Thursday, March 21, 2019

Vũ Hoàng Chương


Năm đó tôi còn nhỏ, chỉ biết ăn và học, sợ cha kính thầy. Đùng một hôm, lớp học bỗng nhốn nháo, ồn lên. Ông thầy khả kính hôm qua, mặt xám xanh — vì giận? vì sợ? —, bất lực không giữ nổi kỉ luật cho đám học tròn non! Học sinh đổ ra ngoài. Tôi chen lấn đọc bài thơ viết phấn màu trên một tấm bảng đen dựng trước cổng trường, kí tên tác giả Vũ Hoàng Chương. Bài thơ nói về lửa, tôi chẳng hiểu chi nhiều, nhưng biết đó là một thi sĩ lớn... Tôi thấy tôi đứng giẫm chân lên một bàn học, ngó một nhà sư trẻ viết hai câu thơ chữ Hán lên bảng. Một người bước lên bục, viết tiếp hai câu thơ chữ Hán thành một bài tứ tuyệt, buông phấn cười... Da mặt trắng xanh, thân khoác một áo veste màu ngà, gầy như như một cành thu. Tôi vốn phục người xưa "xuất khẩu thành thi", nay được thấy tận mắt có người "xổ thơ" như thế, thích chí quá. Người ta nói: "Vũ Hoàng Chương đó!". Chính biến 1963 vừa bùng nổ. Phật giáo xuống đường... 

Bẵng đi ít năm sau, ông thầy Việt văn lớp tôi lại chính là nhà thơ đó. Không hiểu sao, tôi nhớ mãi lời giảng của thầy về hai cặp chữ "phong trào" và "hi sinh". Phong là gió, trào là sóng, cái gì đó dâng cao rồi lắng xuống, như thời thượng, thời trang. Hi sinh là như những con dê bị thọc huyết thí mạng trên bàn lễ tế thần. Tôi còn nhớ học được ở thầy hai câu ca dao: 
Làm trai biết đánh tổ tôm, 
Uông trà Mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều. 

Tổ tôm, tôi không biết chơi làm sao. Đến nay, tôi cũng chưa biết hương vị trà Mạn hảo. Còn truyện Kiều, hồi đó bị bắt buộc học, tôi ngán như cơm nếp nát. 

Một lần, đề luận ra phải bình giải bài từ khúc "Tống biệt" của Tản Đà: 
Lá đào rơi rắc lối Thiên thai 
Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi 
 Nửa năm tiên cảnh 
Một bước trần ai... 

Tôi cặm cụi chắp đầu chắp đuôi viết cho đủ bốn trang giấy học trò. Thầy chỉ khoanh vòng một câu viết ngắn trong bài "người đọc cảm thấy một nỗi buồn man mác..." và cho 12 điểm. Số điểm khá tốt cho một bài văn. 

Trong lớp học, học trò chen chúc như trong một cái chợ con, con gái học để đi kiếm cơm, con trai học để khoan đi lính. Đôi khi, tôi có cảm tưởng chỉ có mình tôi nghe giảng, thấy thương thầy vô hạn. 

Dần dà, tôi đọc thơ Vũ Hoàng Chương và say mê những bản tình ca hoài Tố: 
Em ơi, lửa tắt bình khô rượu 
Đời vắng em rồi, say với ai? 

Đôi khi cao hứng, tôi nghêu ngao mấy câu thơ này: 
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa 
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh 
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị 
Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy lênh đênh 

Tôi cũng ưa nhưng câu rất lạ như: 
Ta có là Ta chăng? 
Hề, Ai chứ là Ngươi... 


Sau năm 1975, được tin Vũ Hoàng Chương chết trong tù, tôi hiểu thế nào là kẻ Sĩ. 

Ở xứ người, còn chăng là vài câu thơ đơn giản của Vũ rớt lại trong hồn: 
Ba kiếp lang thang ngồi chụm lại 
Chúng ta mất hết chỉ còn nhau 

Cuối năm, tình cờ đọc hai chữ tưởng niệm, tôi bỗng nhớ người thầy thi sĩ. Vũ của Hoàng ơi, Tố ở đâu? 


ĐTK 
Paris, 05/01/1994 



bổ túc
ed. 2023-05-24

1. Mai Thảo, Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương, trong tập Chân Dung, NXB Văn Khoa 1985:
(...) Hơn 4 tháng nằm trong ngục tối của thi sĩ, không ai có được những chi tiết đầy đủ. Kể cả chị Đinh Hùng, chị Vũ Hoàng Chương, cháu Vũ Hoàng Tuân, cháu Đinh Hoài Ngọc, những người đêm ngày ở cạnh chỗ nằm của ông suốt 5 ngày hấp hối. Trở về Gác Bút, thể chất trút thoát dần dần những tinh khí cuối cùng, thần trí Vũ Hoàng Chương vẫn cực kỳ minh mẫn sáng suốt. Tới đêm lâm chung. Tới phút từ trần. Nhưng thi sĩ không nói, không nói một lời nào về bốn tháng Chí Hòa. Ngày thứ hai của năm ngày chót ông mê đi. Tưởng ông đi, chị Vũ Hoàng Chương lớn tiếng kêu khóc. Ông dịu dàng: “Tôi còn sống đây.” Rồi nói đùa: “Bị bắt vẫn còn oai. Được thủ tướng hầu hạ.” Thủ tướng đây là bác sĩ Phan Huy Quát, ở cạnh phòng ông, phòng tối số 6. Buổi chiều ngày thứ ba, ông quằn quại đau đớn hết một lúc. Thấy vậy chị Vũ Hoàng Chương lo lắng hỏi: “Ở trong ngục anh có bị chúng hành hạ gì không?” Ông trả lời: “Chúng cần gì hành hạ. Chỉ bỏ đói là đủ cho mình chết.” Vậy thôi. Ngày thứ năm, ngày 17 tháng 9, 1976, Gác Bút yên tĩnh với thi sĩ nằm đó, trên mặt sàn hiu quạnh. Rồi ngày hết, đêm xuống. Và định mệnh mở rộng cánh tay như một lớp sóng mênh mông vô tận đón ông vào đời đời lúc đó là vừa đúng 12 giờ đêm…!

2. Bài thơ Trong Khám Chí Hòa của Vũ Hoàng Chương vào năm 1976:
“Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn,
Lông hồng gieo xuống nhẹ như non.
Một manh chiếu nát, thân tơi tả,
Nửa bát cơm hôi, xác mỏi mòn.
Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ,
Đêm về giấc ngủ lại thương con.
Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa,
Hồ dễ gì phai được tấc son!”

3. Ngâm thơ "Phương Xa" của Vũ Hoàng Chương

tham khảo

Vương Trùng Dương