Tuesday, January 31, 2023

bài Tựa cho tập thơ Hoa Nắng

  

Tác giả bài Tựa: Quách Tấn (1910-1992)
Tác giả tập thơ Hoa Nắng: Thi Vũ (1935-2023)


photo 2018 dtk@hdc.com

Mùa thu năm Canh Tý 1960, đương buồn cảnh "lão khứ văn chương", tôi nhận được thư của một bạn thanh niên chưa quen biết, từ Paris gởi sang, lời nồng ý hậu.

Thư của Thi Vũ.

Thật chẳng khác tiếng chim hoàng ly, trong, ấm, đối với một hành nhân thui thủi trên con đường nắng nhạt, tư bề lau lách đìu hiu.

Lòng tôi thấy bớt cô quạnh.

Từ ấy thư từ qua lại, khi chuyện văn chương, khi niềm tâm sự. Tình trao ý đổi, chúng tôi trở thành đôi bạn vong niên. Nhưng kẻ cố quốc người tha hương, bấy lâu chỉ gặp nhau trong văn thơ, trong mộng tưởng.

Tuy vậy tôi vẫn nhìn thấy được con người của Thi Vũ, một con người phong lưu, tế nhị, vương mang sầu vạn cổ, hằng khao khát "bể cả của tình yêu". Sống cô đơn  giữa chốn đông người quen thuộc, Thi Vũ

"đi một mình tìm mãi giữa mông lung
"dáng dung nào suy tưởng mãi không thành".

Lòng mong mỏi

"có ai đến thêm hồn tôi chút sắc
"trút long lanh vào những mắt sao mờ"

Nhưng

"con tàu chạy trong hồn không thấy ngớt"


"tiếng cười reo lạnh tái bóng hư không"

Không tìm được những gì mong tìm nơi ngoại giới, Thi Vũ bèn trở về nhìn kiếm trong thăm thẳm của tâm tư.

Chắc chắn tôi không lầm, vì sắc thái tâm hồn của con người phong tao ấy đã in đậm vào lòng thơ những tập “Mùa Xuân Xa”, “Dáng Châu”, và “Hoa Nắng”, những tập thơ tuy còn nằm trong bản thảo, nhưng tôi đã may mắn được xem. Tôi xem với tấm lòng khách yêu thơ, rồi xem bằng đôi mắt nhà thẩm mỹ. Xem đi xem lại, tình riêng âu yếm với tình.

Nhưng trong ba tập thơ, tôi yêu nhất tập "Hoa Nắng".

Đó là một tập thơ tản văn thi (Poème en prose), giàu hình ảnh, giàu âm nhạc, chứa đựng bao kỷ niệm suy tư của con người đã từng thiền định về các kinh nghiệm sống, đã từng đối thoại với tâm hồn...

Chan chứa tinh thơ : nơi đây "nắng đẹp chảy đầy đôi mắt biếc” ; nơi kia “biển xanh xa vời vợi, mênh mông buồm gọi nhớ nhung về” ; nơi thì “nhớ tưởng không bằng lời, yêu thương đọng đôi giờ gần gũi” ; nơi lại “lòng xôn xao chan chứa, mừng vui đón kẻ lạ đến từ xa”. Cũng có nơi “hương không về qua khứu giác, lời không vang trong âm thanh”. “Tất cả lặng yên, lặng yên như sợ vỡ niềm trong lành thanh thoát” ; lại có nơi “đưa hồn tắm vào bể rung cảm của nhạc hót thô sơ mà đầm ấm, thô sơ mà trong trẻo, thô sơ mà có thể nâng cả người ra ngoài cuộc đời”.

Nói sao hết được tình thơ trong “Hoa Nắng” !

Tưởng chừng là lòng giếng Cô Tô, tôi “nghiêng mình nhìn xem lòng thẳm giếng”, đưa tay lên sửa lại “những vì sao của những vì sao trên trời, của trời sao đêm găm đầy mái tóc giếng", và lắng tai nghe "tiếng chân đêm gánh sao về lóng lánh, giọng hò ngày rực rỡ mở đời ra".

Tưởng chừng là hình dáng Bí Phi lướt sóng, lòng tôi cùng lòng tác giả "xôn xao trong mùi biển khơi", và "với biển khơi cầu mong sự biến dạng cho đến ngày cá thể hình thành đại dương".

Dạt dào vui sướng, tôi bèn đề nghị cùng tác giả cho "Hoa Nắng"  ra đời.

Trong mùa xuân qua, Thi Vũ sửa chữa lại Hoa Nắng và mong tôi viết cho lời tựa, “hầu mai đây lúc đủ thiện duyên xuất bản được, Hoa Nắng sẽ bớt đơn côi, thôi sợ lạnh lùng trên đường đời heo hút”.

Đã lòng hạ cố đến nhau, thì dù không bút trổ yên hà, cũng không dám phụ lòng tri kỷ.

Nhưng biết viết gì đây hỡi lòng ?

Âu là chép lại những niềm rung cảm trước tình bạn, trước tình thơ. Sơ đạm nhưng chân thành, thêm ngày đã nung tháng đã nấu. Ngọn đèn canh vắng, hỡi người nước thẳm non xa, rằng thiển rằng thâm, hãy tạm gọi đi là tựa.

Viết tại Nha Trang,
tiết lập thu năm Quý Mão 1963
QUÁCH TẤN 


nguồn: Hoa Nắng, thơ Thi Vũ, tái bản lần thứ ba, nxb Quê Mẹ, Paris, 2015