Wednesday, October 25, 2023

em bé và quả bóng đỏ


Hồi nhỏ học trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng ở phố Đa-Kao, thời lớp Nhì hay lớp Nhất, mỗi ngày đi ngang rạp chiếu bóng Asam gì đó, hay vào xem mấy hình rút từ những cuốn phim đang chiếu hay sắp chiếu trong rạp, trưng trên tường, trong cái hành lang nhỏ xíu.

Một hôm thấy một bảng vẽ thật to trên mái cao trước rạp, quảng cáo phim "Em bé và quả bóng đỏ", tự nhiên thích quá.

Bác Lộc gái (chị cả của cha tôi, lấy chồng tên Lộc, ở Thị Nghè) một hôm đến thăm nhà. Không biết tại sao, bà bác hứa sẽ cho tôi, và hình như cả anh tôi nữa, đi xem cuốn phim đó.

Ngày tháng trôi qua, mấy lần gặp bác sau đó, không nghe bác nói gì về lời hứa cũ. 

Từ đó tôi cứ ngẩn ngơ nhớ cuốn phim kia.

Mấy năm sau lên trung học, tôi say mê đọc hết các báo dành cho học sinh thời đó: Tuổi Xanh, Măng Non, Tuổi Hoa, v.v. Tôi thích thú gửi vài bảng chơi ô chữ, tranh vẽ, bài thơ... đăng báo. 

Lần đầu tiên, tôi có bảng ô chữ tự mình làm ra, với tranh nền là một con chó, 10x10 ô đen trắng, in trên báo Măng Non. Tôi đem khoe với một thằng bạn trong xóm. Nó không tin, làm tôi ấm ức cả buổi, nhưng không biết lấy gì làm bằng cớ.  Báo Măng Non có mục tranh vui cười mà tôi rất thích, nhưng không nhớ tên người họa sĩ phụ trách. Mục này có 2 nhân vật chính là Tư Xún và Ba Xạo, 2 cậu bé lên 12-14 tuổi.

Một hôm tôi cũng vẽ gửi một chuyện vui ngắn bằng tranh, gồm mười hình. 

Đó là một mẩu đối thoại, như sau:

Ba Xạo: Nhà tớ có hàng ngàn gia súc.
Tư Xún: Vậy nhà bồ giàu lắm nhỉ?
Ba Xạo: Làm gì mà giàu.
Tư Xún: Vậy lấy gì nuôi?
Ba Xạo: Đâu cần nuôi. Toàn là ruồi với muỗi cả.

Tranh tôi vẽ không được đăng, nhưng lời đối thoại được họa sĩ mục tranh vui cười lấy nguyên văn và vẽ lại hoàn toàn, đề tên tác giả là tôi.

Cha tôi xem báo, có vẻ hãnh diện lắm. Nhưng tôi không biết cha có nhận ra rằng tranh vẽ không phải của tôi.

Năm 14 tuổi, tôi viết một bài gửi đăng báo Măng Non, bây giờ còn nhớ như in:

Buổi chiều đi học về, chợt thấy ở một góc đường, có một ông dựng chiếc xe đạp, với một bình khinh khí kềnh càng, bơm những quả bóng màu rực rỡ, buộc vào guidon, đong đưa trước gió. Tôi moi túi quần được mấy đồng bạc cắc, lại mua một quả. Tôi còn xin thêm một sợi dây để nối cho dài. Tôi bước đi, ngước mắt nhìn quả bóng lơ lửng, lòng tràn ngập niềm vui nghĩ đến món quà cho đứa em nhỏ ở nhà. Tôi chợt hụt chân, vuột mất quả bóng trên tay. Và đứng sững nhìn theo nó, từ từ bay lên cao, vượt quá ngọn cây, rồi nhỏ dần, mất hút vào mây.

Bất ngờ hôm qua, xem trên Facebook một tấm hình có một em bé cầm một quả bóng đỏ chạy trên đường phố Paris.

photo Facebook

Không thể nào lầm lẫn: đây chắc chắn là một tấm hình trong cuốn phim thời nhỏ Đa-Kao.

Lời ghi chú kèm theo bức hình rất rõ: 
Le Ballon Rouge 1956. Paris. Court métrage français réalisé par Albert Lamorisse et tourné à Ménilmontant avec la participation des enfants du quartier. (Quả bóng đỏ 1956. Paris. Phim ngắn do Albert Lamorisse thực hiện và quay tại Ménilmontant với sự tham gia của các trẻ em trong phố.)

Tôi bỗng thấy mình trở lại thời 60 năm về trước, thành một chú bé cầm bóng chạy trên đường phố Paris.

Hôm nay viết mấy dòng này để làm chi không biết?

Nhớ đến nhan đề một cuốn sách của Henry Miller (1891-1980): Remember to remember. Souviens-toi de te souvenir.

Chắc phải dịch sang tiếng Việt theo thể điệu phiêu bồng của Guillaume Apollinaire (1880-1918) như thế này chăng:

Mùa thu mãi mãi
Em nhớ cho
Em nhớ nhé đừng quên



Đặng Thế Kiệt
2023-10-25











Sunday, October 15, 2023

những trái hồng mùa thu

 

photo dtk 2023: vườn hồng

Sáng nay vào thu, khí trời chỉ hơi se lạnh. Cây hồng trồng mới hai năm đã ra khá nhiều trái. Chợt nhớ những kỷ niệm ngày xưa.

Nhà tôi hồi nhỏ, mẹ đi lấy chồng xa, gửi nhà tôi ở trọ dì Năm. Có phận sự chính là giữ em, đưa võng cho tụi nó ngủ, hoặc bồng đi chơi. Ngày Tết, Là bồng đứa em theo đám múa lân từ sáng tới chiều, đói thì đập bể trái dưa hấu cạp ăn. Tới tuổi đi học trường làng, buổi trưa bà ngoại đem gà mên cơm đến trường. Một bữa bà quên, buổi trưa nhờ người quen nhắn với bà nội nhà ở gần trường sai người nhà đem cơm lại. Là mắc cở, không chịu ra nhận gói cơm. Buổi chiều ra về, cùng với một con bạn. Là đói bụng mờ cả mắt, đi trên đường làng mệt lả, cứ đòi nằm trên bờ cỏ ngủ. Con bạn phải dìu đi mấy lần mới về tới nhà. Lục nồi trong bếp được chén cơm nguội, đem chan nước luộc bầu, ăn ngon lành. Có những ngày không có gì ăn, bà ngoại dẫn Là đi hái mấy trái trâm ăn lót dạ.

Sau bà má gởi tiền về cho dì Năm. Cho Là đi học trường bà sơ ở Lái Thiêu, rồi sau gởi đi nội trú ở Sài Gòn. Cuối tuần, không có ai tới rước, ở lại một mình trong phòng nội trú. Chiều chúa nhật, mấy đứa bạn mới lục tục về trường. Có một đứa cùng lớp, mỗi lần về trường đều mang theo quà cáp. Hôm đó, nó cầm trên tay một trái cây rất lạ, màu đỏ cam, giẹt như trái cà chua. Con nhỏ rất đẹp, nhưng bị câm. May có đứa bạn khác nói cho Là biết đó là trái hồng. Hình như lần đó Là chưa được cắn một miếng hồng nào.

Còn tôi, kỷ niệm đầu tiên về trái hồng là trên chuyến tàu di cư từ Hải Phòng, ghé Nha Trang, rồi tới Sài Gòn. 

Tôi còn nhớ rõ, mấy ngày lênh đênh trên biển cả. Lúc đầu, ở dưới hầm tàu. Người ta nôn mửa đầy chung quanh giường sắt hai tầng. Hôi hám muốn nghẹt thở. Cha mẹ tôi xin phép được đưa lên boong tàu. Che bạt nằm, gió biển thổi phần phật. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy dễ chịu hơn ở dưới hầm. Bên cạnh chỗ chúng tôi nằm, có ông lính khố xanh khố đỏ, — theo lời cha tôi —, luôn mồm kể chuyện. Tôi nghe ông nói chữ "bánh tây", sau này mới biết đó là "bánh mì". Ông ta còn chia cho chúng tôi miếng bánh biscuit lạt, khổ vuông 10 phân, ăn bùi bùi. Cha tôi bảo đó là trong khẩu phần cho quân đội Pháp.

Mẹ tôi không biết dự bị lúc nào, cho chúng tôi ăn trứng gà luộc, món tráng miệng có sẵn thúng quýt vàng ươm. Lúc ghé cửa biển Nha Trang, có thuyền cập bên hông tàu buôn bán xôn xao. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn củ mã thầy và một thứ quả khô lạ lắm. Đó là những miếng giẹt, hình tròn, trên phủ đầy bột trắng. Mẹ tôi đem ngâm vào nước nóng, bột trôi sạch, hiện ra một thứ trái nâu nhạt, ở giữa nhận ra cuống trái nhiều cánh. Mẹ cắt ra làm nhiều miếng, đưa cho chúng tôi ăn, ngọt ngào, dẻo quẹo.


Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức trái hồng khô. Hương vị thần tiên.








Tuesday, October 3, 2023

tiễn một người chưa quen trên hè phố đông vui


trên hè phố đông vui, Trương Minh Giảng, Sài Gòn 1973 (lth)


Đọc tin một người nào đó mới qua đời, lòng tôi thường nhói lên một chút.

Hôm qua đọc bản tin, trên FB Gió O Hải Ngoại, được biết Phan Ngọc Hùng (1955-2023), không biết là ai, vừa mới qua đời, lòng tôi cũng nhói một chút. Một chút thôi, — vì tấm hình kèm theo quá rực rỡ.

Rồi đọc và nghe mấy lời hát kèm theo, mà cảm thấy hạnh phúc tràn trề.

We had joy, we had fun
We had seasons in the sun

Đường Trương Minh Giảng? Sài Gòn đó ư? Năm 1973? Như là mới hôm qua. Tôi đã từng lai vãng qua con phố này từ những năm xa lắc. Anh Hùng sao mà cười tươi thế. Hai cô bạn cũng đẹp như hoa. Và nắng Sài Gòn. Chẳng cần áo lụa Hà Đông.

Ba người bạn, tuổi chưa tới hai mươi, trên ngưỡng cửa vào đại học cuộc đời.

Tôi lên youtube kèm theo, nghe đi nghe lại hai ba lần bài hát, mà lòng vẫn vui.

Thời buổi Internet cũng hay. Tôi tò mò tìm trang Facebook của Phan Ngọc Hùng đọc một hai bài cuối anh viết trước đây vài tháng. Thì ra anh cũng dự trước ngày về cõi nghìn thu:

@ FB Phan Ngọc Hùng (1955-2023) Trong những ngày nằm bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chờ đợi phán quyết chung thẩm của 1 đời người. Sao lòng mình thấy thanh thản và nhẹ nhàng vô cùng. Bởi vì: — Chúa đã dành cho mình quá nhiều yêu thương và ân sủng, — Đức Mẹ đã dạy mình qua 2 tiếng Fiat: "Cám ơn Mẹ, con thực lòng thống hối, Noi gương người, con xin nói "XIN VÂNG" Vẫn vui tươi bước trọn con đường trần, 1 phút, 1 giờ cứ tuân ý Chúa."

Thật cảm động khi đọc bài thơ anh viết cho mẹ:

NGÀY 8 THÁNG 3 CỦA MẸ
8 tháng 3,
Mẹ trốn trong trang sách,
Tìm chuyến tàu,
về thơ ấu xa xưa.
Nhớ tiếng võng,
kẽo kẹt buổi trưa,
Tiếng sáo diều đong đưa trong mây trắng.
Trong vùng ký ức tù mù trống vắng,
Tuổi thơ Mẹ,
bươn chải với nắng mưa,
Ngoại mất sớm,
Mẹ chạy chợ sáng trưa
Để kiếm cái mặc cái ăn từng bữa.
Trong đời Mẹ.
chẳng cần Ngày Phụ Nữ,
Quãng đời Mẹ,
chỉ biết chữ hy sinh.
Mẹ chẳng thiết tha với thói hư vinh,
Chỉ biết chôn mình vào tình mẫu tử. 
Đời của Mẹ,
là 1 trang huyền sử,
Mà câu chữ là những nét gian nan.
Năm lần mái tóc Mẹ vấn khăn tang,
Tiễn chồng, bốn con bước sang cõi chết.   
Tôi nghe da diết những lời:
Người ta,
xuân sắc có thời,
Mẹ tôi,
chinh phụ một đời vọng phu
Đêm đêm nghe tiếng Mẹ ru,
“Cha con chinh chiến tít mù miền xa”
Đó, 
Mẹ tôi là một cành Hoa.
Bước qua giông bão, 
không nhoà toả hương.
Bây giờ Mẹ ở cuối đường,
Dầu con khôn lớn, tình thương vẫn đầy.
Mẹ ngồi đọc sách mê say,
Thả hồn theo chuyến tàu đầy tuổi thơ.
Ừ, 
thôi Mẹ cứ mộng mơ,
Mặc cho tâm thức mù mờ khói sương.
Mẹ ơi,
Đời là cõi vô thường,
Con còn có Mẹ, tình thương muôn đời.

PAUL SARTRE PHAN NGỌC HÙNG (8/3/2023)


Anh Hùng ơi, xin vĩnh biệt một người bạn chưa quen.


Đặng Thế Kiệt
2023-10-03