Friday, February 21, 2020

những con vịt ở Sapa


Hôm qua loay hoay xem lại cái PC Windows cũ, tình cờ gặp một tấm hình, chụp ở Sapa, chín năm về trước (2010).

Chỉ là mấy con vịt, nằm hoặc đứng, ngổn ngang bên cạnh một vũng nước đất đỏ.

Vậy mà trong lòng bỗng nhói lên một niềm áo não lạ thường.


photo @dtk 2010














Y hệt như nỗi lòng ngày hôm đó, lúc đi ngang qua vũng nước, chụp tấm hình này.

Hôm đó, vừa bước xuống xe car, đoàn du khách đến thăm một ngôi làng thuộc vùng núi Sapa (Bắc Việt), đã bị gần hai chục người Yao bao vây tức khắc. Toàn là phụ nữ, phần lớn tuổi không quá 30 — đầu chít khăn, thân mặc áo đen, thêu chỉ màu sặc sỡ.

Riêng nhà tôi đã có hai ba người Yao theo bén gót, suốt mấy giờ đi bộ thăm làng. Ai bảo người Yao chậm tiến? Trên tay mỗi người đều có một máy điện thoại di động. Họ vừa đi vừa nói chuyện huyên thiên. Đại khái cứ nài nỉ không ngừng, xin nhà tôi nhận lời mua mấy món hàng "lưu niệm" địa phương: túi thêu, khăn choàng... Mấy món hàng này, thực ra ở đâu cũng thấy. Và chắc chắn sản xuất từ một xưởng máy nào đó bên Trung Quốc mà thôi.

Lối vào làng là một con đường đất đỏ, rộng chừng mười thước, dài khoảng gần cây số, dốc thoai thoải, vài khúc quanh không gắt lắm. Đoạn đầu, ven đường là những cánh đồng, mái tranh thưa thớt, sợi khói nhạt nhòa, xa xa chỉ thấy một trẻ mục đồng dẫn trâu chậm rãi.

Vào đến trong làng, rải rác vài cửa tiệm mái tôn, bày bán dăm thứ rau cỏ, kẹo bánh..., và hai ba người ngồi ngáp. Hình như tiệm chỉ rộn ràng lên khi có khách du lịch vào thăm. Không biết ai bảo, nhà tôi cũng bắt chước mua bánh kẹo, phân phát cho mấy đứa trẻ con, tranh nhau ồn ào mười phút.

Dọc đường làng, đây đó một mái tranh hoặc lợp tôn đen đủi, trước cửa, một đứa bé, cầm túi nylon, nhìn ngơ ngác. Chúng tôi ghé thăm một căn nhà, mà người hướng dẫn bảo là truyền thống ở đây. Trong nhà tối om, nhìn kĩ phòng bếp, lổng chổng vài cái bếp đất, mấy cái nồi ngổn ngang, trên tường lủng lẳng mấy cột giấy đề chữ Hán. Ra vườn sau, có một giàn bầu, lá vàng. 


Trên đường, trước sân một căn nhà, có hàng dây thép phơi một dải khăn dài, màu xanh thẫm nước biển. Có lẽ ở đây, người ta dệt vải nhuộm chàm chăng?

Đi một quãng nữa, chợt thấy một vũng nước và mấy con vịt đã chụp trong hình ở trên. Đất đỏ quánh, không cỏ xanh, bên cạnh là một tấm bạt nhựa xanh. 

Không hiểu sao, chụp tấm hình xong, tôi bỗng nhiên buồn bã muốn nẫu cả người.

Chợt liên tưởng tới tấm bảng sắt rỉ sét cắm bên vệ đường lúc vào làng. Khẩu hiệu: "Xóa đói, giảm nghèo". Trông cái vẻ rỉ sét, mặt sắt lồi lõm, sơn tróc màu quá nửa, thì cái bảng này đã có mặt ít nhất từ 30 năm trước.


photo @dtk 2010

Hôm nay, nhìn kĩ lại tấm hình mấy con vịt: những con mắt hạt dưa, đen xạm, không động đậy.

Trông con vịt nào cũng buồn như nhau!















Wednesday, February 19, 2020

buối sáng trong vườn cây


1. Bụi chuối

photo @dtk 2020
Mỗi lần đi dạo trong Jardin des Plantes, tôi đều ghé lại khu đất rộng —đối diện với cái Serre tropicale (1), thăm bụi chuối quanh năm trồng ở đây.

Bây giờ là mùa đông, mấy gốc đứng trơ vơ, hai tàu lá úa, rách rưới, phất phơ trước gió.

Ở đó nhìn một hồi lâu. Đầu rỗng tuếch, hay triền miên ý tưởng? Từ bao giờ, tôi cứ nhớ tới những tàu lá chuối xanh mơn mởn, xạc xào trong gió đồng quê?


Phúc Khê nguyên bản, 1868
Ba tiêu

Từ bén hơi xuân tốt lại thêm

Ðầy buồng lạ mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem

(Nguyễn Trãi)



2. Giàn bầu


photo @dtk 2020, Jardin des Plantes, Paris
Cách đây 20 năm, lần đầu tiên tôi trồng được một cây bầu ở xứ Pháp lạnh lẽo này.

Mùa hè năm đó, khi cây bầu vừa ra nụ, rồi mọc dây leo cuốn vô giàn tre, ngày nào tôi cũng ra xem. Nhà tôi bảo không được chỉ tay về phía nụ bầu, nếu không tụi nó thúi hết cho coi.

May quá, tôi còn giữ được một trái duy nhất, bụng to chừng 15 cm bề ngang. Tôi o bế nó gần hai tuần lễ, sau cùng quyết định gọt vỏ nấu canh với tôm khô. Như ngày xưa, còn nhỏ — mẹ tôi đã nấu cho ăn. § Cập nhật 2023/02/24: Trái bầu này, tôi thương nó lắm, trước khi ăn, tôi chụp được một tấm hình, đem gửi lên trang "Bách Thảo Trong Thi Ca
http://viet.gutenberg.free.fr/huediepchi/vPlants/benincasaHispida.html
— vừa  lên coi lại, vẫn còn xanh mơn mởn.

photo @dtk 2000

Mấy năm sau này, trong Vườn Bách Thảo Paris, người ta trồng được nhiều cây cỏ Việt Nam: nào tía tô, nào sả, và cả hoa sen...

Đi loanh quanh một hồi dưới giàn bầu cao — tưởng chừng lạc tới núi tiên, ngoài cửa bể Thần Phù.

"Nhưng Từ Thức, từ khi bỏ nhà đi thấm thoát đã được một năm, ao sen đã đổi thay màu biếc. Những đêm sương sa gió thổi, bóng trăng dòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ được. Một hôm trông ra bể, thấy một chiếc tàu buôn đi về phương Nam. Từ trỏ bảo Giáng Hương rằng:
— Nhà tôi đi về phía kia kìa, song biển cả trời xa, chẳng biết là ở tận đâu."

Lần đâu đọc tới đoạn văn trên (trong Truyền Kỳ Mạn Lục), tôi lấy làm ngạc nhiên về tâm tư của chàng Từ Thức. 

Ấy thế mà, hơn nửa đời người biền biệt, một hôm tôi cũng dắt díu về quê.

Hỡi ơi, lần nào cũng vậy, "vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thẩy đều không như trước nữa". Nhất là con người ta, không thể nào tưởng tượng được, mỗi lần càng thêm xa lạ, như không còn cùng là một loài chung một hành tinh. 

Tội nghiệp cho họ. Nếu tôi phải sống như họ trong thời kì ấy (từ 1975 cho tới bây giờ), thì cũng thế thôi. Nói theo Tô Thùy Yên, "Ta hóa thân thành vượn cổ sơ", cũng không khỏi oan ức cho loài khỉ rừng xanh.

Khi Từ Thức về tới làng cũ, mới hay một năm sống ở động tiên với Giáng Hương bằng 80 năm trần thế.

Hôm nay, đứng nhìn trái bầu già loang lổ trời xanh, tôi chỉ biết đọc lại hai câu thơ:

30 THÁNG 4
Xứ khổ thêm chi mùa thảm khốc
Hỡi ơi trời đã bỏ rơi dân

(Tô Thùy Yên)








Chú thích

(1) tức là ngôi nhà kính lớn chuyên trồng cây cỏ vùng nhiệt đới, như hoa lan (orchidées) chẳng hạn.





Phụ lục


GIÀN BẦU PARIS

:::Ỷ Lan Penelope Faulkner:::

Khu vườn cạnh xưởng in Quê Mẹ có giàn bầu nổi tiếng lắm. Người Pháp qua đường, các bà hàng xóm đi ngang, tay kẹp ổ bánh mì hoặc kéo xe đi chợ, bận rộn, gấp gáp cách mấy cũng phải dừng chân đứng lại. Họ thường ngước đầu nhìn liếc, vừa kinh ngạc, vừa chiêm ngưỡng.

Ngày theo ngày, lá bầu xanh biếc chạy vùn vụt trên khung giàn bằng tre, vượt tràn qua bức tường cũ kỹ, nứt nẻ, của nhà in. Bất ngờ hết sức !!

Nhà in Quê Mẹ ở nơi vùng ngoại ô Bắc Paris nghèo nàn. Đây là khu công xưởng, kỹ nghệ. Ống khói nhà máy mọc lên thay cây cỏ. Nhưng ngay giữa vùng bụi bặm, hẩm hiu này, một giàn bầu Việt Nam được dựng lên ngạo nghễ. Hoa bầu trắng năm cánh, thơm nhè nhẹ, gọi bướm tứ phương về, lá xanh to bản chạy đua cùng mặt trời…

Anh em trong tòa soạn nhớ nước nhớ nhà quá dựng lên giàn bầu với những khúc tre còn sót lại sau kỳ tổ chức Hội Chợ Tết ở rừng Vincennes, Paris. Các người dựng giàn đều là dân trí “thức” nên giàn bầu có vẻ buồn “ngủ” hơi nghiêng ngả, nhiều khi lung lay theo gió chiều. Nhưng chính sự yếu ớt này làm tăng duyên dáng, khiến ai cũng thương giàn bầu, mong manh như đời người, như một kiếp tha hương…

Mùa hè nóng nực, Ỷ Lan thích ngồi mơ mộng bên giàn bầu. Anh em trong tòa soạn cũng hay kê bàn cạnh đấy, ngồi viết bài cho mát. Trưa nay, Ỷ Lan bày đầy sách vở, giả bộ làm việc. Nhưng đầu óc đuổi theo tiếng máy chữ của anh Thi Vũ, lóc cóc như vó ngựa. Một vài khi, anh Thi Vũ viết bài trên máy đánh chữ. Anh nói rằng tiếng lóc cóc, và sự đề kháng của nốt máy nhấn, kìm hãm bớt dòng suy tưởng quá nhanh, quá cuồn cuộn như vũ bão trong đầu. Viết tay chảy quá, khó kìm.

Nhìn giàn bầu, nhớ câu ca dao :

Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Ỷ Lan nhớ tới những năm vừa qua sống “chung một giàn” với anh chị em Việt Nam, và cười thầm nhớ lại những ngày đầu tiên khi mới qua Pháp.

Thuở đó còn chiến tranh, Ỷ Lan chỉ tính tình nguyện bỏ một năm sang Pháp giúp “Hội Phật tử Việt kiều Hải ngoại” trong việc phổ biến tin tức và văn hóa Việt Nam cho thế giới thông cảm. Làm sao ngờ được, ngày ấy đã hoàn toàn thay đổi đời mình ? Và mình sẽ bị, hay được Việt Nam hóa, mình sẽ tìm ra một “Quê Mẹ” xa hẳn nơi chôn nhau cắt rốn ! !

Đến sống trong một không khí hoàn toàn xa lạ, Ỷ Lan vừa rán bập bẹ học tiếng Việt, vừa cố tìm hiểu và bắt chước sống theo tinh thần Đông phương.

Chướng ngại đầu tiên là cách ăn chén đũa ! Làm sao gắp cho được và bỏ vào miệng những cọng rau luộc, khuôn đậu rán, miếng cá hay miếng thịt nằm ngoan ngoãn trên dĩa trước mặt bàn ?? Ỷ Lan dùng đủ cách, đủ kế, nhưng bữa nào cũng thua cuộc Đâm thẳng tới, thì “chúng” nhảy đi chỗ khác như ếch nhái. Đâm lén, thì “chúng” vượt khỏi dĩa, bay thẳng vào chén người trước mặt !! Chó ngáp phải ruồi mà gắp được, đưa gần tới miệng, thì…”chúng” nhào xuống lại trong chén mình, làm nước canh bắn lên tung toé ! ! Vừa dơ áo, vừa làm bộ mặt quê mùa của mình đỏ như gấc!!

Khổ quá. Mấy ngày đầu đói meo, vẫn cắn răng không dám than. Do tự ái người Hồng Mao, nhất định không chịu thua, dù các bạn tội nghiệp đưa dao nỉa ra cứu. Vì vậy, sáng sáng Ỷ Lan thường uống cà phê sữa, ăn bánh mì thật no, chuẩn bị cho trận “đánh đũa” sắp tới !!

Ôi, mấy hột cơm làm mình ốm o, đau khổ ! Chúng xếp hàng cả ngày trong lòng chén xa xăm của mình, mà chẳng chịu làm ơn co giò nhảy vào miệng !! Thiệt bất công quá đi !! Sống trong xứ ăn cơm mà phải chịu đói.

Ngoài việc tranh đấu với chén đũa, Ỷ Lan chăm chỉ học tiếng Việt. Mỗi ngày mỗi chữ mới. Nhưng khi phát âm ra, chẳng ai hiểu mô tê chi cả !! Ỷ Lan xoay qua học cách phát âm tên từng người trong nhà.

Thuở ấy, người ra kẻ vào thường dùng chữ “đạo hữu” học khá dễ. Nhưng tên các vị Thượng tọa, Đại đức thì rắc rối lắm. Do sự đoán mò, và do một vị tu sĩ ưa khôi hài giải thích bậy, Ỷ Lan nghĩ rằng mỗi lần họ đi đâu đều “thích” đổi tên mới ! Ỷ Lan được giải thích rằng, chẳng hạn khi qua Pháp, họ phải lấy tên mới, nên mới gọi là “pháp danh” (tên ở Pháp). Có một vị tên là Thích Pháp Kiến rất dễ nhớ. Tên người ở Pháp lấy theo tên thánh không có nghĩa. Ở Việt Nam, mọi tên đều mang ý nghĩa. Có khi thơm tho, thơ mộng, như Quỳnh Hoa, Thu Ba, Mộng Tuyết… Có khi oai nghi hùng dũng, như Thiếu Dũng, Văn Hùng… Có khi mơ ước điều chưa có như Bạch Tuyết. . . Nhưng cũng có tên tuy đủ nghĩa nhưng không cần đẹp, như Đinh Năm Phân, Trần Văn Trụi, Bé Teo, Cu Tí… Hỏi nghĩa Pháp Kiến là gì, thầy Thế Tịnh giảng cho Ỷ Lan là “le fourmi français” (con kiến Pháp). Hồi đó còn dốt hơn bây giờ, Ỷ Lan tin ngay, thấy nhiều ý nghĩa nữa. Đầu thầy trọc và tròn, người béo, suốt ngày bận rộn chạy vô chạy ra các phòng như con kiến. Dù không thích kiến lắm, Ỷ Lan vẫn phục lòng từ bi không phân biệt chủng loại của đạo Phật, như con kiến của thầy Pháp Kiến. Theo lời giải thích của thầy Thế Tịnh, Ỷ Lan tưởng tượng rằng rồi đây khi thầy Pháp Kiến sang hoằng pháp các nước khác như Ý, Mỹ, Thái Lan, Mông Cổ… thầy sẽ phải đổi tên thành Thích Ý Kiến, Thích Mỹ Kiến, Thích Thái Kiến, Thích Mông Kiến ??! !

Thời đó là thời kỳ “khám phá” học hỏi nhiều nhất của Ỷ Lan. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư ! Ai dạy cho mình dù là nửa chữ vẫn là thầy của mình, nên Ỷ Lan có không biết bao nhiêu là thầy. Thầy hay, cũng như thầy bông lơn bậy bạ. Hèn chi người Việt có câu : “nhiều thầy thúi ma!” (Vậy khi chữ Việt của Ỷ Lan không được thơ mộng lắm, cũng xin Bạn đọc tha thứ cho !) Và sở dĩ Ỷ Lan hăm hở học hết cả chuyện đúng, chuyện sai, chuyện ngược, chuyện xuôi luôn, mà không biết phân biệt, là cũng vì nạn nhiều thầy dạy “nửa chữ” như thế.

Có một thầy học dạy Ỷ Lan chữ “đồng hồ”. Ông giải thích chữ “đồng” là kim loại dùng để làm đồng hồ thời xưa, và chữ “hồ” nghĩa là con chồn, chạy nhanh như thời gian. Và khi giảng chữ “huệ trí” trong truyện ngắn “Con thằn lằn chọn nghiệp” của nhà văn Hồ Hữu Tường, ông nói “huệ” là hoa huệ trắng, tên là hoa lys của Pháp; “trí” là trí tuệ, tinh thần. Huệ trí là trí tuệ trắng thơm như bông huệ. Về nhà khoe bài học mới với anh em trong tòa soạn, Ỷ Lan không hiểu vì sao ai cũng bật cười về “đồng hồ con chồn” và “bông huệ trắng” thơm tho của mình !!

Trưa nay, ngồi dưới giàn bầu mơ mộng chuyện thời xưa. Không phải chuyện thời xưa khi tóc còn để chỏm, mà “thời xưa” đã có tóc thề !! Vì “thời để chỏm mẫu giáo”, Ỷ Lan “ham chơi” đi học tiếng Anh, tới khi lớn mới bắt qua tiếng Việt !!! Nhưng thà trễ còn hơn không, phải không các bạn ?

Xung quanh vườn im lặng như tờ. Sao không còn nghe tiếng máy chữ lóc cóc của anh Thi Vũ . Nhìn lên, thấy anh cười ngạo, tay chỉ bàn viết của Ỷ Lan. Liếc xuống bàn, một chồng sách báo và tự vị bày ra “dọa” thiên hạ, chứ chẳng viết lách chi được. Nãy giờ Ỷ Lan chỉ lách, chứ chưa viết. Và suốt những giờ thả hồn mơ mộng, giấu mình sau chồng sách, một giây “râu” bầu đã vểnh ra, cuốn vòng quanh cây bút còn cầm trên tay như cuốn “lò xo”. Râu bầu là nụ cười nhếch mép của thiên nhiên đang vạch trần “âm mưu” không chịu làm việc của mình !!

Ỷ Lan càng hiểu thêm sâu sắc câu ca dao Việt :

Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn !

Tự thấy đời mình cuốn ốc “chung giàn” với người Việt . Ngày càng buộc chặt. Ngày càng vươn cao. Ngày càng đi xa, đi chung mãi mãi về phương trời quê mẹ.

Tiếng cười của anh Thi Vũ làm rung rinh đàn bướm trắng đang ngủ trưa trên những nụ hoa bầu. Bướm tung tăng bay dưới nền trời Paris xanh ngắt. Ai biết đâu những con bướm ấy lại không đến từ một giàn bầu xa lắc ở một khu vườn trên đất nước Việt Nam. Bướm tới đây thầm thì kể chuyện nước non với giàn bầu hải ngoại xanh biếc mọc cao giữa Paris tự do.

https://thaithuyvy.wordpress.com/2009/12/27/que-nha-gian-bầu-paris/
















Monday, February 3, 2020

áo trắng





Tối hôm qua, đọc một bài viết của Thi Vũ trên trang web Gió O (*), được xem lại một bức tranh của Tô Ngọc Vân, lòng mãi bồi hồi.

Bức tranh này, tôi đã xem từ hồi còn học lớp ba ở trường tiểu học Di Chuyển Đa Kao (sau đổi tên là Đinh Tiên Hoàng). Bức tranh đăng trên tờ chuyên san về kiến trúc "Sáng Dội Miền Nam" của  Võ Đức Diên. Tôi xem và ngẩn ngơ từ ấy đến giờ.

Hồi đó, khoảng năm 1957, đôi lần tôi theo đứa bạn học cùng lớp đến nhà nó ở đường Hiền Vương, gần góc đường Nguyễn Phi Khanh và rạp chiếu bóng Đa Kao, quận Nhất. Cha nó là kiến trúc sư Võ Đức Diên. Trong nhà rất rộng và trang trí rất Tây phương. Chúng tôi thỉnh thoảng đi chơi đá banh bàn, vui không thể tả, trong mấy tiệm bán cà phê, trên đường về nhà. Chính trên đường Nguyễn Phi Khanh này, một ngày giáp Tết, tôi đã đứng mê hồn trước một cội mai vàng nở rộ trong vườn một ngôi biệt thự. Và từ đó, mỗi độ Xuân về, ở bất kì nơi nào trên Trái đất, tôi chỉ nhớ đến cây mai vàng này thôi.



Ghi chú

(*) http://www.gio-o.com THI VŨ
HAI BỨC TRANH TÔ NGỌC VÂN
MỘT NÉT VẼ HỒN THIÊNG

tản mạn