Friday, October 14, 2016

mưa trên phố Huế


Chị TH,

Ở Âu châu đã gần sang mùa đông, nhưng hoa cúc vàng còn đang nở rộ... 

photo dtk 20xy

Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên...
 


Chàng Xuân Diệu xưa viết hai câu thơ đẹp về hoa cúc, nhưng cũng đầy tham vọng quan sang.


Nhưng bây giờ là mùa xuân bên Úc, chị TH làm tôi bỗng nhớ Huế...


Em yêu xứ Huế ngày xưa,
Nhớ chùa Thiên Mụ nhớ hồ Tịnh Tâm.
Còn đâu những buổi mưa dầm,
Em cùng chúng bạn âm thầm gội mưa...
(*)


Hôm đó, chúng tôi ở phi trường Phú Bài, đang đợi chuyến bay về Saigon. Bỗng người tài xế, cho chuyến du lịch mấy ngày qua, chạy đến đưa cho một CD có bài Mưa trên phố Huế. Có lẽ anh ấy vừa lùng khắp mấy tiệm bán dĩa nhạc trong thành phố Huế. Tôi hơi cảm động, vì hiểu anh ấy đã nghe lời tôi kể, trong lúc xe ra phi trường, tôi rất thích bài ca này, lần đầu nghe được trên thuyền bơi dạo sông Hương hôm trước.

Gửi chị TH và các bạn huediepchi@googlegroups.com 

mấy youtube nghe lại cho vui...













Chú thích

(*) Bài thơ này thuộc lòng từ thời tiểu học, hay đọc được trong báo trẻ em "Tuổi Xanh" (vào những năm 1960, 1961…), bây giờ tôi không nhớ rõ.




Phụ lục

Tác giả: Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương
 

Ngâm thơ:

Ta nhớ ta thương... sông Hương, núi Ngự...
Mơ chốn yên bình, nhịp sống thanh tao
Ta vẫn ước ao, làm sao trở lại...
Dẫu Huế xa rời, ta mãi mến thương
Dẫu Huế u buồn, ta mãi nhớ thương...


Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài
cho lòng nhớ ai
Ngày chia tay hôm nao còn đây
Nước trên sông Hương còn đầy
Tình đã xa gió mưa u hoài
mắt lệ ngắn dài

Chiều nay trên Kinh Đô Huế
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ
anh còn nhớ không?
Chợ Đông Ba khi mình qua
Lá me bay bay là đà
Chiều thiết tha có anh bên mình
mà ngỡ hôm qua

Hò...ơi...!!! Ơi...hò...!!!
Chiều mưa phố buồn
Chiều mưa phố xưa u buồn
có ai mong đợi
Một người biền biệt nơi mô
Để nhớ với thương một người

Chiều nay mưa trên phố Huế
Biết ai đã quên ai rồi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi đều
cho lòng u hoài
Ngày xưa mưa rơi thì sao
Bây chừ nghe mưa lại buồn
Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng
làm mình cô đơn. 



Tái bút
2016-10-16 06:08


Cám ơn bạn NĐT đã chép cho bài thơ Nguyễn Bính viết từ năm 1941 về mưa ở Huế.

Bài Giời mưa ở Huế của Nguyễn Bính

 
Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Giời mờ ngao ngán một loài mây

Trường Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập Đá mênh mang bến nước đầy
Đò vắng khách chơi nằm bát úp
Thu về lại giở gió heo may...

Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
Để rồi nằm mốc ở nơi đây

Thuốc lào hút mãi người ra khói
Thơ đọc suông tình hết cả hay
Túi rỗng nợ nần hơn Chúa Chổm
Áo quần trộm mướn, túng đồ thay

Hàng xóm có người con gái lẻ
Ý chừng duyên nợ với nhau đây
Chao ôi! Ba bốn tao ân ái
Đã đủ tan tành một kiếp trai.

Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ!
Đành phụ nhau thôi, kẻo đến ngày
Khăn gói gió đưa sang xứ lạ
Ai cười cho được lúc chia tay?

Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ?
Mà nhớ mà thương đến thế này!

Cố nhân chẳng khoá buồng xuân lại
Vung vãi ân tình khắp đó đây
Mưa chiều, nắng sớm, người ta bảo
Cả đến ông giời cũng đổi thay!
Gia đình dọn cả lên Hà Nội (1)
Buôn bán loanh quanh bỏ cấy cầy
"Anh em cánh nhạn người Nam Bắc
Tâm sự hồn quyên lệ ngắn dài..."

Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
Hai đứa bàn nhau uống rượu say
Nón lá áo tơi ra quán chợ
Trơ vơ trên bến nước sông đầy
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành, lạnh ngón tay.
Ôn lại những ngày mưa gió cũ
Những chiều quán trọ những đêm say
Người quen nhắc lại từng tên một
Kể lại từng nơi đặt dấu giày
Trôi dạt dám mong gì vấn vít
Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây
Tỉ tê gợi nhớ niềm tâm sự
Cúi mặt soi gương chén rượu đầy
Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ
Đôi lòng hoà một vị chua cay
Đứa thương cha yếu thằng thương mẹ
Cha mẹ chiều chiều ...con nước mây
Hoa rao bán nhuỵ tình nên vợ
Chim nửa bình minh bóng trúc gầy.
Không hiểu vì đâu hai đứa lại
Chung lưng làm một chuyến đi đầy?
Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...
Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế
Quên được làm sao bữa rượu này.



Huế 1941

(1) Có bản in là "Gia đình thiên cả lên thành thị".

Tái bút 2
2016-10-16 21:27

Tuy nhiên, thơ Nguyễn Bính trong bài này sao mà thảm thiết quá.
Hôm qua, nghe lại bài hát nhắc đến ở trên ("Mưa trên phố Huế"), tôi chợt nhận ra là mình đã nhớ sai.
Chính ra là bài "Huế xưa". Lời ca cũng buồn đứt ruột, nhưng vẫn còn chút hi vọng vào một ngày mai tươi sáng.
Xin cài ở đây một youtube tìm được trên Internet, để nghe và nhớ.




Tái bút 4
2022-02-01 00:01
Thêm lời bài ca

Sáng tác: 

Anh Bằng


Tôi có người em sông Hương núi Ngự,
Ϲủa lũу tre thôn Vĩ hiền từ,
Ϲủa kinh thành cổ xưa thật xưa.
Buổi trưa em che nón lá,
Ϲá sông hương liếc nhìn ngẩn ngơ,
Lũ chim quуên ngất ngâу từ xa.
Tôi sống độc thân trong căn phố nghèo,
Bởi trót thương nên nhớ thật nhiều,
Bởi em là hạnh phúc tình уêu.
Ở bên ni qua bên nớ,
Ϲách con sông chuуến đò chẳng xa,
Nhỏ sang thăm có tôi đợi chờ.

Huế ơi! không biết bâу chừ,
Tiếng ca nào vương bên mạn thuуền,
Ϲó ai chờ ai qua Trường Tiền,
Không biết bâу chừ,
Nữ sinh mang nón bài thơ,
Để trai xứ huế mộng mơ.
Huế ơi! ta nhớ muôn đời,
Bóng trăng hồ sen trong Hoàng Thành,
Tiếng chuông từng đêm Thiên Mụ buồn,
Ta nhớ muôn đời,
Người con gái Huế quá xinh,
Tóc mâу ngang lưng trữ tình.

Non nước thần kinh quê hương đất lành,
Là trái tim sông núi của mình,
Ϲả linh hồn của dân hùng anh.
Bởi đâu gâу nên nông nỗi,
Ϲánh chim baу giữa trời lẻ loi,
Nhỏ tôi уêu không bao giờ nguôi.
Tôi đã lạc em trong cơn biến động,
Để tháng năm hai đứa lạnh lùng,
Để đêm ngàу kẻ nhớ người mong.
Khổ đau cao như mâу tím
Phố năm xưa Huế buồn buồn thêm,
Nhỏ уêu ơi, biết đâu mà tìm?!


Tái bút 3 
2018-04-30

Hôm nay "tình cờ" nghe lại một bài về Huế, Hà Thanh hát, âm thanh tan nát cõi lòng, và những bóng hình xưa lũ lượt bay về...



Saturday, July 23, 2016

buổi sáng trong rừng sách


Một tuần sau vụ khủng bố chết người ở thành phố Nice (Pháp) bên bờ biển xanh, cảm giác sống ở một xứ thanh bình bỗng trốn đâu mất. Sáng nay chợt có ý định đi xem sách ở Forum des Halles tại trung tâm Paris, tôi không khỏi lo sợ vu vơ. Hệt như mấy chục năm về trước, thời Sài Gòn chiến tranh, ban đêm giới nghiêm, ban ngày đọc báo tin lựu đạn nổ ở chợ Bàn Cờ hay rạp chiếu bóng Cao Đồng Hưng. Mỗi lần buổi chiều tôi đi đâu về trễ, vào đến cửa là thấy sắc mặt mẹ còn xanh vì lo lắng cho con.

Quả thực là hôm nay, khu phố Les Halles không đông đúc lắm. Bên cạnh lối vào nhà sách FNAC người ta không biết đợi gì, nối đuôi dài gần ba chục thước.

Tôi bồng bềnh đi trong mấy hành lang trưng bày bao nhiêu là sách. Số người đến đây hôm nay thưa thớt hẳn đi so với những "lúc bình thường". Cái thú đến xem sách ở đây là được hoàn toàn tự do lật tung bất kì một cuốn sách nào, xem qua vài trang hoặc ngồi bệt xuống đất, đọc trọn tập truyện bằng tranh (bandes dessinées) cũng không bị ai rầy rà.

Lâu rồi, tôi ít đọc sách in. Trên Internet bây giờ đọc ebooks không tốn tiền mua, đọc đến chết cũng không hết. Thỉnh thoảng mới ra quán sách mua vớ vẩn một cuốn gì đó, rất tình cờ, để thay đổi "không khí", thế thôi.

Tôi bâng quơ tạt qua gian hội họa, lật vài quyển viết về phái Impressionnisme. Ồ, sách họ in bây giờ đẹp quá, giá bán cũng phải chăng. Mấy bức tranh của Monet quả là bất hủ. Kìa bên kia là sách về nhiếp ảnh. Những bộ sách khá đắt tiền. Minh tinh màn bạc, người mẫu vú mông với những đường cong tuyệt mĩ. Câu thơ của Nguyễn Du mới là hợp cảnh: "Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên".

Không hiểu sao, một cuốn sách về chính trị/thời sự bỗng đập vào mắt tôi:




Có lẽ vì cái tên tác giả. Lão này trước kia là ngoại trưởng Mĩ, người đã kí hiệp định Paris 1973 cùng với Lê Đức Thọ (Hà Nội) bán đứng miền Nam cho Cộng Sản (Tàu). Ấy, sau đó hai tay này còn được phát giải Hòa Bình Nobel! Hừm, không biết hắn ta còn bày vẽ cái gì với một nhan đề như thế: "Trật tự thế giới (L'ordre du monde)"???

Ờ, kìa là một cái tên quen thuộc, nổi tiếng như cồn. Tôi biết sách của tác giả Thích Nhất Hạnh bằng tiếng Anh và tiếng Pháp bán rất chạy từ hàng chục năm qua. Ba cuốn tôi vừa thấy được xếp bên cạnh mấy cuốn best-sellers của Đức Đạt-lai Lạt-ma kia kìa. Ba cái nhan đề (và mấy dòng kèm theo) hết sức hợp thời đúng cảnh:



Apaiser l'esprit face à la violence
La réponse du Zen au terrorisme

Vivre en pleine conscience
S'ASSOIR

Prendre soin de l'enfant intérieur
Faire la paix avec soi

 

Tôi đứng trầm ngâm một hồi, miên man với bao ý tưởng trong đầu.

Quay mắt nhìn sang gian hàng bên cạnh, hỗn độn những tên chính trị gia Pháp đang đua chen cho kì bầu cử tổng thống năm sắp tới 2017.

Một bức chân dung nửa mặt với con mắt phải mở to nhìn sững lấy tôi: Michel ROCARD.



Tôi cúi xuống đọc nhan đề cuốn sách:

LETTRE AUX GÉNÉRATIONS
FUTURES, ESPÉRANT
QU'ELLES NOUS PARDONNERONT
 

THƯ GỬI CHO NHỮNG THẾ HỆ
MAI SAU, ƯỚC MONG
CÁC CON CÁC CHÁU THA THỨ CHO CHÚNG TÔI

Michel Rocard
(1930-2016) là cựu thủ tướng Pháp dưới thời tổng thống François Mitterrand (1916-1996). Michel Rocard vừa qua đời hơn hai tuần nay.

Ước mong các con các cháu tha thứ cho chúng tôi...

Ôi không bao giờ có một người Nnước Việt Nam bây giờ nói được một lời như thế!






















Monday, July 18, 2016

đàn bướm tung bay


Mẹ tôi buôn thúng bán bưng ít khi có dịp mặc áo dài. Một lần mẹ mặc chiếc áo dài cố hữu màu cánh gián may bằng lụa nội hóa dẫn tôi đi đến nhà một ông quen lớn để chạy chọt cho anh tôi đang ở quân trường khỏi bị đưa ra tiền tuyến. Mẹ con mỗi người ôm khư khư một gói trái cây quý nhập cảng từ bên Pháp. Dưới khí hậu nhiệt đới, những quả táo, quả nho tỏa hương thơm phức. Tôi bốc dòng máu nóng thiếu niên bồng bột nói với mẹ: "Có sức chơi sức chịu. Đi lính thì ra chiến trường. Tại sao phải cầu cạnh?!" Mẹ tôi không trả lời. Dưới ánh đèn tranh tối tranh sáng, bên chiếc bàn làm việc, vị giáo sư trẻ tuổi cười cười từ chối lấy lệ món quà. Ít tháng sau, mẹ tôi lại mặc chiếc áo dài cũ đó đưa tôi đi đón xe đò Saigon-Bình Dương. Chiếc xe cũ kĩ, chật ních, còn dư một chỗ ngồi cho mẹ, còn tôi nửa đứng nửa ngồi. Đó là một ngày đầu năm âm lịch, mẹ con đưa nhau đi thăm anh tôi thuộc Sư đoàn 5 bộ binh Vùng 3 chiến thuật. Quốc lộ 13 nắng rát, ngoằn ngoèo như thân rắn. Ruộng đồng hai bên khô cằn, nứt nẻ, trơ gốc rạ. Dấu vết làng mạc là nhưng túp lều tranh ở cuối xa xa. Màu vàng ruộng đồng bây giờ là màu lửa cháy xém chứ không phải là màu lúa chín mênh mông. Và những ngôi làng thiếu những bụi tre um tùm bao bọc. Dọc đường thỉnh thoảng gặp những căn nhà nửa tỉnh nửa quê chổng trơ chợ chiều. Lác đác tiếng nổ lẹt đẹt do những người lính Dân-vệ áo đen chĩa súng lên trời bắn pháo mừng xuân. Tấm lòng niên thiếu giữa thời chiến loạn bỗng nhiên hoang vắng lạ thường. Một lần thấy mẹ vui với chiếc áo dài Việt Nam, đó là lần đi lễ Nguyên Đán xin xâm ở Lăng Ông Gia Định. Không khí tràn ngập khói hương. Những tà áo màu ẩn hiện đâu đây.
Không biết hôm đó bói được quẻ gì, mẹ tôi hân hoan ra về, tay cầm lộc mới. Sau này sang Pháp, ở một tỉnh nhỏ. Đại học quốc tế mời sinh viên Việt Nam tham dự dạ hội mừng xuân. Đa số các sinh viên người mình không có tài văn nghệ. Nhiều người đề nghị cho các cô các cậu mặc áo bà ba đen hát hò dô ta. "Như kiểu Mặt Trận Giải Phóng Min Nam ấy à?!", tôi nghĩ. Yếu thế vì không biết đàn hát là gì, tôi vẫn lớn tiếng chống đối: "Mấy người múa hát lè phè. Thế giới kinh tởm chiến tranh rồi. Đem màu đen chết chóc ra trình diễn chỉ tổ cho người ta chán ngấy. Hãy cho các cô mặc áo dài. Múa có dở nhưng thấy áo dài đẹp, quốc tế họ cũng thích rồi!" Đêm trình diễn, các sinh viên da đen làm lễ tế thần, tiếng trống bập bùng như tiếng gọi của Phi Châu nguyên thủy. Các sinh viên Cam-Bốt mời được đoàn vũ công chuyên nghiệp từ Paris xuống biểu diễn màn múa dừa khô vô cùng ngoạn mục. Đến lượt các cô Việt Nam, chưa ai từng biết múa, vừa tập dượt vội vã được mấy ngày, từ trong hậu trường sân khấu nhịp nhàng bước ra. Hai cậu sinh viên từ hai bên hông khán giả bắt đầu quay ống đèn màu. Tiếng hát hòa mình với điệu múa nón bài thơ. Những bước chân còn vụng dại, nhưng không ai để ý, vì những chiếc áo dài thướt tha uyển chuyển như một đàn bướm tung bay... 

"Trời Xuân em che nón lá, nắng hanh lên hồng đôi má..." Các cô vừa lui bước trước khi màn hạ, những tràng pháo tay đã nổ ra ròn rã. Má cô nào cũng đỏ hây hây. Vì mệt hay vì sung sướng?



Belfort-Paris, 28.02.1985
















Monday, July 11, 2016

cá chết



Buổi trưa ra vườn xem hoa súng nở, chợt thấy một con cá phơi bụng bạc trên mặt nước trong hồ. Trông dáng con cá nằm, biết ngay là nó đã chết. Tôi lấy cái gáo dừa vớt nó lên, đem ra cuối vườn vùi xác dưới mấy phân đất đen. Lòng buồn buồn. Gần một tuần qua rồi, lòng tôi vẫn cứ mãi buồn buồn. Lạ thực.

Ờ, đem chôn một con cá chết trong hồ như vậy, tôi đã quen việc từ nhiều năm nay. Thỉnh thoảng thường có mấy con chim lớn bay lại rửa cánh, đôi khi ngắm nghé muốn mổ cá lội trong nước. Đó là chưa kể còn có con mèo lông xám nhà hàng xóm hay lảng vảng bên bờ hồ, nhiều khi còn thò chân xuống nước, định chộp cá. Mấy con cá nhỏ trong hồ, chắc biết thế nên ít khi dám trồi lên mặt nước, trừ vài khi lúc có người thêm nước vào hồ, nghe tiếng nước róc rách, chắc tụi nó vui quá, quên cả sợ, bơi lội tung tăng. "Bầy cá mới sướng chứ," tôi mỉm cười tự nhủ.

Mấy tuần nay, tin tức qua Internet báo động cá ngộ độc chết tràn trên biển miền Trung (Việt Nam). Ôi, mà tin tức buồn thảm về đất nước thì hà rầm từ mấy chục năm rồi. Nhưng lần này liên quan tới cá, nên tôi cứ ưởng ưởng trong người gần cả tuần nay?

Bất chợt, muôn vàn kỉ niệm xưa đổ dồn như nước lũ về trong tâm khảm.

Năm ấy, chưa đầy 17 tuổi, tôi đang học thi Tú Tài phần Một ở Sài Gòn. Chiến tranh Việt Nam bắt đầu càng ngày càng khốc liệt. Anh tôi nghỉ phép quân đội về thành, đem tặng tôi cuốn sách mỏng nhan đề "Nói với tuổi hai mươi" của tác giả Nhất Hạnh mà tôi chưa nghe đến bao giờ. Tôi hiểu ý anh tôi dùng món quà thay lời khuyên nhủ đứa em trai. Giản dị lắm, đại khái muốn bảo tôi hãy cố gắng học giỏi thi đậu và chưa phải đi lính ngoài tiền tuyến như anh ấy bấy giờ. Nhưng khi đọc cuốn sách, mặc dù lời văn rất trong sáng ngọt ngào, tôi lại bị lôi cuốn mãnh liệt vì một lá thư của một người tuổi trẻ ngang tàng, cũng chính là đối tượng của cuốn sách kia. Nhất là mấy câu viết này (ghi lại theo trí nhớ): "Chúng tôi không cần tới các ông nữa. Chúng tôi tự gánh lấy trách nhiệm của mình trên những đôi vai yếu đuối..." Không còn nhớ trong hoàn cảnh nào, tôi vùng ra tiệm sách Khai Trí đường Lê Lợi 
(*) Nhà sách Khai Trí, Saigon, trước 1975
mua về đọc ngấu nghiến bộ sách dày cộm "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" của Phạm Công Thiện.

Trong lá thư gửi cho Hồng (nào đó), dùng làm lời tựa, tác giả viết mấy dòng nồng nàn đầy cảm xúc làm tôi đau điếng tâm hồn (ghi lại theo trí nhớ): "Ngoài kia có những người tuổi trẻ đang giãy giụa chết trong mưa... Khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu..."

Có một điều kinh khủng mà tôi không bao giờ hiểu nổi: Tại sao còn những bàn tay bẩn điên cuồng đưa đẩy con người đến bước đường phá sản cùng tận mà hôm nay vẫn ngang ngược không nguôi?







Tham khảo