Wednesday, November 22, 2023

lối thiên thai

... Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi!
   Nửa năm tiên cảnh,
   Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
   Đá mòn, rêu nhạt,
   Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
   Cửa động,
   Đầu non,
   Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...

Tản Đà (1889-1939)

-----
Năm học lớp Đệ Nhị, làm luận văn bình giảng bài từ khúc này, được thầy Vũ Hoàng Chương (1915-1976) chấm 12/20 với một cái khuyên [*1] đỏ bên lề.

Hôm nay, anh mayvienphuong@huediepchi.com gửi cho xem bức hình "Hạc trắng", vụt nhớ lại bài từ khúc của Tản Đà.

photo mayvienphuong@hdc.com 2023 Arizona (USA)

-----
2023-11-22
Tái bút

Hôm qua đang ở chốn Thiên Thai, hôm nay trở về phố thị, hóa ra cũng như ở địa đàng (Eden).

Một con chim bồ câu chạy đến bên trạm xe buýt, mổ mấy vụn bánh mì rớt trên mặt đất. Nhà tôi bảo kiếp sau làm chim chắc sướng chứ...

Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm con chim nhạn tung trời mà bay.

(Tản Đà) 
[*2]

photo dtk@hdc.com 2023 Paris (France)

Ờ, tôi cũng đồng ý. 

Nhất là, vừa về tới nhà, lại nhận được một tấm ảnh đẹp của một chị bạn ở xa, chụp chim ăn hồng vườn nhà chị. 

photo nhuy@gmail.com 2023 Nancy (France)



(dtk, 2023-11-22)



Ghi chú

cf. http://www.vietnamtudien.org/hanvietv2/

[*1] khuyên
♦(Động) Đánh dấu vòng tròn nhỏ cạnh câu văn, cho biết câu văn hay. ◎Như: khuyên điểm 圈點 đánh dấu khuyên và dấu điểm ghi chỗ văn hay. ◇Hồng Lâu Mộng 紅樓夢: Phàm hồng quyển tuyển đích, ngã tận độc liễu 凡紅圈選的, 我盡讀了 (Đệ tứ thập bát hồi) Những bài (thơ) tuyển có khuyên đỏ, em đọc cả rồi.

[*2] Tôi nhớ sai vài chữ, nguyên văn như sau:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm đôi chim nhạn giữa trời mà bay.

(Tản Đà)





Saturday, November 18, 2023

Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... và Staline


Đầu tháng Ba 1953, tại Việt Bắc, được tin lãnh đạo Liên Xô J. Stalin qua đời, tạp chí VĂN NGHỆ của Hội Văn nghệ Việt Nam đã ra số đặc biệt (s. 40, tháng Ba 1953) về J. Stalin, trong đó có bài của Hồ Chí Minh, thơ của Chế Lan Viên, Huy Cận, Tố Hữu, Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Xuân Diệu, Lê Thái, văn của Nguyên Hồng, Phan Khôi, Lê Đạt, Hoàng Trung Thông, Minh Tranh.

Để dư luận khỏi nhận định rằng, dường như DỊP ẤY chỉ có bài thơ "Đời đời nhớ Ông" của Tố Hữu, dưới đây tôi đưa lại các bài thơ của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, cũng đăng trong Văn nghệ số 40 (tháng 3/1953) ấy.
LẠI NGUYÊN ÂN

——————————-



STALIN KHÔNG CHẾT

 

Stalin mất rồi!
Đồng chí Stalin đã mất!
Thế giới không cha nặng tiếng thở dài!
Tin dữ truyền đi
Nỗi đau xé cắt
Vạt áo nhân dân thấm đầy nước mắt
Dao đâm qua triệu triệu tim người
Nhớ bài thơ Nê-ruy-đa cũ
Ca ngợi đêm khuya phòng điện Krem-lin
Vời vợi bóng đèn sáng tỏ
Có một người đêm khuya không ngủ
Thức canh cho thế giới hòa bình
Đồng chí Sta-lin đó!
Sta-lin nay không còn nữa!
Vắng vẻ dáng hình lãnh tụ
Một vừng ráng đỏ
Vĩnh viễn hòa trong xa xanh.
Đồng chí Sta-lin ơi!
Đồng chí Sta-lin không chết.
Đế quốc rồi tuyệt diệt 
Thế giới ta còn nguyên vẹn mặt trời.
Anh đội viên sẽ kể:
Máu của tôi ra nhiều
Trong đạn lửa tôi bỗng nghe: “Đồng chí!”
Ngửng mặt nhìn lên, thấy hình Thống chế,
Mắt tôi hoa trong trong mắt của mặt trời.
Máu tôi ra nhưng máu lại thêm rồi…
– “Xung phong! Giết, giết!”
Ai tung tôi qua bảy tầng giây thép
Sta-lin là tiếng thét
Sta-lin thành bộc lôi (1)
Sta-lin!
Trăm lưỡi mác sáng ngời
Cháy tan vị trí, (2)
Cờ đỏ mọc lên
Trong cờ đỏ tôi thấy hình Thống chế,
Giai cấp chúng ta quang vinh là thế,
Nhìn chiến công tôi, Thống chế mỉm cười.
Mẹ hiền ta ơi!
Em bé ta ơi!
Đồng chí Sta-lin không bao giờ chết!
Cộng sản là mùa xuân,
Cuộc đời là bất tuyệt,
Đảng chúng ta là núi thép
Mỗi chúng là một giọt máu Người
Chúng ta còn,
Sta-lin còn mãi mãi…
Triệu triệu mẹ già, em dại
Đều là súng Sta-lin để lại
Giữ lấy hòa bình thế giới
Tiếng nổ ca vang dội thấu mặt trời.

Tháng 3.1953

CHẾ LAN VIÊN

Nguồn:

Văn nghệ, [Việt Bắc], Hội Văn nghệ Việt Nam, s. 40 (tháng Ba 1953)
Rút từ: Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn,
Tập 6: 1953, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005, tr. 74-75

CHÚ THÍCH:

(1) bộc lôi: như “bộc phá”
(2) vị trí: ở đây nghĩa là đồn địch.

————————————————-

THƯƠNG TIẾC ĐẠI NGUYÊN SOÁI STA-LIN

 
Đại Nguyên soái Sta-lin đã mất
Tin rụng rời đến với chúng tôi
Cả thế gian như bỗng mất mặt trời
Ba trăm người chúng tôi trào nước mắt
Đứng lên, ngực nghẹn ngào tiếng nấc
Sta-lin, cha vĩ đại của loài người!
Liên Xô giờ đau đớn biết bao nguôi
Và Trung Quốc, Việt Nam và trên khắp cả cõi đời
Từ Nam Mỹ cho đến ngoài Bắc Cực
Những người mến nhân dân và Tổ quốc
Những người mong làm lụng giữa hòa bình
Nghìn triệu người thương khóc Sta-lin
Người xa cách chúng con ngàn vạn dặm
Lời chỉ nghe trên sách báo mà thôi
Mặt chỉ trông trên bức ảnh mỉm cười
Nhưng mà thật thấm nhuần bao trìu mến
Nghe tin mất, mới thấy lòng quyến luyến
Từ bao lâu yêu Người tận tủy xương
Tiếng khóc đây là tất cả can trường
Thấy Người thật là bát cơm, miếng bánh
Người gắn với chúng con trong vận mệnh,
Việt Nam mang công đức của Người s
Vẫn mong Người hơn trăm tuổi dài lâu
Bền như núi, lãnh đạo toàn thế giới
Đời đời sống Sta-lin mãi mãi
Lời khóc Cha như lời chúc thọ Cha
Sta-lin, gương vĩnh viễn không già
Thép vĩnh viễn đã hòa muôn nghị lực!
Mỗi viên đạn bắn tan đầu đế quốc
Là lời ca “Ca ngợi Sta-lin”
Mỗi căn nhà mới dựng, mỗi tiếng máy đào kênh
Là ý chí Sta-lin dẫn dắt
Mặt trời khuất nhưng mặt trời vẫn mọc
Đảng Liên Xô vững chắc vẫn ngời soi
Ơn Sta-lin: nắng ấm mãi loài người.

10-3-1953

XUÂN DIỆU

Nguồn:

Văn nghệ, [Việt Bắc], Hội Văn nghệ Việt Nam, s. 40 (tháng Ba 1953)
Rút từ: Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn,
Tập 6: 1953, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005, tr. 82

————————————————-

 

XEM PHIM A-DÉC-BAI-DĂNG, NHỚ ĐỒNG CHÍ STA-LIN

 
Xem phim A-déc-bai-dăng
Quê hương phồn thịnh muôn vàn tốt tươi
Dầu phụn tự đáy biển khơi
Lúa bông đến tận chân trời bao la
Mặt con người thắm như hoa
Quê hương xã hội đây là thần tiên
Sta-lin! Đồng chí Sta-lin!
Tên Người đồng vọng khắp miền Ba-cu
Tên Người hoa nở bốn mùa
Tên Người ríu rít giọng đùa trẻ con
Tên Người khắp nước khắp non
Sta-lin bất diệt, Người còn sống đây
Sống cùng dân, sống hang ngày
Mến yên, làm lụng, đắp xây cuộc đời
Người đi Người dặn đủ lời
Chúng con thề quyết theo Người tiến lên
Mai đây độc lập vững bền
Bước theo anh chị khắp miền Liên Xô
Người người hạnh phúc tự do
Sta-lin đã vạch tiền đồ chúng con.

HUY CẬN

Nguồn:

Văn nghệ, [Việt Bắc], Hội Văn nghệ Việt Nam, s. 40 (tháng Ba 1953)
Rút từ: Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn,
Tập 6: 1953, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005, tr. 76

 

Thursday, November 2, 2023

mùa thu nơi đâu


Câu thơ vi vút trong đầu khi bước vào cổng chính vườn Luxembourg. Lãng mạn chút thôi, vì tôi chẳng có người em "tóc vàng sợi nhỏ" nào cả, — như Cung Trầm Tưởng (1932-2022) ngày nào (*1).

Mùa thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu...

Vả lại, bây giờ ở đây không còn những ghế đá như xưa.

photo dtk@hdc.com 2018

Hôm nay xem lại tấm hình dưới đây chụp hai hôm trước (31/10/2023), mới để ý góc bên phải có một người đàn bà ngồi một mình trên một banc gỗ, hình như là nhạc sĩ, vì cầm một cây đàn đỏ trên tay. Biết đâu người ấy chẳng đương sáng tác một bản tình ca?

photo dtk@hdc.com 2023-10-31

Mà lạ thật, thơ văn viết về mùa thu xưa nay thường buồn, không hiểu tại sao. Mà thơ buồn về mùa thu, buồn nhất có lẽ là của mấy nhà thơ tiếng Việt. Như mấy câu này của Dương Minh Loan chẳng hạn: 

Và mùa thu lại trở về rồi đó 
Trên núi cao có từng đám sa mù 
Tôi hờ hững tưởng tên mình chưa có 
Cánh hoa nào đang đợi lần mộng du
Xem: Đi vào cõi thơ, Bùi Giáng (1926-1998)

Hồi xưa đọc Le Livre De Mon Ami, nhớ mãi đoạn kể lại kỉ niệm của Anatole France (1844-1924) khi đi ngang khu vườn này, dưới những bức tượng phủ lá vàng.

« X – LES HUMANITÉS

Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent ; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais ; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues. »

Extrait de: Anatole France, « Le Livre de Mon Ami »

Tôi kể bạn nghe, mỗi năm khi trời xao xác vào thu, khi trong nhà bắt đầu phải thắp đèn cho bữa ăn chiều và khi những chiếc lá úa vàng trên cây run rẩy; tôi kể bạn nghe, vào những ngày đầu tháng mười, tôi đi ngang qua vườn Luxembourg, lúc đó mang chút u buồn nhưng đẹp hơn bao giờ hết; vì đó là mùa lá rơi từng chiếc từng chiếc trên vai trắng những bức tượng trong vườn.

Vườn Luxembourg, tôi nghe tên nó từ khi học tiếng Pháp với sách của Gaston Mauger, ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Sài Gòn). Bài học mô tả khu vườn, với mấy đứa trẻ thả thuyền trong hồ nước ở trước dinh Thượng Nghị Viện (Palais du Sénat), làm tôi cứ mơ tưởng được đến đây. Khi sinh được con gái đầu lòng, năm nó lên 2-3 tuổi, vợ chồng tôi liền dẫn nó đến đây, cho nó thả thuyền. Đứa bé không biết cảm nghĩ ra sao, còn cha nó lấy gậy đẩy thuyền, vui sướng như thằng con nít. Đến lượt hai đứa cháu ngoại, chúng tôi cũng dẫn đến đó thả thuyền như mẹ chúng nó ngày xưa.

photo dtk@hdc.com 2023-11-05

Trên boulevard Saint-Michel đi tới khu vườn, tôi thường vào mấy tiệm sách, đặc biệt là những gian bán sách cũ. Cũng như hồi xưa đến Nhà Sách Khai Trí ở Sài Gòn.

Thôi thì đủ cả, sách giáo khoa, văn học, nghệ thuật, khoa học, kinh tế, chính trị, v.v. Hàng ngàn cuốn, nhiều sách in rất đẹp, mà người ta bán lại với giá rẻ mạt không ngờ. Tôi nhớ đã mua ở đây một bản cuốn 
Kim-Vân-Kiêu, traduit du vietnamien par Xuân-Phúc et Xuân-Việt, Connaissance de l'Orient, Gallimard/UNESCO, 1961, Paris, France. Cách đây không lâu, tôi còn mua được một cuốn sách đặc biệt tưởng niệm Jean-François Champollion (1790-1832), người đã phát hiện ra cấu trúc của chữ viết Ai Cập. Trong sách có bản chụp những trang viết tay của Champollion trong suốt bao nhiêu năm trời nghiên cứu. Chỉ lật qua vài trang sách đủ thấy công phu giá trị của nhà in. Tôi ước lượng sách này bây giờ in lại, giá bán cũng cỡ 100 euros là ít. Vậy mà hôm đó tôi trả có 1 euros.

photo dtk@hdc.com 2023-10-31

Hôm nay thơ thẩn vào xem, chợt thấy lọt ra một cuốn sách nhỏ của Lénine (1870-1924). Thấy đề giá tới 10 euros lận. 

Hê hê, bộ muốn giỡn ngươi với tôi sao chớ? Tên chính trị gia "ác ôn" này, bây giờ còn có người đọc nữa sao?

Tố Hữu (1920-2002) viết mấy câu thơ "thổ tả" ca tụng Staline (1878-1953), — bộ hạ của Lénine —, chưa đủ sao, mà mấy anh thợ thơ kia (Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên) cũng bắt chước "bơm" Staline không ngượng mồm (*2). 

Tội nghiệp cho Xuân Diệu, người đã viết một câu thơ rất đẹp về mùa thu:

Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu

Trời mưa lất phất, nhà tôi ghé vào một cửa tiệm bán dù:

photo dtk@hdc.com 2023-10-31

Hướng về phía sông Seine tới trạm métro Saint-Michel Notre-Dame, một câu thơ của Lưu Vũ Tích bay về trong trí nhớ:

Ngã ngôn thu nhật thắng xuân triêu
我言秋日勝春朝

Ta bảo rằng ngày thu còn rực rỡ hơn cả buổi sáng mùa xuân



Đặng Thế Kiệt
Paris, 2023/11/02



Chú thích
(*1) MÙA THU PARIS - PHẠM DUY - DUY QUANG
(*2) Lại Nguyên Ân https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10226497557924068&id=1198626660 
Tháng Ba 1953, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên đều có thơ về Stalin