Monday, November 11, 2019

người đi đâu


"Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng"

Câu thơ rớt vào hồn giữa một ngày hè oi ả.

Ồ, ông Bùi Giáng nói chi lạ rứa? Sao mà đúng hệt tâm trạng tôi từ bấy lâu nay.

Bấy lâu nay? Đã gần một đời người rồi còn gì!

"Bàn chân bước người đi về một thuở
Lá phân vân bờ bến cát sương rung
Trời khuya khoắt phiêu du trăng bỡ ngỡ
Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng"

Một thuở nào? Thuở xưa. Như "thời nhỏ" trong câu thơ Ninh Chữ:

"Con chim thời nhỏ bay ngang rồi"

Đi đâu nhỉ?

Quá nửa đời người quanh trái đất
Tìm em đã chín trái sầu đâu

Em nào đó?

"Bóng trắng xa bay về em có thấy
Cuối phương ngàn rừng núi mộng trong sương
Dòng sông đục dòng sông xưa sóng dậy
Nghe triền miên nức nở lệ lên đường"

Đâu là "núi mộng", "sương rừng", "trăng bỡ ngỡ"...

Tại sao người ta làm thơ?

Thưa là để an ủy tâm hồn. Tâm hồn thi sĩ và tâm hồn chúng sinh.

Tan nát vì tình. Tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước quê hương...

Tôi bỗng giật mình khi đọc tới hai câu thơ sau của Bùi Giáng:

"Đồng ruộng cũ màu trôi trong cỏ nhặt
Dưới bình minh rạ xám gốc trơ phơi"

Mùa xuân năm ấy, tôi theo mẹ đi chuyến xe đò Sài Gòn - Bình Dương đến thăm anh tôi đóng quân ở Sư đoàn 5 Vùng 3 chiến thuật. Quốc lộ 13 nắng rát, ngoằn ngoèo như thân rắn. Ruộng đồng hai bên khô cằn, nứt nẻ, trơ gốc rạ. Dấu vết làng mạc là nhưng túp lều tranh ở cuối xa xa. Màu vàng ruộng đồng bây giờ là màu lửa cháy xém chứ không phải là màu lúa chín mênh mông. Và những ngôi làng thiếu những bụi tre um tùm bao bọc.

"Trời vi vút én liệng vòng hớt hải
Đi đi em nguồn dậy mộng chiêm bao
Về thao thức canh chầy tìm trở lại
Bốn chân trời người đứng ở nơi nao"

"Trời vi vút én liệng vòng hớt hải": Mùa xuân 1975, tôi bàng hoàng nhìn những chiếc trực thăng vỗ cánh sầm sập trên sân thượng tòa Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn. Hàng trăm người dân tranh nhau bám vào chân thang máy bay di tản.

"Màu con mắt bên màu xuân xiêu đổ
Ở bên kia nhìn trở lại bên này
Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay..."

"Mùa xuân xiêu đổ": Bùi Giáng đã linh cảm mùa xuân ấy, mùa xuân (1975) đen tối nhất, sau cuộc cách mạng mùa thu (1945).

Hình như nhà thơ còn gởi lại chúng ta niềm tin vào một ngày mai tươi sáng: "Bụi thu mờ ai phủi với hai tay."



Phụ lục

người đi đâu



Tác giả: Bùi Giáng (1926-1998)

Bàn chân bước người đi về một thuở
Lá phân vân bờ bến cát sương rung
Trời khuya khoắt phiêu du trăng bỡ ngỡ
Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng

Bóng trắng xa bay về em có thấy
Cuối phương ngàn rừng núi mộng trong sương
Dòng sông đục dòng sông xưa sóng dậy
Nghe triền miên nức nở lệ lên đường

Một tiếng nói, một nụ cười chợt tắt
Hết mấy phen buồn trở lại bên đời
Đồng ruộng cũ màu trôi trong cỏ nhặt
Dưới bình minh rạ xám gốc trơ phơi

Trời vi vút én liệng vòng hớt hải
Đi đi em nguồn dậy mộng chiêm bao
Về thao thức canh chầy tìm trở lại
Bốn chân trời người đứng ở nơi nao

Màu con mắt bên màu xuân xiêu đổ
Ở bên kia nhìn trở lại bên này
Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay...















Saturday, November 2, 2019

trí khôn nhân tạo

Hôm nọ, viết trang blog "big data", tôi đã tò mò tìm xem "artificial intelligence", trong tiếng Việt bây giờ gọi làm sao. 

Anh bạn HA@huediepchi.com mới nhắc là "trí tuệ nhân tạo" (1). 
Người Tàu dịch là: "nhân công trí năng 人工智能" (2).

Ờ, ờ... đứng riêng về mặt ngôn ngữ, dịch "intelligence" thành "trí tuệ", "trí năng", ..., thì cũng chẳng có gì phải nói.

Tuy nhiên, cứ nhớ tới những câu "đao to búa lớn" nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa nhai nhải từ mấy chục năm nay, theo kiểu "đỉnh cao trí tuệ" chẳng hạn, lại chỉ muốn văng tục!


Cách đây ba chục năm, kĩ thuật "artificial intelligence" còn ở thời kì phôi thai, nhân đang tập viết lí trình (software, logiciel) bằng ngôn ngữ điện toán mới ra đời lúc đó, chuyên về "artificial intelligence" (ngôn ngữ Prolog của trường Đại Học Edinburgh) và đúng khi vừa đọc qua một truyện cổ tích Việt Nam (trong bộ "Raconte-moi des histoires" dành cho học sinh tiểu học) (4) (5), tôi mới nảy ra ý đề nghị dịch "artificial intelligence" là "túi khôn nhân tạo".

Truyện kể đại khái về nguồn gốc tại sao con cọp lại có vằn đen trên lưng vàng. Xin tóm lược như sau:

Một hôm, ngài chúa sơn lâm, đi ra ngoài rừng, mon men đến một bờ ruộng. Cọp lại gần một con trâu đang nằm nghỉ trưa, miệng ngẫm nghĩ nhai lại bữa ăn chưa tiêu hóa xong:
— Này bác trâu, trông bác to lớn bệ vệ thế, mà sao lại chịu cho cái thằng người nhà quê bé choắt sai bảo làm lụng cực nhọc như vậy?
Con trâu nuốt vô bụng mớ cỏ đã nhuyễn, vừa cười vừa chậm rãi trả lời cọp:
— Hì hì, vâng, bác nói phải lắm. Có điều thằng người bé con như thế, nhưng nó có cái Khôn, bác ạ!
— Cái khôn gì, khôn liềng vậy hả?
— Vâng, cái Khôn của hắn lợi hại lắm. Chẳng riêng gì tôi, mà các loài vật khác, đều chịu lép một bề cả.
Cọp ta lấy làm lạ, bèn bảo trâu về xin với chủ nó cho gặp mặt cọp hôm sau. Cọp thầm nghĩ rằng sẽ tìm cách lấy cho bằng được cái Khôn gì đó của người nhà quê.
Hôm sau, cọp đợi sẵn bác nông phu bên bờ ruộng. Lúc người nhà quê vừa bước tới, cọp đã vội vàng lên tiếng:
— Này ông làm ruộng, ông có thể cho tôi xin một chút "cái khôn gì đó" hay không?
Người nhà quê trả lời:
— Ồ, có gì đâu. Chỉ là tôi không có sẵn đây, chứ nào tôi có tiếc gì với bác Hổ.
— Làm sao bây giờ?
Người nông phu mới nói:
— Vâng, tôi sẵn sàng về nhà lấy túi Khôn chia lại cho bác. Nhưng chỉ e bác ở đây ăn thịt con trâu của tôi, thì tôi còn gì làm ăn sinh sống nữa?
Con cọp mừng quá, nói:
— Ồ, không sao đâu. Bác cứ buộc tôi vào gốc cây kia. Tôi đợi ở đấy, không thèm ăn thịt con trâu của bác đâu mà sợ.
Người nhà quê liền mở ra một cuộn dây thừng, trói chặt con hổ vào gốc cây, xong xuôi mới nói:
— Hà hà. Cái túi khôn của tôi đây.
Bác nông phu nắm một bó rơm, dí vào mình cọp châm lửa đốt cháy từ đầu tới đuôi.
Thương thay, con cọp bị nóng bỏng, gầm thét vang dội cả khu rừng. Sau cùng, nó vùng lên, bứt đứt hết cả cuộn thừng còn cháy dở, chạy một mạch vô rừng thẳm.
Con trâu xem cảnh tượng hổ ta khốn khổ như vậy, bò lăn ra đất mà cười, đến nỗi đập mũi vào một khối đá lớn, bẹp dí cái mũi, như người ta còn thấy dấu vết cho tới ngày nay.
https://chantecler18.wordpress.com/2013/05/29/le-buffle-le-tigre-et-lintelligence/
Riêng cọp ta, bị một trận kinh hồn lạc phách, toàn thân cháy xém. Đấy là nguyên do tại sao ngày nay, con hổ vẫn còn mang vằn đen trên mình vàng. Vằn đen là vết tích của cuộn thừng cháy dở đấy các bạn ạ.

Nhân đọc truyện cổ tích này, tôi thấy hai chữ "túi khôn" rất hợp với ý "artificial intelligence" ngày nay. Tục ngữ Việt Nam còn có câu "đi một ngày đàng học một sàng khôn". "Túi khôn" và "sàng khôn", ý nghĩa tương đương. Tuy nhiên, hôm nay nghĩ lại, thấy cái "túi" có vẻ mộc mạc vật chất quá, đổi là "trí khôn nhân tạo" có lẽ hay hơn.

Trong cuốn sách "21 bài học cho thế kỉ XXI" (6), nhà tư tưởng Yuval Noah Harari cho rằng tương lai loài người trong vũ trụ ngày càng chịu sự khống chế hoàn toàn của kĩ thuật sinh học và kĩ thuật tin học (tiếng Pháp: biotech, infotech).

Mà "artificial intelligence" là gì, nếu không phải là sự ứng dụng kĩ thuật điện toán viết quy tính (tiếng Pháp: algorithme)  kết hợp với khả năng tích trữ các dữ kiện khổng lồ (big data), càng ngày càng hiệu quả.

Trong khi đó, "đỉnh cao trí tuệ" là cái củ chi, mà nhân dân vẫn mãi sống trong vòng ngu tối, mất hết tự do, chẳng biết gì tới dân chủ, kinh tế thụt lùi, giáo dục đổ vỡ tan hoang?




Chú thích
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trí_tuệ_nhân_tạo
(2) https://zh.wikipedia.org/wiki/人工智能
(3) https://ja.wikipedia.org/wiki/人工知能
(4) https://chantecler18.wordpress.com/2013/05/29/le-buffle-le-tigre-et-lintelligence/
(5) https://m.youtube.com/watch?v=IKppEEXIo4M
(6) 21 Lessons for the 21st Century, Yuval Noah Harari.





Tuesday, October 15, 2019

để nhớ Tô Thùy Yên



Chia tay ải Tây

Tặng Thanh Tâm Tuyền

Mới độ nào chia tay ải Tây.
Đi đâu hay chỉ cốt rời đây?
Mây trôi, dăm mảng nhớ hư hoặc,
Gom chẳng thành câu chuyện thuận tai.

Lời kiệm, quanh ba cái ý quẩn,
Tiễn đưa vừa một quãng mây bay.
Ra về, thấy nhật nguyệt điên đảo,
Ray rứt chưa tròn hẹn ải Tây.

Có thật từng chia tay ải Tây?
Mây qua để bóng cổ thư này.
Tuyệt cùng ký ức như nơi tới,
Tin tức ngàn thu biết hỏi ai?

Bao nhiêu đống lửa đêm quan ngoại,
Gió thổi tan tro mỗi sáng ngày?
Trong trời, mây ấy cũ hay mới?
Ải Tây, lần nữa, lại chia tay.

Mãi mãi còn chia tay ải Tây.
Ngày ngày mây lãng đãng qua đây.
Cõi đời giấu một phía mê tưởng,
Đi nép ranh, mường tượng ải Tây.

1-2000

Nguồn: Tô Thùy Yên, Thắp tạ, An Tiêm xuất bản, Houston 2004


https://www.bbc.com/vietnamese
Đọc bài này, không khỏi liên tưởng tới bài Vị Thành khúc của Vương Duy:

勸君更盡一杯酒
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
西出陽關無故人
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân 

Thơ Vương Duy buồn, nhưng có cái lãng mạn đằm thắm của tình bạn. 

Trong khi cả bài thơ của Tô Thùy Yên (tặng cho bạn mình là Thanh Tâm Tuyền) toàn là những câu ngắc ngứ khúc khuỷu. 

Hai hoàn cảnh khác nhau, một trời một vực.

Gần 20 năm sau (kể từ thời điểm sáng tác), 40 năm sau (kể từ ngày chia tay với Thanh Tâm Tuyền), nỗi lòng u uất của Tô Thùy Yên vẫn còn ray rứt khôn nguôi:

Mãi mãi còn chia tay ải Tây,
Ngày ngày mây lãng đãng qua đây.
Cõi đời giấu một phía mê tưởng,
Đi nép ranh, mường tượng ải Tây.


ĐTK (2019/10/15-2005/11/19)

Ghi chú 2019/10/16
trả lời cho bạn HA@huediepchi.

Ải Tây, tôi nghĩ là do câu "Tây xuất Dương Quan vô cố nhân" của Vương Duy.
Bài thơ của Tô Thùy Yên có lẽ nhắc đến lần chia tay với Thanh Tâm Tuyền. Hai người cùng trên đường lưu đày cải tạo (1975-1983).
Tôi gặp Tô Thùy Yên một lần tháng 11/2005, ông ấy kí tặng tập thơ Thắp tạ. 
Bây giờ đọc lại bài Chia tay ải Tây, thật vô cùng cảm khái. Và đau lòng cho bao nhân tài Việt Nam bị đày đọa đã gần 1 thế kỉ rồi.



Thursday, April 18, 2019

con ngỗng


Con ngỗng ấy, hai đứa con anh chị Thông đặt tên là Tokata. Cái tên Tokata hình như là tên một con ngỗng nổi tiếng trong bộ phim hoạt họa dành cho trẻ em trên đài truyền hình lúc bấy giờ.

Hôm ấy, anh chị Thông bàn với vợ chồng tôi, phải lấy quyết định về việc con ngỗng này. Ai cũng thương nó lắm, nhất là đám trẻ con bốn đứa của hai gia đình. Nhưng con ngỗng đã lớn quá rồi, biết đem đi đâu, đành phải làm thịt chứ sao bây giờ.

Anh Thông chủ nhà, lại có phần dạn tay, lãnh nhiệm vụ cắt tiết, còn tôi phụ giữ cánh ngỗng.  Thế là hai người lặng lẽ ra vườn bắt con ngỗng đem vô nhà để xe, nhân lúc mấy đứa trẻ con đang chơi đùa chỗ khác.

Vụt hai kỉ niệm thời thơ ấu bay về trong trí nhớ. Một lần cha tôi sửa soạn làm tiết canh vịt. Ngâm con vịt vô thau nước nóng (cho dễ lột lông), lúc cha tôi vừa cứa cổ nó, thì vuột tay, nó vùng lên chạy vụt ra đường, kêu oác oác inh ỏi cả xóm. Mấy người phải đuổi theo, rất khó khăn mới chụp được bắt nó về nhà. Một lần khác, anh tôi được giao cho phận sự cắt cổ một con vịt khác. Tôi bị chỉ định cầm cánh vịt. Anh tôi còn hơi vụng về, cứa tới cứa lui. Còn tôi hai tay ghì chặt hai cánh con vịt. Một hồi lâu, lúc buông tay ra, thì cổ vịt chưa đứt, nhưng nó nằm đơ ra — vì ngạt thở.

Anh Thông và tôi hì hục một lúc, rồi cũng xong. Tôi nhớ tối hôm đó, được ăn một bữa cháo ngỗng thiệt là ngon. Sau đó nhiều tuần, anh Thông còn kể họ đem thịt ngỗng làm dồi, làm chả... ăn mấy bữa chưa hết.

nguồn: Internet

Tại sao hôm nay tôi lại nhớ lại chuyện giết vịt và ngỗng này?

Số là từ tối hôm qua, duyệt đọc Phật Quang Đại Từ Điển, tới mục từ "nga châu" (con ngỗng nuốt hạt châu), rồi cả đêm suy nghĩ miên man cho đến sáng, vừa mới kiểm lại xong hai cột văn Hán Việt đối chiếu, từng chữ một. Từ hơn một năm nay, chăm chỉ dò lại từng trang bộ từ điển, mỗi lần vẫn cứ ngạc nhiên về công phu dịch thuật của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Nhưng hôm nay, là chuyện khác.

Trích lại dưới đây nguyên bản dịch mục từ nga châu [鵝珠] (con ngỗng nuốt hạt châu) (*):

    Cứ theo Đại Trang Nghiêm Kinh Luận quyển 11, xưa kia, có một vị tỉ khưu khất thực đến trước nhà người thợ xâu ngọc, lúc đó người thợ đang xâu ngọc ma-ni cho nhà vua, thấy vị tỉ khưu đến, người thợ liền để viên ngọc xuống và vào nhà lấy thức ăn cúng dường. Khi ấy, có một con ngỗng đến nuốt mất viên ngọc, lúc người thợ trở ra không thấy viên ngọc liền ngờ và tra hỏi vị tỉ khưu; vị tỉ khưu tự nghĩ: “Nếu mình nói thật thì con ngỗng sẽ bị giết, như vậy mình đã phạm giới sát sinh, còn nếu nói không đúng thì phạm giới vọng ngữ, thôi, im lặng là hơn.” Thấy vị tỉ khưu không nói người thợ càng thêm nghi ngờ, liền trói vị tỉ khưu lại và dùng gậy đánh đập đến nỗi tai, mắt, miệng, mũi đều ra máu. Con ngỗng lúc nãy thấy máu liền đến ăn, bị người thợ ngọc tức giận đánh chết. Vị tỉ khưu trông thấy thương xót buồn rầu và nói kệ rằng:
    “Xưa có vị Bồ tát
    Bỏ mình cứu bồ câu
    Nay tôi cũng làm theo
    Xả thân để cứu ngỗng
    Vì có lòng thương xót
    Muốn bảo toàn mệnh ngỗng
    Giờ ông đã giết ngỗng
    Tâm nguyện tôi chẳng thành.”
    (Đại 4, 320 hạ).
    Bấy giờ, người thợ ngọc mổ bụng ngỗng, thấy viên ngọc trong đó, liền òa lên khóc và nói:“Ngài muốn cứu mệnh sống của ngỗng mà không tiếc thân mình, khiến tôi làm việc bất nhân này!”
    [X. Kinh Luật Dị Tướng Q.14].


Ồ, thế là truyền thống nhà sư khất thực hẳn đã lâu đời. Xã hội Ấn Độ thời đó có vẻ còn thô sơ lắm. Một người thợ ngọc xâu ngọc cho nhà vua, mà có cả con ngỗng vào tới cửa tiệm, không khỏi buồn cười.  Nhà sư nọ có vẻ rất từ bi và can đảm.  Biết noi gương người trước thí mạng mình để mong cứu sống một con ngỗng. Mà sao thời đó, một anh thợ ngọc, cũng là một Phật tử, lại cả gan đánh hộc máu mồm một tỉ khưu!

May mà anh ta còn biết hối cải, khóc lóc, nhận lỗi minh đã làm việc bất nhân.


Tham khảo













Thursday, March 21, 2019

Vũ Hoàng Chương


Năm đó tôi còn nhỏ, chỉ biết ăn và học, sợ cha kính thầy. Đùng một hôm, lớp học bỗng nhốn nháo, ồn lên. Ông thầy khả kính hôm qua, mặt xám xanh — vì giận? vì sợ? —, bất lực không giữ nổi kỉ luật cho đám học tròn non! Học sinh đổ ra ngoài. Tôi chen lấn đọc bài thơ viết phấn màu trên một tấm bảng đen dựng trước cổng trường, kí tên tác giả Vũ Hoàng Chương. Bài thơ nói về lửa, tôi chẳng hiểu chi nhiều, nhưng biết đó là một thi sĩ lớn... Tôi thấy tôi đứng giẫm chân lên một bàn học, ngó một nhà sư trẻ viết hai câu thơ chữ Hán lên bảng. Một người bước lên bục, viết tiếp hai câu thơ chữ Hán thành một bài tứ tuyệt, buông phấn cười... Da mặt trắng xanh, thân khoác một áo veste màu ngà, gầy như như một cành thu. Tôi vốn phục người xưa "xuất khẩu thành thi", nay được thấy tận mắt có người "xổ thơ" như thế, thích chí quá. Người ta nói: "Vũ Hoàng Chương đó!". Chính biến 1963 vừa bùng nổ. Phật giáo xuống đường... 

Bẵng đi ít năm sau, ông thầy Việt văn lớp tôi lại chính là nhà thơ đó. Không hiểu sao, tôi nhớ mãi lời giảng của thầy về hai cặp chữ "phong trào" và "hi sinh". Phong là gió, trào là sóng, cái gì đó dâng cao rồi lắng xuống, như thời thượng, thời trang. Hi sinh là như những con dê bị thọc huyết thí mạng trên bàn lễ tế thần. Tôi còn nhớ học được ở thầy hai câu ca dao: 
Làm trai biết đánh tổ tôm, 
Uông trà Mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều. 

Tổ tôm, tôi không biết chơi làm sao. Đến nay, tôi cũng chưa biết hương vị trà Mạn hảo. Còn truyện Kiều, hồi đó bị bắt buộc học, tôi ngán như cơm nếp nát. 

Một lần, đề luận ra phải bình giải bài từ khúc "Tống biệt" của Tản Đà: 
Lá đào rơi rắc lối Thiên thai 
Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi 
 Nửa năm tiên cảnh 
Một bước trần ai... 

Tôi cặm cụi chắp đầu chắp đuôi viết cho đủ bốn trang giấy học trò. Thầy chỉ khoanh vòng một câu viết ngắn trong bài "người đọc cảm thấy một nỗi buồn man mác..." và cho 12 điểm. Số điểm khá tốt cho một bài văn. 

Trong lớp học, học trò chen chúc như trong một cái chợ con, con gái học để đi kiếm cơm, con trai học để khoan đi lính. Đôi khi, tôi có cảm tưởng chỉ có mình tôi nghe giảng, thấy thương thầy vô hạn. 

Dần dà, tôi đọc thơ Vũ Hoàng Chương và say mê những bản tình ca hoài Tố: 
Em ơi, lửa tắt bình khô rượu 
Đời vắng em rồi, say với ai? 

Đôi khi cao hứng, tôi nghêu ngao mấy câu thơ này: 
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa 
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh 
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị 
Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy lênh đênh 

Tôi cũng ưa nhưng câu rất lạ như: 
Ta có là Ta chăng? 
Hề, Ai chứ là Ngươi... 


Sau năm 1975, được tin Vũ Hoàng Chương chết trong tù, tôi hiểu thế nào là kẻ Sĩ. 

Ở xứ người, còn chăng là vài câu thơ đơn giản của Vũ rớt lại trong hồn: 
Ba kiếp lang thang ngồi chụm lại 
Chúng ta mất hết chỉ còn nhau 

Cuối năm, tình cờ đọc hai chữ tưởng niệm, tôi bỗng nhớ người thầy thi sĩ. Vũ của Hoàng ơi, Tố ở đâu? 


ĐTK 
Paris, 05/01/1994 



bổ túc
ed. 2023-05-24

1. Mai Thảo, Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương, trong tập Chân Dung, NXB Văn Khoa 1985:
(...) Hơn 4 tháng nằm trong ngục tối của thi sĩ, không ai có được những chi tiết đầy đủ. Kể cả chị Đinh Hùng, chị Vũ Hoàng Chương, cháu Vũ Hoàng Tuân, cháu Đinh Hoài Ngọc, những người đêm ngày ở cạnh chỗ nằm của ông suốt 5 ngày hấp hối. Trở về Gác Bút, thể chất trút thoát dần dần những tinh khí cuối cùng, thần trí Vũ Hoàng Chương vẫn cực kỳ minh mẫn sáng suốt. Tới đêm lâm chung. Tới phút từ trần. Nhưng thi sĩ không nói, không nói một lời nào về bốn tháng Chí Hòa. Ngày thứ hai của năm ngày chót ông mê đi. Tưởng ông đi, chị Vũ Hoàng Chương lớn tiếng kêu khóc. Ông dịu dàng: “Tôi còn sống đây.” Rồi nói đùa: “Bị bắt vẫn còn oai. Được thủ tướng hầu hạ.” Thủ tướng đây là bác sĩ Phan Huy Quát, ở cạnh phòng ông, phòng tối số 6. Buổi chiều ngày thứ ba, ông quằn quại đau đớn hết một lúc. Thấy vậy chị Vũ Hoàng Chương lo lắng hỏi: “Ở trong ngục anh có bị chúng hành hạ gì không?” Ông trả lời: “Chúng cần gì hành hạ. Chỉ bỏ đói là đủ cho mình chết.” Vậy thôi. Ngày thứ năm, ngày 17 tháng 9, 1976, Gác Bút yên tĩnh với thi sĩ nằm đó, trên mặt sàn hiu quạnh. Rồi ngày hết, đêm xuống. Và định mệnh mở rộng cánh tay như một lớp sóng mênh mông vô tận đón ông vào đời đời lúc đó là vừa đúng 12 giờ đêm…!

2. Bài thơ Trong Khám Chí Hòa của Vũ Hoàng Chương vào năm 1976:
“Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn,
Lông hồng gieo xuống nhẹ như non.
Một manh chiếu nát, thân tơi tả,
Nửa bát cơm hôi, xác mỏi mòn.
Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ,
Đêm về giấc ngủ lại thương con.
Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa,
Hồ dễ gì phai được tấc son!”

3. Ngâm thơ "Phương Xa" của Vũ Hoàng Chương

tham khảo

Vương Trùng Dương









Thursday, January 3, 2019

chiếc lá bàng


Có hai đoản văn viết về lá bàng mà tôi rất thích. Một bài của Nhất Linh, trong lời tựa cuốn tiểu thuyết Đôi bạn. Một bài của Quách Tấn, viết theo lối địa dư chí.

Bài của Nhất Linh tôi đọc năm đệ Thất (tức lớp Bảy kể từ năm 1975). Trên một đường phố Hà Nội, một đêm cuối thu, có hai đứa bé một gái một trai đứng vỉa hè đợi gió lên để chạy ra đường lượm từng chiếc lá bàng đem về bán cho người ta sưởi ấm mùa đông. Trời lạnh buốt, một chị một em mặc áo rách, có lẽ thiếu ăn nữa,  đứng run rẩy, mà vẫn cầu xin: "Lạy trời, gió nữa lên, gió nữa lên!"

Bài văn ấy, tôi đọc lâu rồi, vang bóng chàng trai cách mạng trong tiểu thuyết đã nhạt mờ trong trí tưởng, nhưng hình ảnh hai đứa bé nhà nghèo nhặt lá bàng vẫn còn ghi rõ trong tôi.

Bài của Quách Tấn tả lại một con đường thành phố miền Trung, có hai hàng cây bàng đỏ như pháo mùa xuân. Tôi ao ước, nhưng chưa bao giờ thấy được...

Hôm nay, tôi vụt nhớ lại một kỷ niệm thời thơ ấu. Năm đó tôi học lớp tư tiểu học, một hôm đứa anh họ cùng lớp bỗng giúi vào tay tôi một chiếc lá to bản, nửa xanh nửa vàng. Thì ra, đó là giờ học Thường thức, học trò đang theo nhau lên bàn thầy nộp lá bàng lấy điểm. Tôi lơ đãng đã quên. Nhờ chiếc lá đứa anh cho, tôi được 7 điểm trên 10 — thiệt ngon lành. Tôi mơ hồ thắc mắc tại sao đứa anh họ của tôi không làm như mọi người. Hình như nó mang mặc cảm bị thầy ghét bỏ. Ngồi cùng bàn học, tôi có lần xem vở của nó viết chữ lí nhí như kiến bò, có một hàng chữ đỏ phê chéo ngang trang giấy như sau: "Bẩn! Đã dốt lại lười." Như một lằn roi trên lưng đứa bé học trò. Nó bảo tôi: "Tao viết chữ nhỏ để đỡ tốn tiền mua vở cho mẹ tao."

Chính với thằng anh họ đó mà tôi học được cách làm diều, thả bay phất phới trên bờ sông xóm Cầu Mới Sài Gòn. Mấy chục năm qua rồi, người anh họ kia nay đã lưu lạc phương nào?

Chớp mắt ngàn thu quạnh
Về đâu chiếc lá bay...

(Quách Tấn).





Phụ lục

Nhặt Lá Bàng
Lời tựa: Đôi Bạn - Nhất Linh (1906-1963)

Ở ngoài, có lẽ gió thổi mạnh hơn vì tôi nghe tiếng lá bàng rụng trên đường mau hơn.
— Gió lên ... gió nữa lên.
Tiếng nói của một đứa bé, và tiếng cười giòn tiếp theo làm tôi ngạc nhiên. Tôi viết nốt một đoạn rồi chạy ra cửa sổ nhìn xuống, nhưng không nom thấy rõ, chỉ thấy bóng chấn song và bóng người tôi in trên đường nhựa.
Tôi vội tắt đèn trong phòng đi.
Trên đường khô ráo, tôi ngạc nhiên không thấy chiếc lá rụng nào. Tôi vẫn biết có những người đi nhặt lá khô bán lấy tiền; họ chờ đợi rồi hôm nào lá đã chín lại có gió to, họ đem rổ, đem thúng, lũ bảy lũ ba chia nhau các phố tới tấp quét lượm. Ban ngày tôi đã nhiều lần nhìn ngắm cảnh tượng đó. Nhưng tôi không ngờ đâu, đêm khua lạnh, họ ngồi ở ngoài gió để chờ nhặt từng cái lá một. Tôi cũng đứng lặng yên ở của sổ đợi cơn gió đến.
Lại có tiếng lúc nãy nói:
— Lại ngồi sau gốc cây này khuất gió đỡ lạnh.
Một tiếng khác trả lời:
— Lạnh chẳng tại gió, làm gì có gió lúc này.
— Khi nào có gió thì lạnh ghê.
— Chuyện; không có gió thì lá đã không rụng ...
Yên lặng một lúc lâu, rồi có tiếng tức bực:
— Mãi không có gió.
Ở phía sau một gốc bàng, một cái bóng chạy ra. Tôi nhìn kỹ mới biết đó là một đứa bé, vào trạc mười tuổi; đầu nó chít một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má; áo nó rách để hở cả hai vai. Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại. Một con bé, ở sau gốc cây bàng khác cũng chạy ra, rồi hai chị em — tôi đoán là hai chị em — chạy lăng quăng đuổi những lá bàng gió thổi lăn trên đường.
Một cơn gió mạnh nổi lên. Lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.
— Mau lên chị ơi, nhặt cả hai tay chị ạ.
— Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên. Thằng nỡm. Tao đã biết trước là đêm nay có gió to. Thằng nỡm, mày chẳng nghe tao bao giờ. ... Thằng nỡm.
Tôi mỉm cười vì sao chị không mang chổi đi. Tôi mỉm cười vì con bé mắng một cách thông thạo lắm: lúc mắng nó lại tỏ ra vẻ người lớn đã biết mắng em, dạy em rồi. Đứa bé không để ý đến lời chị nó, vừa nhặt vừa reo.
— Gió lên ... lạy giời gió nữa lên
Chúng vẫn nhặt không ngừng tay, lá vẫn rụng không ngớt; nhiều khi vì màu áo lẫn với màu đường, tôi không nom rõ người, chỉ thấy hai cái bóng đen lăng quăng. Chúng chạy vụt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đường chạy về một phiá bỗng nhiên đứng dừng: một đám lá rơi loả toả trên người chúng khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào.
— Lạnh quá.
— Chạy mau lên cho ấm ... thằng nỡm.
Thấy chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm, tôi mỉm cười đoán có lẽ tên đứa bé là thằng Nỡm chăng. Tôi tự nhiên cũng thấy vui với chúng và mặc dầu trời rét tôi cũng mong mỏi gió thổi thật mạnh. Mỗi lần cơn gió tới làm rụng lá, là mỗi lần tôi hồi hộp và sung sướng một cách thành thực.
Nhưng chỉ có gió một lúc rồi tạnh hẳn. Thỉnh thoảng còn thưa thớt một hai chiếc lá rơi. Lá trên đường chúng nhặt đã hết.
— Em được tám bó.
— Tao được năm bó. Tại mày tranh lấy hết của tao, thằng ranh con.
Tôi lại mỉm cười vui vẻ vì thằng nỡm đã đổi ra thằng ranh con.
Rồi chúng lại về ngồi chỗ cũ, mỗi đứa một gốc bàng, cho "khuất gió", khuất những cơn gió làm cho chúng rét run mà chúng vẫn mong nổi lên.
Tôi quay trở vào, bật đèn rồi lại ngồi vào bàn giấy viết tiếp, trong lòng tự nhiên thấy đỡ chán nản. Ở ngoài, thỉnh thoảng có tiếng của đứa bé:
— Gió lên ... lạy giời gió lên

oOo

Trời sáng rõ lúc nào tôi không để ý. Ánh nắng lấp lánh trên những lá bàng như sơn son. Tồi nhìn xuống đường. Hai đứa bé còn đứng đó. đướng buộc mấy gánh lá bàng nhặt được đêm qua. Chúng vui vẻ, nhưng tôi không thể dựa theo nét mặt chúng mà đoán được chừng ấy lá là nhiều hay ít.
Một người đi qua nhìn gánh lá bàng nói:
— Lá bàng này sưởi ấm lắm đấy.
Tôi quay lại nhìn lên bàn; suốt đêm tôi mới viết được lèo tèo vài trang giấy, lại dập dập, xóa xóa gần nửa. Tôi thất vọng.
Đối với tôi, những cơn gió tôi chờ đón đã nổi lên, đã khiến tôi đêm qua lạnh cả tâm hồn, nhưng lá bàng nhặt được không là bao. Lại không biết có ấm được lòng ai ở xa không?


ed 2023-02-08