Tuesday, December 12, 2023

cánh chim mùa thu


photo 2023 dtk@hdc.com


Sáng nay lái xe đưa nhà tôi có việc ở Montparnasse, tôi đậu xe và đi bộ ra nhà ga trong khi chờ đợi.
Chỉ còn hơn mười ngày nữa là tới Noël, người ta tấp nập sửa soạn đi về tụ họp với người thân. Một con chim bồ câu bay vút lên cao trời mây xám.
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
Hai vợ chồng dẫn nhau đi ăn trưa ở một tiệm Nhật gần đó. Tiệm ăn nhỏ, nhưng sạch sẽ, lại trang trí hoa đèn, mang không khí giáng sinh. Nhìn qua cửa kính, xe cộ và người qua lại, mang dù hay không, ũm thũm dưới mưa, với hàng cây lá vàng run rẩy.
Nhà tôi muốn ghé siêu thị Thanh Bình Jeunes ở gần Porte de Choisy quận 13. Siêu thị này lụp xụp so với những siêu thị lớn của người Tàu. Nhưng nhà tôi bảo ở đây có bán bưởi xanh chở máy bay từ Việt Nam sang.
Tôi đứng lớ ngớ trong sân đậu xe. Bỗng một ông già tóc trắng, râu ria tua tủa, rõ ràng một người thuộc loại "kẻ không nhà", — tiếng Pháp gọi là sdf (sans domicile fixe) —,  lại trước mặt tôi, quơ tay múa chân nói năng lia lịa.
Ông ta vạch áo, phơi hai cánh tay, lưng, bụng và hai ống chân, sần sùi như da cóc. Tôi cố gắng nghe, vì ông ta nói tiếng Pháp với giọng, hình như của người Đông Âu thì phải, rất nặng tai. 
Định thần một lúc, thì tôi hiểu ông ta muốn xin tiền mua thức ăn và mua thuốc chữa bệnh ung thư. Ông kể lể có mấy đứa cháu nhỏ, sống chui rúc trong một xó xỉnh gần đây.
Tôi nghĩ đến một đoạn trong tiểu thuyết Notre-Dame de Paris của Victor Hugo. Vào thời trung cổ, ở đảo Cité giữa dòng sông Seine, có những tên giả làm ăn mày, mù mắt, què tay, thọt chân, v.v., đứng các ngả đường, ban đêm về xóm, ca hát nhảy múa chửi bới nhau trong những quán rượu hàng ăn.
Tôi lấy tờ giấy bạc mười euros đưa cho ông già sdf, nhưng ông ta lắc đầu bảo không đủ mua hộp thuốc. Tôi moi túi được thêm năm euros. Ông ta cầm lấy và bảo tôi đi với ông ra một tiệm pharmacie người Tàu trên đường cạnh đấy, vẫn thường bán cho ông, tên thuốc gì đó tôi nghe không rõ.
Tôi không tỏ vẻ nghi ngờ gì cả, nhưng ông ta dẫn tôi ra một góc tường, tụt quần rớt xuống đất, lộ nguyên bộ mông trắng và hai ống chân ghẻ lở, bảo tôi chụp hình. Câu văn của Vũ Trọng Phụng bỗng lọt về trong trí nhớ: "chiếc quần lĩnh đánh tròng." Ở đây chẳng có cái quần lĩnh nào cả. Ông già sdf kéo quần lên, mở cái bụng phồng da cá sấu cho tôi xem thêm.
Vào tiệm pharmacie, người bán thuốc có vẻ quen mặt ông già sdf, nhưng một mực nói không có thuốc kia. Ông già sdf bảo tôi cùng đi đến một pharmacie khác ở Porte d'Italie, cách đó 5 phút đi bộ, vừa đi vừa kể huyên thiên chuyện thái tử Siddartha nào đó, từ bỏ vua cha, ngồi bảy năm dưới gốc bồ đề, rồi bay lên trời. Hóa ra ông ta cũng biết chuyện về đức Phật ngày xưa của nhà văn Hermann Hesse.
Trên vỉa hè loang loáng nước mưa, ngang qua một cái thùng rác, trông thấy một cái áo blouson ai bỏ, ông ta cầm lấy, đo lên mình phía trước phía sau, coi bộ không vừa ý nên vứt trở lại. Nhiều lần ông ta đưa tay cho tôi bắt, tôi cũng hơi ớn ớn vì sợ lây bệnh.
Rốt cuộc đến chỗ pharmacie thứ hai, vào trong, mấy nhân viên bán thuốc người da đen đều tỏ vẻ nhận ra ông. Ông ta nói tên thuốc và bảo muốn mua hai hộp. Tôi hỏi giá mỗi hộp là 36 euros vài chục centimes, bảo ông già lấy ra 15 euros tôi cho lúc nãy và tôi sẽ dùng thẻ tín dụng trả thêm, cho đủ tiền mua một hộp thôi. Ông ta chỉ đưa ra 10 euros. Người bán thuốc nói với tôi tháng nào ông này cũng làm một mửng như vậy.
Tôi bỏ ông ta ở đấy, đi về siêu thị Thanh Bình Jeunes, đúng lúc nhà tôi vừa gọi điện thoại tìm tôi.
Một người già trong công viên
Một người điên trong thành phố...
trích: Ngày Dài Trên Quê Hương
Có những kẻ co kéo chữ nghĩa hay thế nhỉ, — những tay "phù thủy ca từ". Nhưng tài mà để làm gì? Đem cho những thế lực quỷ quái tinh ma, xí gạt nhân dân, đưa đẩy đất nước vào vòng lao lụy không lối thoát, gần nửa thế kỷ rồi? 
"Có tài mà cậy chi tài, 
Chữ tài liền với chữ tai một vần."
(Nguyễn Du)


Ghi chú

Gia Tài Của Mẹ

Trước 1975, nghe bài hát này, tuổi trẻ Miền Nam mất hết lòng tin, không còn tinh thần chiến đấu.
Sau 1975, cả nước Việt Nam rơi vào chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, mất hết độc lập tự do. Nghe lại bài này thấy lời lẽ vẫn đúng.
Nhắm đúng vào những kẻ chủ trương gây cuộc chiến tranh tương tàn, dù bây giờ thắng cuộc, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cái "Tai Họa đổ xuống dân tộc Việt Nam", đã gần nửa thế kỷ rồi.

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một rừng xương khô
Gia tài của mẹ, một núi đầy mồ
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Nước Việt xưa
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
Gia tài của mẹ, nhà cháy từng ngàn
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một bọn lai căn
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Nước Việt xưa
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù



(dtk, 2023/12/13)

Monday, December 4, 2023

sur les quais du vieux Paris

 
Juliette Gréco (1927-2020) : " Sur les quais du vieux Paris, le long de la Seine, le bonheur sourit... " 

photo Internet

Quand doucement tu te penches
En murmurant c'est dimanche
Si nous allions en banlieue faire un tour
Sous le ciel bleu des beaux jours ?
Mille projets nous attirent
Mais, dans un même sourire
Nous refaisons le trajet simple et doux
De nos premiers rendez-vous
Sur les quais du vieux Paris
Le long de la Seine
Le bonheur sourit
Sur les quais du vieux Paris
L'amour se promène
En cherchant un nid
Vieux bouquinistes
Belles fleuristes
Comme on vous aime
Vivant poèmes
Sur les quais du vieux Paris
De l'amour bohème
C'est le paradis
Tous les vieux ponts nous connaissent
Témoins des folles promesses
Qu'au fil de l'eau leur écho va conter
Aux gais moineaux effrontés
Et, dans tes bras qui m'enchaînent
En écoutant les sirènes
Je laisse battre, éperdu de bonheur
Mon coeur auprès de ton coeur
Sur les quais du vieux Paris
Le long de la Seine
Le bonheur sourit
Sur les quais du vieux Paris
L'amour se promène
En cherchant un nid
Vieux bouquinistes
Belles fleuristes
Comme on vous aime
Vivant poèmes
Sur les quais du vieux Paris
De l'amour bohème
C'est le paradis


khi anh cúi xuống dịu dàng
thì thầm chủ nhật thưa rằng hôm nay
chúng ta đi một vòng này
dưới trời xanh đẹp vùng ngoài em ơi?
muôn hành trình rất mê tơi
nhưng hai đứa chỉ mỉm cười nhìn nhau
nhớ bờ sông hẹn ban đầu
Paris cổ kính mộng màu xanh tươi
dòng Seine hạnh phúc nụ cười
tình yêu dạo bước đâu nơi ấp tình
này nhà bán sách thùng xanh
những cô nàng đẹp nhánh cành bán hoa
yêu làm sao các bạn ta
những bài thơ mộng chan hòa thành xưa
địa đàng tình ái giang hồ
những cây cầu cổ biết thừa chúng ta
chứng bao lời ước kiêu xa
dòng trôi tiếng dội kể ra lắm điều
chim non dạn dĩ bao nhiêu
trong tay em kéo tôi chiều theo em
ngư nhân tiếng hát êm đềm
hai tim hạnh phúc say mềm bên nhau
bờ sông êm ái nghiêng đầu
Paris cổ kính mộng màu xanh tươi
dòng Seine hạnh phúc nụ cười
tình yêu dạo bước đâu nơi ấp tình
này nhà bán sách thùng xanh
những cô nàng đẹp nhánh cành bán hoa
yêu làm sao các bạn ta
những bài thơ mộng chan hòa thành xưa
địa đàng tình ái giang hồ
là đây hạnh phúc bên bờ đá xanh

(dtk dịch)





Wednesday, November 22, 2023

lối thiên thai

... Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi!
   Nửa năm tiên cảnh,
   Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
   Đá mòn, rêu nhạt,
   Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
   Cửa động,
   Đầu non,
   Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...

Tản Đà (1889-1939)

-----
Năm học lớp Đệ Nhị, làm luận văn bình giảng bài từ khúc này, được thầy Vũ Hoàng Chương (1915-1976) chấm 12/20 với một cái khuyên [*1] đỏ bên lề.

Hôm nay, anh mayvienphuong@huediepchi.com gửi cho xem bức hình "Hạc trắng", vụt nhớ lại bài từ khúc của Tản Đà.

photo mayvienphuong@hdc.com 2023 Arizona (USA)

-----
2023-11-22
Tái bút

Hôm qua đang ở chốn Thiên Thai, hôm nay trở về phố thị, hóa ra cũng như ở địa đàng (Eden).

Một con chim bồ câu chạy đến bên trạm xe buýt, mổ mấy vụn bánh mì rớt trên mặt đất. Nhà tôi bảo kiếp sau làm chim chắc sướng chứ...

Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm con chim nhạn tung trời mà bay.

(Tản Đà) 
[*2]

photo dtk@hdc.com 2023 Paris (France)

Ờ, tôi cũng đồng ý. 

Nhất là, vừa về tới nhà, lại nhận được một tấm ảnh đẹp của một chị bạn ở xa, chụp chim ăn hồng vườn nhà chị. 

photo nhuy@gmail.com 2023 Nancy (France)



(dtk, 2023-11-22)



Ghi chú

cf. http://www.vietnamtudien.org/hanvietv2/

[*1] khuyên
♦(Động) Đánh dấu vòng tròn nhỏ cạnh câu văn, cho biết câu văn hay. ◎Như: khuyên điểm 圈點 đánh dấu khuyên và dấu điểm ghi chỗ văn hay. ◇Hồng Lâu Mộng 紅樓夢: Phàm hồng quyển tuyển đích, ngã tận độc liễu 凡紅圈選的, 我盡讀了 (Đệ tứ thập bát hồi) Những bài (thơ) tuyển có khuyên đỏ, em đọc cả rồi.

[*2] Tôi nhớ sai vài chữ, nguyên văn như sau:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm đôi chim nhạn giữa trời mà bay.

(Tản Đà)





Saturday, November 18, 2023

Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... và Staline


Đầu tháng Ba 1953, tại Việt Bắc, được tin lãnh đạo Liên Xô J. Stalin qua đời, tạp chí VĂN NGHỆ của Hội Văn nghệ Việt Nam đã ra số đặc biệt (s. 40, tháng Ba 1953) về J. Stalin, trong đó có bài của Hồ Chí Minh, thơ của Chế Lan Viên, Huy Cận, Tố Hữu, Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Xuân Diệu, Lê Thái, văn của Nguyên Hồng, Phan Khôi, Lê Đạt, Hoàng Trung Thông, Minh Tranh.

Để dư luận khỏi nhận định rằng, dường như DỊP ẤY chỉ có bài thơ "Đời đời nhớ Ông" của Tố Hữu, dưới đây tôi đưa lại các bài thơ của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, cũng đăng trong Văn nghệ số 40 (tháng 3/1953) ấy.
LẠI NGUYÊN ÂN

——————————-



STALIN KHÔNG CHẾT

 

Stalin mất rồi!
Đồng chí Stalin đã mất!
Thế giới không cha nặng tiếng thở dài!
Tin dữ truyền đi
Nỗi đau xé cắt
Vạt áo nhân dân thấm đầy nước mắt
Dao đâm qua triệu triệu tim người
Nhớ bài thơ Nê-ruy-đa cũ
Ca ngợi đêm khuya phòng điện Krem-lin
Vời vợi bóng đèn sáng tỏ
Có một người đêm khuya không ngủ
Thức canh cho thế giới hòa bình
Đồng chí Sta-lin đó!
Sta-lin nay không còn nữa!
Vắng vẻ dáng hình lãnh tụ
Một vừng ráng đỏ
Vĩnh viễn hòa trong xa xanh.
Đồng chí Sta-lin ơi!
Đồng chí Sta-lin không chết.
Đế quốc rồi tuyệt diệt 
Thế giới ta còn nguyên vẹn mặt trời.
Anh đội viên sẽ kể:
Máu của tôi ra nhiều
Trong đạn lửa tôi bỗng nghe: “Đồng chí!”
Ngửng mặt nhìn lên, thấy hình Thống chế,
Mắt tôi hoa trong trong mắt của mặt trời.
Máu tôi ra nhưng máu lại thêm rồi…
– “Xung phong! Giết, giết!”
Ai tung tôi qua bảy tầng giây thép
Sta-lin là tiếng thét
Sta-lin thành bộc lôi (1)
Sta-lin!
Trăm lưỡi mác sáng ngời
Cháy tan vị trí, (2)
Cờ đỏ mọc lên
Trong cờ đỏ tôi thấy hình Thống chế,
Giai cấp chúng ta quang vinh là thế,
Nhìn chiến công tôi, Thống chế mỉm cười.
Mẹ hiền ta ơi!
Em bé ta ơi!
Đồng chí Sta-lin không bao giờ chết!
Cộng sản là mùa xuân,
Cuộc đời là bất tuyệt,
Đảng chúng ta là núi thép
Mỗi chúng là một giọt máu Người
Chúng ta còn,
Sta-lin còn mãi mãi…
Triệu triệu mẹ già, em dại
Đều là súng Sta-lin để lại
Giữ lấy hòa bình thế giới
Tiếng nổ ca vang dội thấu mặt trời.

Tháng 3.1953

CHẾ LAN VIÊN

Nguồn:

Văn nghệ, [Việt Bắc], Hội Văn nghệ Việt Nam, s. 40 (tháng Ba 1953)
Rút từ: Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn,
Tập 6: 1953, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005, tr. 74-75

CHÚ THÍCH:

(1) bộc lôi: như “bộc phá”
(2) vị trí: ở đây nghĩa là đồn địch.

————————————————-

THƯƠNG TIẾC ĐẠI NGUYÊN SOÁI STA-LIN

 
Đại Nguyên soái Sta-lin đã mất
Tin rụng rời đến với chúng tôi
Cả thế gian như bỗng mất mặt trời
Ba trăm người chúng tôi trào nước mắt
Đứng lên, ngực nghẹn ngào tiếng nấc
Sta-lin, cha vĩ đại của loài người!
Liên Xô giờ đau đớn biết bao nguôi
Và Trung Quốc, Việt Nam và trên khắp cả cõi đời
Từ Nam Mỹ cho đến ngoài Bắc Cực
Những người mến nhân dân và Tổ quốc
Những người mong làm lụng giữa hòa bình
Nghìn triệu người thương khóc Sta-lin
Người xa cách chúng con ngàn vạn dặm
Lời chỉ nghe trên sách báo mà thôi
Mặt chỉ trông trên bức ảnh mỉm cười
Nhưng mà thật thấm nhuần bao trìu mến
Nghe tin mất, mới thấy lòng quyến luyến
Từ bao lâu yêu Người tận tủy xương
Tiếng khóc đây là tất cả can trường
Thấy Người thật là bát cơm, miếng bánh
Người gắn với chúng con trong vận mệnh,
Việt Nam mang công đức của Người s
Vẫn mong Người hơn trăm tuổi dài lâu
Bền như núi, lãnh đạo toàn thế giới
Đời đời sống Sta-lin mãi mãi
Lời khóc Cha như lời chúc thọ Cha
Sta-lin, gương vĩnh viễn không già
Thép vĩnh viễn đã hòa muôn nghị lực!
Mỗi viên đạn bắn tan đầu đế quốc
Là lời ca “Ca ngợi Sta-lin”
Mỗi căn nhà mới dựng, mỗi tiếng máy đào kênh
Là ý chí Sta-lin dẫn dắt
Mặt trời khuất nhưng mặt trời vẫn mọc
Đảng Liên Xô vững chắc vẫn ngời soi
Ơn Sta-lin: nắng ấm mãi loài người.

10-3-1953

XUÂN DIỆU

Nguồn:

Văn nghệ, [Việt Bắc], Hội Văn nghệ Việt Nam, s. 40 (tháng Ba 1953)
Rút từ: Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn,
Tập 6: 1953, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005, tr. 82

————————————————-

 

XEM PHIM A-DÉC-BAI-DĂNG, NHỚ ĐỒNG CHÍ STA-LIN

 
Xem phim A-déc-bai-dăng
Quê hương phồn thịnh muôn vàn tốt tươi
Dầu phụn tự đáy biển khơi
Lúa bông đến tận chân trời bao la
Mặt con người thắm như hoa
Quê hương xã hội đây là thần tiên
Sta-lin! Đồng chí Sta-lin!
Tên Người đồng vọng khắp miền Ba-cu
Tên Người hoa nở bốn mùa
Tên Người ríu rít giọng đùa trẻ con
Tên Người khắp nước khắp non
Sta-lin bất diệt, Người còn sống đây
Sống cùng dân, sống hang ngày
Mến yên, làm lụng, đắp xây cuộc đời
Người đi Người dặn đủ lời
Chúng con thề quyết theo Người tiến lên
Mai đây độc lập vững bền
Bước theo anh chị khắp miền Liên Xô
Người người hạnh phúc tự do
Sta-lin đã vạch tiền đồ chúng con.

HUY CẬN

Nguồn:

Văn nghệ, [Việt Bắc], Hội Văn nghệ Việt Nam, s. 40 (tháng Ba 1953)
Rút từ: Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn,
Tập 6: 1953, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005, tr. 76

 

Thursday, November 2, 2023

mùa thu nơi đâu


Câu thơ vi vút trong đầu khi bước vào cổng chính vườn Luxembourg. Lãng mạn chút thôi, vì tôi chẳng có người em "tóc vàng sợi nhỏ" nào cả, — như Cung Trầm Tưởng (1932-2022) ngày nào (*1).

Mùa thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu...

Vả lại, bây giờ ở đây không còn những ghế đá như xưa.

photo dtk@hdc.com 2018

Hôm nay xem lại tấm hình dưới đây chụp hai hôm trước (31/10/2023), mới để ý góc bên phải có một người đàn bà ngồi một mình trên một banc gỗ, hình như là nhạc sĩ, vì cầm một cây đàn đỏ trên tay. Biết đâu người ấy chẳng đương sáng tác một bản tình ca?

photo dtk@hdc.com 2023-10-31

Mà lạ thật, thơ văn viết về mùa thu xưa nay thường buồn, không hiểu tại sao. Mà thơ buồn về mùa thu, buồn nhất có lẽ là của mấy nhà thơ tiếng Việt. Như mấy câu này của Dương Minh Loan chẳng hạn: 

Và mùa thu lại trở về rồi đó 
Trên núi cao có từng đám sa mù 
Tôi hờ hững tưởng tên mình chưa có 
Cánh hoa nào đang đợi lần mộng du
Xem: Đi vào cõi thơ, Bùi Giáng (1926-1998)

Hồi xưa đọc Le Livre De Mon Ami, nhớ mãi đoạn kể lại kỉ niệm của Anatole France (1844-1924) khi đi ngang khu vườn này, dưới những bức tượng phủ lá vàng.

« X – LES HUMANITÉS

Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent ; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais ; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues. »

Extrait de: Anatole France, « Le Livre de Mon Ami »

Tôi kể bạn nghe, mỗi năm khi trời xao xác vào thu, khi trong nhà bắt đầu phải thắp đèn cho bữa ăn chiều và khi những chiếc lá úa vàng trên cây run rẩy; tôi kể bạn nghe, vào những ngày đầu tháng mười, tôi đi ngang qua vườn Luxembourg, lúc đó mang chút u buồn nhưng đẹp hơn bao giờ hết; vì đó là mùa lá rơi từng chiếc từng chiếc trên vai trắng những bức tượng trong vườn.

Vườn Luxembourg, tôi nghe tên nó từ khi học tiếng Pháp với sách của Gaston Mauger, ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Sài Gòn). Bài học mô tả khu vườn, với mấy đứa trẻ thả thuyền trong hồ nước ở trước dinh Thượng Nghị Viện (Palais du Sénat), làm tôi cứ mơ tưởng được đến đây. Khi sinh được con gái đầu lòng, năm nó lên 2-3 tuổi, vợ chồng tôi liền dẫn nó đến đây, cho nó thả thuyền. Đứa bé không biết cảm nghĩ ra sao, còn cha nó lấy gậy đẩy thuyền, vui sướng như thằng con nít. Đến lượt hai đứa cháu ngoại, chúng tôi cũng dẫn đến đó thả thuyền như mẹ chúng nó ngày xưa.

photo dtk@hdc.com 2023-11-05

Trên boulevard Saint-Michel đi tới khu vườn, tôi thường vào mấy tiệm sách, đặc biệt là những gian bán sách cũ. Cũng như hồi xưa đến Nhà Sách Khai Trí ở Sài Gòn.

Thôi thì đủ cả, sách giáo khoa, văn học, nghệ thuật, khoa học, kinh tế, chính trị, v.v. Hàng ngàn cuốn, nhiều sách in rất đẹp, mà người ta bán lại với giá rẻ mạt không ngờ. Tôi nhớ đã mua ở đây một bản cuốn 
Kim-Vân-Kiêu, traduit du vietnamien par Xuân-Phúc et Xuân-Việt, Connaissance de l'Orient, Gallimard/UNESCO, 1961, Paris, France. Cách đây không lâu, tôi còn mua được một cuốn sách đặc biệt tưởng niệm Jean-François Champollion (1790-1832), người đã phát hiện ra cấu trúc của chữ viết Ai Cập. Trong sách có bản chụp những trang viết tay của Champollion trong suốt bao nhiêu năm trời nghiên cứu. Chỉ lật qua vài trang sách đủ thấy công phu giá trị của nhà in. Tôi ước lượng sách này bây giờ in lại, giá bán cũng cỡ 100 euros là ít. Vậy mà hôm đó tôi trả có 1 euros.

photo dtk@hdc.com 2023-10-31

Hôm nay thơ thẩn vào xem, chợt thấy lọt ra một cuốn sách nhỏ của Lénine (1870-1924). Thấy đề giá tới 10 euros lận. 

Hê hê, bộ muốn giỡn ngươi với tôi sao chớ? Tên chính trị gia "ác ôn" này, bây giờ còn có người đọc nữa sao?

Tố Hữu (1920-2002) viết mấy câu thơ "thổ tả" ca tụng Staline (1878-1953), — bộ hạ của Lénine —, chưa đủ sao, mà mấy anh thợ thơ kia (Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên) cũng bắt chước "bơm" Staline không ngượng mồm (*2). 

Tội nghiệp cho Xuân Diệu, người đã viết một câu thơ rất đẹp về mùa thu:

Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu

Trời mưa lất phất, nhà tôi ghé vào một cửa tiệm bán dù:

photo dtk@hdc.com 2023-10-31

Hướng về phía sông Seine tới trạm métro Saint-Michel Notre-Dame, một câu thơ của Lưu Vũ Tích bay về trong trí nhớ:

Ngã ngôn thu nhật thắng xuân triêu
我言秋日勝春朝

Ta bảo rằng ngày thu còn rực rỡ hơn cả buổi sáng mùa xuân



Đặng Thế Kiệt
Paris, 2023/11/02



Chú thích
(*1) MÙA THU PARIS - PHẠM DUY - DUY QUANG
(*2) Lại Nguyên Ân https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10226497557924068&id=1198626660 
Tháng Ba 1953, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên đều có thơ về Stalin





Wednesday, October 25, 2023

em bé và quả bóng đỏ


Hồi nhỏ học trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng ở phố Đa-Kao, thời lớp Nhì hay lớp Nhất, mỗi ngày đi ngang rạp chiếu bóng Asam gì đó, hay vào xem mấy hình rút từ những cuốn phim đang chiếu hay sắp chiếu trong rạp, trưng trên tường, trong cái hành lang nhỏ xíu.

Một hôm thấy một bảng vẽ thật to trên mái cao trước rạp, quảng cáo phim "Em bé và quả bóng đỏ", tự nhiên thích quá.

Bác Lộc gái (chị cả của cha tôi, lấy chồng tên Lộc, ở Thị Nghè) một hôm đến thăm nhà. Không biết tại sao, bà bác hứa sẽ cho tôi, và hình như cả anh tôi nữa, đi xem cuốn phim đó.

Ngày tháng trôi qua, mấy lần gặp bác sau đó, không nghe bác nói gì về lời hứa cũ. 

Từ đó tôi cứ ngẩn ngơ nhớ cuốn phim kia.

Mấy năm sau lên trung học, tôi say mê đọc hết các báo dành cho học sinh thời đó: Tuổi Xanh, Măng Non, Tuổi Hoa, v.v. Tôi thích thú gửi vài bảng chơi ô chữ, tranh vẽ, bài thơ... đăng báo. 

Lần đầu tiên, tôi có bảng ô chữ tự mình làm ra, với tranh nền là một con chó, 10x10 ô đen trắng, in trên báo Măng Non. Tôi đem khoe với một thằng bạn trong xóm. Nó không tin, làm tôi ấm ức cả buổi, nhưng không biết lấy gì làm bằng cớ.  Báo Măng Non có mục tranh vui cười mà tôi rất thích, nhưng không nhớ tên người họa sĩ phụ trách. Mục này có 2 nhân vật chính là Tư Xún và Ba Xạo, 2 cậu bé lên 12-14 tuổi.

Một hôm tôi cũng vẽ gửi một chuyện vui ngắn bằng tranh, gồm mười hình. 

Đó là một mẩu đối thoại, như sau:

Ba Xạo: Nhà tớ có hàng ngàn gia súc.
Tư Xún: Vậy nhà bồ giàu lắm nhỉ?
Ba Xạo: Làm gì mà giàu.
Tư Xún: Vậy lấy gì nuôi?
Ba Xạo: Đâu cần nuôi. Toàn là ruồi với muỗi cả.

Tranh tôi vẽ không được đăng, nhưng lời đối thoại được họa sĩ mục tranh vui cười lấy nguyên văn và vẽ lại hoàn toàn, đề tên tác giả là tôi.

Cha tôi xem báo, có vẻ hãnh diện lắm. Nhưng tôi không biết cha có nhận ra rằng tranh vẽ không phải của tôi.

Năm 14 tuổi, tôi viết một bài gửi đăng báo Măng Non, bây giờ còn nhớ như in:

Buổi chiều đi học về, chợt thấy ở một góc đường, có một ông dựng chiếc xe đạp, với một bình khinh khí kềnh càng, bơm những quả bóng màu rực rỡ, buộc vào guidon, đong đưa trước gió. Tôi moi túi quần được mấy đồng bạc cắc, lại mua một quả. Tôi còn xin thêm một sợi dây để nối cho dài. Tôi bước đi, ngước mắt nhìn quả bóng lơ lửng, lòng tràn ngập niềm vui nghĩ đến món quà cho đứa em nhỏ ở nhà. Tôi chợt hụt chân, vuột mất quả bóng trên tay. Và đứng sững nhìn theo nó, từ từ bay lên cao, vượt quá ngọn cây, rồi nhỏ dần, mất hút vào mây.

Bất ngờ hôm qua, xem trên Facebook một tấm hình có một em bé cầm một quả bóng đỏ chạy trên đường phố Paris.

photo Facebook

Không thể nào lầm lẫn: đây chắc chắn là một tấm hình trong cuốn phim thời nhỏ Đa-Kao.

Lời ghi chú kèm theo bức hình rất rõ: 
Le Ballon Rouge 1956. Paris. Court métrage français réalisé par Albert Lamorisse et tourné à Ménilmontant avec la participation des enfants du quartier. (Quả bóng đỏ 1956. Paris. Phim ngắn do Albert Lamorisse thực hiện và quay tại Ménilmontant với sự tham gia của các trẻ em trong phố.)

Tôi bỗng thấy mình trở lại thời 60 năm về trước, thành một chú bé cầm bóng chạy trên đường phố Paris.

Hôm nay viết mấy dòng này để làm chi không biết?

Nhớ đến nhan đề một cuốn sách của Henry Miller (1891-1980): Remember to remember. Souviens-toi de te souvenir.

Chắc phải dịch sang tiếng Việt theo thể điệu phiêu bồng của Guillaume Apollinaire (1880-1918) như thế này chăng:

Mùa thu mãi mãi
Em nhớ cho
Em nhớ nhé đừng quên



Đặng Thế Kiệt
2023-10-25











Sunday, October 15, 2023

những trái hồng mùa thu

 

photo dtk 2023: vườn hồng

Sáng nay vào thu, khí trời chỉ hơi se lạnh. Cây hồng trồng mới hai năm đã ra khá nhiều trái. Chợt nhớ những kỷ niệm ngày xưa.

Nhà tôi hồi nhỏ, mẹ đi lấy chồng xa, gửi nhà tôi ở trọ dì Năm. Có phận sự chính là giữ em, đưa võng cho tụi nó ngủ, hoặc bồng đi chơi. Ngày Tết, Là bồng đứa em theo đám múa lân từ sáng tới chiều, đói thì đập bể trái dưa hấu cạp ăn. Tới tuổi đi học trường làng, buổi trưa bà ngoại đem gà mên cơm đến trường. Một bữa bà quên, buổi trưa nhờ người quen nhắn với bà nội nhà ở gần trường sai người nhà đem cơm lại. Là mắc cở, không chịu ra nhận gói cơm. Buổi chiều ra về, cùng với một con bạn. Là đói bụng mờ cả mắt, đi trên đường làng mệt lả, cứ đòi nằm trên bờ cỏ ngủ. Con bạn phải dìu đi mấy lần mới về tới nhà. Lục nồi trong bếp được chén cơm nguội, đem chan nước luộc bầu, ăn ngon lành. Có những ngày không có gì ăn, bà ngoại dẫn Là đi hái mấy trái trâm ăn lót dạ.

Sau bà má gởi tiền về cho dì Năm. Cho Là đi học trường bà sơ ở Lái Thiêu, rồi sau gởi đi nội trú ở Sài Gòn. Cuối tuần, không có ai tới rước, ở lại một mình trong phòng nội trú. Chiều chúa nhật, mấy đứa bạn mới lục tục về trường. Có một đứa cùng lớp, mỗi lần về trường đều mang theo quà cáp. Hôm đó, nó cầm trên tay một trái cây rất lạ, màu đỏ cam, giẹt như trái cà chua. Con nhỏ rất đẹp, nhưng bị câm. May có đứa bạn khác nói cho Là biết đó là trái hồng. Hình như lần đó Là chưa được cắn một miếng hồng nào.

Còn tôi, kỷ niệm đầu tiên về trái hồng là trên chuyến tàu di cư từ Hải Phòng, ghé Nha Trang, rồi tới Sài Gòn. 

Tôi còn nhớ rõ, mấy ngày lênh đênh trên biển cả. Lúc đầu, ở dưới hầm tàu. Người ta nôn mửa đầy chung quanh giường sắt hai tầng. Hôi hám muốn nghẹt thở. Cha mẹ tôi xin phép được đưa lên boong tàu. Che bạt nằm, gió biển thổi phần phật. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy dễ chịu hơn ở dưới hầm. Bên cạnh chỗ chúng tôi nằm, có ông lính khố xanh khố đỏ, — theo lời cha tôi —, luôn mồm kể chuyện. Tôi nghe ông nói chữ "bánh tây", sau này mới biết đó là "bánh mì". Ông ta còn chia cho chúng tôi miếng bánh biscuit lạt, khổ vuông 10 phân, ăn bùi bùi. Cha tôi bảo đó là trong khẩu phần cho quân đội Pháp.

Mẹ tôi không biết dự bị lúc nào, cho chúng tôi ăn trứng gà luộc, món tráng miệng có sẵn thúng quýt vàng ươm. Lúc ghé cửa biển Nha Trang, có thuyền cập bên hông tàu buôn bán xôn xao. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn củ mã thầy và một thứ quả khô lạ lắm. Đó là những miếng giẹt, hình tròn, trên phủ đầy bột trắng. Mẹ tôi đem ngâm vào nước nóng, bột trôi sạch, hiện ra một thứ trái nâu nhạt, ở giữa nhận ra cuống trái nhiều cánh. Mẹ cắt ra làm nhiều miếng, đưa cho chúng tôi ăn, ngọt ngào, dẻo quẹo.


Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức trái hồng khô. Hương vị thần tiên.








Tuesday, October 3, 2023

tiễn một người chưa quen trên hè phố đông vui


trên hè phố đông vui, Trương Minh Giảng, Sài Gòn 1973 (lth)


Đọc tin một người nào đó mới qua đời, lòng tôi thường nhói lên một chút.

Hôm qua đọc bản tin, trên FB Gió O Hải Ngoại, được biết Phan Ngọc Hùng (1955-2023), không biết là ai, vừa mới qua đời, lòng tôi cũng nhói một chút. Một chút thôi, — vì tấm hình kèm theo quá rực rỡ.

Rồi đọc và nghe mấy lời hát kèm theo, mà cảm thấy hạnh phúc tràn trề.

We had joy, we had fun
We had seasons in the sun

Đường Trương Minh Giảng? Sài Gòn đó ư? Năm 1973? Như là mới hôm qua. Tôi đã từng lai vãng qua con phố này từ những năm xa lắc. Anh Hùng sao mà cười tươi thế. Hai cô bạn cũng đẹp như hoa. Và nắng Sài Gòn. Chẳng cần áo lụa Hà Đông.

Ba người bạn, tuổi chưa tới hai mươi, trên ngưỡng cửa vào đại học cuộc đời.

Tôi lên youtube kèm theo, nghe đi nghe lại hai ba lần bài hát, mà lòng vẫn vui.

Thời buổi Internet cũng hay. Tôi tò mò tìm trang Facebook của Phan Ngọc Hùng đọc một hai bài cuối anh viết trước đây vài tháng. Thì ra anh cũng dự trước ngày về cõi nghìn thu:

@ FB Phan Ngọc Hùng (1955-2023) Trong những ngày nằm bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chờ đợi phán quyết chung thẩm của 1 đời người. Sao lòng mình thấy thanh thản và nhẹ nhàng vô cùng. Bởi vì: — Chúa đã dành cho mình quá nhiều yêu thương và ân sủng, — Đức Mẹ đã dạy mình qua 2 tiếng Fiat: "Cám ơn Mẹ, con thực lòng thống hối, Noi gương người, con xin nói "XIN VÂNG" Vẫn vui tươi bước trọn con đường trần, 1 phút, 1 giờ cứ tuân ý Chúa."

Thật cảm động khi đọc bài thơ anh viết cho mẹ:

NGÀY 8 THÁNG 3 CỦA MẸ
8 tháng 3,
Mẹ trốn trong trang sách,
Tìm chuyến tàu,
về thơ ấu xa xưa.
Nhớ tiếng võng,
kẽo kẹt buổi trưa,
Tiếng sáo diều đong đưa trong mây trắng.
Trong vùng ký ức tù mù trống vắng,
Tuổi thơ Mẹ,
bươn chải với nắng mưa,
Ngoại mất sớm,
Mẹ chạy chợ sáng trưa
Để kiếm cái mặc cái ăn từng bữa.
Trong đời Mẹ.
chẳng cần Ngày Phụ Nữ,
Quãng đời Mẹ,
chỉ biết chữ hy sinh.
Mẹ chẳng thiết tha với thói hư vinh,
Chỉ biết chôn mình vào tình mẫu tử. 
Đời của Mẹ,
là 1 trang huyền sử,
Mà câu chữ là những nét gian nan.
Năm lần mái tóc Mẹ vấn khăn tang,
Tiễn chồng, bốn con bước sang cõi chết.   
Tôi nghe da diết những lời:
Người ta,
xuân sắc có thời,
Mẹ tôi,
chinh phụ một đời vọng phu
Đêm đêm nghe tiếng Mẹ ru,
“Cha con chinh chiến tít mù miền xa”
Đó, 
Mẹ tôi là một cành Hoa.
Bước qua giông bão, 
không nhoà toả hương.
Bây giờ Mẹ ở cuối đường,
Dầu con khôn lớn, tình thương vẫn đầy.
Mẹ ngồi đọc sách mê say,
Thả hồn theo chuyến tàu đầy tuổi thơ.
Ừ, 
thôi Mẹ cứ mộng mơ,
Mặc cho tâm thức mù mờ khói sương.
Mẹ ơi,
Đời là cõi vô thường,
Con còn có Mẹ, tình thương muôn đời.

PAUL SARTRE PHAN NGỌC HÙNG (8/3/2023)


Anh Hùng ơi, xin vĩnh biệt một người bạn chưa quen.


Đặng Thế Kiệt
2023-10-03






























Saturday, September 9, 2023

Paris les bouquinistes


Hồi xưa học tiếng Pháp theo  sách của G. Mauger (*1) ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp, đọc đến bài mô tả những hàng bán sách trong rương bên bờ sông Seine (les bouquinistes), tôi thích quá.
Không ngờ mấy năm sau (tháng 12 năm 1968) được đến Paris. 
Chân ướt chân ráo, mới hôm thứ hai ở khách sạn Lutèce Paris 5, tôi rủ ngay một anh bạn đi khám phá thành phố. Tôi có 2 chỗ muốn coi trước nhất: tháp Eiffel và mấy hàng sách bouquinistes này đây.
Tôi còn nhớ rõ chữ "bouquiniste" cùng họ với chữ "bouquin", nghĩa là "cuốn sách". Hôm đó chúng tôi từ đường Berthollet đi về phía đường Saint-Jacques, thuộc quartier Latin (*2), ngóng theo ngọn tháp mà đi, khi thấy khi không, quanh co bao nhiêu đường ngang lối dọc. Buổi sáng hôm đó, mỏi nhừ hai cẳng, mà không đến chân tháp Eiffel. Về phòng, mấy anh sinh viên kỳ cựu ở Paris cười bảo tháp Eiffel cách xa khách sạn hàng mấy cây số, đi bộ sao nổi.
Bây giờ không nhớ tôi đến bờ sông Seine có bouquinistes lúc nào nữa. Nhưng cảm giác bồi hồi, — lần đầu tiên nhìn tận mắt những cái thùng gỗ màu xanh lá cây, bày dọc theo những bức tường đá thấp bên bờ sông —, tôi không bao giờ quên được. 
Sống và làm việc ở Paris gần nửa đời người, càng ngày càng gắn bó với chỗ này. Không biết tôi đã đi bao nhiêu lần rồi, theo dòng sông Seine từ Musée d'Orsay, qua trước mặt Musée du Louvre, ngang Pont Neuf rồi Pont des Arts đến Notre-Dame, lòng thênh thang nhìn nước và mây. Thỉnh thoảng ghé một gian hàng bouquiniste, lật bâng quơ vài trang sách vàng úa, xem một bức tranh cũ của Monet hay một họa sĩ cổ điển nào đó. Hôm nay, bỗng ngạc nhiên vì mình chưa hề mua một cuốn sách nào ở đây.
Blaise Cendrars: "Paris là thành phố duy nhất trên thế giới có một dòng sông trôi giữa hai rặng sách (Paris, la seule ville au monde où coule un fleuve encadré par deux rangées de livres.)" (*3)

hình Internet

Tôi bỗng nhớ ra, mỗi lần dẫn bạn bè người quen đến thăm Paris, tôi đều đưa qua chỗ này.









images Internet

Mấy tuần nay, đọc trên Facebook, tự nhiên thấy người ta đưa lên gần như mỗi ngày những tấm hình chụp hoặc tranh vẽ — xưa và nay — những gian hàng bouquinistes rất đẹp. Thì ra bà thị trưởng Paris vừa ra lệnh đòi dẹp bỏ những gian hàng này, — theo con mắt của bà, làm giảm mất bao nhiêu cảnh đẹp dọc hai bờ sông. Lý do chính là chuẩn bị chào đón Thế Vận Hội năm tới 2024. Và vì thế mà hội của những bouquinistes của Paris mới nổi lên chống đối như ong.





Lâu lâu cao hứng tôi hát theo Joséphine Baker (1906-1975): "J'ai deux amours, mon pays et Paris..."  




Một phần tư sống quê hương,
Ba phần tư sống phố phường người dưng...

Bây giờ chỉ biết nguôi ngoai cùng với mấy rặng sách xanh lá cây, bên dòng sông rêu lờ lững.





 
chú thích
(*1) 
G. Mauger: "cours de Langue et de Civilisation Françaises, tome III
(*2) Cung Trầm Tưởng (1932-2022): gọi là Xóm Học, vì ở đây tập trung nhiều trường Đại học và Grandes Ecoles của Paris.
(*3) Blaise Cendrars (1887-1961): nhà văn nhà thơ gốc Thụy Sĩ, tác giả bài thơ "Les Pâques à New York", sáng tác trước và được coi là có ảnh hưởng lớn trên bài Zone của Apollinaire (1880-1918) 
trong tập Alcools. cf. https://fr.wikipedia.org/wiki/Zone_(poème)

























Monday, September 4, 2023

lời cảm tạ

 


Thứ bảy, cô bạn Tuyến (từ Le Havre) hẹn với vợ chồng chúng tôi gặp nhau ở quán Foyer Mon Vietnam, 24 rue de la Montagne Sainte-Geneviève, Paris 5, để nghe Hòa thượng Huyền Diệu (*1) giảng pháp về Maha Mangala Sutta. Tối hôm trước, Tuyến viết cho tôi qua Messenger có ý muốn tặng tôi một cuốn sách gì tôi thích. Đúng lúc mấy hôm trước, "tình cờ" đọc được trên mạng Internet một truyện ngắn của Tiểu Tử "Thằng đi mất biệt" — làm tôi muốn đứt ruột. Tôi viết hỏi Tuyến có truyện này không. Thế là trưa thứ bảy, Tuyến đem tặng cho tôi tập "Chị Tư Ù". Lật xem mấy trang đầu, hóa ra cuốn này chính là cuốn của tác giả Tiểu Tử ký tặng cho chị từ 10 năm về trước (2013). Buổi tối về nhà, tôi đọc thêm hai ba truyện nữa. Quả thực tôi biết đến nhà văn Tiểu Tử hơi muộn. Tất cả những nỗi đau thương về một quê hương đày đọa, — từ gần nửa thế kỉ nay, dưới tay một bọn người "quỷ quái tinh ma", — đều được giãi bày ra đó. Tôi trằn trọc cả đêm. Sáng sớm nhổm dậy lên gác mở máy ra đọc viết lăng quăng. Mấy tuần lễ vừa qua, tôi đang xếp đặt lại cả trăm hồ sơ tài liệu trong các máy tính. Gặp lại một bài thơ cũ (*2), đã đăng trên báo Quê Mẹ mùa xuân Đinh Mão 1987. Bài thơ nhớ nhà năm ấy mới vụng dại làm sao. Bởi tôi xa nhà nhiều năm trước biến cố 30 tháng Tư 1975, thì khó mà cảm nhận hết những thống khổ của người dân trong nước trong suốt mấy chục năm qua. 

Ấy thế mà khi đọc truyện "Thằng đi mất biệt", tôi lại có cảm giác tác giả nói về mình, đi bao năm biền biệt chưa về.

Đọc truyện "Chị Tư Ù" (*3), đến chỗ người đàn bà bán cá nửa đêm thức giấc, bước ra ngoài, trời đầy sao, gió sông nhè nhẹ, đến trước cửa nhà của tên công an trưởng trong làng. 

"Anh ta bước ra đảo mắt nhìn quanh, rồi mới mời: 

— Vào đi! 

Tiếng "đi" vừa dứt là chị Tư đã bổ con dao phay vào ngay giữa đầu, nhanh gọn và chính xác như chị bổ cái đầu cá."

Chị Tư Ù vừa trả thù cho người yêu của mình đã bị tên này hãm hại.

Tôi thiệt tình hả lòng hả dạ.









Phụ lục

(*1) An Việt Nam Phật Quốc Tự
https://anvietnamphatquoctu.com
Shanti Lumbini Boudha Bhrumi Vihara, Sacred Lumbini Garden, Westside Monastery Zone 
NEPAL


(*3) Chị Tư Ù




Saturday, August 12, 2023

đọc Dương Nghiễm Mậu, từ nước ngoài, 54 năm sau

 

Tối hôm qua, chậm rãi đọc truyện ngắn "Ngày đốn cây vú sữa" (*1) theo link trên trang Facebook Hồ Thị Ngọc Trang (*2), sáng thức dậy, lòng mãi bùi ngùi.

Dòng cuối truyện ngắn ghi năm viết: 1969, một năm sau khi tôi đi du học nước ngoài, cho đến năm nay 2023, vẫn biền biệt chưa về.

Vài năm trước ngày ra đi, thời học trung học ở Sài Gòn, tôi nhớ có đọc qua vài cuốn sách của tác giả Dương Nghiễm Mậu (*3) trên báo Văn, Con sâu, Tuổi nước độc, v.v., nhưng bây giờ không nhớ gì nữa cả.

Dương Nghiễm Mậu (1936-2016), ký họa của Tạ Tỵ

Truyện kể diễn ra vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam bắt đầu trở nên khốc liệt, ở đâu đó một miệt vườn miền Nam. Tôi liên tưởng đến ngay vùng Củ Chi, là quê quán của nhà tôi. Những nhân vật và tình tiết trong truyện rất gần với những lời nhà tôi kể cho nghe từ gần một đời chung sống.

Dương Nghiễm Mậu lấy lời một người già sống ở khu làng đó, với một người vợ nhà quê, có hai đứa con trai, đứa lớn sống ở quận lị, đứa em vô bưng theo phe "cách mạng".

Câu chuyện gần như chỉ là những mẩu đối thoại giữa những người dân mộc mạc miền Nam, sống lay lắt trong bối cảnh chiến tranh xâu xé, — một bên là quân đội, dân vệ... Việt Nam Cộng Hòa, một bên là quân du kích "cách mạng giải phóng". Đồng thời với sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, với những hậu quả trong đời sống và ảnh hưởng về môi trường thiên nhiên (thuốc khai quang).

Ông già, nhân vật chính trong suốt câu chuyện, chỉ lo lắng tìm đường yên sống qua ngày, cho hai vợ chồng mình, cho hai đứa con trai và gia đình họ. Ban ngày, người của quận xã chính phủ lại dò la tung tích đứa con thứ hai, làm áp lực tìm cách "chiêu hồi" nó về với chính quyền. Ban đêm, cán bộ cộng sản lại dọa nạt người cha chớ có "lôi thôi dụ dỗ" con trai về "phe nguỵ", mà chịu khốn với "quân cách mạng".

Thế rồi, đúng ngày ông già quyết định đốn cây vú sữa, — vì từ nhiều tháng qua, lá nó úa vàng, rơi rụng dần dần, vô phương cứu sống —, người trong làng đến báo tin có người bị bắn chết bỏ xác bên một bờ rạch. Ông già ra đến nơi, lật miếng khăn che mặt xác chết, nhận ra đứa con trai thứ hai của mình.

Trên trang Facebook, Hồ Thị Ngọc Trang đặt câu hỏi (đối với người đọc bản dịch sang tiếng Anh):
Với cách đặt tên của người miền Nam: 'thằng hai, thằng ba , thằng tư,' Dương Nghiễm Mậu cố tình không viết hoa 'hai, ba, tư' vì họ không còn là những cá nhân có xác định cụ thể nữa, mà có thể là bất cứ thanh niên nào trong thời điểm đó. Dịch giả rất tinh nhạy khi dùng 'Our eldest son' cho thằng hai, 'the other son', 'my youngest son' cho đứa con kia. Chẳng biết cái không khí chiến tranh trong truyện có đến với người đọc nước ngoài chăng mà thôi.

Xa nhà đã gần cả đời người, có lẽ cũng trở thành như một người nước ngoài thôi, nhưng tôi có thể khẳng định rằng: không khí chiến tranh ép bức người đọc từ câu đầu đến câu cuối.

Đọc xong, tôi miên man nghĩ đến những chứng tích lịch sử chiến tranh trong văn chương Việt Nam:

# Nhã Ca: Giải Khăn Sô Cho Huế; Tình Ca Cho Huế Đổ Nát
# Hồ Đình Nam: HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
VÀ VỤ THẢM SÁT TẾT MẬU THÂN HUẾ 1968
https://www.facebook.com/gioohaingoai
# Nguyễn Thị Thái Hòa: NHÂN CHỨNG SỐNG TRONG ĐỢT THẢM SÁT TẾT MẬU THÂN Ở HUẾ  
https://hon-viet.co.uk/NguyenThiThaiHoa_NhanChungSongVuCSSatHaiNguoiDanHueTetMauThan1968.htm

Có khủng khiếp không: cảnh Hoàng Phủ Ngọc Phan (em Hoàng Phủ Ngọc Tường) trong một ngày chạy khắp thành phố Huế lùng bắt và giết cho bằng được gần trọn một gia đình (người quen cũ của ông ta) — từ hai ba người con, người bạn sinh viên Văn Khoa của một trong những người con này, cho tới ông nội 70 tuổi của nhân chứng Nguyễn Thị Thái Hòa. Tất cả những người bị bắn đều bị đem vứt xuống một hố chôn tập thể đào ở trong vườn nhà các nạn nhân.

Không khỏi kinh hoàng khi ôn lại cảm tưởng lúc đọc xong cuốn tiểu thuyết "Giờ thứ hai mươi lăm", xuất bản năm 1949, của nhà văn Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992), thời Thế chiến thứ hai, ở Đông Âu: những nông dân chất phác, những nhà trí thức nhân bản... bị đày đọa, tra khảo, giết chết, đưa từ nhà tù này đến nhà tù khác (thuộc về tất cả những phe phái tham chiến: Đức Quốc Xã, Liên Xô và cả quân đội Mỹ đến giải cứu Âu Châu); những người vợ hiền lành, những cô gái ngây thơ... bị quân Liên Xô hãm hiếp ngày đêm như súc vật.

Gần nửa thế kỷ sau "Ngày đốn cây vú sữa" (1969) của Dương Nghiễm Mậu, nhà văn Tiểu Tử qua truyện ngắn "Thằng đi mất biệt" (*4) (Chị Tư Ù, Tác giả xuất bản, 2012), xác nhận thêm một lần nữa, thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam: (1945-1954-1968-1975-????).

Khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu (Alan Paton, 1903-1988).




Đặng Thế Kiệt
2023-08-12



Chú thích

(*1) Ngày Đốn Cây Vú Sữa
https://www.facebook.com/nghiemtr.ho
Truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu
Võ Đình Mai chuyển sang Anh ngữ
Đăng trong War and Exile, A Vietnamese Anthology
Vietnamese PEN Aboard, East Coast U.S.A., 1989
THE DAY THE MILK-BREAST TREE WAS CUT DOWN
Nguyên bản tiếng Việt
(*2) Hồ Thị Ngọc Trang là vợ của nhà văn Dương Nghiễm Mậu.
(*3) Dương Nghiễm Mậu (1936–2016)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Dương_Nghiễm_Mậu
(*4) Thằng đi mất biệt