Saturday, August 5, 2017

mất quê hương



Hôm đó, vợ chồng tôi đang ngồi trong quán ăn Au Vieux Saigon, avenue d'Ivry quận 13 Paris. Chợt có một cặp già nhỏ nhắn lại ngay bàn bên cạnh. Nhà tôi bỗng nhìn đăm đăm người đàn bà lớn tuổi, rồi ngập ngừng nói: — Dạ, có phải là chị Thu Tâm không ạ?

Người đàn bà khựng lại nhìn nhà tôi, và rồi tỏ vẻ nhận ra nhau.

Từ nhiều năm qua, nhà tôi hay nhắc đến những kỉ niệm thời học trò ở Saigon. Vào những năm cuối trung học đệ nhất cấp ở trường Regina Pacis, ở trọ nhà cô bạn con gái nhạc sĩ Bửu Lộc, nổi tiếng trên Đài Phát Thanh Saigon. Và nhờ đó quen biết ca sĩ Thu Tâm. Chị Thu Tâm thỉnh thoảng làm ca sĩ trong những buổi tối ca nhạc tổ chức tại nhà riêng của nhà đàn tranh Bửu Lộc, trong một ngõ hẻm trên đường Phan Thanh Giản. Khách tham dự thường là mấy tướng tá người Huế.

Người đi kèm chị Thu Tâm trong tiệm ăn hôm đó lại chính là Lê Văn Hảo.


Mấy hôm sau, cặp Thu Tâm - Lê Văn Hảo nhận lời đến thăm chúng tôi. Vào nhà tay bắt mặt mừng. Một cách rất tự nhiên, bốn người xếp thành hai cặp nói chuyện với nhau: chị Thu Tâm và nhà tôi tạo thành một cặp, Lê Văn Hảo và tôi thành cặp thứ hai.

Hai người đàn bà huyên thiên nói gì với nhau, sau lần gặp mặt đó nhà tôi mới kể lại một phần cho tôi biết. Riêng cặp Lê Văn Hảo và tôi, thì Lê Văn Hảo nói nhiều hơn và tôi gần như chỉ lắng nghe.

Không ai bảo ai, đề tài nói chuyện xoay quanh "trường hợp Lê Văn Hảo" trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế. Tôi chỉ đọc lần đầu tiên đến cái tên Lê Văn Hảo, trong cuốn tiểu thuyết hồi kí Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca. Lê Văn Hảo lặp lại nhiều lần: "Họ đã bombardé tôi vào chức đó, chứ nào tôi có muốn làm."

Cái chức vụ mà Lê Văn Hảo nói đến ở đây, chính là chức "Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên – Huế" khi quân cộng sản Bắc Việt tấn công Huế năm Mậu Thân 1968. Lê Văn Hảo trầm giọng kể cho tôi nghe kỉ niệm xưa. Hồi đó, quân đội Pháp cưỡng chiếm nhà cha mẹ ông làm tổng hành dinh.

Thế mà ông lại say mê cô con gái của viên sĩ quan trưởng đóng tại nhà.

Rồi một đêm, người mẹ của Lê Văn Hảo nhảy xuống giếng trong vườn. Để lại mấy lời trăn trối: Mẹ đau quá con ơi, đau không chịu nổi... Ông Lê Văn Hảo nói mẹ ông bị bệnh ung thư tử cung. Ông ấy còn nhắc lại lời mẹ bắt ông phải hứa không bao giờ lấy đầm làm vợ. Vừa kể ông ấy vừa rơm rớm nước mắt làm tôi cũng mủi lòng.

Thế rồi câu chuyện chuyển sang thời kì Lê Văn Hảo được đưa về Bắc. Cả mười năm trời, không phải làm gì hết, lại được nuôi cho đi thăm viếng khắp các miền non nước.

Ông ấy đem một tập giấy hơn hai chục trang chụp photocopie từ những bài đăng trên báo Thông Luận ở Paris khoảng năm 2007, cùng với lời viết tay nắn nót trên bìa cứng: 


Lê Văn Hảo
Tiến sĩ Dân tộc học, nguyên hội viên Société Asiatique de Paris
MẤY NÉT VIỆT NAM ĐẸP TƯƠI MUÔN THUỞ
Bản riêng tặng cô R. & anh K.
L.V.H. và Thu Tâm
Mùa Xuân tháng 3/2009

Hôm đó, Lê Văn Hảo nói ước vọng của ông hoàn thành tác phẩm, dày khoảng 800 trang.

Chỉ cần đọc nhan đề 13 bài viết trên đây là đủ nhớ da diết quê hương nghìn dặm:




Bản đồ Việt Nam
Mũi Cà Mau
Chòm Lũng Cú
Ao Bà Om
Hương Sơn - Chùa Hương
Hòn Non Nước
Nha Trang
Đà Lạt
Vũng Tàu
Yên Tử
Vườn Chim, Sân Chim, Tràm Chim
Lời cảm ơn của tác giả
Cùng một tác giả (danh mục tác phẩm)

Tôi đã đọc mấy bài này, rất thú vị. Lời văn trong sáng, đượm tình yêu nước non dân tộc.

Không nhớ trong hoàn cảnh nào, chúng tôi bốn người đứng trong sân siêu thị Thanh Bình Jeunes ở gần Porte de Choisy. Siêu thị này là của một người trong nước làm chủ. Theo một người bạn học cùng trường xưa ở Việt Nam, người chủ này là họ hàng với tiệm Thanh Bình kì cựu ở Place Maubert Paris từ mấy chục năm về trước. Trước 1975, hầu như dân Việt cả nước Pháp và cả Âu châu đều về đây mua thức ăn rau trái Việt Nam. Sau 1975, cửa tiệm này thất thế dần dần vì bị các siêu thị lớn của người Tàu (Tang Frères, Paris Store, ...) đè bẹp. Riêng siêu thị Thanh Bình Jeunes này chuyên bán các thực phẩm đem từ Việt Nam sang (thay vì phần lớn nhập cảng từ Thái Lan như các siêu thị của người Tàu), và đặc biệt còn có mấy ngăn hàng bán sách báo Việt Nam in trong nước.
 

Lúc đó, tôi hơi ngạc nhiên thấy Lê Văn Hảo đến trò chuyện với một người Pháp, khoảng 40-50 tuổi, rõ ràng mang dáng dấp của một SDF (sans domicile fixe) như người Pháp nói bây giờ, tức là một loại clochard truyền thống ở Paris ngày xưa: áo quần xốc xếch, hai gò má lộ ra những tia máu đỏ của những người nghiện rượu. Trông thái độ hai người như thầy trò với nhau. Điều tôi lấy làm lạ, người Pháp này nói được tiếng Việt khá sỏi. Anh ta bảo với tôi rằng trong siêu thị đang bày bán mấy tạp chí có bài của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hóa ra, cứ mãi quanh quẩn với mấy nhân vật trí thức ngày xưa: Trịnh Công Sơn, Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, v.v.

Mấy hôm nay, tôi tìm được trên Internet mấy bài phỏng vấn Lê Văn Hảo và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cả hai chối bai bải không chịu nhận có dây dưa gì trong cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế. Cả hai nói, khi đó họ đều ở trên núi, không hề tham gia quyết định trong trận chiến. Họ quá lắm chỉ tự coi là bù nhìn.

Năm 1996, lần đầu tiên về thăm quê hương sau biến cố 1975, tôi ra xem hai tiệm sách lớn ở Saigon đường Nguyễn Huệ và đường Tự Do (cũ), chỉ rặt thấy bán những sách: hồi kí của Trần Văn Khê, nhạc của Trịnh Công Sơn, tiểu thuyết của Sơn Nam, sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ngoài ra, còn có một số sách của Nguyễn Hiến Lê. Nói tóm lại, đều là những người được chế độ mới ưu đãi.

Gần như cả cuộc đời trên mặt đất tôi chỉ là một kẻ mất quê hương.

Từ mấy chục năm nay, tôi chỉ có một câu hỏi quay quắt trong đầu:

Một cá nhân Hồ Chí Minh, xảo quyệt dường nào đi nữa, nếu không có những bộ hạ, và nhất là những tay "trí thức" loại "trung lập", "chủ hòa" hoặc "thành phần thứ ba", cộng với sự hỗ trợ đắc lực của hàng triệu những bác sĩ, giáo sư, thi sĩ, kĩ sư, tu sĩ... —những "tên khờ có ích" (idiots utiles), thì làm sao có thể đưa đẩy đất nước và dân tộc Việt Nam vào con đường vô vọng ngày nay?








Saturday, February 11, 2017

người hẹn cùng ta



Mấy hôm nay, trên diễn đàn @huediepchi, các bạn bàn nhiều về Đà Lạt, lại biết  tin chị md@hdc bệnh (do ô nhiễm ở Saigon thì phải), rồi nghe chị kể chuyện âm binh, làm tôi nhớ lại nhiều kỉ niệm xưa, đến nỗi đêm qua nằm mơ, một cơn ác mộng, giật mình thức giấc, lúc ba giờ sáng, trống ngực còn đập thình thình.

Tôi thấy tôi đang ở Đà Lạt, bị công an tịch thu hộ chiếu, dẫn đi trong mấy hành lang âm u như địa ngục. Chợt một lúc gặp đúng cậu Nghị (em ruột mẹ tôi) đi ngang qua đó. Cậu hình như là một sĩ quan cao cấp, dõng dạc ra lệnh cho thả tôi ra lập tức, cùng một người khác bị bắt như tôi. Tôi nghe hô rất rõ tên người ấy, nhưng bây giờ quên mất rồi. Lúc hai người đứng đợi thủ tục giấy tờ, thì tôi giật mình thức giấc, trống ngực còn đập thình thình.

Cậu Nghị tôi đến ở trọ nhà bố mẹ tôi ở Đà Lạt ngay sau ít ngày gia đình tôi rời Hà Nội vào Nam (1954). Cậu tôi hồi đó là lính trong Ngự Lâm Quân của cựu hoàng Bảo Đại, đóng trại ở gần dinh vua, nếu tôi nhớ không lầm. Mỗi đêm, tôi thường nghe cậu hút thuốc lá trong phòng, thở ra những vòng khói xanh huyền ảo, cùng với người bạn lính, hay hát "Hà Nội ơi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi...", hoặc bài "Trăng mờ bên suối" của Lê Mộng Nguyên. Tôi cũng chứng kiến ngày cậu quyết định lấy chuyến tàu cuối cùng trở về Hà Nội, tìm lại người vợ của mình.

Thời gian ngắn cùng ở với cậu Nghị ở Đà Lạt, anh tôi và tôi thường được dẫn đi xem ciné, ra tiệm ăn chè sen, hoặc đi về nhà theo những con đường dốc, dưới ánh trăng mờ. Thỉnh thoảng, cậu ấy hỏi vọng lại về phía sau: "Hết chưa?" Thế là tôi lại được phát cho một thỏi chocolat thơm phức.

Hôm đó, mẹ tôi chuẩn bị ballot cho cậu đi lấy chuyến tàu cuối cùng về Bắc. Tôi còn nhớ rõ khúc bánh mì dài nhét đầy lạp xưởng mà mẹ tôi xếp vào trong nải.

image Internet
Sau đó ít lâu, gia đình tôi bỏ Đà Lạt xuống Saigon. Hồi đó, tôi đang say mê sưu tầm tem quý, tìm thấy trong tủ giấy tờ của mẹ một hộp những lá thư màu xanh, dán đầy những con tem rất hiếm: Hồ Hoàn Kiếm, lăng tẩm Huế, Bảo Đại, Bảo Long, Nam Phương hoàng hậu... Dĩ nhiên là tôi đem bóc sạch những con tem đó, nhân tiện ngồi nhẩn nha đọc những bức thư mà tôi thấy nhạt như nước ốc, toàn những câu như là: Anh ơi, chúng mình không được gần nhau....

Cho đến ngày tôi sang Pháp và mãi tới sau 1975, tôi không có tin tức gì về người cậu. Rồi sau này, vào khoảng 1985, gặp lại người em vượt biển sang Mỹ, đến thăm tôi. Em cho biết, vài năm sau biến cố tháng Tư, cậu Nghị có vào Saigon, đem theo một túi gạo chừng 3 kí-lô biếu gia đình chị. Mẹ tôi nhận món quà của cậu và nói riêng với em tôi: "Hóa ra dân miền Bắc còn đói khổ hơn miền Nam từ bao năm rồi!" Vài năm sau đó, em tôi đi Hà Nội theo lời yêu cầu của mẹ, đến phố Tràng Thi — nơi có căn nhà của ông ngoại (làm nhà nhiếp ảnh ngày xưa) để lại, để tìm cậu Nghị. Khi em vào đến căn nhà, lúc đó đã bị chia năm xẻ bảy cho nhiều gia đình, bước lên thang lầu ọp ẹp, thấy ngay một cặp cụ già tóc bạc phơ, giương mắt nhìn em trừng trừng một lúc, rồi bật khóc oà. Ấy là vợ chồng cậu Nghị em tôi gặp lại ở Hà Nội vào khoảng 1975-1980. Hai người đã mất vào khoảng năm 2000.



Phụ lục






Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dải ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió ngây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ

Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi,
Biết người có nhớ nhung chi,
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê,
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về

Một ngày mùa chinh chiến ấy,
Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay
Một ngày tả tơi hoa lá,
ngóng trông về xa ... luyến thương hình bóng qua.

Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi,
Nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình tiếng guốc reo vui
Hà Nội ơi, kiếp người muôn hướng buông trôi
Nhớ về người những đêm rơi
Nhắn theo ngàn cánh chim trời.

Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xưa,
Mắt buồn dâng những đêm mưa,
Não nùng mây gió đong đưa

Hà Nội ơi, nỗi lòng gởi gấm cho nhau,
nhớ hoài chỉ biết thương đau,
đắm say chờ những kiếp sau.

Hà Nội ơi, những ngày thơ ấu trôi qua,
mái trường phượng vĩ dâng hoa
nắng chiều ủ bóng tiên nga.

Hà Nội ơi, mắt huyền ngây ngất đê mê,
tóc thề thả gió lê thê, hãy tin ngày ấy anh về.

Một ngày tàn hương chinh chiến,
lửa khói lắng chìm, tìm về nơi bờ bến
Một ngày hồng tươi hoa lá
Hát câu tình ca nói lên lời thiết tha

Hà Nội ơi, biết người còn có trông mong,
Hướng về ai lỡ hay không những ngày xa vắng bên sông.

Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng khơi
Có người lặng ngắm mây trôi,
Biết bao là nhớ tơi bời ... 




phố Tràng Thi
photo https://36hn.wordpress.com/2016/05/17/pho-trang-thi-xua/