdc.com gửi cho một bài viết nhan đề "NGƯỜI THÁI TỬ TẾ … NGƯỜI VIỆT HUNG DỮ" (xem chú thích 2). Nói về tình trạng suy sụp đạo đức của người Việt Nam từ sau biến cố 1975.


nguồn hình: https://binhthtran.com/baochinhviet/index.php/tho-van/224-vung-ky-uc-thien-duong-xhcn


Trao đổi với nhau qua 7 bức thư, ý tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của những tác giả bài viết.

Nhân thể ghi lại vài kỉ niệm riêng về đề tài này (cf. chú thích 3-4-6).

Trong bức thư thứ 4, tôi nhớ lại lần về thăm nhà lần đầu tiên sau 1975, kể chuyện như sau:

Nhớ năm 1996 về thăm lại Đà Lạt. Hôm đó ở trên một đồi cao bên bờ hồ Xuân Hương, chúng tôi gặp một bà gánh hàng rong bán khô mực. Vừa quạt than vừa nướng khô mực, bà ấy kể chuyện bà đã về hưu, nhưng vẫn phải đi bán hàng, để có tiền nuôi con trai bà ăn học ở Sài Gòn. Tiền hưu trí của bà đâu khoảng 10-20 US dollars mỗi tháng. Khi trả tiền, không nhớ là bao nhiêu, nhưng rất rẻ so với vật giá thời kì đó. Chúng tôi xin biếu thêm, nhưng bà nhất quyết từ chối.

Cho thấy rằng, trong một xã hội xấu xa cách mấy đi nữa, vẫn luôn luôn còn có những người chân thật.
Đó là niềm hi vọng cho một ngày mai tươi sáng cho đất nước Việt Nam.

Ý tôi muốn an ủi bạn HA ha@hdc.com rằng dù trong hoàn cảnh vô cùng đen tối của đất nước bây giờ, Việt Nam ta vẫn còn mãi mãi những con người tử tế.

Sau cùng, tôi vụt nhớ lại những kỉ niệm xưa từ khi còn thơ ấu ở Hà Nội 1954, rồi đến khi ra nước ngoài từ trước 1975. 

Năm 1954, ở Hà Nội, trong ban nhi đồng, anh cả tôi được dạy hát như sau:

Đây thiên đường tổ quốc chúng ta,
Đây ruộng vườn quê hương ngàn đời...


Năm 1975, trên báo Sinh viên Việt Nam tại Pháp (tên là "Liên Hiệp" thì phải) đăng lời kêu gọi của Trần Bạch Đằng: "Hãy tin chúng tôi."

80℅ sinh viên Việt Nam chạy theo ủng hộ, hoạt động ráo riết cho những chương trình Nhà nước Cộng Sản: "Chân Trời 80", "Chân trời 90"...

Ông Trần Văn Khê đến diễn thuyết ở Faculté de Lettres, ở tỉnh tôi theo học lúc đó. Bạn bè tôi đua nhau xin trường học của họ bao nhiêu là sách đại học về đủ các bộ môn, máy móc dụng cụ nghiên cứu... gửi về nước.

Năm 1996, về nước lần đầu sau 1975, ra xem các tiệm sách lớn ở Sài Gòn, chỉ rặt thấy bày bán Hồi ký Trần Văn Khê, cùng sách của dăm nhà văn, nhạc sĩ (Sơn Nam, Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường...) có công với cách mạng.

Có một chị quen, về nước từ khoảng năm 1972, làm giáo sư tiến sĩ dạy ở Đại Học Cần Thơ. Chị ấy còn hăng hái tham gia tòa án nhân dân nữa chứ. Sau năm 2000 thì trở qua Mỹ. Vẫn chưa có dịp hỏi chị ấy về kinh nghiệm XHCN bây giờ ra sao.

Nhà văn ly khai Tiệp Khắc Milan Kundera (1929-2023), trở thành nhà văn ở Pháp, đã viết:

Để thanh toán các dân tộc, người ta bắt đầu bằng cách tước bỏ trí nhớ của họ. Chúng nó phá hủy sách vở của bạn, văn hóa của bạn, lịch sử của bạn. Những kẻ khác viết ra những cuốn sách khác, lồng vào đó một văn hóa khác, bày đặt ra một câu chuyện khác - một lịch sử khác; sau đó, người dân dần dần quên mất bây giờ mình là ai và trước kia mình là ai. 
(Pour liquider les peuples, on commence par les priver de la mémoire. Ils détruisent tes livres, ta culture, ton histoire. Quelqu'un écrit d'autres livres, leur donne une autre culture, invente une autre histoire ; plus tard, les gens commencent à oublier lentement ce qu'ils sont et ce qu'ils étaient.)


Đặng Thế Kiệt
2023-07-25




Chú thích

(1)
Ký ức 30-4-1975 trong lòng thủ đô nước Pháp (web Công An Nhân Dân)
https://cand.com.vn/thoi-su/Ky-uc-30-4-1975-trong-long-thu-do-nuoc-Phap-i388229/
Giới thiệu Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (Union des étudiants Vietnamiens en France, viết tắt là UEVF)
https://www.uevf.fr/gioi-thieu/
Sinh viên VNCH biểu tình chống Trung Quốc năm 1974
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49658957

(2)
from: ha <ha@hdc.com>
reply-to: <hdc@googroups.com>
to: <hdc@googroups.com>
date: 24 Jul 2023, 07:15
subject: NGƯỜI THÁI TỬ TẾ … NGƯỜI VIỆT HUNG DỮ

Đúng là cách hành xử của người Việt thật sự có vấn đề so với những nơi khác.
Người Thái Tử Tế 
Hồi nhỏ, mỗi lần nghĩ đến người Thái thì tôi luôn liên tưởng đến “hải tặc” hay “cướp biển Thái Lan”. Có lẽ vì đó là hình ảnh duy nhất mà tôi được nghe người Việt nhắc đến nhiều nhất với con cháu. Sau này lớn lên, tôi mới biết, ngoài những chuyện như hải tặc Thái Lan ra, thì cũng nghe đến người Thái đã mở rộng vòng tay tiếp đón người Việt tỵ nạn trong lúc chờ đợi định cư đến các nước tự do sau biến cố 1975. Thậm chí, tôi được biết, có những gia đình người Thái đã cưu mang nhận trẻ mồ côi Việt Nam làm con và nuôi nấng các em vô cùng tử tế. 
10 năm trước, tôi đang bế con nhỏ 6 tháng tuổi trên tay đứng chờ băng qua con đường tấp nập xe cộ tại Bangkok. Một anh cảnh sát giao thông Thái thấy tôi đứng mãi mà vẫn không qua đường được. Anh liền chạy ra giữa đường ra hiệu cho các xe chạy chậm để tôi bế con qua đường. Tuy chỉ là hành động nhỏ, nhưng làm tôi xúc động cảm mến hình ảnh anh cảnh sát giao thông đó mãi. 
Mới đây nhất, đến đất nước Thái, tôi lại càng vô cùng thán phục lòng tử tế và sự chất phác của họ.
Một anh thợ cắt tóc người Thái không biết một từ tiếng Anh nào. Thấy anh tận tụy cắt mái tóc cho đứa con trai tôi gần nửa tiếng đồng hồ. Đến khi trả tiền, anh ra dấu mấy lần mà tôi vẫn không hiểu chính xác là bao nhiêu. Cuối cùng tôi đành móc hết tiền mặt trong ví ra, xoè hết trên tay để anh tự lấy. Anh chọn đúng ba tờ 20 baht (khoảng dưới 3 đô Úc). Tôi tròn xoe mắt vì thấy rẻ quá. Tôi liền đưa thêm cho anh một tờ 20 baht nữa. Nhưng anh ra dấu lắc đầu nhất quyết không chịu nhận. Tôi đành chào gật đầu cảm ơn anh và ra về. Lòng thầm cảm phục sự thật thà và liêm khiết của người thợ cắt tóc này.
Một lần khác tôi đi chợ trời. Mặc dù sau khi đã đồng ý giá cả với một bác gái bán hàng, lúc trả tiền tôi lại gửi cho hơn những gì mình đã đồng ý. Một điều rất thú vị là, tuy lúc trả giá thì bác bán hàng này tính rất kỹ, nhưng một khi đã thuận giá bán rồi thì bác nhất định không chịu nhận thêm. Ồ, người Thái có lòng tự trọng và đặc biệt lạ lùng. 
Người Thái luôn mở lòng tiếp đón khách hàng. Ngay cả khi mình coi đồ đã đời mà vẫn không mua, họ vẫn nở nụ cười chào mình khi ra khỏi cửa tiệm. Đây là một điều rất hiếm thấy ở Việt Nam. 
Với tôi, nếu xét xem một đất nước có văn minh và vững mạnh như thế nào thì trước hết, hãy nhìn vào những hình ảnh đơn sơ, cách sống bình dị của từng người dân bé nhỏ nhất trong xã hội đó. Chứ không chỉ là hình ảnh của những biệt thự, xe hơi, đường rộng cao tốc hay những tòa nhà chọc trời. 
Tuy nền chính trị của Thái vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng một đất nước với nhiều con người đầy lòng tự trọng và tử tế như thế, thì tin chắc nhân quyền và tự do đích thực sẽ là con đường đầy hứa hẹn trên đất nước của xứ sở Chùa Vàng này.
TERESA TRẦN KIỀU NGỌC 
***
SÀI GÒN MẤT TÊN … NGƯỜI MIỀN NAM MẤT NƯỚC 
Nước Việt cộng sản hôm nay là nhà tù lớn độc tài . 
Văn hóa cai trị của miền Bắc cộng sản là bạo lực khủng bố , cướp và giết người . 
Văn hóa thiện nhân yêu hoà bình của người miền Nam đả bị phá hủy và bị tiêu diệt 😥
HUNG DỮ : NGƯỜI VIỆT THAY ĐỔI SAU 1975
Người Việt chúng ta (hiện nay) là những người hung dữ.
Khi tôi trả lời một cách đầy kiêu hãnh rằng mình là người Việt Nam, chị im lặng, cúi đầu, rồi ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi, chậm rãi nói:  
“Xin lỗi bạn, nhưng tôi phải nói thật lòng với bạn rằng: Người Việt của bạn là những người hung dữ”.
Đấy là tình cảnh một dịp gần đây, trong buổi giao lưu giữa những người nước ngoài hiện sống và làm việc tại thành phố Jakarta (Indonesia), tôi gặp một người phụ nữ Mỹ gốc châu Phi. Trò chuyện vui vẻ với nhau một lúc, chị hỏi tôi từ đâu đến.
Câu nói của người phụ nữ làm tôi choáng váng. “Tại sao chị lại nghĩ vậy?” – Tôi vội hỏi và chị giải thích rằng vừa qua Việt Nam du lịch.
Đến TP.HCM, khi đang say sưa với cảnh vật và con người, chị đứng bên đường chụp ảnh khu nhà thờ Đức Bà bằng chiếc điện thoại vừa mới mua thì bị kẻ cướp lao đến giật phắt điện thoại, rồi vút đi bằng xe máy.
Vụ cướp giật không chỉ để lại cho chị những vết sẹo trên cơ thể (do bị kéo té ngã) mà còn cú sang chấn về tinh thần: Hiện nay, mỗi khi nhìn thấy hoặc nghe tiếng xe máy chị lại hoảng hốt.
Khi tôi xin lỗi chị và nói rằng chính quyền TP.HCM đang làm các bước để cải thiện sự an toàn cho khách du lịch, người phụ nữ ấy lắc đầu và nói cái cần sửa nhất là bản tính tham lam, bon chen và hung hăng của người Việt.
Chị cho biết, trong khoảng ba tuần ở Việt Nam, chị đã quan sát thấy cái bản tính ấy trong nhiều hoàn cảnh: Người ta không chịu xếp hàng mà sẵn sàng chen lấn, xô đẩy; người ta bóp kèn inh ỏi trên phố để cố nhanh hơn vài giây, vài phút.
Khi va quẹt vào nhau trên phố, thay vì nhã nhặn giải quyết vụ việc, người ta sửng cồ, sẵn sàng lao vào nhau.
Người ta sẵn sàng bắt chẹt khách du lịch chỉ vì lợi nhuận trước mắt: Khi trả giá để mua hàng, chị đã bị người bán nói những lời rất khó nghe, thậm chí còn xúc phạm đến nguồn gốc châu Phi của chị. 
Người phụ nữ thở dài nói rằng chị đã ở Indonesia 5 năm nhưng chưa bao giờ sa vào hoàn cảnh tương tự và so với những gì chị đã trực tiếp trải nghiệm, người Indonesia vô cùng hiền lành, tốt bụng, vui vẻ và tử tế.
Người Việt có hung dữ không? Câu hỏi ấy đeo đẳng tôi suốt nhiều tháng trời để rồi khi về Việt Nam lần gần đây nhất, tôi đã có câu trả lời.
Tại con hẻm nhỏ ở quận Gò Vấp, tôi chạy xe kế bên người mẹ vừa đón con đi học về. Giây phút hội ngộ của hai mẹ con sau một ngày làm việc và học tập vất vả đáng lẽ là những giây phút hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười, nhưng không phải. Người mẹ vừa chạy xe vừa ra rả rủa xả con mình trong khi cô con gái nhỏ co rúm vì sợ hãi.
Người mẹ chửi con vì điểm kiểm tra toán hôm đó không như bà mong đợi. Nhìn nét mặt đau khổ của cô con gái, tôi tự hỏi người phụ nữ đang dạy con những gì? Hay bà đang cố gắng gieo mầm mống của sự hung dữ vào tâm hồn trẻ nhỏ?
Người Việt chúng ta là những người hung dữ., Khi chửi rủa con trẻ, phải chăng người mẹ đang gieo mầm tính xấu cho nó . Tôi tự hỏi có phải vì điều kiện sống quá áp lực, vì hoàn cảnh kinh tế bức bối mà con người ta dễ dàng trút giận lên nhau?
Trong những năm gần đây, tôi sống và làm việc ở hai thành phố lớn với môi trường khá tương tự TP HCM. Đó là Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia).
Đây là hai thành phố có tình trạng người thất nghiệp khá cao, an sinh xã hội thấp, nhiều người nghèo và đặc biệt với tình trạng ùn tắc giao thông dễ khiến người ta nổi nóng.
Nhưng thật lạ, trong bốn năm sống ở Manila và một năm rưỡi sống ở Jakarta, tôi thấy trên đường phố, dù kẹt xe đến mấy, ít ai bóp còi.
Văn hóa xếp hàng ở hai thành phố này cũng vượt trội hơn hẳn các thành phố của Việt Nam và đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh, tôi chưa từng gặp tình trạng bị chèo kéo, hăm dọa và bắt nạt như tôi từng gặp mỗi khi về nước.
“Người Việt là những người hung dữ”, câu nói đó không hẳn là đúng, nhưng tôi thấy sự hung dữ ngày càng lộng hành và bột phát không chỉ ngoài đường phố mà còn trong các gia đình (bạo hành phụ nữ, trẻ em, người thân trong gia đình giết nhau vì mâu thuẫn hay tranh chấp tài sản), trong trường học (bạo hành học sinh), trên mạng xã hội (người ta có thể thoải mái mạt sát, thóa mạ lẫn nhau).
Đặc biệt là các vụ giết người vì mâu thuẫn nhỏ ngày càng gia tăng.
Tôi đã nghe cha mẹ tôi kể những câu chuyện rất xúc động về sự tử tế của con người trong những năm tháng khi đất nước chúng ta còn chìm trong khói lửa chiến tranh.
Điều đáng buồn là khi chiến tranh lùi xa, sự tử tế cũng đang dần biến mất nhiều nơi. Bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy sản xuất năm 1985 đã cảnh báo về tình trạng ấy. Giờ đây, sau 34 năm, bộ phim vẫn còn nóng hổi tính thời sự.
Theo lời bình của bộ phim: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn…”.
Vâng, sự tử tế chính là cái gốc cho sự phát triển bền vững của một xã hội. Nếu chúng ta không sớm hành động để đánh thức và khích lệ sự tử tế trong mỗi con người, nền tảng đạo đức xã hội sẽ tiếp tục lung lay, khiến cho những thành tựu phát triển kinh tế của chúng ta trở nên vô nghĩa.
(Nhà văn NGUYỄN PHAN QUẾ MAI)
--
Flos Folium et Ramulus Semper Virens
---

(3)
from: d- tk <dtk@hdc.com>
to: huê diệp chi <<hdc@googroups.com>>
date: 24 Jul 2023, 20:30
subject: Re: NGƯỜI THÁI TỬ TẾ … NGƯỜI VIỆT HUNG DỮ

Gửi HA hai câu thơ của Đỗ Phủ, đời nhà Đường, so với ngày nay không khác chi mấy.
◇Đỗ Phủ 杜甫: Khóa mã xuất giao thì cực mục, Bất kham nhân sự nhật tiêu điều 跨馬出郊時極目, 不堪人事日蕭條 (Dã vọng 野望) Cưỡi ngựa ra ngoài thành nhìn mút mắt, Đau lòng vì cảnh đời ngày một suy đồi, rách nát.

(4)
from: d- tk <dtk@hdc.com>
to: huê diệp chi <<hdc@googroups.com>>
date: 24 Jul 2023, 23:11
subject: Re: NGƯỜI THÁI TỬ TẾ … NGƯỜI VIỆT HUNG DỮ

Nhớ năm 1996 đi thăm lại Đà Lạt. Hôm đó ở trên một đồi cao bên bờ hồ Xuân Hương, chúng tôi gặp một bà gánh hàng rong bán khô mực. Vừa quạt than vừa nướng khô mực, bà ấy kể chuyện bà đã về hưu, nhưng vẫn phải đi bán hàng, để có tiền nuôi con trai bà ăn học ở Sài Gòn. Tiền hưu trí của bà đâu khoảng 10-20 US dollars mỗi tháng. Khi trả tiền, không nhớ là bao nhiêu, nhưng rất rẻ đối với vật giá thời kì đó. Chúng tôi xin biếu thêm, nhưng bà nhất quyết từ chối.
Cho thấy rằng, trong một xã hội xấu xa cách mấy đi nữa, vẫn luôn luôn còn có những người chân thật.
Đó là niềm hi vọng cho một ngày mai tươi sáng cho đất nước Việt Nam.
 
(5)
from: ha <ha@hdc.com>
reply-to: <hdc@googroups.com>
to: <hdc@googroups.com>
date: 25 Jul 2023, 06:47
subject: Re: NGƯỜI THÁI TỬ TẾ … NGƯỜI VIỆT HUNG DỮ

Đáng tiếc sau 27 năm thì nó trở nên tồi tệ hơn.
Anh nghĩ vấn đề này nằm ở giáo dục, văn hóa hay do yếu tố nào?

(6)
from: d- tk <dtk@hdc.com>
to: <hdc@googroups.com>
date: 25 Jul 2023, 09:53
subject: Re: NGƯỜI THÁI TỬ TẾ … NGƯỜI VIỆT HUNG DỮ

Câu trả lời bây giờ đã quá rõ.
George Orwell, trong Animal Farm và 1984, đã mô tả trọn vẹn loại xã hội này.
Đại khái, có một tay nào đó, đam mê quyền lực - quyền lợi, hiển nhiên là rất khôn lanh, hắn dựa vào một lí thuyết theo chiều hướng thích hợp với lí tưởng của mình, chủ trương cách mạng lật đổ xã hội đương thời -- mà hắn cho là bất công phản động, để hứa hẹn một thiên đường ca hát, đem lại ấm no, hạnh phúc, công bằng cho mọi người.
Để củng cố cho lãnh tụ và tập đoàn của hắn, họ dùng mọi thủ đoạn gian manh, che giấu sự thật, làm ngu dân để dễ bề cai quản... 
Kết quả: một băng đảng đặc quyền đặc lợi thao túng toàn thể nhân dân, — sống trong nghèo đói, tăm tối... 
Giai đoạn tiếp theo, luật tự nhiên, băng đảng chia chác không đều, bất đồng ý kiến nội bộ... Thế là họ tự chia rẽ nhau, tranh chấp quyền hành lẫn nhau, tạo thành những sứ quân sát phạt nhau.
Có lẽ bây giờ XHCN Việt Nam đang ở giai đoạn này.
Bắc Bộ Phủ 2023 chỉ đang vơ vét tối đa, đem của cải ra nước ngoài, gửi họ hàng con cháu đi mua nhà mua đất, lập cơ sở làm giàu... ở những quốc gia tư bản tự do. 
Chờ ngày sụp đổ.

(7)
d- tk <dtk@hdc.com>
11:54 (39 minutes ago)
to huê

Năm 1954, ở Hà Nội, trong ban nhi đồng, anh tôi được dạy hát như sau:
Đây thiên đường tổ quốc chúng ta,
Đây ruộng vườn quê hương ngàn đời...

Năm 1975, trên báo Sinh viên Việt Nam tại Pháp (tên là "Liên Hiệp" thì phải) đăng lời kêu gọi của Trần Bạch Đằng: "Hãy tin chúng tôi".
80℅ sinh viên Việt Nam chạy theo ủng hộ, hồ hỡi hoạt động ráo riết cho "Chân Trời 80", "Chân trời 90"...
Ông Trần Văn Khê đến diễn thuyết ở Faculté de Lettres, ở tỉnh tôi theo học lúc đó. Bạn bè tôi đua nhau xin trường học của mình bao nhiêu là sách đại học về đủ các bộ môn, máy móc dụng cụ nghiên cứu... gửi về nước.
Năm 1996, về nước lần đầu sau 1975, ra xem các tiệm sách lớn ở Sài Gòn,  chỉ rặt thấy bày bán Hồi ký Trần Văn Khê, cùng với sách dăm nhà văn, nhạc sĩ... có công với cách mạng.
Có chị quen tôi, về nước từ khoảng 1972, làm giáo sư Tiến Sĩ dạy Đại Học Cần Thơ. Chị ấy còn hăng hái tham gia Tòa Án Nhân Dân nữa chứ. Sau năm 2000 thì trở qua Mỹ. Vẫn chưa có dịp hỏi chị ấy về kinh nghiệm XHCN bây giờ ra sao.
dtk


 


Thursday, May 18, 2023

nhìn những mùa thu đi


Nhớ những năm 1966-1968 còn ở Sài Gòn. Mỗi ngày nghe ra rả những bài hát của Trịnh Công Sơn: Gia tài của mẹ, Người con gái Việt Nam da vàng..., — nẫu cả ruột gan. Rồi cứ nghe đi nghe lại bài Diễm Xưa. Chiến tranh đến hồi khốc liệt. Cuối năm 1968, được học bổng sang Pháp. Hình như năm đầu, rất nhớ nhà, viết thư xin mẹ gửi cho đĩa hát mới Nhìn những mùa thu đi. Nghe bài hát như dân ghiền ma túy. Sau cho ai mượn, trong số các bạn đồng hương nơi tôi ở trọ, cái đĩa hát mất tích luôn.

Vào khoảng 1969-1971, mấy người, hình như thuộc Hội Người Việt Nam Tại Pháp, rủ tôi và một bạn khác, đi trại Hè ở Côte d'Azur, bên bờ Địa Trung Hải. Họ có xe nhà cho quá giang, đi trại hè miễn phí. Đến nơi, tôi hiểu ngay tổ chức loại này, là để tuyên truyền, lôi kéo người Việt, sinh viên Miền Nam... theo họ chống chiến tranh, ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam. Nhớ có gặp mặt người vợ của Nguyễn Ngọc Giao, giáo sư toán đại học Paris, có tên trong ban biên tập báo Đoàn Kết. Báo này phổ biến rất rộng trong giới kiều bào thời đó. Nguyễn Ngọc Giao còn giữ phận sự làm thông dịch viên gì đó trong các cuộc hội đàm Paris năm 1972.

Một hôm trên xe car du ngoạn quanh vùng gần trại hè, chợt nghe mấy lời một bài hát:

Huế Sài Gòn Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa
Huế Sài Gòn Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ
Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau
Triệu chân em triệu chân anh
Hỡi ba miền vùng lên cách mạng...

Tôi hiểu ngay Trịnh Công Sơn làm nhạc tuyên truyền cho cộng sản Hà Nội. Thời kỳ đó, gần như 100% các bạn bè tôi đều ngất ngư nghe nhạc Trịnh Công Sơn.

Thế rồi, biến cố Tháng Tư 1975. Ngoại trừ một số người Việt hoảng sợ vì cả nước Việt Nam rơi vào tay cộng sản, 80 % các bạn bè tôi đều chạy theo phong trào mới. Họ kéo nhau đi hội họp, hăng hái tham gia chương trình "Chân trời 80", treo hình Hồ Chí Minh trong phòng khách, chuyền nhau đọc "Đại Thắng Mùa Xuân", lấy bút hiệu Nguyễn Kiến Quốc, Trần Nhân Quốc... Có người còn đem báo sinh viên phát hành từ Paris cho đọc, trong đó Trần Bạch Đằng viết lời kêu gọi: Hãy tin chúng tôi...

Năm 1996, lần đầu tiên về nước sau 1975, ra các tiệm sách lớn ở Sài Gòn, chỉ thấy rặt những tập nhạc của Trịnh Công Sơn, sách của chục người có công với chế độ mới. Về nhà, nghe mẹ nói: Mỗi ngày xin chọn một niềm vui.

Từ đó đến nay, ảnh hưởng nhạc Trịnh Công Sơn vẫn lan tràn mạnh. Người ta tôn vinh Trịnh Công Sơn là phù thủy ca từ. Trịnh Công Sơn chường mặt đầy trên Facebook, Youtube... Phòng ca nhạc Trịnh mọc lên như nấm ở Việt Nam.

Tôi ấm ức mãi. Trịnh Công Sơn có thực làm tay sai cho cộng sản hay chỉ là một trí thức ngây thơ để cho cộng sản lợi dụng?

Tôi thích vài bài thơ của Xuân Diệu, Huy Cận... Hôm nọ đọc một bài trên Facebook của Lại Nguyên Ân về mấy bài thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên theo đuôi Tố Hữu cúng Stalin — vừa chết năm 1953 —, còn hơn ông cố nội.

Hôm qua đọc bài Lê Thị Huệ phỏng vấn nhà văn Hoàng Hải Thủy (năm 2011), tới đoạn hỏi về Trịnh Công Sơn, trích lại dưới đây:

LTH:  Nói về Trịnh Công Sơn, một đỉnh điểm điển hình cho một công dân sáng tác đóng góp vào việc làm mất Miền Nam vào tay Miền Bắc. Tôi nghe một cuộc phỏng vấn trên một đài truyền hình trên net, bà Đặng Tuyết Mai vợ phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ kể lại bà cho mời ông Trịnh Công Sơn vào  hát nhạc tình ca và bắt tay với nhau khen nhau này nọ trong dinh thự ông Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Rồi chính ông Trịnh Công Sơn ra ngoài làm nhạc Phản Chiến nhiều hơn ai hết. Thời ấy mấy ai dám làm nhạc Phản Chiến đĩnh đạc và được sống sót như ông Trịnh Cộng Sơn. Phản Chiến là phong trào Quốc Tế. Tôi nghe nói có lúc chính quyền Miền Nam đòi bắt ông Trịnh Công Sơn, nhưng Người Mỹ không cho. Rồi tôi lại nghe ông Trịnh Công Sơn theo VC với những người thân và bạn thân của Nhóm Huế của ổng theo phò VC  tối đa, đến độ VC về Sài Gòn năm 1975 là Trịnh Công Sơn nhào ra hát bài Nối Vòng Tay Lớn trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Tôi cũng mê nhạc Trịnh Công Sơn, mê chết đi được. Nhưng thú thật, ở một cương vị cá nhân bị mất mát quá nhiều vì chiến tranh, tôi cũng phải nhìn lại cuộc chiến với suy tư để tự đi tìm cho mình một lời giải thích.  Tôi muốn hỏi ông một câu ông nghĩ sao về trường hợp của Trịnh Công Sơn?

HHT: Tôi khinh anh ta.

Câu trả lời 4 chữ của Hoàng Hải Thủy làm tôi khoái trá, vỗ đùi cái phạch.

Xin cài vào đây một youtube bài nhạc "Nhìn những mùa thu đi" để nghe và nhớ:

(...)
Rồi mùa thu bay đi
Trong nắng vàng chiều nay
Anh nghe buồn mình trên ấy
Chiều cuối trời nhiều mây
Đơn côi bàn tay quên lối
Đưa em về nắng vương nhè nhẹ
Đã mấy lần thu sang
Công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai


Và nghe thêm bài này:
Hát Trên Những Xác Người - Tác giả: Trịnh Công Sơn



"Gần một nửa thế kỷ trôi qua, vết thương vẫn chưa lành. Và chắc sẽ không bao giờ lành đối với hàng triệu gia đình, trong khi có những người khác, đứng đầu là nhà nước, có cơ hội "hát trên những xác người" để ăn mừng chiến thắng. Có cơ hội để khoe khoang, đánh bóng quá khứ, để dân quên thực tại đất nước không có gì đáng kiêu hãnh.
(...) Albert Camus nói cuộc đời là những cuộc tranh đấu, nếu không tranh đấu cho lẽ phải, không nổi giận trước những bất công, cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng Camus nói thêm: nổi loạn, hay  phẫn nộ phải có đối tượng, không bao giờ mù quáng, vô vạ, miễn phí (la révolte est ciblée, jamais aveugle ni gratuite).
Chống Cộng, nửa thế kỷ sau, không phải vì oán thù, không phải vì bị cướp nhà cướp đất, nhưng bởi vì nghĩ rằng, biết rằng chế độ Cộng Sản đưa tới bế tắc cho dân tộc. Bế tắc và diệt vong.(Từ Thức: 48 năm và những câu hỏi nhức nhốituthuc-paris-blog.com)


tham khảo

Lê Thị Huệ phỏng vấn Hoàng Hải Thủy
http://www.gio-o.com/HoLieu/Tet2011HoangHaiThuy.htm








Monday, April 24, 2023

Vĩnh biệt Lê Văn Hảo


Tác giả: Thi Vũ (1935-2023)

Lời dẫn của bloggerDưới đây xin đăng lại nguyên văn bài viết nhan đề như trên, với phụ đề "tài liệu lịch sử lần đầu tiên được công bố" trên website gio-o.com vào cuối tháng Hai năm 2023: 
http://www.gio-o.com/ThiVu/ThiVuVinhBietLeVanHao.pdf
Hoàn toàn đồng ý với 4 chữ "tài liệu lịch sử". Vì riêng cái tên Lê Văn Hảo (của người chính được nói đến trong bài) tự nó đã đi vào lịch sử, đặc biệt là trong vụ Thảm sát Mậu Thân (1968) ở Huế. Thi Vũ Võ Văn Ái, khi kể lại kỷ niệm của mình với Lê Văn Hảo — từ những năm mài đũng quần dưới mái nhà trường đến thời kỳ họ gặp lại nhau tại Pháp, có lúc cùng nhau hoạt động —, đã nhắc đến vài nhân vật có liên quan với lịch sử Việt Nam hôm nay, nhất là về biến cố 30 tháng Tư 1975, thời điểm mà cả miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) đã bị sáp nhập với miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) dưới chế độ độc tài Cộng Sản. Đó là: Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khắc Viện và Võ Thanh Minh.

www.gio-o.com

Trích dẫn một bài Thi Vũ gửi riêng cho Đặng Thế Kiệt (thư đề ngày 18 juin 2018). Thi Vũ thảo bài này nhân đọc một trang blog của tôi viết về Lê Văn Hảo. Sau đây tôi cắt phần đầu không trực tiếp liên quan với đề tài. Xin gửi đến cô Lê Thị Huệ Gió-O, tùy nghi sử dụng, trong bối cảnh Thi Vũ Võ Văn Ái vừa mất (26/01/2023).

(…)
Bài Đặng Thế Kiệt viết ngày 5 tháng 8 năm 2017 về Lê Văn Hảo trên Trang nhà Bóng Ngày Qua của Kiệt dưới đề mục “Mất Quê hương” như sau :
« Hôm đó, vợ chồng tôi đang ngồi trong quán ăn Au Vieux Saigon, avenue d'Ivry quận 13 Paris. Chợt có một cặp già nhỏ nhắn lại ngay bàn bên cạnh. Nhà tôi bỗng nhìn đăm đăm người đàn bà lớn tuổi, rồi ngập ngừng nói:
— « Dạ, có phải là chị Thu Tâm không ạ?
« Người đàn bà khựng lại nhìn nhà tôi, và rồi tỏ vẻ nhận ra nhau.
« Từ nhiều năm qua, nhà tôi hay nhắc đến những kỉ niệm thời học trò ở Saigon. Vào những năm cuối trung học đệ nhất cấp ở trường Regina Pacis, ở trọ nhà cô bạn con gái nhạc sĩ Bửu Lộc, nổi tiếng trên Đài Phát Thanh Saigon. Và nhờ đó quen biết ca sĩ Thu Tâm. Chị Thu Tâm thỉnh thoảng làm ca sĩ trong những buổi tối ca nhạc tổ chức tại nhà riêng của nhà đàn tranh Bửu Lộc, trong một ngõ hẻm trên đường Phan Thanh Giản. Khách tham dự thường là mấy tướng tá người Huế.
« Người đi kèm chị Thu Tâm trong tiệm ăn hôm đó lại chính là Lê Văn Hảo.
« Mấy hôm sau, cặp Thu Tâm - Lê Văn Hảo nhận lời đến thăm chúng tôi. Vào nhà tay bắt mặt mừng. Một cách rất tự nhiên, bốn người xếp thành hai cặp nói chuyện với nhau: chị Thu Tâm và nhà tôi tạo thành một cặp, Lê Văn Hảo và tôi thành cặp thứ hai.
« Hai người đàn bà huyên thiên nói gì với nhau, sau lần gặp mặt đó nhà tôi mới kể lại một phần cho tôi biết. Riêng cặp Lê Văn Hảo và tôi, thì Lê Văn Hảo nói nhiều hơn và tôi gần như chỉ lắng nghe.
« Không ai bảo ai, đề tài nói chuyện xoay quanh "trường hợp Lê Văn Hảo" trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế. Tôi chỉ đọc lần đầu tiên đến cái tên Lê Văn Hảo, trong cuốn tiểu thuyết hồi kí Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca. Lê Văn Hảo lặp lại nhiều lần: "Họ đã bombardé tôi vào chức đó, chứ nào tôi có muốn làm."
« Cái chức vụ mà Lê Văn Hảo nói đến ở đây, chính là chức "Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên – Huế" khi quân cộng sản Bắc Việt tấn công Huế năm Mậu Thân 1968. Lê Văn Hảo trầm giọng kể cho tôi nghe kỉ niệm xưa. Hồi đó, quân đội Pháp cưỡng chiếm nhà cha mẹ ông làm tổng hành dinh.
« Thế mà ông lại say mê cô con gái của viên sĩ quan trưởng đóng tại nhà.
« Rồi một đêm, người mẹ của Lê Văn Hảo nhảy xuống giếng trong vườn. Để lại mấy lời trăn trối: Mẹ đau quá con ơi, đau không chịu nổi... Ông Lê Văn Hảo nói mẹ ông bị bệnh ung thư tử cung. Ông ấy còn nhắc lại lời mẹ bắt ông phải hứa không bao giờ lấy đầm làm vợ. Vừa kể ông ấy vừa rơm rớm nước mắt làm tôi cũng mủi lòng.
« Thế rồi câu chuyện chuyển sang thời kì Lê Văn Hảo được đưa về Bắc. Cả mười năm trời, không phải làm gì hết, lại được nuôi cho đi thăm viếng khắp các miền non nước.
« Ông ấy đem một tập giấy hơn hai chục trang chụp photocopie từ những bài đăng trên báo Thông Luận ở Paris khoảng năm 2007, cùng với lời viết tay nắn nót trên bìa cứng:


Lê Văn Hảo, Tiến sĩ Dân tộc học, nguyên hội viên Société Asiatique de Paris
MẤY NÉT VIỆT NAM ĐẸP TƯƠI MUÔN THUỞ
Bản riêng tặng cô R. & anh K.
L.V.H. và Thu Tâm
Mùa Xuân tháng 3/2009

« Hôm đó, Lê Văn Hảo nói ước vọng của ông hoàn thành tác phẩm, dày khoảng 800 trang.
« Chỉ cần đọc nhan đề 13 bài viết trên đây là đủ nhớ da diết quê hương nghìn dặm:

Bản đồ Việt Nam
Mũi Cà Mau
Chòm Lũng Cú
Ao Bà Om
Hương Sơn - Chùa Hương
Hòn Non Nước
Nha Trang
Đà Lạt
Vũng Tàu
Yên Tử
Vườn Chim, Sân Chim, Tràm Chim
Lời cảm ơn của tác giả
Cùng một tác giả (danh mục tác phẩm)

« Tôi đã đọc mấy bài này, rất thú vị. Lời văn trong sáng, đượm tình yêu nước non dân tộc.
« Không nhớ trong hoàn cảnh nào, chúng tôi bốn người đứng trong sân siêu thị Thanh Bình Jeunes ở gần Porte de Choisy. Siêu thị này là của một người trong nước làm chủ. Theo một người bạn học cùng trường xưa ở Việt Nam, người chủ này là họ hàng với tiệm Thanh Bình kì cựu ở Place Maubert Paris từ mấy chục năm về trước. Trước 1975, hầu như dân Việt cả nước Pháp và cả Âu châu đều về đây mua thức ăn rau trái Việt Nam. Sau 1975, cửa tiệm này thất thế dần dần vì bị các siêu thị lớn của người Tàu (Tang Frères, Paris Store, ...) đè bẹp. Riêng siêu thị Thanh Bình Jeunes này chuyên bán các thực phẩm đem từ Việt Nam sang (thay vì phần lớn nhập cảng từ Thái Lan như các siêu thị của người Tàu), và đặc biệt còn có mấy ngăn hàng bán sách báo Việt Nam in trong nước.
« Lúc đó, tôi hơi ngạc nhiên thấy Lê Văn Hảo đến trò chuyện với một người Pháp, khoảng 40-50 tuổi, rõ ràng mang dáng dấp của một SDF (sans domicile fixe) như người Pháp nói bây giờ, tức là một loại clochard truyền thống ở Paris ngày xưa: áo quần xốc xếch, hai gò má lộ ra những tia máu đỏ của những người nghiện rượu. Trông thái độ hai người như thầy trò với nhau. Điều tôi lấy làm lạ, người Pháp này nói được tiếng Việt khá sỏi. Anh ta bảo với tôi rằng trong siêu thị đang bày bán mấy tạp chí có bài của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hóa ra, cứ mãi quanh quẩn với mấy nhân vật trí thức ngày xưa: Trịnh Công Sơn, Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, v.v.
« Mấy hôm nay, tôi tìm được trên Internet mấy bài phỏng vấn Lê Văn Hảo và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cả hai chối bai bải không chịu nhận có dây dưa gì trong cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế. Cả hai nói, khi đó họ đều ở trên núi, không hề tham gia quyết định trong trận chiến. Họ quá lắm chỉ tự coi là bù nhìn.
« Năm 1996, lần đầu tiên về thăm quê hương sau biến cố 1975, tôi ra xem hai tiệm sách lớn ở Saigon đường Nguyễn Huệ và đường Tự Do (cũ), chỉ rặt thấy bán những sách: hồi kí của Trần Văn Khê, nhạc của Trịnh Công Sơn, tiểu thuyết của Sơn Nam, sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ngoài ra, còn có một số sách của Nguyễn Hiến Lê. Nói tóm lại, đều là những người được chế độ mới ưu đãi.
« Gần như cả cuộc đời trên mặt đất tôi chỉ là một kẻ mất quê hương.
« Từ mấy chục năm nay, tôi chỉ có một câu hỏi quay quắt trong đầu:
« Một cá nhân Hồ Chí Minh, xảo quyệt dường nào đi nữa, nếu không có những bộ hạ, và nhất là những tay "trí thức" loại "trung lập", "chủ hòa" hoặc "thành phần thứ ba", cộng với sự hỗ trợ đắc lực của hàng triệu những bác sĩ, giáo sư, thi sĩ, kĩ sư, tu sĩ... —những "tên khờ có ích" (idiots utiles) —, thì làm sao có thể đưa đẩy đất nước và dân tộc Việt Nam vào con đường vô vọng ngày nay? ».

(theo sau là phần cuối bài viết của 
Thi Vũ Võ Văn Ái)

Lê Văn Hảo là bạn học thời tôi trẻ ở Huế.

Hồi cư về năm 1947, trường trung học Khải Định ở Huế bị quân đội Pháp chiếm. Chúng tôi phải học tạm trong mấy gian chuồng ngựa tân trang thành lớp học ngoài đồng An Cựu. Thời gian ngắn sau dời qua trường Chaigneau, một trường trung học Pháp, gần Khách sạn Morin và sở bưu điện. Được một thời gian mới về hẳn Trường Đồng Khánh vốn là trường nữ trung học, nay phân nửa cho nữ sinh, phân nửa cho nam giới, do Thầy Nguyễn Hữu Thứ làm Hiệu trưởng học sinh nam.

Thời gian này tôi hoạt động bí mật trong đoàn Học sinh Kháng chiến của Việt Minh. Một hôm, Vĩnh Sum phụ trách bạo động trong đoàn nhờ tôi cất hộ 5 trái lựu đạn. Mang về giấu trong nhà dưới gầm giường, không may bị cha tôi phát gíac. Chẳng nói chẳng rằng ông mang đi vất, rồi nói với tôi : « Tao ghi tên cho mi lên học trường trung học Pèlerin (trường của các Sư huynh Thiên chúa giáo), không học Khải Định nữa ! » Tôi quyết liệt không chịu, lấy cớ mình là Phật tử không học trường đạo. Vài ngày sau ông đấu dịu, đánh vào tâm lý trẻ con của tôi : « Mi lên học Pèlerin cho yên ổn, tao mua cho chiếc xe đạp. » Số là thời gian ấy tôi mơ xe đạp như các bạn học đồng lứa. 

Nhưng tôi cũng chẳng vừa, báo cáo lên đoàn chuyện gay cấn cha mẹ bắt bỏ trường Khải Định nơi tôi đang hoạt động với nhiều kế hoạch. Lệnh ở « trên » (chẳng biết trên nào, ở đâu, ai) chỉ thị tôi chấp nhận học Pèlerin để hoạt động, vì « bọn trên đó  khá phản động với kháng chiến, chẳng phản ứng chi tới tình hình đất nước ». « Trên »  nhắn vậy. Thế là tôi vừa có xe đạp vừa tiếp tục « kháng chiến » ! Và cũng từ khi nhập học, hàng tuần xuất hiện truyền đơn kháng chiến ở Pèlerin, chuyện chưa hề xẩy cho các Frères (Sư huynh).

Ở Pèlerin tôi ngồi bàn đầu cạnh Hảo. Chúng tôi cùng  nhau đánh bạn. Hảo láu táu sính nói, ngay lúc Frère (tức Sư huynh đứng lớp) đang giảng bài. Hảo nói, tôi nghe, vậy mà lần nào Frère Archange cũng phạt cả ai đứa. Bãi lớp học trò ra về, hai chúng tôi phải vào Nhà Nguyện đọc kinh Đức Mẹ, khi ba chục lần, khi năm chục, có khi lên 100 lần. Vào Nhà Nguyện, Hảo lại nói chuyện tía lia không đọc kinh, hoặc chọc cười tôi Hảo đọc Lạy ông thánh Phê-rô thành Lạy ông thánh Xia-rô… May Frère Archange không đi đi lại lại quan sát như thường khi, có ông chắc chúng tôi sẽ phải đọc kinh suốt đêm.

Hảo con ông Lê Văn Tập, một phú gia ở Hàng Bè có môn bài bán gạo, muối. Hảo hay rủ tôi ghé nhà. Căn nhà rộng thinh, lạnh lẽo, tăm tối, chất những bao gạo hay muối. Tôi ngạc nhiên thấy xây một phòng nhỏ tí, bốn bề tường xi măng xám xịt chừa khung cửa nhỏ, nơi Hảo vào học bài. Hỏi mới biết bị ông thân phạt. Hảo bảo trước kia ở trên lầu. Vì hay qua phòng chị thăm, chị cùng cha khác mẹ, mà « chị đẹp lắm », theo lời Hảo. Sau này qua Pháp Hảo kể trước khi rời nước đến chào từ giả bà chị này, lúc đó đã thành bà Đào Đăng Vỹ. Buổi trưa bà nằm trần truồng trên giường tuyệt đẹp khiến Hảo xao xuyến, mất hồn. Đời Hảo thiếu tình thương, vì mẹ Hảo, bà thứ hai trong nhà, đã trầm mình xuống giếng quyên sinh khi Hảo còn nhỏ. Suốt đời Hảo thầm kín quyến luyến với mọi phụ nữ hiền dịu. Thời theo học ngành Dân tộc học ở Sorbonne, Hảo vào đạo Thiên chúa cũng vì nhan sắc một cô đầm sinh viên trong chuyến hành hương Phục sinh về nhà thờ Chartre theo truyền thống Charles Péguy.

Hai chúng tôi như có duyên nợ nên sau bao thăng trầm vẫn gặp lại nhau. Một hôm cơ quan An Ninh Huế đến trường Pèlerin bắt tôi. Nhưng các Frères can thiệp không muốn gầy động học sinh, yêu cầu chờ tan học tôi về nhà hãy bắt. Nhớ mãi sáng ấy tới giờ ra chơi, Frère Arsène người có cảm tình đặc biệt với tôi, ngoắc tay gọi lại nói chuyện. Frère bảo : « Ái, sao mày không lo học mà làm chính trị hở ? » Tôi cười đùa : « Frère nói chi lạ, con lo học có biết chính trị gì đâu ! » -- « Ừ tao báo cho mày biết, liệu cái thân đi con. ». Trưa ấy, đạp xe về tới nhà An Ninh đã ngồi chờ hốt đi. Đó là năm 1949. Từ đó tôi không còn gặp Hảo.

Tôi sang Pháp cuối năm 1955. Một hôm sau khi ngồi học ở Thư viện Saint Geneviève cạnh Panthéon ở Paris quận 5 cho ấm lúc sang đông, ra trạm tàu hầm/métro Luxembourg về phòng trọ. Lững thững trên bến chờ xe, bỗng gặp lại Hảo.  Mừng rỡ lấy địa chỉ nhau hẹn gặp lại chủ nhật. Hảo thuê nhà ở Bourg-la-Reine, ngoại ô Nam Paris. Tôi đến thăm thấy một ông tây con ăn mặc sạch sẽ, thắt cà vạt. Hôm ấy anh chuẩn bị bài thuyết trình hôm sau. Hảo trịnh trọng đi lui đi tới trong phòng, tay cầm giấy, mắt nghiêm trang theo chữ, giọng đọc uốn éo, diễn xuất trầm bổng. Từ đó chúng tôi thường gặp nhau. Sau này Hảo dọn lên ở Khách sạn Sommerard cạnh Sorbonne theo học Văn chương. Những lúc tôi sa cơ không nhà ở, Hảo cho tôi tá túc trong căn phòng chật hẹp. Khách sạn tây nhưng dành toàn phòng cho sinh viên Việt Nam thuê. Đêm Hảo ngủ trên giường, tôi kê nệm mỏng dưới chân giường. Có những tập tục tôi mới sang Pháp chưa quen. Mỗi sáng còn ngái ngủ, Hảo dậy đi tiểu, nhưng nhác ra phòng vệ sinh công cộng ở mỗi tầng. Một chân kẹp sát người tôi, một chân choàng qua tôi chống lên bồn rửa mặt đái một trận. Lúc đầu hơi ghê. Vừa là bồn rửa mặt vừa là bồn đái của cậu Hảo, sao có chuyện lạ đời. Nhớ bên nhà khi mẹ phơi áo quần giặt ngoài vườn, dặn tôi đi ngang không được bước dưới quần đàn bà. Nay tôi nằm dưới hạ bộ một cậu đàn ông.

Sau này Hảo theo Cộng sản Tết Mậu Thân gia nhập Liên minh, làm chức lớn ngang ngửa với Thị trưởng thành phố Huế. Mặt trận vỡ rút vào núi, Hảo ra Hà Nội mười năm ăn cơm báo cô, ngồi chơi xơi nước tại nhà Thống nhất dành cho cán bộ miền Nam. Hảo kể tôi nghe những năm vô tích sự ấy, ngày mấy bữa cơm, dự học các khoá chính trị duy vật sử quan, hay đi truyên truyền các nước bạn cho chế độ. Nhưng Hảo tiết lộ, mỗi đêm đều leo tường vào chốn « thanh lâu » với sự hướng dẫn của anh em nghệ sĩ ngoài nớ.

Tôi đọc trên tạp chí Études Vietnamiennes xuất bản ở Hà Nội bằng tiếng Pháp do ông Nguyễn Khắc Viện chủ trương, viết về tiểu sử Hảo. Có hai chuyện không đúng. Một bảo rằng thời nhỏ ở Huế, Hảo hoạt động cho Học sinh Kháng chiến là sai. Thuở ấy Hảo chơi thân với tôi, con nhà giàu, ham học, chẳng biết chi khác. Tình hình chiến tranh Pháp Việt, đất nước ngửa nghiêng chẳng bao giờ Hảo để tâm, tôi có đề cập cu cậu cũng dửng dưng. Sau này ở Pháp y cùng tâm trạng. Tôi đoán Hảo lấy trường hợp tôi ghép vào anh chăng ? Tiểu sử cũng ghi thời ở Pháp Hảo hoạt động cho « cách mạng ». Tôi ngờ lắm, vì bản tính Hảo yêu quê hương, sông nước, hát hò, nhưng bất chấp chuyện thời thế, hoạt động. Lúc sắp sửa trình luận án tiến sĩ để về nưởc, Hảo cưới vợ, mời tôi làm nhân chứng phụ rể. Vợ Hảo con một đại phú gia họ Nguyễn, có mấy chiếc tàu lớn mua từ Nam Tư, tay chân tín cẩn của gia đình ông Ngô Đình Diệm. Hảo đặt tên Kiều Giang cho con gái đầu lòng, ghép tên cô Kiều tài hoa với cô Giang cách mạng.

Giai đoạn duy nhất Hảo dấn thân mà tôi chứng kiến, là sau thời Phật giáo thành công cuộc tranh đấu cho tự do tín ngưỡng năm 63. Lúc ấy Hảo đến làm việc hằng ngày, rất hăng say, với Đoàn Sinh viên Phật tử Paris do tôi thành lập, trụ sở đặt tại số 55, đường Doudeauville, Paris quận 18. Nguyên do dính dáng « cách mạng », có thể là một hôm tôi dẫn Hảo cùng đi thăm ông Võ Thanh Minh, Huynh trưởng Hướng đạo kỳ cựu cùng lớp với các ông Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu… Thời ấy, ông Minh bị chính phủ Thuỵ Sĩ trục xuất sang Pháp, ông tá túc trong một vỏ xe van trơ trọi nằm trên ngọn đồi trọc ở thị trấn Villejuif, ngoại ô nam Paris. Chúng tôi vừa đến thì thấy ông bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, lãnh tụ Việt Kiều theo Hà Nội tại Pháp, vừa bước khỏi xe van từ giả ông Minh. Hai người đồng xứ Nghệ. Ông Minh giới thiệu ông Viện cho hai chúng tôi. Người cộng sản động viên nhân dân giỏi và có bài bản. Họ luôn ở thế kẻ đi săn, tuyệt đối không để mất con mồi. Nhử bằng tình cảm, họ lo lắng, chăm sóc, nhất là ai ở hoàn cảnh thất thế, thất nghiệp. Ông Viện thăm viếng thường xuyên ông Minh, nhờ dịch thuật một số bài vở, để lấy cớ giúp tiền. Ông Minh kể cho tôi nghe và nói về gia thế ông Viện. Trong nhà có hai anh em đi hai đường ngược chiều, một người làm tu sĩ Thiên chúa giáo, một người theo Cộng sản. Không ngờ dịp gặp gỡ ngắn ấy, ông Viện liền đuổi theo con mồi Lê Văn Hảo, móc nối Hảo để sau này về Việt Nam hoạt động trong Đại học Huế cho cách mạng.

Sau 75, nhiều lúc tôi nghĩ tới Hảo vì mường tượng nếu có Hảo tại Pháp chúng tôi sẽ kết hợp nhau vận động cho nhân quyền, tự do.
Thế rồi, một ngày bỗng nghe tin Hảo qua Pháp theo lời mời của các bạn Pháp ở Đại học Paris. Anh ở lại không về rồi xin tị nạn. Thời kỳ này tạp chí Quê Mẹ có cuộc phỏng vấn Hảo về nội tình Mậu Thân Huế. Bài phỏng vấn gây tức tối cho nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân cũng như Hà Nội. Nhân một lần qua Pháp, Nguyễn Đắc Xuân về viết bài đăng trên báo Văn Nghệ cuộc gặp Hảo tại Bảo tàng viện Louvre, cao ngạo tự đắc tả cho mọi người hiểu Giáo sư tiến sĩ Hảo xưa, nay chỉ là anh gác-dan Bảo tàng viện Louvre. Giọng điệu tiểu nhân đắc chí, không biết rằng ở Tây phương chẳng ai coi rẻ con người vì nghề nghiệp. Trong đám clochards nằm lề đường, dưới gầm cầu ở thành phố Paris có những kẻ học vị tiến sĩ, cử nhân. Ngày xưa Xuân là học trò của Hảo ở đại học Huế, nay học thói tình nghĩa Cộng sản xem thầy cũ như thứ nhân, vì thầy hết làm đồng chí. 

Sau này vài lần Hảo đến giúp chúng tôi dịch thuật tài liệu nhân quyền.
Đời Hảo long đong việc tình ái và sự nghiệp. Một người bạn dễ mến, có tình, nhưng hay thay đổi. Tôi ngờ rằng Hảo mất tình mẫu tử từ bé trong một gia đình phú gia bạc tình, khiến Hảo bơ vơ, khắc khoải. Hảo cứ phải tìm kiếm những điều phôi pha như bóng nước, ảo ảnh, trong khi cuộc đời thực tế đến phũ phàng, vốn chỉ biết « dụng nhân như dụng mộc ». Ai cũng là thợ mộc, chỉ con người hồn hậu, lạc loài như chúng ta mới bị dần dà biến ra cái đòn, chiếc ghế, nếu không là gông đeo kẻ tử tù.

Mấy năm tôi cố tìm Hảo. Nhưng chẳng thấy. Điện thoại không chuông ren. Thư viết chẳng hồi âm. Cho đến ngày nhận được bài viết năm 2017 kể trên của Đặng Thế Kiệt. Gọi điện hỏi Kiệt mới biết Hảo đã mất từ năm 2015. Cớ gì ? bệnh gì ? Chẳng ai hay biết.

Lòng tôi bùi ngùi, như có cái thót thốn tâm.

Vĩnh biệt Hảo, người bạn nhỏ trường Dòng Huế cạnh dòng Hương xa lắc.



Friday, March 3, 2023

mực, mực ô!


Người hướng dẫn Thái Lan giới thiệu trái sầu riêng cho đoàn du khách, nói nó có mùi fromage. Đây là những du khách đến từ Pháp, nên ai cũng hiểu ngay. Đề tài sầu riêng có vẻ hấp dẫn, mọi người đều tò mò muốn có dịp đi xem chợ Bangkok để biết thêm. Nói chuyện nhẩn nha với bà đầm ngồi ghế xe bên cạnh, bỗng xoay qua chuyện ăn thịt chó. Lạ lắm, đề tài thịt chó này bao giờ cũng lôi cuốn khá nhiều. Đại khái, người Âu Mĩ có thành kiến coi sự ăn thịt chó có phần dã man. Tôi không biết tục ăn thịt chó ở Việt Nam có từ bao giờ, song có lần đọc báo biết các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết xương chó trong bữa ăn người Gaulois ở Bretagne từ những thế kỉ xa xưa.

Bố mẹ tôi di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, nhưng gia đình không ăn thịt chó. Tuy nhiên, mẹ tôi đã nấu cho ăn một hai lần món giả cầy, tức là cách nấu giò heo với củ riềng theo lối làm thịt chó. Bây giờ, mấy chục năm sau, tôi còn nhớ mùi béo ngậy thơm ngon.
Tới khi du học sang Pháp, bạn bè tán gẫu với nhau, cũng không tránh khỏi đề tài ăn thịt chó. Hình như tôi chưa gặp ai thú nhận mình đã ăn thịt cầy bao giờ. Có một anh bạn người ở Nha Trang kể rằng có biết một thằng bạn chỉ ăn thịt chó có một lần, sau đi đâu cũng bị chó sủa. Anh bạn còn kể chuyện một sinh viên sang Vatican Ý Đại Lợi tu học làm linh mục, có lần đứng góc đường, trông thấy một con chó đi ngang, bỗng thèm rỏ dãi. Chuyện về ăn thịt chó này của bà xã tôi có lẽ thú vị hơn cả.

Hồi lên năm sáu tuổi, nhà tôi ở với bà dì, xã Tân Phú Trung, cách Củ Chi khoảng mười cây số. Bà dì mắn con, đẻ năm một, nhà tôi giữ việc bồng em, đưa võng cho chúng nó ngủ. Trong nhà có nuôi một con chó mực. Mỗi lần có đứa em nào ỉa ra nền đất, dì Năm đứng kêu to: "Mực, Mực ô!". Thế là con chó mực ở đâu chạy lại, ăn hết cục cứt vàng, rồi còn le lưỡi liếm đít đứa bé một cái cho sạch. Sau con chó mực già yếu, bộ lông đen mướt trở thành xơ xác, nó chỉ còn biết nằm phơi nắng trên sân, lấy lưỡi liếm mụn ghẻ lở ngoài da. Dì Năm thấy nó tội nghiệp, bèn kêu một bà trong xóm di cư gần nhà lại, đem cho con mực. Bà di cư mặt mày tươi rói.

Không biết hôm đó, con chó mực già kết liễu đời mình trên một mâm cơm thịnh soạn hay trên quầy bán thịt trong làng.




ghi chú:
bài này trích từ blog "tiếng Việt"
http://tieng-viet-dtk.blogspot.com/2012/09/muc-muc-o.html



Wednesday, February 22, 2023

Bùi Giáng và một mối tình thơ



Vỗ Về

Ta đứng lại bên này chờ đợi
Ồ phải không? Em đó phải không
Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy
Đời chúng ta là mấy trăng tròn
Ngày vui ngắn? lòng đã vơi mấy bận
Ngày vui đi? mấy bận giữa lòng ta
Đổ lây lất mưa về xuân lấm tấm
Ồ thiều quang tan biến vội sao mà
Em có khóc? ta xin em đừng khóc
Em nhìn ta? lệ chảy có vui gì
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi giòng ngàn thu hận tan đi.


Bùi Giáng 
(1926-1998)


=§=

Hồi đó, vào khoảng những năm 1999-2004, tôi tham gia một diễn đàn Yahoo  Groupes, có tên là Lớp Hán Việt, chuyên đề về chữ Hán và chữ Nôm. Thỉnh thoảng cũng thảo luận lan sang thời sự hoặc thơ phú.

Một hôm, vào năm 2004, tôi tình cờ đọc được trên Internet bài thơ "Vỗ về" ghi trên, thấy rất hay, nên đưa lên diễn đàn cho mọi người thưởng thức. Bài thơ rất giản dị, lời thơ cảm động.

Nhưng có hai câu cuối mông lung ẩn mật lạ kì.

Trong diễn đàn có anh Frank Phạm Hải cũng lên tiếng mổ xẻ phân tích, nhưng thật ra chỉ giả thuyết mơ hồ.

Chợt có một mail của Thi Vũ gởi lên làm tôi hết sức bất ngờ — vì tôi biết nhà thơ Thi Vũ chính là Võ Văn Ái, chủ nhiệm tạp chí Quê Mẹ —, mà sao lại lên đây bàn luận chi mô.

Xin mời đọc bài viết của Thi Vũ trước đã.

########################
Ðôi lời riêng gửi hai Vị yêu thích thơ Bùi Giáng : Ðặng Thế Kiệt và Phạm Hải.

Vừa đây đọc mấy lời trao đổi giữa hai vị về bài thơ Vỗ Về của Bùi Giáng, tôi lưu ý và cảm động mối tình thơ của hai vị đối với thi hào Bùi Giáng.

Với 2 câu cuối đưa ra bàn thảo :

Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi giòng ngàn thu hận tan đi

Ông Phạm Hải và nhiều vị cùng cố công tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của hai câu ấy. Tấm nhiệt thành với thơ của quý vị thật trang trọng.

Tuy nhiên, muốn tiếp cận thơ Bùi Giáng, cần hai yếu tố :

1. Suy tỏ nguồn triết học đang ám ảnh Bùi Giáng, và, người ông đang yêu thời sáng tác bài thơ, để nắm bắt ngữ nghĩa thơ Bùi Giáng. Bùi Giáng suy luận triết học không đơn tuyến, và tình yêu thì ông cũng say đắm lắm người. Dù "yêu nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu". Bởi đa số người đẹp trong đời yêu thơ, nhưng không lấy chồng thi sĩ ; 

2. Ði vào thơ như con người hòa đồng cùng vũ trụ. Xem tranh Tàu, ắt hiểu cách con người len vào chốn thái không. Nên sống thơ. Chớ "hiểu" thơ. Khi ta nhìn ngọn lá non lúc xuân tới, khi ta ngắm một đóa hoa mỹ miều, hay khi chiêm ngưỡng gương mặt người ta yêu... ta "hiểu" gì ? Chẳng hiểu gì rốt. Dù lòng cứ mưng lên một niềm sống thiết tha, yêu mến. Thơ cũng vậy. Thơ để cho ta sống, làm ta sống, chuyển hóa ta. Bởi vậy tôi muốn tiếp cận thơ hơn là hiểu thơ. Có thể hiểu thơ cách quy phạm trường ốc. 

Nhưng cách thông thái ấy lắm khi giết mất thơ. Chữ "hiểu" trong tiếng Pháp gọi là comprendre, tiếng Anh understand, tiếng Ðức verstehen, v.v. Các chữ ấy từ nguyên khôi là với lấy, nắm bắt (prendre avec), đứng nhìn từ trên, từ dưới, từ xa để sát lại ôm chầm vào lòng (under-stand, ver-stehen).

Yếu tố thứ hai nhằm tiếp cận bài Vỗ Về của Bùi Giáng xin dành để cho kinh nghiệm riêng của mỗi người đọc. Mỗi phát kiến, mỗi cách hiểu là một hành trình nắm bắt thơ, nắm bắt lối sống trên cái sống nhàm, sống mòn nơi cõi vong thân.

Ở yếu tố một, cần biết thời gian Bùi Giáng sáng tác bài Vỗ Về, in trong tập Mưa Nguồn, xuất bản tại Saigon năm 1962, là thời Bùi Giáng yêu (hờ) một hoa hậu của Miền Nam thời đó, có tên Thu Trang. Sau người này đi Pháp lấy chồng Pháp. Vì vậy nhiều bài thơ của Bùi Giáng có dấu vết của "thu", của "trang", mà 2 câu được trao qua đổi lại trong mấy ngày qua còn lưu dấu :

Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi giòng ngàn thu hận tan đi


Trong tập Mưa Nguồn có cả bài mang tựa đề "Xuân Thu Trang Phượng", đây đó còn những câu thơ ghi vết  "thu" ghi vết "trang" một thời thi sĩ mở lòng nơi cõi trống vắng :

Ta về mở mắt nhìn xem
Trang mờ em vẫn là em Thu đầu

(Thưa em Sài Gòn)

Trời Tây phương tuyết phai nhòa
Tấm thu bỏ lạnh bên tà áo bay
...
Mai kia cỏ héo đầu ghềnh
Ngó sang trời lạ thấy mình mất thu

(Người Hải ngoại)

Người đi bỏ lại giữa người
Tiếng vang ngần ấy rạc rời vọng âm
Trang hồng trang sử lịch trang
Thu hồi viễn vọng vô ngần nghiệt ma

(Tặng bạn)

Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Âm trang sử lịch thu triền miên trôi

(Mắt buồn)

Em về rắc cỏ tháng ba
Xuống trang hồng hạnh thu già in rêu

(Phượng)

Vân vân và vân vân.

Nhưng nói như trên không có nghĩa là thơ Bùi Giáng ngưng đọng nơi mối khóc sầu cho một cái tên đi qua đời ông trong một giai đoạn nào đó. Vì nói như thế là phụ ông rồi. Từ ngữ, người, ý tưởng... tất cả chỉ lá cái cớ cho thi nhân bộc lộ, vén mở (Unverborgenheit theo nghĩa của Heidegger) một chân trời từ đôi mắt anh nhi.

Thi Vũ

mail: Saturday 24, April 2004
########################

Bài viết hay quá. Đọc xong tức khắc nắm trọn bài thơ Vỗ Về. Đồng thời khám phá một mối tình thơ mộng không cùng.

Hơn thế nữa, đây chính là một Tuyên ngôn về Thơ của Thi Vũ.

Tạm thời, trong khuôn khổ đề tài ở đây (về bài thơ Vỗ về), xin chỉ nói thêm đôi điều thú vị về nhà thơ lạ lùng có một không hai của Việt Nam là Bùi Giáng.

Trước đây, tôi đã đọc qua vài cuốn sách của Bùi Giáng, lâu lâu bắt gặp ông đùa cợt với Marilyn Monroe, Brigitte Bardot, nữ nghệ sĩ Kim Cương, ca sĩ Thanh Thúy, ca sĩ Hà Thanh..., nghĩ ông chỉ tàng tàng chút chơi.

Đọc xong bài viết của Thi Vũ, tôi nhớ ngay đến cuốn Đi vào cõi thơ của Bùi Giáng, mua được nhiều năm trước đó — và hình như có duyên nợ với câu chuyện nhắc đến hôm nay —.

Vào khoảng những năm 1979-1980, tôi lang thang ở khu Xóm Học Quartier Latin, rue de la Huchette, con hẻm nối liền trạm métro Boulevard Saint-Michel và Nhà thờ Notre-Dame trên sông Seine. Chợt gặp một tiệm nhỏ lụp xụp bán sách tiếng Việt. Vào xem, thấy vài quyển sách rất xưa, như Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, như Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, chẳng hạn. 

Ngoài ra, tôi còn để ý đến một tập mỏng nhan đề Đi vào cõi thơ

Rõ ràng đây là một cuốn sách cũ ai đã đem bán lại cho nhà sách (livre d’occasion).

divaocoitho-buigiang-bia-1-4.jpg


divaocoitho-buigiang-thutrang.jpg

Vậy là cô Thu Trang đây rồi.

Tôi tò mò tìm hiểu thêm về nhân vật Thu Trang này.

Đây là một trang Wikipedia với khá nhiều chi tiết tương ứng với bài viết trên của Thi Vũ: 
https://vi.wikipedia.org/wiki/Công_Thị_Nghĩa
trích dẫn:
Công Thị Nghĩa (sinh năm 1932), hay còn gọi là Hoa hậu Thu Trang, là một điệp viên, nhà báo, và là Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Bà từng là thành viên đoàn chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, nguyên tổng thư ký Hội Khoa học xã hội của Hội Người Việt Nam tại Pháp. Bà còn được biết đến với một vai trò khác là tiến sĩ sử học.

Một hôm, vào dịp đó (2004), đọc phụ bản cuối tuần chuyên về văn chương báo Le Monde trong một Forum (*01), tôi gặp đúng một bài viết kí tên Flora, dịch bài thơ Vỗ Về sang tiếng Pháp ("avec l'accord de l'auteur") như sau:



Traduction libre de Flora
 
Consolation
 
Ici, je t'attends, debout, de ce côté
Oh, c'est toi ? Est-ce bien toi.
Je compte sur mes doigts tremblants
A combien de pleines lunes se résume votre vie à nous ?
Les jours heureux sont courts ?
Combien de fois pour l'âme
Les jours heureux sont partis ?
L'âme compte pour combien
Ici, le printemps arrive avec une petite pluie, aux vents
Les rayons de soleil disparaissent, mais pourquoi 
Pleures-tu ? Je te prie, ne pleure pas chérie
Me regardes-tu ? Les larmes ne peuvent pas apporter de joie
A la sources des flamboyants, voici des pages ouvertes, tu peux les lire mon ange
Le cœur d'eau des milliers d'automnes va emmener et diluer
Tes peines, mes peines, nos peines.

Flora. 


Đặng Thế Kiệt
2023-02-22








Chú thích


edit 2023-04-08

(*01) sau đây là 1 email trên hanviet@yahoogroups.com (2004) và 2 emails trao đổi với báo Le Monde (2023) về bài thơ Vỗ Về:

1.1.
From: dangthekiet2002@yahoo.fr [mailto:dangthekiet2002@yahoo.fr] 
Sent: Friday, April 23, 2004 6:48 AM
To: hanviet@yahoogroups.com
Subject: RE: [hanviet] Du+ng que^n Bui Gia'ng

Anh Frank,
 
Bai nay to^i ti`nh co+ lu+o+m duo+.c tre^n Forum ba'o Le Monde (Pha'p). (Ba` ?) Flora da~ di.ch thoa't (traduction libre), nhu+ng theo lo+i ghi tre^n forum, vo+' su+. do^ng y'  cu?a ta'c gia? (avec l'accord de l'auteur).
(...)

DTK

1.2.
from: d- tk <dangthekiet2002green@gmail.com>
to: droitsdauteur@lemonde.fr
date: 4 Apr 2023, 11:12
subject: Recherche d'un ancien article du Monde littéraire
mailed-by: gmail.com

Bonjour,

Je souhaite retrouver un ancien article du Supplément littéraire du Monde vers l'année 2004.
La trace qui me reste de cet article, est l'extrait du texte et le nom de l'auteur :

Traduction libre de Flora :
 
Consolation
 
Ici, je t'attends, debout, de ce côté
Oh, c'est toi ? Est-ce bien toi.
Je compte sur mes doigts tremblants
A combien de pleines lunes se résume votre vie à nous ?
Les jours heureux sont courts ?
Combien de fois pour l'âme
Les jours heureux sont partis ?
L'âme compte pour combien
Ici, le printemps arrive avec une petite pluie, aux vents
Les rayons de soleil disparaissent, mais pourquoi 
Pleures-tu ? Je te prie, ne pleure pas chérie
Me regardes-tu ? Les larmes ne peuvent pas apporter de joie
A la sources des flamboyants, voici des pages ouvertes, tu peux les lire mon ange
Le cœur d'eau des milliers d'automnes va emmener et diluer
Tes peines, mes peines, nos peines.


Flora. 


Merci pour votre aide

DANG

1.3.
from: Le Monde Syndication <syndication@lemonde.fr>
to: d- tk <dangthekiet2002green@gmail.com>
date: 4 Apr 2023, 11:21
subject: Re: Recherche d'un ancien article du Monde littéraire
mailed-by: lemonde.fr
Signed by: lemonde.fr
security: Standard encryption (TLS) Learn more
: Important according to Google magic.

Bonjour,

Je vous remercie pour votre message.

Malheureusement, je ne trouve rien dans nos archives sur ce texte. 
Auriez-vous plus d'informations, tels que le titre ou le nom de l'auteur ?

Bien cordialement,

Eleonora Pizzi
Le Monde Syndication
67-69 Avenue Pierre-Mendès France
75013 PARIS










Phụ lục

Sau khi viết bài trên (2023-02-22), tìm hiểu thêm về Thu Trang trên mạng Internet, không ngờ đã có khá nhiều tài liệu phổ biến từ 10 năm nay (2012-2022).

Truy cập trên Google trong 2 ngày (2023-04-03 và 2023-04-04), chúng tôi đã xem được 14 trang web sau đây:

(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Công_Thị_Nghĩa

(2) https://baophapluat.vn/doi-thang-tram-cua-hoa-hau-dau-tien-nuoc-viet-post386492.html
Đời thăng trầm của Hoa hậu đầu tiên nước Việt
Thứ Năm 25/03/2021 05:00 (GMT+7)

(3) https://baonghean.vn/hoa-hau-dau-tien-cua-viet-nam-tung-lam-diep-vien-bi-thuc-dan-phap-bat-giu-la-ai-post239534.html
Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam: Từng làm điệp viên, bị thực dân Pháp bắt giữ là ai?
Danviet.vn
Thứ tư, ngày 02/06/2021 - 07:13

(4) https://kenh14.vn/chuyen-hoa-hau-dau-tien-cua-viet-nam-25-tuoi-bi-mang-mac-chua-hoang-quyet-dinh-tao-bao-va-lam-lai-cuoc-doi-ben-troi-tay-20210319081219238.chn
THIÊN YẾT, 08:32 19/03/2021

(5) https://vnexpress.net/cuoc-doi-hoa-hau-dau-tien-tai-viet-nam-2562568.html
Đời sốngTổ ấmThứ năm, 28/3/2013, 09:42 (GMT+7)
Cuộc đời hoa hậu đầu tiên tại Việt Nam

(6) https://www.youtube.com/watch?v=IIjfaKeof6U
Tiểu sử hoa hậu THU TRANG - Cuộc đời chìm nổi của Hoa hậu đầu tiên tại Việt Nam
1,011 views  Premiered on 13 May 2022  #tieusu #thutrang

(7) https://vietnamnet.vn/chuyen-it-biet-ve-hoa-hau-viet-nam-dau-tien-57726.html
GIẢI TRÍ
26/01/2012   13:03 (GMT+07:00)

(8) https://www.ugvf.org/vi/ai-la-hoa-hau-dau-tien-cua-viet-nam-va-bay-gio-ra-sao/
Union Générale des Vietnamiens de France
AI LÀ HOA HẬU ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM VÀ BÂY GIỜ RA SAO ?
19 THÁNG CHÍN 2021 14 h 16 min 00 3557 Views
SHARE
Trần Thị Hảo
Paris, tháng 1 năm 2019.
PS. Năm 2020, chồng bà, một người tận tụy, yêu vợ thương con hết lòng, đã rời cõi tạm, xa bà và các con mãi mãi. Bây giờ, bà lại rơi vào trạng thái nhớ nhớ quên quên….
Hao Tran, ngày 14/09/2021

(9) http://www.atabook.com/kien-thuc-pho-thong/thu-trang-cong-thi-nghia
Trang Chủ KIẾN THỨC PHỔ THÔNG Tác giả - Tác phẩm Thu Trang (Công Thị Nghĩa)
Cập nhật lần cuối vào ngày 27/12/2022
Atabook.com - Truyền bá tri thức.
Tác phẩm Thu Trang (Công Thị Nghĩa)


(10) https://arttimes.vn/san-khau-dien-anh/hoa-hau-diep-vien-thu-trang-cong-thi-nghia-c17a4607.html
Hoa hậu, điệp viên Thu Trang (Công Thị Nghĩa)
10-09-2021 15:08

(11) https://zingnews.vn/chuyen-hoa-hau-dau-tien-tai-viet-nam-va-nha-tho-dien-bui-giang-post1330781.html
Chuyện hoa hậu đầu tiên tại Việt Nam và 'nhà thơ điên' Bùi ...
zingnews.vn
https://zingnews.vn › Xuất bản
4 juil. 2022

(12) https://thuonghieuvang.net.vn/Print/887379.aspx
thuonghieuvang-Tien-si-su-hoc-Thu-Trang-Hoa-hau-dau-tien-cua-Viet-Nam-1.jpg
thuonghieuvang-Tien-si-su-hoc-Thu-Trang-Hoa-hau-dau-tien-cua-Viet-Nam-2.jpg

(13) https://nhacxua.vn/cuoc-doi-song-gio-cua-thu-trang-hoa-hau-dau-tien-cua-viet-nam-sau-1954/
Cuộc đời sóng gió của Thu Trang - Hoa hậu đầu tiên ...
2020/11/25 in Saigon xưa

(14) https://www.tiktok.com/@bicanthongthai/video/7158815446144191771


Các bài viết và hình ảnh  phổ biến rất giống nhau, gần như đều sao chép lại từ một kho tài liệu gốc ở đâu chưa rõ.

Nói chung là kể lại với khá nhiều chi tiết gần một đời người của bà Công Thị Nghĩa (sinh năm 1932): từ khi còn là một thiếu nữ lao mình vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bị tù tội, được thả ra, thành kí giả, rồi được bầu làm hoa hậu đầu tiên năm 1957 dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, đóng phim (Chúng Tôi Muốn Sống và Lục Vân Tiên), sang Pháp năm 1961, học thành tiến sĩ sử học 1978, cưới chồng Pháp là bác sĩ nha khoa Gaspard, viết sách, làm thơ, hoạt động trong Hội người Việt Nam tại Pháp (thuộc quyền cộng sản Hà Nội), sống ở vùng Paris cho đến bây giờ, đã từng về Việt Nam dạy học (Đại học Duy Tân năm 2000), v.v.

Riêng về giai thoại mối tình của Bùi Giáng (1926-1998) với Thu Trang,  xin trích một đoạn từ trang web https://arttimes.vn/san-khau-dien-anh/hoa-hau-diep-vien-thu-trang-cong-thi-nghia-c17a4607.html (4 juillet 2022):

"Có một chuyện tình đã thành huyền thoại, ấy là khi Bùi Giáng biết Thu Trang chuẩn bị cùng con trai đi Pháp. Ông đến nhà thăm bà trong một ngày Sài Gòn mưa buồn. Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ cục” của ông hôm đó, bà viết: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ mà tôi dùng đi trong nhà, lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: “Tôi về!” Bùi Giáng thân hình nhỏ thó, với bộ đồ lã tọa, dị hình, nách cắp gói dép, bước đi liêu xiêu trong chiều Sài Gòn cô tịch, dường như ông một mình “làm cả cuộc phân ly”! (Một thời để nhớ, 2010)
Hình ảnh thi sĩ Bùi Giáng trong phút chia phôi ấy cứ hằn vào tim bà vương vấn mãi trên đường tha hương."