Thursday, June 4, 2020

chém tre đẵn gỗ trên ngàn


2020/06/02, 00:30

Bụi trúc này tôi đem từ Lugano (Thụy Sĩ), vườn nhà anh Thưởng, cách đây quãng 15 năm. Anh Thưởng là người trồng cây rất đẹp, nhất là về bonsaï, đặc biệt là các loại hoa lan. Lần thăm anh năm đó, còn được anh dẫn lên núi xem rừng hoa đỗ quyên. Ngắm hoa, nhìn xuống cảnh hồ thành phố, thấy đây là xứ thần tiên.

Hôm đem trúc Lugano về nhà, tôi nhớ chỉ có ba bốn cành tỉa ngắn, vì phải để trong xe mang về Pháp. Vậy mà chỉ hai ba năm sau, trong vườn đã mọc một bụi xanh um.

Mỗi năm, kể từ khoảng giữa mùa xuân, đọt măng lan đầy chung quanh bụi trúc. Cách đây hai năm, măng trúc còn tràn tới gốc bụi buis bên cạnh. Một khối cầu xanh mướt, đường kính lớn hơn 1 m, bỗng nhiên héo úa suýt chết.

Năm nay, suốt hạ tuần tháng Năm, ngày nào cũng nghe nhà tôi cằn nhằn, trồng bụi trúc ở chỗ này thiệt lầm rồi. Trong bụng tôi cho nhà tôi có lí. Nhưng nghĩ tới việc phải vác cuốc ra đào trúc, tôi ớn quá, cứ lần lữa qua ngày. 

Cách đây khoảng mười năm, tôi từng trải qua một cuộc "đào trúc trần ai". Số là dọc theo một bức tường chung với nhà hàng xóm phía đông, tôi đã trồng một hàng rào trúc dài hơn mười lăm thước. Năm đó, người hàng xóm than phiền, trúc vườn nhà tôi đã chui qua chân tường xi-măng, mọc đầy bên vườn họ. Tôi nhớ, lần đó đã hì hục ba ngày, mới dọn sạch đám rễ trúc rừng xâm chiếm đất người ta. 

Rút kinh nghiệm như thế, lần trồng trúc Lugano, tôi đã chọn chỗ đất ở giữa vườn, không sợ rầy rà hàng xóm. 

Nhưng rõ ràng năm nay, măng non lan mạnh chưa từng thấy. Không những nhú đầy trên sỏi trắng khu vườn kiểu Nhật ở phía sau, lại còn mọc tùm lum, chui từ dưới gạch lót vòng quanh hồ trồng sen, trồng súng... và nuôi cá làm cảnh nữa.

Sau cùng, từ ba hôm nay, tôi quyết định đem bụi trúc chuyển vô chậu.

Mỗi sáng, uống trà hoặc cà phê xong, tôi đội mũ, thay quần áo làm vườn, vác dụng cụ đủ loại ra đào trúc. Kinh nghiệm đầy mình, tôi chuẩn bị sẵn cuốc, xẻng, dao tỉa cành, cưa, đục, v.v.

Hỡi ơi, không thể nói là đào trúc, phải nói là chặt, là cưa, là đục, là chém!

Những cây trúc xanh um, thân bóng mượt như thế, nhưng đụng tới gốc của chúng, mới thấy đoạn trường.

Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai! (1)

Tôi cuốc toé lửa xuống gốc bụi trúc, không nhúc nhích gì cả. Vì đất thì khô và cứng. Khi cạy ra được một chút rễ, khô, chằng chịt với nhau, biến thành đá có thớ vàng.

Không được, không được. Phải có chiến lược mới xong.

Tôn Tử nói: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. 

Sau khi phân tích tình hình, tôi biết sức mạnh của trúc ở cái mớ rễ kia đoàn kết chặt chẽ với nhau thôi. 

Trước hết, tôi tìm cách chia rẽ bụi trúc ra thành nhiều cụm nhỏ. Bắt đầu tiến công thẳng vào cả bụi, rất khó. Tôn Tử nói phải đánh vào chỗ trống, tức là chỗ quân địch không đề phòng. Trong trường hợp của bụi trúc này, "chỗ trống" chính là mấy kẽ nhỏ giữa các gốc cây. Dùng đục đóng vào nhưng kẽ đó, cào cạo từ từ đất bám, nạy ra từng đoạn ngắn rễ nổi trên mặt đất, cắt đứt, cưa đứt đất bám rễ, cho tới khi nào có đủ một cái rãnh đủ lọt mũi cuốc. Thường thường, phải cắt bỏ một hay nhiều thân cây để tạo chỗ trống. 

Nếu chưa được, phải kêu cứu tới ông Lão Đam: Nhu thắng cương, nhược thắng cường. Đem vòi nước rưới ướt đẫm mấy cái kẽ giữa những gốc cây và một cái rãnh vòng ngoài gốc bụi trúc. Đợi mấy giờ sau hoặc qua đêm, thì có thể bổ mũi cuốc vào khe trống, từ từ nạy ra và tách mấy gốc trúc vòng ngoài là dễ hơn cả. 

Archimède xưa có nói: Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể bẩy cả địa cầu. Nguyên tắc đòn bẩy áp dụng vào công việc nạy rễ trúc là đây. Cái khó, là tìm ra điểm tựa tốt nhất cho mỗi lần nạy bằng cái cuốc, dùng như một cái xà beng (tức là một loại đòn bẩy).

photo @dtk 2020
 










2020/06/02, 14:50

Vừa nuốt xong dĩa cơm cá saumon chiên. Từ sáng khoảng 9:30, đã mặc áo ra vườn chặt trúc, đến 13:00 vào nhà nghỉ. Lúc vào nhà, không muốn ăn gì cả, nốc lần thứ hai nửa lít nước chanh đường. Cám ơn bà xã chu đáo. Lên nằm nghỉ trưa hơn một tiếng đồng hồ, mới muốn ăn một chút để lấy lại sức, để lát nữa ra vườn tiếp tục "chiến đấu". 

Từ ba ngày rồi, mỗi ngày hai buổi ra vườn chặt trúc. Chiều hôm qua, theo phương lược đề ra, đã tách ra được bốn năm cụm trúc, mỗi cụm hai ba cây. Nhà tôi cũng phụ một tay, cắt ngắn thân cây còn chừng 1/2 bề cao cũ (bề cao bây giờ khoảng 2,5 m), tỉa bớt lá và trồng lại vào một chậu lớn.

Tôi để ý, làm việc cật lực như vậy, mà chỉ khát nước thôi. Trung bình hai buổi tôi uống ít nhất hai lít nước. Nước chanh đường và cả nước dừa đóng thành bịch. Nước dừa đóng vào bịch uống không ngon lắm. Vừa uống tôi vừa nhớ lại ngày xưa, được uống nước dừa tươi, cạnh Nhà thờ Ngã Sáu, trước cổng trường Chu Văn An. Mấy ông nhà quê, đẩy xe ba bánh, chất đầy những trái dừa xanh. Ai muốn uống, chỉ cần bỏ ra mấy đồng, ông ba gác lấy rựa chặt vỏ dừa tại chỗ, khoét một cái lỗ ở cuống, bỏ vào trong vài hạt muối. Khách hàng hút nước dừa, ngon mát thần tiên. Uống xong, còn lấy thìa nạo lớp cùi dừa non bên trong trái dừa, trắng nuốt, mát rượi cổ họng. Ôi, những ngày xưa thân ái...

Tôi vừa chặt rễ trúc, vừa suy nghĩ bâng quơ chuyện gà qua chuyện vịt. 

Lúc dao chạm phải một mớ rễ bám vào đất cứng như đá, tôi chợt buồn cười vì mấy chữ Việt "tóc rễ tre". Hì, hì, nói hơi quá, sao không nói "tóc bừa cào" luôn thể.

tranh Lương Khải 
(1140-1210)
Bỗng nhớ đến bức tranh của Lương Khải (2) diễn tả sự tích Lục tổ Huệ Năng chặt trúc ngộ đạo trong chớp mắt.

Muốn đục xuống đất tạo một kẽ trống, mới thấy thiếu cây búa tạ. Nhìn quanh quất chung quanh, may quá trong góc vườn Nhật bên cạnh, tìm được một cục đá to, chắc nịch, rất vừa tay. Đóng lên cây đục sắt một cái, đã quá. A ha, ta bỗng hóa thành người thượng cổ thời đại đồ đá (âge de pierre)! Câu thơ cũ của Tô Thùy Yên (3) lại vi vút trong đầu: "Ta hóa thân thành vượn cổ sơ."

Một lần, đào sâu xuống đất, từ đầu cuốc văng ra một con ốc sên. Mừng quá, vì nó chưa bị vỡ. Tôi lượm nó lên, bỏ ra xa, dưới gốc cây buis gần đó. Ngày xưa, Nhà Phật có ba tháng an cư kiết hạ, ở yên một chỗ để tránh giết hại côn trùng. 

Tôi bỗng nghĩ đến bà chủ vườn nhà. Hồi nhỏ, chưa đầy tám chín tuổi, nhà tôi do hoàn cảnh gia đình, phải sống với dì Năm. Thật vậy, bà má nhà tôi tái giá, lấy chồng xa, không tiện giữ con. Là (tạm gọi tên nhà tôi như thế) ở nhà dì Năm, ngoài một buổi đến trường, chỉ có bổn phận duy nhất: lo bồng bế mấy đứa em họ. Không biết vì lí do nào, Là từ nhỏ đã thích trồng cây. Đi đâu, thấy cây cỏ gì lạ, đều xin về trồng. Lần đó, Là xin được một gốc cây mít nhỏ thì phải, đem về nhà trồng trong một góc vườn. Ngồi mơ mộng trên võng đu em. Ờ, mai mốt lên được cây mít lớn, đem trái ra chợ bán, rồi mua con heo con nuôi cho lớn, đem ra chợ bán, mua được một con bò... Buổi chiều đi học về, chạy ra vườn xem, không thấy cây mít đâu nữa. Bà Ngoại nói: "Ôi thôi, tụi thằng Mãng lùa trâu chạy càn qua đó, đạp nát hết rồi!" Thằng Mãng là đứa em họ, tuổi xấp xỉ với Là, buổi tối hai đứa tranh nhau ngủ hai bên bà Ngoại... Sau này, hai vợ chồng tôi đi du lịch, ở bất kì thành phố nào trên thế giới, Là cũng đòi đi bằng được xem vườn bách thảo ở đó. Trên đường, thấy cây mình thích, nhiều khi lén bứt cành đem về nhà trồng. Một lần, thăm Trúc Lâm Thiền Viện ở Đà Lạt, Là trông thấy sau rào trong vườn nhà chùa một cành hoa gì thích lắm. Ngó tới ngó lui, chưa biết tính sao. May quá, có một ông sư đang đứng trong vườn, trông thấy, ngắt một nhánh hoa cho Là. Kể dài dòng như thế, để hiểu rằng Là mê cây cỏ chừng nào. Ấy thế mà, ở trong vườn nhà, mỗi mùa xuân, khi đem cây ra chăm sóc, tôi lại nghe tiếng Là kêu oai oái vì ốc sên hay limaces ăn hết những đọt cây non. Sau Là tìm được phương pháp trị ốc sên rất hiệu quả: đổ bia vào một cái đĩa khá sâu. Ốc sên, limaces ban đêm vô uống, chết trôi trong bia hàng đống...

Chiều hôm qua, kiểm điểm kết quả đạt được, nhà tôi góp ý: "Làm vậy bao giờ mới xong. Sao không nhổ từng cây một."

Lúc đó, tôi còn hơi lưỡng lự. Vì nhổ từng cây, nghĩa là đem vứt hết phần bụi trúc còn lại. Không khỏi đau lòng. 

Tôi lúc nào cũng thương trúc. Cuối vườn hướng Nam, tôi còn trồng một bụi trúc đen huyền, năm nào đem từ Saint-Tropez về không nhớ nữa. Bên góc đối diện, còn có mấy thân trúc vàng to bản. Đấy là chưa kể, trước đây có người còn cho một loài trúc thân vàng-xanh xen kẽ. Bụi trúc sọc vàng-xanh xen kẽ bị chết mất rồi.

Sáng nay ra chỗ bụi trúc, xăm soi một hồi. Mặt trời hôm nay có vẻ gay gắt và tôi cũng đuối sức rồi. Ok, thay đổi chiến thuật. Bây giờ dùng phương pháp "bắn sẻ" từng cây một. 

Tới trưa, tôi cắt sạch 50-60 cây trúc còn lại, chỉ chừa lại hai cây, chụp một tấm hình để ghi nhớ.

photo @dtk 2020


Ngày mai, tôi sẽ đốn chúng xuống, gom lại cùng hơn trăm thân trúc đã tỉa, dự trữ dùng làm cột đỡ (tuteurs), giàn, rào hoặc nhiều thứ hữu dụng khác trong vườn. Tôi sẽ san bằng mặt đất, đem chậu bụi trúc mới đặt chỗ này. 

Tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa, bụi trúc sẽ vươn lên, cao vút trời xanh.


***


Chú thích

(1) Ca dao Việt Nam.
(2) Lương Khải 梁楷 (1140-1210), họa sĩ đời Tống (960-1279)
http://www.chinaonlinemuseum.com/painting-liang-kai-sixth-patriarch.php
(3) Tô Thùy Yên (1938-2019): 
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ



Tán thán

Thế là Kiệt đã thực tập 3 ngày theo chủ trương Thiền Bách Trượng 百丈 "Bất tác bất thực" (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực 一日不作一日不食). Tuy chưa Đả thất, còn gọi là Nhiếp tâm. Nhưng do không ăn nên Văn ra. Tốt. Nếu tôi nhớ không lầm thì câu "Kích trúc vong sở tri 擊竹忘所知" là do sự tích về Thiền sư Hương Nghiêm 香嚴, đệ tử Tổ Bách Trượng, trong khi chặt cây quét lá, một viên sỏi va khóm trúc phát ra tiếng, đập vào trí ông.
https://peacemeditation.ljm.org.tw/page.aspx?id=1807

Ông liền ngộ ngay lúc ấy. Sở tri là kiến thức mà Phật giáo cho là trở ngại cho chân lý xuất hiện (cf. Phật Quang Đại Từ Điển, Hương Nghiêm kích trúc 香嚴擊竹). Những năm tháng Huệ Năng 慧能 còn ở Lĩnh Nam bán củi nuôi mẹ. Nhân gánh củi đến tiệm bán nghe tiếng người tụng kinh đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm 應無所住而生其心" thì hoát ngộ. Hỏi khách tụng kinh gì, thỉnh ở đâu. Khách đáp Kinh Kim Cương 金剛, ở nơi tổ Hoằng Nhẫn 弘忍. Huệ Năng về lo liệu chuyện mẹ già rồi lên núi Hoàng Mai cầu pháp với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.

Cư sĩ Võ Văn Ái (1935-2023)
2020/06/05
ed 2023-02-02 add image huong-nghiem









No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.