Sunday, March 1, 2020

gió lên rồi



Câu nói vụt dậy trong lòng khi vừa xem xong cuốn phim hoạt họa của Hayao Miyazaki.

Một chuyện tình trai tài gái sắc bên nước Nhật, giữa thiên tai động đất và chiến tranh khốc liệt những năm 1920.

Giấc mơ một đời của kĩ sư Jirô Horikoshi là sáng tạo một chiếc máy bay phi thường cho hàng không Nhật thời bấy giờ. Và sống hạnh phúc êm đềm bên nàng Nahoko Satomi khả ái.


Chính ngày chiếc phi cơ của Jirô đem bay thử lần đầu, thành công rực rỡ, thì Nahoko quyết định bỏ căn nhà nơi hai người chung sống, và trở về dưỡng viện  dành cho những người mắc bệnh lao phổi (sanatorium). 

Nàng muốn để lại cho người yêu những hình ảnh đẹp của mình trước khi từ giã cõi đời.

Ngày đầu tiên hai người gặp gỡ, trên một chuyến xe lửa, Naboko vụt đọc câu thơ của Paul Valéry (Le Cimetière marin) khi Jirô đến nhận lại chiếc mũ của chàng bị gió tung bay: " Le vent se lève... ", và Jirô tiếp theo ngay: " ... il faut tenter de vivre ! "

Gió lên rồi. Không, ta phải sống!





Phụ lục

(1)

"Gió lên, gió nữa lên!..." là câu nói trong bài Nhặt lá bàng, trích từ lời tựa trong cuốn tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh. Bài này tôi học lần đầu năm đệ Thất (lớp Bảy bây giờ) mà còn nhớ mãi. Bài viết nói về hai đứa con nhà nghèo ở Hà Nội, mùa đông giá rét mà ban đêm phải đi nhặt từng chiếc lá bàng đem về bán cho người ta đốt lò sưởi:

"Gió lên... lạy giời gió nữa lên. (...) Rồi chúng lại về ngồi chỗ cũ, mỗi đứa một gốc bàng, cho "khuất gió", khuất những cơn gió làm cho chúng rét run mà chúng vẫn mong nổi lên."





(2)

"Trên đê Yên Phụ, một buổi chiều mùa hạ. Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy, tưởng muốn lôi phăng cái cù lao ở giữa sông đi. (...)
Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp. (...)
Chồng hỏi vợ:
— Mình liệu bơi được đến bờ không?
Vợ quả quyết:
— Được!
—Theo dòng nước mà bơi... Gối lên sóng!
— Được! Mặc em!
Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi:
— Thế nào?
— Được! Mặc em!
Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh nàng lại mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:
—Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa.
Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi:
— Có bơi được nữa không?
— Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.
— Em buông ra cho mình vào nhé?
Chồng cười:
— Không! Cùng chết cả.
Một lát, một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi:
— Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?
— Không!... Sao?
— Không. Thôi đành chết cả đôi.
Bỗng Lạc run run khẽ nói:
— Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ."
(Trích Anh phải sống, Khái Hưng)












1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.