Saturday, March 9, 2024

nhớ thi sĩ Bàng Bá Lân (1912-1988)

 
Có lẽ là vào những năm đầu bậc trung học, ở lớp đệ Lục đệ Ngũ gì đó, tôi đọc được hai bài thơ của Bàng Bá Lân và thấy thích ngay. Bây giờ, hơn 60 năm sau, tôi vẫn còn thuộc nằm lòng 4 câu đầu của hai bài thơ đó.

Bài thứ nhất:

Tôi yêu tiếng Việt miền Nam,
Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao.
Yêu xe thổ mộ xôn xao
Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê.

Bài thứ hai:

Dưới gốc đa già, trong vũng bóng,
Nằm mát, đàn trâu ngẫm nghĩ nhai.
Ve ve rung cánh, ruồi say nắng;
Gà gáy trong thôn những tiếng dài.


Cả đời, tôi chỉ là người phố thị, thế mà đọc mấy câu trên, tôi say mê mơ tưởng những cảnh đồng quê chưa từng biết bao giờ.

Vào thời kỳ đó (1962-1964), chưa đầy 15 tuổi, học trò con trai phải mang giấy Lược Giải Cá Nhân. Tôi còn nhớ năm đó, cùng bạn bè chen lấn trước Nha Học Chính (?), bên cạnh trường Trưng Vương, gần Thảo Cầm Viên, để lấy cho được mảnh giấy khổ bằng nửa trang vở học trò, in trên một thứ giấy bở hơn tờ nhật báo. Sau đó đem cho người ta bọc plastique hai mặt, dán chặt bốn cạnh bằng cái bàn ủi đốt than, rồi mới bỏ vào túi áo để mang theo thường trực bên mình.

Một lần trên đường Hai Bà Trưng gần nhà thờ đi về nhà phía chợ Tân Định, có cảnh sát đòi kiểm soát giấy tờ. Tôi móc túi lấy giấy Lược Giải Cá Nhân ra trình. Chợt nhìn thấy bóng mẹ tôi ở bên kia đường. Bề ngang đường Hai Bà Trưng khá rộng, vậy mà tôi thấy mẹ đứng yên, mặt xanh như tàu lá chuối. Tôi bỗng mủi lòng thương mẹ.

Vài năm sau đó, Sài Gòn bị giới nghiêm, không được phép ra đường kể từ 20 giờ tối. Mỗi lần đi đâu về trễ gần giờ giới nghiêm, vào nhà tôi lại thấy mặt mẹ xanh như lần tôi bị kiểm soát tờ Lược Giải Cá Nhân.

Hồi đó, tôi bắt đầu thích đọc báo Tự Do, và say mê theo dõi truyện dài feuilleton Khói Sóng của Như Phong Lê Văn Tiến, giúp tôi sớm hiểu về một thời kỳ chiến tranh rất phức tạp, manh nha từ buổi đầu Cách mạng mùa Thu 1945. Ngoài ra, tôi cũng thích đọc những truyện dài của Nguyễn Hoạt, mục Nói Hay Đừng của Hiếu Chân (một biệt hiệu của Nguyễn Hoạt), mục thơ Đàn Ngang Cung của Hà Thượng Nhân.

Tinh thần học sinh sinh viên những năm đó thường rất hoang mang, đau buồn vì ảnh hưởng chiến tranh lan rộng. 

Nhạc Trịnh Công Sơn bắt đầu chấn động nỗi niềm tuổi trẻ. 

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu...

Người con gái Việt Nam da vàng
yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Người con gái Việt Nam da vàng
yêu quê hương nước mắt lưng tròng...

Bẵng đến năm tôi sửa soạn thi Tú Tài Một (1966-1967). Tôi chợt đọc thấy rao tên Bàng Bá Lân trên nhật báo Tự Do, được cho giữ mục tuyển thơ gì đó.

Tôi làm một bài thơ gửi đăng. Điều bất ngờ là Bàng Bá Lân không đăng trong mục tuyển thơ của ông, mà lại viết một bài  trong mục Gàn Bát Sách dưới bút hiệu Đồ Gàn, nếu tôi nhớ không lầm. 

Đại khái, viết tản mạn về thời sự mùa hoa phượng, cũng là mùa thi cử, dẫn giải từng đoạn bài thơ của tôi.

Xin ghi lại dưới đây theo trí nhớ:

Những ngày tháng thanh xuân
Cắm đầu trên bàn học
Lấy mắt nhồi vào óc
Toán, Sử Địa, Công Dân

Những ngày tháng thanh xuân
Trôi dần dần đi mất
Chờ đi giựt bằng cấp
Để được sống yên thân

Những ngày tháng thanh xuân
Trôi dần dần đi mất
Giương mắt nhìn trân trân
Khóc không ra nước mắt

Có cảm tưởng thiếu mất một khổ 4 câu. Nhưng biết sao giờ? 

Bài thơ rất ủy mị đúng mode thời đó. Hình như mang chút hơi hướm thể điệu của Ý Thức Mới trong Văn nghệ và Triết học của một tác giả mới nổi tiếng Phạm Công Thiện (1941-2011).

Mối duyên thơ của tôi với Bàng Bá Lân không ngờ gặp lại hôm nọ trên Internet.

Tôi tình cờ đọc được một bài thơ khác của Bàng Bá Lân trên trang web "Chim Việt Cành Nam"
http://chimvie3.free.fr/83/huongcau/huongcau_BangBaLan_Doi_083.htm

Bài thơ dài 116 câu (viết năm 1957) ghi lại một biến cố lớn năm 1945, tức là nạn đói khủng khiếp do quân đội Nhật gây ra:

Năm Ất Dậu, tháng ba, còn nhớ mãi
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!...

Đây là một bài thơ phóng sự có giá trị lịch sử trong văn học Việt Nam.

Người giới thiệu trên trang web chimviet3.free có nhã ý dẫn làm mào bài thơ trên của Bàng Bá Lân bằng mấy câu tôi dịch thơ chữ Hán của Cao Bá Quát:

Củ củ thùy gia tử, 
Y phá, lạp bất hoàn,
Thúc tòng nam phương lai 
Hướng ngã tiền đầu than...
(Đạo phùng ngạ phu)

Lủi thủi ai đi đó,
Áo rách nón tả tơi.
Chợt từ phía nam lại,
Đến ta than mấy lời…
(Trên đường gặp người đói)

Ông thầy Việt văn của tôi năm đệ Nhị, dạy cho tôi ham đọc Truyện Kiều chẳng hạn, chính là thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1915-1976).

photo wikipedia: Bàng Bá Lân (1912-1988)

Bây giờ nhớ lại, tuy chưa bao giờ theo học Bàng Bá Lân (1912-1988), tôi cũng mạo muội tự coi như là học trò ông.

















No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.