Sunday, December 13, 2020

giàn hoa giấy

 

Lời dẫnXin phép các tác giả sách "Quách Tấn, Thiên Nhiên và Quê Hương" (Việt Nam, 2007) cho đăng lại trong blog này bài viết in trong sách, trang 302-303, trích từ hồi ký của Quách TấnBóng ngày qua, phần Đời văn chương.


bìa của họa sĩ Vĩnh Ấn 1965

Cây hoa giấy trong vườn tôi màu đỏ điều, gốc bằng bắp vế, tàn nằm trên giàn gỗ rộng, tỏa mát cả mảnh sân trước phòng ngủ của tôi. Nhờ giàn hoa, nắng trưa không chói vào nhà, nắng chiều không lọt vào nhà.

Hoa ra đầy nhánh. Mùa nắng thạnh hơn mùa mưa.

Cánh hoa mỏng như giấy, nên khi rụng bay theo gió chập chờn như bươm bướm mùa xuân. Nếu được chút hương nữa thì tuyệt.

Mùa hè tôi ngủ ngoài nhà dù, cạnh giàn hoa. Sáng thức dậy vừa cuốn mùng thì hoa bay vào đầy cả giường. Trên mặt drap trắng, sắc hoa làm nổi bật vẻ xuân. Tôi nằm yên nhìn hoa múa. Múa chán đua nhau chui vào lòng, tấp vào gối, bay lên mặt lên đầu... Không nỡ trở mình vì sợ làm "nát đời hoa". Đợi con Mộng Hoa (người con gái thứ sáu) con Trung Thu (thứ bảy) ra lượm tất cả ướp vào hộp của chúng rồi tôi mới trở dậy.

Mỗi tuần ít ra cũng một lần vui với hoa với con trong buổi sớm thức dậy.

Bên vườn láng giềng cũng có một bụi hoa giấy mọc nơi rào, sắc tím.

Màu tím của khóm hoa này không đượm đà như màu hoa sim. Màu tím lờn lợt như nước trái bàn chải, trông vô duyên như các me Tây già làm đỏm. Tôi không ưa nhìn mà cũng không thích để lẫn lộn vào hoa của tôi, cho nên hễ bên láng giềng bò qua nhánh nào là tôi chặt rụi nhánh nấy! Khi ghét thì lòng trở nên tàn nhẫn! bất công! Rồi một hôm, một đóa hoa tím ở bên láng giềng, rụng tận ngoài ngõ cũng bay trộn vào với hoa trong vườn, bay lên giường tôi.

photo 2020 dtk@huediepchi.com
Giữa đám đông hoa điều, tôi cảm thấy đóa hoa tím lẻ loi tội nghiệp quá! Không biết hoa sợ tôi hắt hủi hay thông cảm nỗi lòng tôi nên một khi bay lên giường tôi thì chui ngay vào lòng tôi, trước hết các chị em! Tôi cảm động, thật tình cảm động, ôm nhẹ đóa hoa vào lòng... 

Tôi hối hận đã ghét hoa tím một cách vô lý. 

Từ ấy tôi hết chặt hoa tím và cây hoa bên láng giềng bò sang bên vườn tôi, đỏ tím chen nhau trông lại càng đẹp mắt.


Quách Tấn

(trích Bóng ngày qua, phần Đời văn chương)


Ghi chú 

Để nhớ lại lần đến thăm nhà thi sĩ Quách Tấn (1910-1992), đường Bến Chợ, Nha Trang, năm 1996. Lần ấy, tôi được con trai nhà thơ là Quách Giao tặng cho một bản tập thơ Đọng bóng chiều, in lần thứ nhất 1965.

Cái tên chọn cho blog này — Bóng ngày qua, tôi mơ hồ không biết có phải đã chịu ảnh hưởng từ nhan đề tập Hồi ký của Quách Tấn hay không nữa. Tập hồi ký này, tôi nghe tên đã rất lâu, hơn 40 năm rồi, trên tạp chí Quê Mẹ, rao sẽ xuất bản, và tôi cứ chờ đợi từ ấy đến giờ. May mà tôi cũng đã được đọc một số bài trích tuyển. Nhớ nhung da diết, như muốn tìm về thời gian đã mất hoặc quê hương không còn nữa.






















Friday, August 14, 2020

cá tra vẫy vùng

 Sáng nay, không nhớ tìm đọc cái gì, bỗng rơi vào một tấm hình đăng trên báo Nhân Dân.

Nó đập vào mắt, cảnh tượng gần y như chính mình đã thấy, mười năm về trước, một ngày hè nóng bức.


https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/doan-969-phuc-vu-8-7-trieu-luot-nguoi-vao-lang-vieng-bac--611856/


Hôm đó, chúng tôi đang đứng đợi cả tiếng đồng hồ, trên một vỉa hè quảng trường Ba Đình. Cùng với hai ba người trong chuyến "tham quan" Hà Nội, do Saigontourist tổ chức. Hai ba người, không ai bảo ai, đều không muốn vào viếng lăng Hồ Chí Minh, như khoảng 20 du khách đồng hành khác.

Lúc đó, những người thăm lăng đã lục tục đi ra. Có một cô gái trẻ, hình như từ Mỹ qua, cười cười kể lúc vào cửa, bị nhân viên kiểm soát làm khó dễ, bắt phải mua một tấm khăn choàng, quấn che đùi mặc váy cũn cỡn: "Họ bảo phải che như thế để tỏ lòng tôn kính Bác."

Nhớ hôm đó không biết bao nhiêu đoàn người lũ lượt xếp hàng vào lăng.

Đọc bài báo ngắn theo sau tấm hình, từng dòng, từng dòng, chỉ biết lắc đầu.

Có ai tưởng tượng nổi không, trong 2 đoạn cuối, khoảng 20 dòng, người ta đếm được 24 lần 2 chữ "thanh tra, kiểm tra"!

Thiệt là:

Sự đời như cái lá đa,
Đen như mõm chó chém cha sự đời.

(Ca dao)

Chợt nhớ Phan Khôi trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm 1956. Hỡi ơi, chỉ biết phỏng theo hai câu thơ lục bát bất tận của ông (*) làm lúc bấy giờ, — cho lòng nguôi ngoai một chút:

Thanh tra rồi lại kiểm tra,
Tra đi tra lại cá tra... nó vẫy vùng.

Cả một guồng máy Xã Hội Chủ Nghĩa hiển hiện trong đó:

Sửa sai thì cứ sửa sai,
Sửa hoài sửa mãi, sai hoài cứ sai.

(*) Phan Khôi (1887-1959)


Trong khi đất nước đang bị phương Bắc đối xử ngang ngược, đe dọa chiếm đóng, Nhà nước XHCN không biết làm gì hơn ngoài việc "giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ"? (**)



(**)  Tài liệu lịch sử

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/doan-969-phuc-vu-8-7-trieu-luot-nguoi-vao-lang-vieng-bac--611856/


Đoàn 969 phục vụ 8,7 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác

Thứ Sáu, 07-08-2020, 03:24


Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 969 đón các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới, Đảng bộ Đoàn 969 (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) phấn đấu vươn lên làm chủ từng bước tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo đó, Đảng bộ chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, giải pháp để tiếp tục vươn lên làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; phấn đấu hoàn thành 100% nội dung huấn luyện, các đối tượng được huấn luyện theo quy định. Đảng bộ tập trung lãnh đạo xây dựng Viện 69 thành viện chuyên ngành chính quy, khoa học, hiện đại; Đoàn 275 tiêu biểu về điều lệnh, nghi lễ trong toàn quân; đề nghị Nhà nước công nhận khu K9 là Di tích quốc gia đặc biệt... 

Thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ Đoàn 969 đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học; phối hợp với Trung tâm nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va, Liên bang Nga, ký kết các văn bản hợp tác nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt; đã thay thế từng bước hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới... Đoàn đã phục vụ tận tình, chu đáo hơn 8,7 triệu lượt người, trong đó có hơn hai triệu người nước ngoài vào Lăng viếng Bác; phục vụ 34 buổi lễ viếng cấp Nhà nước, 44 đoàn nguyên thủ quốc gia; tổ chức, đón 1.045 đoàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; 576 đoàn tiêu biểu về báo công dâng Bác...

* Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh Bắc Giang thường xuyên rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17-5-2019 của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành thanh tra. Bên cạnh đó, ngành thanh tra Bắc Giang thực hiện tốt việc định hướng và chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm, chú trọng khâu khảo sát, dự báo tình hình; tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các địa phương, lĩnh vực còn yếu kém trong công tác quản lý và dễ phát sinh tiêu cực như: quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản...

Ngành đặc biệt quan tâm phát hiện những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Thanh tra Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 15-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; làm tốt việc thẩm định, kiểm tra, giám sát các kết luận thanh tra; tiến hành thanh tra lại hoặc kiến nghị thanh tra, kiểm tra lại đối với một số cuộc thanh tra, kiểm tra không bảo đảm chất lượng, có dấu hiệu, biểu hiện vi phạm nguyên tắc, trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra...


PV và TTXVN






 

Tuesday, June 30, 2020

Hà Nội đi tìm



(2020/06/19, 14:30)

Hà Nội trong tôi không có Hồ Gươm, Vườn Bách Thảo... mà là một thành phố đỏ rực màu cờ.

Xe nhà binh chạy sầm sập trên đường, người tụ tập hai bên vỉa hè đông nghẹt, hoan hô rầm rĩ. Tôi nghển cổ nhìn, chỉ thấy đầu người và những lá cờ bay.

Tôi đứng trên một vỉa hè phố Quan Thánh, gần nhà chú Thụ chỗ gia đình chúng tôi đang ở tạm (vợ chú Thụ là em ruột của mẹ tôi).

Cái tên phố này, lúc đó tôi không hề biết. Nhưng bao nhiêu hình bóng lũ lượt đổ về, tự động sắp xếp thành một bức puzzle.

Thấy nhiều người đeo trên túi áo một tấm hình tròn lồng kính ngộ nghĩnh. Chạy về nhà xin bố mua. Nét mặt bố bỗng nhiên nghiêm khắc hẳn lên làm tôi ngơ ngác không hiểu tại sao.

Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm cửa ô...

Mãi sau này, lần đầu đọc bốn câu thơ trên đây của Vũ Hoàng Chương, tôi nhận ra ngay Hà Nội trong trí nhớ chính là Hà Nội vào những ngày tháng đó.

Bây giờ thì tôi nhớ rõ gia đình chúng tôi đến Hà Nội từ mấy hôm trước.

Một sớm, có người đánh thức, đưa cho tôi một tô bánh sợi trắng nuốt, nước còn nóng hổi. Đó là anh Tế, tuổi độ 15, là người làm cho gia đình tôi. Anh Tế là con một gia đình cùng làng với cha mẹ tôi ở Hà Đông. Có lẽ lần đó đi theo cha mẹ tôi chuẩn bị vào Nam...

Đó là lần đầu tiên tôi được ăn phở (không thịt), ngon ngọt lạ thường.

Tôi còn nhớ, có hôm theo anh Tế nhặt những quả bàng rơi, lấy đá đập bể, moi lấy nhân ăn, bùi bùi thơm thơm. Có lần anh ấy lấy gậy khều một trái gì rất lạ, trên cành thòng vào balcon nhà chú Thụ. Trái hình bầu dục (bây giờ thì tôi biết nó hơi giống trái cacao), lúc anh Tế đập ra, thấy còn xanh, vứt đi chỗ nào tôi không để ý. Anh Tế biết làm nhiều trò vui. Có lần anh ấy biểu diễn chỉa hai ngón tay như bắn súng, bịm môi nhịn thở, dồn hơi xuống bụng, bịp bịp phát ra tiếng rắm, làm mọi người cười nghiêng ngả.

Chúng tôi nhiều lần chạy sang nhà Bà Trẻ ở bên kia đường. Chúng tôi gọi là Bà Trẻ, vì bà là cô của mẹ tôi. Căn gác nhà Bà Trẻ lúc nào cũng âm u hương khói. Nhưng tôi hay chú ý tới cái bình sứ cắm hoa giả. Lần nào, nếu Bà Trẻ có mặt, cũng với tay gỡ mấy cái hoa hình quạt hoặc như cánh bướm, mở ra thành tờ giấy bạc, cho mỗi đứa một cái.

Anh tôi một lần được Bà Trẻ cho một sợi dây chuyền vàng có gắn một cái móc bằng ngà voi. Không hiểu sao, một hôm anh ấy đem đổi sợi dây chuyền với một thằng bé nhà bên cạnh, lấy hai chiếc bánh xe bằng cao-su. Hai anh em thỉnh thoảng mỗi đứa ngồi một góc phòng trên gác, lăn qua lăn lại hai cái bánh xe, cũng vui.

Hình như lúc bấy giờ anh được vô ban nhi đồng trong phố tập đánh trống cà rà rình theo điệu xôn đố mì:

Đây thiên đường tổ quốc chúng ta,
Đây ruộng vườn quê hương ngàn đời...

(2020/06/19, 21:40)

Năm đầu vào Nam, gia đình tôi ở Đà Lạt. Trong nhà có cậu Nghị — em mẹ tôi, cùng với một người bạn lính thuộc Ngự Lâm Quân của cựu hoàng Bảo Đại, đến trọ một thời gian (1).

Buổi tối trong phòng ngủ, cậu tôi thường hút thuốc lá, thở ra những vòng khói xanh huyền ảo, và thích hát bài "Hướng Về Hà Nội".

Lớn lên một chút, thỉnh thoảng nghe bố mẹ nói chuyện với nhau, hoặc đọc văn của Thạch Lam, Nguyễn Đình Toàn... tôi mới biết thêm những tên đường kì lạ.

(2020/06/21, 14:27)

wikimedia.org/wikipedia/ 
Tháp Rùa
Tôi vụt thấy mình đứng sững nhìn Tháp Rùa trên nước lung linh.

(2020/06/30, 16:59)

Lúc vừa viết xong câu trên, cách đây 9 ngày, tôi nhớ rõ: đầu óc bỗng khựng lại, mấy ngón tay gõ phím đờ đẫn.

Một câu hỏi lóe lên: Tôi đang viết Cái gì đây? Để làm chi? Chẳng là rót thêm mấy giọt nước bẩn vào đầu người đọc?

***

Bạn đọc thân mến, xin cho phép gọi như thế, theo thể điệu của Baudelaire (Au Lecteur).

Hôm đó, tháng 7 mùa hè 2002, lần đầu tôi trở về thăm Hà Nội, — 48 năm sau ngày theo bố mẹ lên tàu vào Nam.

(2020/07/01, 02:01)

Tháp Rùa giống hệt như trong con tem hình Hồ Hoàn Kiếm tôi sưu tầm được những năm xưa. Những con tem rất quý, bóc ra từ những bao thư cậu Nghị để lại, khi cậu từ giã gia đình tôi ở Đà Lạt, lấy chuyến tàu cuối cùng về Bắc, tìm lại người vợ thân yêu (1).



(còn tiếp)



Chú thích

(2)



























Sunday, June 21, 2020

Paris trời mưa


Paris trời mưa
Mù che cửa kính
Rớt giọt nhạc xưa
Café đậm đắng


photo Chloé Bonnard
http://lesnanasdpaname.com/2016/05/31/
fuir-la-pluie-sans-quitter-paris/
Chân bước qua đường
Về đâu áo trắng
Bánh xe quay tròn
Bao nhiêu vạt nắng

Paris trời mưa
Nước mây tình cờ
Em về phố cũ
Lối mòn métro

Đường hầm hun hút
Quê nhà nơi mô
Em còn ngóng đợi
Anh chàng Godot...






Saturday, June 13, 2020

mơ ơi


Buổi sáng, đang đứng trong vườn, chợt thấy một con rùa vàng dưới một gốc cây, tôi kêu to:
— Con rùa, con rùa...

Nhà tôi và hai cháu bé, một gái một trai, vội hỏi cùng một lượt:
— Đâu, rùa đâu?

Trên sân cỏ nắng chói, nhìn không dễ. Tôi bước lại gần gốc cây, dí ngón tay lên lưng con rùa, nói:
— Nó đây này.

https://fr.wikipedia.org/wiki/
Tortues_terrestres
Ai bảo chậm như rùa, con này nhanh gớm. Vụt một cái, nó đã chạy xa mấy thước. Thỉnh thoảng, tôi cứ phải chụp lấy nó, đem về chỗ cũ. Hai đứa bé cười khanh khách. Bây giờ không sợ nữa, thay nhau bắt chước tôi, chụp con rùa, đùa giỡn vui vẻ.

Lúc đó, tôi quan sát kĩ, thấy con rùa rất đẹp. Thân rùa bề ngang to hơn bàn tay tôi mở rộng. Mu rùa khắc ô chữ nhật, nền vàng vạch đen. Trông như một bức hình học không gian.

Chơi đùa với con rùa một hồi lâu, cũng chán. Hai đứa bé vào chỗ mát trong vườn, nhờ tôi tìm cách buộc con rùa vào một chỗ. Mới đầu, tôi lấy dây buộc con rùa bốn góc như một gói quà. Nhưng thằng bé cầm một lúc là tuột dây. Tôi bèn vào nhà chứa đồ nghề làm vườn, tìm được một cái khoan điện, đem ra thử khoan một lỗ trên mu gần đuôi rùa. Sợ làm đau con rùa, có thể cũng vì nhát tay, tôi khoan hoài không lủng. Tiếng máy khoan ré lên, nhức óc. Đứa con trai út của tôi, hồi đó lên đâu bốn năm tuổi, nói: 
— Thôi, bố đừng khoan nữa.

Vừa vặn, có cha mẹ vợ đến thăm. Ông bà cha mẹ vợ tôi chính là chủ ngôi biệt thự này. Mỗi năm, gia đình chúng tôi, khi nào muốn, đến đây nghỉ hè. Ông bà chủ nhà sắp xếp đi ở mướn trong một làng gần đó, để cho chúng tôi ở tự do thoái mái suốt một tháng hè.

Hôm đó, ông cha dượng của nhà tôi, nói:
— Thực ra, mình không có quyền giữ rùa như vậy...

Loài rùa đất này là một trong những loài vật được bảo vệ trong môi trường thiên nhiên.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cổ, có người thuyền chài, một hôm lưới được một con rùa, nhưng không nỡ giữ lại, đem nó thả xuống biển. Đêm về, nằm ngủ có thần báo mộng: Con rùa người chài bắt được trong ngày chính là con của Long Vương dưới biển. Đền ơn chàng ngư phủ, năm nay sẽ đỗ Trạng nguyên...

Tôi ra sau vườn, tìm được chỗ chất củi dành đốt lò sưởi mùa đông. Lựa được mấy chục đòn gỗ dài 30-40 cm, bề ngang to như bắp vế đàn bà.

Lấy xe bù ệt chở củi ra sân cỏ trước nhà. Loay hoay một lúc, làm xong một cái cũi rùa, bề ngang 1 m, bề cao 0,5 m. Tôi bỏ con rùa vào cũi. Nó vùng lên chạy tứ phía, tìm cách thoát thân. Có lần, leo lên một khúc củi, bị té lật ngửa, chổng bốn cẳng lên trời. Tôi lật úp nó trở lại, nói thầm: "Mi chổng cẳng lên trời, chỉ có chết khô...".

Buổi chiều, hai ông bà cha mẹ vợ đã ra về, chúng tôi muốn đi tắm biển. Trên đường lái xe ra bãi, cách nhà khoảng một hai cây số, tôi vui miệng hỏi hai đứa bé đã đặt tên cho con rùa chưa. Chúng nó đồng ý với nhau, gọi tên rùa là Caroline — như trong những bộ phim hoạt họa hằng tuần, trên đài truyền hình dành cho con nít thời đó. Riêng tôi, gọi tên con rùa là Mơ —vì đã gặp con rùa dưới gốc cây mơ (abricotier).

Xe vừa đậu xong bên đường cạnh bãi cát, hai đứa nhỏ đã chạy ào xuống nước, vùng vẫy trong bọt trắng biển xanh...

Xe lăn lạo xạo trên sân trải sỏi trắng trước nhà, vừa ngừng bánh, hai đứa nhỏ đã chạy ùa ra chỗ cũi rùa. Hỡi ơi, con rùa đã biến đâu mất, không biết từ bao giờ. Mọi người chia nhau xục xạo khắp khu vườn rộng.

Bước lên sân gạch cao ở sau nhà, lòng bồi hồi nghe tiếng trẻ khóc hức hức sau những lùm cây. Ngước mắt nhìn ra xa, khu vườn này tiếp khu vườn kia, chạy dài tới biển. Mọi sự diễn ra đúng như tôi mong ước, ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Mơ tìm lại tự do...

Mơ ơi!


(Viết lại theo trí nhớ một bài cũ
khoảng 40 năm về trước
Saint-Tropez, 19yy/mm/dd)















Thursday, June 4, 2020

chém tre đẵn gỗ trên ngàn


2020/06/02, 00:30

Bụi trúc này tôi đem từ Lugano (Thụy Sĩ), vườn nhà anh Thưởng, cách đây quãng 15 năm. Anh Thưởng là người trồng cây rất đẹp, nhất là về bonsaï, đặc biệt là các loại hoa lan. Lần thăm anh năm đó, còn được anh dẫn lên núi xem rừng hoa đỗ quyên. Ngắm hoa, nhìn xuống cảnh hồ thành phố, thấy đây là xứ thần tiên.

Hôm đem trúc Lugano về nhà, tôi nhớ chỉ có ba bốn cành tỉa ngắn, vì phải để trong xe mang về Pháp. Vậy mà chỉ hai ba năm sau, trong vườn đã mọc một bụi xanh um.

Mỗi năm, kể từ khoảng giữa mùa xuân, đọt măng lan đầy chung quanh bụi trúc. Cách đây hai năm, măng trúc còn tràn tới gốc bụi buis bên cạnh. Một khối cầu xanh mướt, đường kính lớn hơn 1 m, bỗng nhiên héo úa suýt chết.

Năm nay, suốt hạ tuần tháng Năm, ngày nào cũng nghe nhà tôi cằn nhằn, trồng bụi trúc ở chỗ này thiệt lầm rồi. Trong bụng tôi cho nhà tôi có lí. Nhưng nghĩ tới việc phải vác cuốc ra đào trúc, tôi ớn quá, cứ lần lữa qua ngày. 

Cách đây khoảng mười năm, tôi từng trải qua một cuộc "đào trúc trần ai". Số là dọc theo một bức tường chung với nhà hàng xóm phía đông, tôi đã trồng một hàng rào trúc dài hơn mười lăm thước. Năm đó, người hàng xóm than phiền, trúc vườn nhà tôi đã chui qua chân tường xi-măng, mọc đầy bên vườn họ. Tôi nhớ, lần đó đã hì hục ba ngày, mới dọn sạch đám rễ trúc rừng xâm chiếm đất người ta. 

Rút kinh nghiệm như thế, lần trồng trúc Lugano, tôi đã chọn chỗ đất ở giữa vườn, không sợ rầy rà hàng xóm. 

Nhưng rõ ràng năm nay, măng non lan mạnh chưa từng thấy. Không những nhú đầy trên sỏi trắng khu vườn kiểu Nhật ở phía sau, lại còn mọc tùm lum, chui từ dưới gạch lót vòng quanh hồ trồng sen, trồng súng... và nuôi cá làm cảnh nữa.

Sau cùng, từ ba hôm nay, tôi quyết định đem bụi trúc chuyển vô chậu.

Mỗi sáng, uống trà hoặc cà phê xong, tôi đội mũ, thay quần áo làm vườn, vác dụng cụ đủ loại ra đào trúc. Kinh nghiệm đầy mình, tôi chuẩn bị sẵn cuốc, xẻng, dao tỉa cành, cưa, đục, v.v.

Hỡi ơi, không thể nói là đào trúc, phải nói là chặt, là cưa, là đục, là chém!

Những cây trúc xanh um, thân bóng mượt như thế, nhưng đụng tới gốc của chúng, mới thấy đoạn trường.

Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai! (1)

Tôi cuốc toé lửa xuống gốc bụi trúc, không nhúc nhích gì cả. Vì đất thì khô và cứng. Khi cạy ra được một chút rễ, khô, chằng chịt với nhau, biến thành đá có thớ vàng.

Không được, không được. Phải có chiến lược mới xong.

Tôn Tử nói: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. 

Sau khi phân tích tình hình, tôi biết sức mạnh của trúc ở cái mớ rễ kia đoàn kết chặt chẽ với nhau thôi. 

Trước hết, tôi tìm cách chia rẽ bụi trúc ra thành nhiều cụm nhỏ. Bắt đầu tiến công thẳng vào cả bụi, rất khó. Tôn Tử nói phải đánh vào chỗ trống, tức là chỗ quân địch không đề phòng. Trong trường hợp của bụi trúc này, "chỗ trống" chính là mấy kẽ nhỏ giữa các gốc cây. Dùng đục đóng vào nhưng kẽ đó, cào cạo từ từ đất bám, nạy ra từng đoạn ngắn rễ nổi trên mặt đất, cắt đứt, cưa đứt đất bám rễ, cho tới khi nào có đủ một cái rãnh đủ lọt mũi cuốc. Thường thường, phải cắt bỏ một hay nhiều thân cây để tạo chỗ trống. 

Nếu chưa được, phải kêu cứu tới ông Lão Đam: Nhu thắng cương, nhược thắng cường. Đem vòi nước rưới ướt đẫm mấy cái kẽ giữa những gốc cây và một cái rãnh vòng ngoài gốc bụi trúc. Đợi mấy giờ sau hoặc qua đêm, thì có thể bổ mũi cuốc vào khe trống, từ từ nạy ra và tách mấy gốc trúc vòng ngoài là dễ hơn cả. 

Archimède xưa có nói: Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể bẩy cả địa cầu. Nguyên tắc đòn bẩy áp dụng vào công việc nạy rễ trúc là đây. Cái khó, là tìm ra điểm tựa tốt nhất cho mỗi lần nạy bằng cái cuốc, dùng như một cái xà beng (tức là một loại đòn bẩy).

photo @dtk 2020
 










2020/06/02, 14:50

Vừa nuốt xong dĩa cơm cá saumon chiên. Từ sáng khoảng 9:30, đã mặc áo ra vườn chặt trúc, đến 13:00 vào nhà nghỉ. Lúc vào nhà, không muốn ăn gì cả, nốc lần thứ hai nửa lít nước chanh đường. Cám ơn bà xã chu đáo. Lên nằm nghỉ trưa hơn một tiếng đồng hồ, mới muốn ăn một chút để lấy lại sức, để lát nữa ra vườn tiếp tục "chiến đấu". 

Từ ba ngày rồi, mỗi ngày hai buổi ra vườn chặt trúc. Chiều hôm qua, theo phương lược đề ra, đã tách ra được bốn năm cụm trúc, mỗi cụm hai ba cây. Nhà tôi cũng phụ một tay, cắt ngắn thân cây còn chừng 1/2 bề cao cũ (bề cao bây giờ khoảng 2,5 m), tỉa bớt lá và trồng lại vào một chậu lớn.

Tôi để ý, làm việc cật lực như vậy, mà chỉ khát nước thôi. Trung bình hai buổi tôi uống ít nhất hai lít nước. Nước chanh đường và cả nước dừa đóng thành bịch. Nước dừa đóng vào bịch uống không ngon lắm. Vừa uống tôi vừa nhớ lại ngày xưa, được uống nước dừa tươi, cạnh Nhà thờ Ngã Sáu, trước cổng trường Chu Văn An. Mấy ông nhà quê, đẩy xe ba bánh, chất đầy những trái dừa xanh. Ai muốn uống, chỉ cần bỏ ra mấy đồng, ông ba gác lấy rựa chặt vỏ dừa tại chỗ, khoét một cái lỗ ở cuống, bỏ vào trong vài hạt muối. Khách hàng hút nước dừa, ngon mát thần tiên. Uống xong, còn lấy thìa nạo lớp cùi dừa non bên trong trái dừa, trắng nuốt, mát rượi cổ họng. Ôi, những ngày xưa thân ái...

Tôi vừa chặt rễ trúc, vừa suy nghĩ bâng quơ chuyện gà qua chuyện vịt. 

Lúc dao chạm phải một mớ rễ bám vào đất cứng như đá, tôi chợt buồn cười vì mấy chữ Việt "tóc rễ tre". Hì, hì, nói hơi quá, sao không nói "tóc bừa cào" luôn thể.

tranh Lương Khải 
(1140-1210)
Bỗng nhớ đến bức tranh của Lương Khải (2) diễn tả sự tích Lục tổ Huệ Năng chặt trúc ngộ đạo trong chớp mắt.

Muốn đục xuống đất tạo một kẽ trống, mới thấy thiếu cây búa tạ. Nhìn quanh quất chung quanh, may quá trong góc vườn Nhật bên cạnh, tìm được một cục đá to, chắc nịch, rất vừa tay. Đóng lên cây đục sắt một cái, đã quá. A ha, ta bỗng hóa thành người thượng cổ thời đại đồ đá (âge de pierre)! Câu thơ cũ của Tô Thùy Yên (3) lại vi vút trong đầu: "Ta hóa thân thành vượn cổ sơ."

Một lần, đào sâu xuống đất, từ đầu cuốc văng ra một con ốc sên. Mừng quá, vì nó chưa bị vỡ. Tôi lượm nó lên, bỏ ra xa, dưới gốc cây buis gần đó. Ngày xưa, Nhà Phật có ba tháng an cư kiết hạ, ở yên một chỗ để tránh giết hại côn trùng. 

Tôi bỗng nghĩ đến bà chủ vườn nhà. Hồi nhỏ, chưa đầy tám chín tuổi, nhà tôi do hoàn cảnh gia đình, phải sống với dì Năm. Thật vậy, bà má nhà tôi tái giá, lấy chồng xa, không tiện giữ con. Là (tạm gọi tên nhà tôi như thế) ở nhà dì Năm, ngoài một buổi đến trường, chỉ có bổn phận duy nhất: lo bồng bế mấy đứa em họ. Không biết vì lí do nào, Là từ nhỏ đã thích trồng cây. Đi đâu, thấy cây cỏ gì lạ, đều xin về trồng. Lần đó, Là xin được một gốc cây mít nhỏ thì phải, đem về nhà trồng trong một góc vườn. Ngồi mơ mộng trên võng đu em. Ờ, mai mốt lên được cây mít lớn, đem trái ra chợ bán, rồi mua con heo con nuôi cho lớn, đem ra chợ bán, mua được một con bò... Buổi chiều đi học về, chạy ra vườn xem, không thấy cây mít đâu nữa. Bà Ngoại nói: "Ôi thôi, tụi thằng Mãng lùa trâu chạy càn qua đó, đạp nát hết rồi!" Thằng Mãng là đứa em họ, tuổi xấp xỉ với Là, buổi tối hai đứa tranh nhau ngủ hai bên bà Ngoại... Sau này, hai vợ chồng tôi đi du lịch, ở bất kì thành phố nào trên thế giới, Là cũng đòi đi bằng được xem vườn bách thảo ở đó. Trên đường, thấy cây mình thích, nhiều khi lén bứt cành đem về nhà trồng. Một lần, thăm Trúc Lâm Thiền Viện ở Đà Lạt, Là trông thấy sau rào trong vườn nhà chùa một cành hoa gì thích lắm. Ngó tới ngó lui, chưa biết tính sao. May quá, có một ông sư đang đứng trong vườn, trông thấy, ngắt một nhánh hoa cho Là. Kể dài dòng như thế, để hiểu rằng Là mê cây cỏ chừng nào. Ấy thế mà, ở trong vườn nhà, mỗi mùa xuân, khi đem cây ra chăm sóc, tôi lại nghe tiếng Là kêu oai oái vì ốc sên hay limaces ăn hết những đọt cây non. Sau Là tìm được phương pháp trị ốc sên rất hiệu quả: đổ bia vào một cái đĩa khá sâu. Ốc sên, limaces ban đêm vô uống, chết trôi trong bia hàng đống...

Chiều hôm qua, kiểm điểm kết quả đạt được, nhà tôi góp ý: "Làm vậy bao giờ mới xong. Sao không nhổ từng cây một."

Lúc đó, tôi còn hơi lưỡng lự. Vì nhổ từng cây, nghĩa là đem vứt hết phần bụi trúc còn lại. Không khỏi đau lòng. 

Tôi lúc nào cũng thương trúc. Cuối vườn hướng Nam, tôi còn trồng một bụi trúc đen huyền, năm nào đem từ Saint-Tropez về không nhớ nữa. Bên góc đối diện, còn có mấy thân trúc vàng to bản. Đấy là chưa kể, trước đây có người còn cho một loài trúc thân vàng-xanh xen kẽ. Bụi trúc sọc vàng-xanh xen kẽ bị chết mất rồi.

Sáng nay ra chỗ bụi trúc, xăm soi một hồi. Mặt trời hôm nay có vẻ gay gắt và tôi cũng đuối sức rồi. Ok, thay đổi chiến thuật. Bây giờ dùng phương pháp "bắn sẻ" từng cây một. 

Tới trưa, tôi cắt sạch 50-60 cây trúc còn lại, chỉ chừa lại hai cây, chụp một tấm hình để ghi nhớ.

photo @dtk 2020


Ngày mai, tôi sẽ đốn chúng xuống, gom lại cùng hơn trăm thân trúc đã tỉa, dự trữ dùng làm cột đỡ (tuteurs), giàn, rào hoặc nhiều thứ hữu dụng khác trong vườn. Tôi sẽ san bằng mặt đất, đem chậu bụi trúc mới đặt chỗ này. 

Tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa, bụi trúc sẽ vươn lên, cao vút trời xanh.


***


Chú thích

(1) Ca dao Việt Nam.
(2) Lương Khải 梁楷 (1140-1210), họa sĩ đời Tống (960-1279)
http://www.chinaonlinemuseum.com/painting-liang-kai-sixth-patriarch.php
(3) Tô Thùy Yên (1938-2019): 
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ



Tán thán

Thế là Kiệt đã thực tập 3 ngày theo chủ trương Thiền Bách Trượng 百丈 "Bất tác bất thực" (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực 一日不作一日不食). Tuy chưa Đả thất, còn gọi là Nhiếp tâm. Nhưng do không ăn nên Văn ra. Tốt. Nếu tôi nhớ không lầm thì câu "Kích trúc vong sở tri 擊竹忘所知" là do sự tích về Thiền sư Hương Nghiêm 香嚴, đệ tử Tổ Bách Trượng, trong khi chặt cây quét lá, một viên sỏi va khóm trúc phát ra tiếng, đập vào trí ông.
https://peacemeditation.ljm.org.tw/page.aspx?id=1807

Ông liền ngộ ngay lúc ấy. Sở tri là kiến thức mà Phật giáo cho là trở ngại cho chân lý xuất hiện (cf. Phật Quang Đại Từ Điển, Hương Nghiêm kích trúc 香嚴擊竹). Những năm tháng Huệ Năng 慧能 còn ở Lĩnh Nam bán củi nuôi mẹ. Nhân gánh củi đến tiệm bán nghe tiếng người tụng kinh đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm 應無所住而生其心" thì hoát ngộ. Hỏi khách tụng kinh gì, thỉnh ở đâu. Khách đáp Kinh Kim Cương 金剛, ở nơi tổ Hoằng Nhẫn 弘忍. Huệ Năng về lo liệu chuyện mẹ già rồi lên núi Hoàng Mai cầu pháp với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.

Cư sĩ Võ Văn Ái (1935-2023)
2020/06/05
ed 2023-02-02 add image huong-nghiem









Thursday, May 28, 2020

Hỏi thăm những cá cùng chim (*)

Lời dẫn 
Cảm ơn bạn Phan Thị Trọng Tuyến, nhân đọc bài "Cá chết" https://bong-ngay-qua.blogspot.com/2016/07/ca-chet.html,  có nhã ý cho phép đăng lại một đoản văn của bạn (trích từ Mùa Xuân và những con dã tràng, An Tiêm xuất bản, Paris, 1991) — như một tiếng đồng vọng.                                

(*)
Hỏi thăm những cá cùng chim,
Chim bay xa bóng, cá chìm bặt tăm.
(Phong thi, Tản Đà) 


Ban đầu, tất cả những hũ, lọ, keo thuỷ tinh trong nhà bị trưng ­dụng và được xếp dọc theo hai bệ cửa sổ. Trong mỗi cái là một ­loại cá. Cá lia thia, cá phướn đen đỏ trắng cam, cá xiêm xanh ­tiá vàng, bạc, cá đá vằn vện oai phong. Thỉnh thoảng bọn con nít ­len lén nhấc tờ giấy chận, những con cá nhìn thấy nhau, đứa phùng­ mang trợn má húc đầu vào thành lọ, đứa sừng sộ nghinh lại, đứa ­chạy loăng quăng cuống quýt vòng quanh, cả bọn tôi reo hò ầm ĩ cổ ­võ. Cậu tôi chạy ù tới ký đầu bọn tôi cốc cốc vừa la oai oái vừa ­tái lập hòa bình cho bọn cá.

image Internet

Rồi Đạt, thằng em tôi cũng bắt chước, đi bắt cá chốt, cá lìm kìm dưới­ sông lên. Lại hũ lọ lủ khủ. Dần dần, chỗ nào cũng có nhà cho cá. Và ngày nào cũng có cá chết. 
Đạt thử hết nước sông cầu­ Sắt, tới nước "máy" Đồng Nai, hết dùng thức ăn cá lia thia tới thức ăn ­cá Tàu, chỉ hai hôm ba bữa là lũ cá sông xấu xí lại nằm chổng ngược trên mặt nước, ­phơi bụng trắng hếu. Thằng nhỏ ỷ ôi năn nỉ, cậu tôi thí cho vài con ­cá "thứ thiệt", chẳng biết vì cậu sợ nó bò xuống sông hoài, có ngày chết đuối hay vì cậu mới tậu thêm cá mới...

Cậu tôi đổi chác, thương lượng sao đó với những bạn hàng cá kiểng ở chợ Hàm ­Nghi rồi một hôm vác về hai hồ cá thủy tinh đúng điệu. Có bông đá màu đỏ,­ có cả rong xanh, cây cối giả bằng nhựa. Thằng em tôi sung sướng­ thừa hưởng mớ nhà nghèo linh tinh thủa ban đầu của cậu. 

Thỉnh thoảng cậu và đám bạn hàng xóm thách đấu nhau, nhà tôi ồn ­ào như cái chợ. Tôi chen không nổi với đám con trai nên khinh bỉ­ lùi ra xa, thỉnh thoảng lé mắt, nghếch mỏ dòm dòm, nhờm tởm tưởng ­tượng đến lúc chúng ngắt đầu con cá dựng lên trên cây tăm, xoay ­xoay cây tăm trước mũi những con cá để máu nóng (của cá) hung hãn bốc lên. ­Cậu cười ngất:
— Con gái ngu quá, đá cá chớ có phải đá dế đâu!

Hừm, hừm, đá gì cũng vậy, mùa dế thì thây dế không đầu, giò cẳng ­vương vãi trên sân xi măng, muà đá cá thì xác cá trầy vi tróc vẩy­ nằm trong thùng rác.

Nhưng cậu là kẻ đam mê. Và đam mê cứ đến ào ạt, hết đợt này đến ­đợt khác, cái này đè lên cái kia, cái sau lấy chỗ cái trước. Chỉ dế, cá thôi thì đâu đủ chuyện để nói.

Từ­ lúc (cậu và cả tôi nữa) mới lớn lên, tôi đã thấy cậu mê chim chóc. Mỗi lần về quê, cậu rình rập, leo cây bắt tổ chim, gọt ­đẽo giàn ná bắn chim. Rồi hết hè về nơi thành thị, cậu tái tạo không gian và không khí nhà quê. Cậu và con mèo rất ­giống nhau: con mèo ngồi thu lu trên mái tôn, hai con mắt lim dim ­đạo đức giả, đôi chim sẻ vừa xà xuống, chưa kịp hót một tiếng ­nhỏ, mèo đã xồ ra, trong chớp mắt cắn cổ một con chim chạy đi, ­chú chim sống sót đảo qua đảo lại kêu lên những tiếng cuống quít,­ não nùng.

Còn cậu tôi, ngồi cạnh má tôi phết vẹc ni mấy cái­ chân ghế, nhưng hai con mắt và hai tai cậu nằm ngoài hàng cây ven đường trước cửa. Nhận ra tín hiệu: một tiếng hót, một tiếng cánh vỗ, cậu vụt buông cọ, chạy nhào lên gác, rút ná, tra đạn, hướng­ lên cây sao rậm rạp, nhắm một con mắt, thẳng tay kéo giàn rồi vụt­ buông những ngón tay. Lá cây rơi lả tả, cậu lại chạy a đến gốc cây, bới ­bới đám lá... rồi lỏn lẻn đi vào nhà, tay không. Đôi khi, cũng có một nạn điểu...

Dần dần cậu có tổ chức hơn, chững chạc hơn, bớt dã man. Cậu sắm ­lồng, cậu xuống phố Hàm Nghi, viếng chợ cá, tới chợ chim. Những ­người bán buôn năm cũ, có nhớ cậu tôi không, một chú bé nhỏ choắt, nói năng nhỏ nhẹ, đôi mắt to đen như nhung, ban đầu đi một ­chiếc xe đạp lau chùi bóng loáng, sau đó... xe mô lết rồi solex rồi honda. Đã nói cậu mê đủ thứ, cùng một lúc hay lần lượt trước sau, nhưng chắc chắn chưa bao giờ có dấu chấm, thậm chí dấu phết cũng hiếm hoi, giữa hai mối đam mê.

Để có chỗ cho một ­cái lồng chim thật to, cậu phải thanh toán bớt những chậu cá  ­ngoài sân, lại mua bán, đổi chác nhộn cả lên. Má tôi hì hục đóng ­một cái nhà chim, mành lưới, cửa to, cửa nhỏ hẳn hoi. Tôi gọi là nhà vì tôi đã có thể (lén) chui vào được, nhưng cậu chẳng cho đứa nào được phép bước vào trong đó. Cậu tự làm lấy tất cả, dựng cành ­cây khô, lắp những chiếc nhà nhỏ xíu, những cây xích đu, làm ổ­ chim, gắn máng thức ăn, bình nước. Chim gì cậu cũng mua, mấy họ­ nhà chim chen nhau ở trong cái lồng son khổng lồ. Nào cưởng, sáo, ­két xanh, hoàng yến, chìa vôi, chim áo già... Chim líu lo ríu rít ­có khi cắn nhau chí choé, thức ăn, lông chim, kít chim văng tung toé. Cậu­ vẫn vui vẻ lau rửa, thay nước, xắt rau, thay hột cải, mua cả cào ­cào châu chấu, trùng đất cho những chú chim khó tính.

Nhưng cậu không có tay nuôi, hay vì đời cá chậu chim lồng chẳng ­thích hợp với ai, nhất là cho chim và cá, chúng thay phiên nhau­ chết. Bọn tôi, đi học về, vất cặp xuống là chúi mũi vào những ­ngục tù, quan sát rồi hơ hãi:
— Cậu Út ơi có một con chim chết!
— Cậu Út ơi có một con cá cứ ngáp ngáp!

Cậu lật đật vớt cá ra, rờ rẫm, thay nước. Cậu bồng chim, vớt cá ra, vuốt ­ve, ủ ủ trong hai bàn tay, có khi cậu vạch mỏ "người" bệnh, nhỏ vào vài­ giọt nước hay thuốc. Má tôi cũng bỏ việc, chẩn mạch, sai cậu lấy thuốc­ ra nghiền, khi thì terramycine, khi thì auréomycine có khi cả ­thuốc kiết lỵ, thuốc ghẻ, thuốc sốt rét... Má tôi đưa mấy đồng bạc lẻ:
— Con chạy ra phạc ma xi Ngọc Lan mua hai viên ti phô my xin, một­ túp ga ni đăng...
Bây giờ đùa má tôi thì má tôi giận:
— Tao nuôi tụi bây bảy tám đứa lành lặn không đui què sứt mẻ!

Nhưng cá và chim... dở hơn tụi tôi nên thi nhau về chầu... Diêm ­vương, Hà Bá. Ngoài tai trời, ách nước, chim cá còn chịu những­ khổ nạn khác nữa, ấy là chưa kể trẻ con hàng xóm nghịch ngợm cho­ ăn những giấy vụn, cây trái, thức ăn bậy bạ. Và chưa nhắc đến một hung thần ác mó ­là con khỉ Bạch Viên, má tôi mua của bác Năm phụ lái xe đò đường Sài ­Gòn - Đà Lạt.

Con khỉ khôn như người và phá phách hơn tụi tôi. Khỉ có một cái bệ gỗ phía trên cửa ra vào, ­chân khỉ bị xích vào một sợi dây dài độ hai, ba mét, khỉ thong thả­ chuyển vận từ ngai vàng qua đầu tủ, tụt xuống tận cửa sổ, thò tay ra ngoài xin quà bọn trẻ hàng xóm, v.v. Hễ khỉ phá quá, má tôi rầy, cậu thu ngắn dây lại; đến khi khỉ ngoan, cậu nới dây ra. Lâu lâu, thừa lúc mọi người lơ là cảnh giác, khỉ ta từ trên đầu tủ tuột xuống một cái ào, nhào lại chậu, thò tay vớt cá hất xuống đất (khỉ cột ghét cá ăn?). Và rột một cái khỉ ta đà chễm chệ trên đầu tủ, nhe hàm răng nhọn ra cười. Cậu tôi hét lên, chạy tới lượm cá bỏ vào chậu, rồi kéo sợi xích, lôi con khỉ xuống, đánh vào tay nó. Khỉ vẫn nhe răng nhưng lần này khọt khẹt kêu oan. Cá bị đau tim hấp hối. Đôi khi khỉ ta mở cửa chuồng chim, không phải để phóng thích chim mà cốt để mèo chui vào! Con mèo mướp già thích chim, mê cá như cậu tôi. Nó vớt cá tài tình không kém khỉ và hễ ăn thì chẳng như con Cám, không chừa vây, vẩy, xương da chi cả, nhưng chỉ cần nhìn: trên chậu vắng cá, dưới cửa sổ mèo ta ngồi lim dim liếm mép rồi vươn vai thẳng cánh nằm kềnh ra là biết ngay chuyện gì đã xảy ra.

Về sau, khi cậu mê xe đạp: từ xe thường rồi qua loại xe đua, rồi sau xe đạp là xe gắn máy, khoảng thời gian to lớn cậu dùng xe để đi chơi và để o bế xe như lau chùi căm xe, niền xe khiến cậu phải bỏ bê chim cá. Chúng thi nhau chết. Cậu chắc hết vốn hay chỉ vì có xế quên cá, có ngựa (sắt) quên chim, tôi không thấy cậu đi bổ sung quân số. Những chậu cá bớt dần khách trọ, trong chuồng chim cũng chỉ còn vài con bồ câu và con cưởng chỉ biết nói bốn tiếng "Má ơi! Ai đó?". Cậu đã dốc lòng nuôi dạy, chăm sóc, chuyện vãn, kiên nhẫn lập đi lập lại từng câu ngắn. Không biết ăn bao nhiêu ớt, lột lưỡi mấy phen mà rốt cục cưởng chỉ biết thêm một biến khúc nhỏ tẹo "Đạt ơi! Ai đó?".
Ngày nào cũng có con nít, người lớn đi ngang dạy cho mấy câu chào và chửi tục, song lắm thầy thối ma, hay vì óc cưởng đã bão hoà, nên trước sau bộ dĩa cưởng chỉ chứa được bấy nhiêu lời.

Cậu chỉ còn phải chăm sóc con khỉ thôi. Chẳng hiểu vì giận cậu tôi quá lơ là săn sóc hay buồn vì đã mất một mớ bạn, khỉ trở nên lộng hành, ưa phá khách đến viếng nhà sau. Một bữa, bà Chín ròm, hàng xóm với nhà tôi, ẵm con qua mắng vốn chuyện gì đó, bà vừa qua khỏi ngưỡng cửa, khỉ ném vỏ chuối ngay vào giữa mặt bà, bà chưa kip phản ứng thì khỉ tụt xuống thò tay kéo tóc đứa con. Cả hai mẹ con, kẻ la làng chói lói, người khóc thét...

Thế là cậu tôi ẵm khỉ đi Hàm Nghi. Nhà bỗng trở nên thanh bình, yên tĩnh.
Nhưng thứ hoà bình cưỡng đặt nào cũng mong manh, ngắn hạn. Chỉ vài hôm sau, cậu bê về một con... sóc. Ô, sóc dễ thương quá, cái đuôi xù ra và đôi lúc dựng ngược lên, mềm mại, hai con mắt nhỏ, mấy ngón chân, ngón tay tí hon. Khi ăn, nó cầm bằng cả hai tay như một đứa trẻ. Thế là như thường lệ, sau khi cả bọn tôi năn nỉ, khóc lóc, nằm vạ, hứa hẹn ngoan ngoãn, vâng lời, v.v. cậu cho mỗi đứa chúng tôi nựng nịu hay vuốt ve sóc, "một cái thôi!".

Cậu cột chân sóc vào sợi dây nhợ nhỏ, và đính sợi dây vào nút áo. Sóc thoăn thoắt leo ra leo vào túi áo cậu, có khi leo cả lên vai cậu, ngơ ngác ngắm nhìn xung quanh trong tiếng trầm trồ của thiên hạ. Sóc và người không bao giờ rời nhau.

Cho tới một ngày kia, cậu đánh thức cả nhà bằng một tiếng kêu kinh hoàng. Ô hô, cậu ngủ mê, lăn lộn thế nào mà đè nghiến con sóc nhỏ. Lũ nhỏ chúng tôi buồn bã bỏ sóc vào hộp giấy, làm đám táng, chôn sóc dưới gốc dừa, bên cạnh vô số những nạn vật khác của cậu. Đã bảo cậu không có tay nuôi mà! Và chuyện cậu nuôi thú là chuyện một nghìn lẻ một đêm, là một never ending story. Càng lúc cậu càng leo thang trong sự lựa chọn đam mê mới. Và đam mê nào cũng khiến lũ chúng tôi xôn xao, thán phục.

Cậu tha về nhà một con trăn con bé tí, đường kính thân trăn độ bằng ngón tay cái của ba tôi. Trong khi chờ trăn lớn để cho vào chuồng chim to (bầu bạn cùng cưởng!), cậu cho trăn ở trong một lồng chim nhỏ. Trăn cuộn tròn nằm ngủ suốt ngày, chẳng có chi đáng nói. Mỗi tháng một lần cậu mua gà con về cho trăn ăn, tôi chưa bao giờ dám đứng xem, con nít người lớn bu đen. Khi thiên hạ dang tay ra về, tôi mon men đến gần thấy trăn ta cuộn tròn nằm ngủ, một khoảng bụng phình to thật gớm ghiếc. Có khi cậu chỉ cho trăn ăn trứng gà. Trăn lớn lên rất nhanh, lâu lâu lột da thấy mà ghê. Trong đám thú vật của cậu, từ những con "củ" cậu nuôi trong cam thảo, vỏ quýt — cậu đem đến tiệm thuốc Tàu đổi lấy quế hay táo khô — đến vịt con nuôi trong chậu, từ chim yến đến dế cơm, từ cá ba sắc đến rùa Kim Quy (?) gốc gác chùa Ngọc Hoàng, con nào tôi cũng được cậu cho phép "rờ một cái" rứa mà tới con trăn tôi chịu thua một phép. Cậu dụ khị:
— Rờ thử coi, ngộ lắm, thân nó mềm, da nó cứng, máu nó lạnh...

Cậu tôi như vậy đó, lúc nào cũng ngăn cấm lũ cháu xáp lại gần bảo vật riêng tư, nhưng đứa nào lơ là thì cậu ráng thuyết phục để nó chia sẻ — từ xa xa, dĩ nhiên, tất cả các nguyên nhân khiến cậu bận bịu một cách sung sướng suốt cả đời.
Tới một bữa, cả nhà nhốn nháo: con trăn xổ chuồng trốn mất! Tôi đứng ngẩn ngơ trước lồng chim trống, tim đập đùng đùng trước hai song kẽm bị kéo rời nhau như khi Hercules bẻ cong chấn song vượt ngục. Cả đám đổ xô đi tìm... vô vọng. Anh Phước, bạn cậu, hăm he lũ trẻ:
— Tụi bây ráng kiếm cho kĩ. Nó trốn dưới mấy cái nhà sàn ven sông bắt cá hoặc gà vịt ăn đỡ, chừng lớn hơn nó lên bờ bắt... chó hay con nít ăn!

Trời ơi, mấy tuần liền, tôi không dám vô xóm, không dám qua nhà mấy con nhỏ bạn ở ven sông! Và tin rằng mười năm sau, nếu có thủy quái hoành hành ở sông cầu Bông. 
Đích thị là con trăn trốn tù thuở nọ!

Khi tôi đi học xa, em tôi viết thư cho hay cậu đang nuôi một con cá... sấu! Cá sấu được nuôi trong... thau nước, đặt trên... sân thượng. Mỗi ngày má tôi đi chợ mua thức ăn cho cả nhà, vẫn phải nhớ thêm phần thịt cá cho sấu. Cho đến một hôm, chuyện phải đến xảy ra: sấu đội nắp thau, liều mình pờ lông rông xuống đất và bò thẳng ra sông tìm đến bến bờ tự do, khoảng khoát. Mười lăm năm sau xóm cầu Bông ắt lại có thêm một con giao long tác quái!

Never ending story? Không, khi đất nước hoà bình, thống nhất nam bắc một nhà và mỗi nhà túa ra bốn phương tám hướng, tôi không còn nghe cậu tôi nuôi con gì nữa. Hai đứa con, cậu mợ sinh ra từ thời "ngụy", cậu nuôi chỉ nổi một đứa, còn một đứa đi ở với dì tôi.

11-1991
Phan Thị Trọng Tuyến
Trong Muà xuân và những con dã tràng
Nxb An Tiêm, Paris, 1991