bóng ngày qua
lá non thác đổ đâu đây, vẳng nghe nước cũ bóng ngày thoảng qua をちこちに滝の音聞く若葉哉 ochikochi ni taki no oto kiku wakaba kana ~ From far and near, Hearing the sounds of waterfalls, Young leaves (Buson) ~ https://www.takase.com dang.thekiet2022@yahoo.com
Thursday, November 14, 2024
bèo nổi mây chìm
"Xuân đời chưa hưởng kịp,
Mây mùa thu đã sang."
Hai câu thơ vi vút bay về khi chụp tấm hình trên đây. Tác giả là Vũ Hoàng Chương, ~ tôi vẫn thích nhớ lại là thầy dạy Việt văn cho tôi trong một năm xưa ngắn ngủi. Chiều nay, không mang sầu vạn cổ, ~ sao lại nhớ đến hai câu này? Chắc hẳn là vì mấy cụm mây trắng bay lững lờ trong đáy ao bèo.
0770. "Để con bèo nổi mây chìm vì ai." http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/
Bỗng liên tưởng đến Đinh Hùng:
"Hôm nay có phải là thu,
Mây năm xưa đã phiêu du trở về?"
Cứ như thế thì thu sẽ liên tu bất tận.
Câu thơ của Lưu Vũ Tích, ~ mà tôi muốn lấy làm "quan điểm tích cực" đối với mùa thu:
"Ngã ngôn thu nhật thắng xuân triêu."
我言秋日勝春朝。
~ hôm nay bị hai nhà thơ Việt Nam áp đảo...
Thôi, tạm mượn lời một bài hát của Trịnh Công Sơn, khá hợp cho khoảnh khắc này:
"Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng..."
----
dtk@hdc.com ngày cuối tuần 14/11/2024
Saturday, October 19, 2024
cây bút mực
Hôm qua 3 giờ sáng, trằn trọc hoài không ngủ. Có lẽ vì buổi chiều qua phố Saint-Michel, đổ về như nước lũ, bao nhiêu những kỷ niệm êm đềm ngày cũ. Lên phòng viết, mở máy PC, chợt thấy bên cạnh bàn chữ (keyboard) cây bút máy Mont-Blanc, cùng với bình mực, phản chiếu lên khung màn ảnh, một vòng sáng lung linh.
Cây bút này là quà sinh nhật nhà tôi cho từ hơn hai chục năm rồi. Tôi rất thích cây bút này, đen huyền, điểm thêm những viền vàng trên nắp bút và ở phần dưới quản bút. Mỗi lần cầm bút, vừa vặn trong ba ngón tay, mở nắp, vạch lên giấy mấy con chữ, ngòi làm bằng thép mạ vàng, không cứng quá, không mềm quá, không cắn vào giấy, nét không to quá, không nhỏ quá. Thật là hạnh phúc thần tiên.
Gõ chữ đến đây, gõ thẳng vào smartphone như thói quen từ nhiều năm nay, tôi không ngăn được ý muốn lên phòng sách, viết thử mấy chữ, tìm lại niềm vui khi viết bằng cây bút mực này.
Nhưng trong công việc mưu sinh, từ lâu tôi đã quen viết bằng bàn gõ trên máy. Thành thử bây giờ cây bút Mont-Blanc chỉ nằm đó làm cảnh mà thôi.
Hồi mới di cư vào Nam (1954), trước ngày tựu trường vào lớp Năm ở trường Tiểu học Di Chuyển Đa-Kao, mẹ tôi dẫn đi mua một cuốn vở, một cây bút chì hiệu Gibert và một quản bút hai màu vàng-đen tuyệt đẹp.
Chỉ còn nỗi nhớ https://www.facebook.com/share/p/G1CjVqm2UPMgLdw4/ |
Hôm đầu tiên vào lớp mới hay học trò có hai ba trình độ khác nhau. Có đứa đã biết đọc biết viết vanh vách. Có những đứa như tôi, còn phải viết chữ bằng bút chì.
Không nhớ nữa, mấy tuần hay mấy tháng sau, cô giáo quyết định cho tôi viết bằng bút mực. Mừng quá, tôi xin phép đến lớp anh tôi, học trên tôi hai ba lớp, để lấy cây bút mực mà mẹ giao cho anh giữ. Đứng thập thò bên cạnh cửa lớp anh tôi, không nhớ đã làm dấu cách nào cho anh tôi hiểu là tôi muốn xin cây bút gỗ. Thằng anh tôi chắc cũng nhút nhát, không dám xin phép ra khỏi lớp, mà lại nhờ một tên bạn, có phận sự viết bài cho cả lớp trên bảng đen, sát bên cửa ra vào, kín đáo đưa cho tôi một cây bút. Nhìn cây bút này, cũ kỹ dính mực tùm lum, tôi thất vọng não nề, đâu phải là cây bút xinh xắn mới tinh mà mẹ đã mua cho tôi trước buổi tựu trường. Tôi đành lủi thủi trở về lớp, trong lòng ấm ức chẳng biết làm sao.
Hôm nay, khi viết mấy dòng này, tôi không còn nhớ số phận cái bút xấu xí này về sau ra sao nữa. Anh tôi về nhà có đền lại cho tôi cây bút mới hay không. Nhưng những vết mực lem luốc làm tôi nhớ đến những bình mực Hondo thời đó. Những cái bình mực nhỏ nhắn này hay lắm, làm bằng nhựa, nắp mở kết hợp với một cái ống thông xuống gần đáy bình mực. Khi viết, chấm ngòi bút vô ống, nếu có lỡ để nghiêng bình, mực không bị đổ ra ngoài.
Made in Sài Gòn https://www.facebook.com/932495416802843/posts/2600402996678735/?app=fbl |
Năm đó, vào giờ tập vẽ, tôi vẽ một cái bình mực Hondo, rất kiểu cọ, mấy chữ Hondo nghiêng nghiêng. Cô giáo chấm điểm 10/10 và bảo tôi lên bảng vẽ làm mẫu cho các trò cùng lớp.
Chợt nhớ tới Jean-Jacques Sempé (1932-2022), họa sĩ và nhà văn người Pháp, có tranh đăng trên trang bìa báo The New Yorker, kể từ năm 1978, trong 40 năm. Ông trả lời phỏng vấn, nói dùng ngòi lá tre để vẽ tranh. Mà các học trò tiểu học cùng thời với tôi 1954-1967, đa số đều dùng ngòi bút lá tre made in France để viết.
Sempé, Le Pont des Arts https://fr.pinterest.com/pin/766245324074568314/ |
Sempé est devenu en quarante ans une icône new-yorkaise en signant plus de 110 couvertures du prestigieux magazine culturel. https://fr.m.wikipedia.org/wiki/Jean-Jacques_Semp%C3%A9 |
Sau 5 năm tiểu học, tôi chuyển sang dùng bút máy Pilot của Nhật, những năm trung học, sau sang Pháp du học dùng bút Watermann, Parker... rồi đi làm có tiền xài bút Mont-Blanc. Không biết viết chữ bằng bút mực, bút nguyên tử (stylo à bille), bút feutre... tôi có viết được gì hay ho không nhỉ.
(6) Made in Sài Gòn https://www.facebook.com/932495416802843/posts/2600402996678735/?app=fbl |
Chẳng bao lâu, đến thời Internet, toàn viết bằng bàn gõ trên máy điện tử. Hình như có cái gì thay đổi trong tôi. Bây giờ AI (Trí khôn nhân tạo) (*1) đang thao túng con người, tôi có chút gì hóa thành máy móc rồi chăng?
(dtk, 17/10/2024)
----
Ghi chú
(*1) AI: xin đề nghị dịch là "Trí khôn nhân tạo", với ý là do người tích tụ dữ kiện (big data) làm ra. Không lẫn lộn "Trí khôn" với "Trí tuệ", là phần Tinh anh - Thần trí của con người. Người Tàu dịch là: "nhân công trí năng" 人工智能. Người Nhật dịch là: "Nhân công trí năng" 人工知能. Cf. http://bong-ngay-qua.blogspot.com/2019/11/tri-khon-nhan-tao.html
Tuesday, July 16, 2024
cửa
Paris 75013, avenue de Choisy |
Cũng gọi Sa ha, Sách ha.
Hán dịch: Nhẫn, Kham nhẫn, Năng nhẫn, Nhẫn độ.
Chỉ cho thế giới Sa bà (Phạm: Sahā-lokadhātu), tức là thế giới hiện thực do đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa. Chúng sinh trong thế giới này làm 10 điều ác, chịu đựng các phiền não mà không muốn lìa bỏ, vì thế gọi là Nhẫn. Lại khi chư Phật, Bồ tát làm việc lợi lạc ở thế gian này, các Ngài phải chịu mọi thứ phiền não để biểu thị lòng vô úy và từ bi của các Ngài, cũng gọi là Nhẫn. Sa bà còn được dịch là Tạp ác, Tạp hội, nghĩa là cõi Sa bà là chỗ Tam ác, Ngũ thú tụ hội phức tạp.
Ngoài ra, danh từ Sa bà vốn chỉ cho cõi Diêm Phù Đề, nơi cư trú của chúng sinh, đời sau, Sa bà trở thành 1 thế giới Tam thiên đại thiên do đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa, cho nên gọi chung thế giới có trăm ức núi Tu Di là Sa bà.
[X. Pháp Hoa Văn Cú Q.2, hạ; Pháp Hoa Huyền Tán Q.2; Đại Đường Tây Vực Kí Q.1].
làm vườn
gốc cây
thôi mường tượng nho
thuyền mây
kẻ không nhà
(*) http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/
Câu 2026: Về sau chẳng biết vân mòng ra sao.
vân mòng: tăm hơi, âm hao (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt)
Sunday, June 30, 2024
những vần thơ nhớ mẹ
Cảm ơn ai đã gửi trên Facebook bài thơ «Em đau», trích từ sách Tập đọc Quốc Văn lớp Ba, do Hà Mai Anh và Đặng Duy Chiểu biên soạn, nhà xuất bản Việt Liên, Sài Gòn 1957 (*).
Tìm thầy, lo chạy thuốc men
Đêm ngày săn sóc, vì em nhọc nhằn.
Hết bóp trán, lại xoa chân
Lúc ly sữa ngọt, khi cân cam sành
Em ho: ngực mẹ tan tành
Em sốt: lòng mẹ như bình nước sôi.
Em nằm khấn Phật, cầu Trời
Sao cho chóng khỏi, mẹ cười, em vui.
Em ho: ngực mẹ tan tành
Em sốt: lòng mẹ như bình nước sôi.
Em nằm khấn Phật, cầu Trời
Sao cho chóng khỏi, mẹ cười, em vui.
Đã 60 năm qua rồi! Không nhớ nữa, đã đọc trong sách «Tập đọc Quốc Văn lớp Ba» ghi trên, hay trong một số báo «Tuổi Xanh».
Xem hình vẽ trong sách, tôi cảm động bồi hồi, thấy hệt như chính mình, nằm sốt li bì, trong một căn phòng ở nhà chú Thụ, phố Quan Thánh Hà Nội, thời khoảng gia đình chúng tôi đang chuẩn bị lấy tàu di cư vào Nam.
Lúc đó tôi chưa đủ lớn để có ý thức về mẹ, — như tác giả bài thơ.
Một hai năm sau đó, tôi vào trường tiểu học "Di Chuyển Đa Kao" ở đường Đinh Tiên Hoàng quận Nhất Sài Gòn.
Một chiều ê a học bài, mẹ bảo tôi đọc lại cho nghe, đó là một bài thơ của Tú Mỡ, nói về nhà trưởng giả học làm sang với tủ gương sập gụ gì đó, tôi quên hết rồi. Tôi ngạc nhiên vì mẹ có vẻ rất thích.
Một lần khác, tôi học một bài thơ của Tản Đà, trong đó có mấy câu mà tôi còn nhớ nằm lòng:
Tan buổi học, mẹ ngồi tựa cửa
Mắt trông con đứa đứa về dần
Xa xa con đã tới gần
Các con về đủ quây quần bữa ăn
Cơm dưa muối khó khăn mới có
Của không ngon, nhà khó cũng ngon
Khi vui câu chuyện thêm giòn
Chồng chồng, vợ vợ, con con một nhà
Mẹ lại bảo tôi đọc lớn tiếng. Và mẹ nghe, lấy làm rất thú vị.
Sau này lên trung học, nhà vừa mua được một cái máy thu thanh, gọi là cái ra-đi-ô. Buổi tối, mẹ bảo tôi dò băng tần tìm cho mẹ chương trình Tao Đàn do Đinh Hùng phụ trách. Tôi mới hiểu mẹ cũng thuộc nòi sính thơ. Thói thích thơ của tôi hẳn là mẹ truyền cho tôi từ nhỏ.
Những năm tuổi trẻ, trước khi đi học ở nước ngoài, tôi còn nhớ rất nhiều bài thơ đọc trong các sách quốc văn hoặc trên các báo dành cho trẻ em như Tuổi Xanh, Măng Non, Tuổi Hoa..., rồi đến các nhật báo (Tự Do, Chính Luận...) và tạp chí văn chương (Văn, Thời Tập, Khởi Hành...). Và còn làm vài bài thơ đăng báo nữa chứ.
Thí dụ mấy câu bây giờ vẫn còn nhớ như in:
Nhận chiếc phong bì xinh xắn
Của người bưu tá trao cho
Lòng em nở muôn hoa nắng
Tuy trời giăng xám màu tro
Em yêu chữ người bạn mến
Đường dài vẫn thắm màu xanh
Và con dấu nhà bưu điện
Trên tem in vết rành rành
hoặc là:
Em yêu xứ Huế ngày xưa
Yêu chùa Thiên Mụ yêu hồ Tịnh Tâm
Còn đâu những buổi mưa dầm
Em cùng chúng bạn âm thầm gội mưa
(báo Tuổi Xanh, không nhớ tên các tác giả)
Tôi vẫn tiếc không có dịp đọc những bài thơ này cho mẹ.
Năm 2005, về Sài Gòn thăm nhà. Một hôm mẹ lục trong mấy lá thư tôi viết cho mẹ, lấy ra một bức, đọc cho anh em chúng tôi nghe và bảo: "Mai này mẹ mất, hôm làm tang lễ, các con đem bức thư này đọc cho mẹ nghe."
Hai năm sau mẹ mất, tôi không về kịp đưa tiễn, gia đình hôm làm tang lễ không ai nhớ lời ước nguyện của mẹ. Tôi vẫn ân hận suốt đời.
Những ngày ở Hà Nội trước khi lên đường di cư vào Nam, anh tôi được xếp vào đám nhi đồng trong phố, mỗi chiều học hát son đố mì.
Tôi còn nhớ 2 câu: "Đây thiên đường tổ quốc chúng ta, Đây ruộng vườn quê hương ngàn đời."
Sau 1975, ở nước ngoài, tôi tìm mãi trên Internet, hỏi những người am hiểu lịch sử Việt Nam hiện đại... nhưng không thấy mảy may dấu vết nào về 2 câu hát đó.
(dtk, 30.06.2024)
Sunday, June 9, 2024
noces de camélia
09/06/2024 20:10 chủ nhật
Từ tuần trước tôi đã quyết định làm kỉ niệm ngày thành hôn cho thật đàng hoàng. Đề nghị với nhà tôi chọn ngày thứ bảy này, thay vì ngày chính thức trên giấy tờ, năm nay rơi vào ngày chủ nhật, phố chẳng đông vui.
Café de Flore nằm ngay khu Saint-Germain-des-Prés. Mấy triết gia, thi sĩ, nhà văn, nghệ sĩ... những năm 1920-1970 đến đây làm mưa làm gió (Ernest Hemingway, Jean-Paul Sartre, Alberto Giacometti...). Bây giờ du khách thế giới đến Paris, thế nào cũng phải ghé qua đây.
église Saint-Germain-des-Prés |