Saturday, August 5, 2017

mất quê hương



Hôm đó, vợ chồng tôi đang ngồi trong quán ăn Au Vieux Saigon, avenue d'Ivry quận 13 Paris. Chợt có một cặp già nhỏ nhắn lại ngay bàn bên cạnh. Nhà tôi bỗng nhìn đăm đăm người đàn bà lớn tuổi, rồi ngập ngừng nói: — Dạ, có phải là chị Thu Tâm không ạ?

Người đàn bà khựng lại nhìn nhà tôi, và rồi tỏ vẻ nhận ra nhau.

Từ nhiều năm qua, nhà tôi hay nhắc đến những kỉ niệm thời học trò ở Saigon. Vào những năm cuối trung học đệ nhất cấp ở trường Regina Pacis, ở trọ nhà cô bạn con gái nhạc sĩ Bửu Lộc, nổi tiếng trên Đài Phát Thanh Saigon. Và nhờ đó quen biết ca sĩ Thu Tâm. Chị Thu Tâm thỉnh thoảng làm ca sĩ trong những buổi tối ca nhạc tổ chức tại nhà riêng của nhà đàn tranh Bửu Lộc, trong một ngõ hẻm trên đường Phan Thanh Giản. Khách tham dự thường là mấy tướng tá người Huế.

Người đi kèm chị Thu Tâm trong tiệm ăn hôm đó lại chính là Lê Văn Hảo.


Mấy hôm sau, cặp Thu Tâm - Lê Văn Hảo nhận lời đến thăm chúng tôi. Vào nhà tay bắt mặt mừng. Một cách rất tự nhiên, bốn người xếp thành hai cặp nói chuyện với nhau: chị Thu Tâm và nhà tôi tạo thành một cặp, Lê Văn Hảo và tôi thành cặp thứ hai.

Hai người đàn bà huyên thiên nói gì với nhau, sau lần gặp mặt đó nhà tôi mới kể lại một phần cho tôi biết. Riêng cặp Lê Văn Hảo và tôi, thì Lê Văn Hảo nói nhiều hơn và tôi gần như chỉ lắng nghe.

Không ai bảo ai, đề tài nói chuyện xoay quanh "trường hợp Lê Văn Hảo" trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế. Tôi chỉ đọc lần đầu tiên đến cái tên Lê Văn Hảo, trong cuốn tiểu thuyết hồi kí Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca. Lê Văn Hảo lặp lại nhiều lần: "Họ đã bombardé tôi vào chức đó, chứ nào tôi có muốn làm."

Cái chức vụ mà Lê Văn Hảo nói đến ở đây, chính là chức "Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên – Huế" khi quân cộng sản Bắc Việt tấn công Huế năm Mậu Thân 1968. Lê Văn Hảo trầm giọng kể cho tôi nghe kỉ niệm xưa. Hồi đó, quân đội Pháp cưỡng chiếm nhà cha mẹ ông làm tổng hành dinh.

Thế mà ông lại say mê cô con gái của viên sĩ quan trưởng đóng tại nhà.

Rồi một đêm, người mẹ của Lê Văn Hảo nhảy xuống giếng trong vườn. Để lại mấy lời trăn trối: Mẹ đau quá con ơi, đau không chịu nổi... Ông Lê Văn Hảo nói mẹ ông bị bệnh ung thư tử cung. Ông ấy còn nhắc lại lời mẹ bắt ông phải hứa không bao giờ lấy đầm làm vợ. Vừa kể ông ấy vừa rơm rớm nước mắt làm tôi cũng mủi lòng.

Thế rồi câu chuyện chuyển sang thời kì Lê Văn Hảo được đưa về Bắc. Cả mười năm trời, không phải làm gì hết, lại được nuôi cho đi thăm viếng khắp các miền non nước.

Ông ấy đem một tập giấy hơn hai chục trang chụp photocopie từ những bài đăng trên báo Thông Luận ở Paris khoảng năm 2007, cùng với lời viết tay nắn nót trên bìa cứng: 


Lê Văn Hảo
Tiến sĩ Dân tộc học, nguyên hội viên Société Asiatique de Paris
MẤY NÉT VIỆT NAM ĐẸP TƯƠI MUÔN THUỞ
Bản riêng tặng cô R. & anh K.
L.V.H. và Thu Tâm
Mùa Xuân tháng 3/2009

Hôm đó, Lê Văn Hảo nói ước vọng của ông hoàn thành tác phẩm, dày khoảng 800 trang.

Chỉ cần đọc nhan đề 13 bài viết trên đây là đủ nhớ da diết quê hương nghìn dặm:




Bản đồ Việt Nam
Mũi Cà Mau
Chòm Lũng Cú
Ao Bà Om
Hương Sơn - Chùa Hương
Hòn Non Nước
Nha Trang
Đà Lạt
Vũng Tàu
Yên Tử
Vườn Chim, Sân Chim, Tràm Chim
Lời cảm ơn của tác giả
Cùng một tác giả (danh mục tác phẩm)

Tôi đã đọc mấy bài này, rất thú vị. Lời văn trong sáng, đượm tình yêu nước non dân tộc.

Không nhớ trong hoàn cảnh nào, chúng tôi bốn người đứng trong sân siêu thị Thanh Bình Jeunes ở gần Porte de Choisy. Siêu thị này là của một người trong nước làm chủ. Theo một người bạn học cùng trường xưa ở Việt Nam, người chủ này là họ hàng với tiệm Thanh Bình kì cựu ở Place Maubert Paris từ mấy chục năm về trước. Trước 1975, hầu như dân Việt cả nước Pháp và cả Âu châu đều về đây mua thức ăn rau trái Việt Nam. Sau 1975, cửa tiệm này thất thế dần dần vì bị các siêu thị lớn của người Tàu (Tang Frères, Paris Store, ...) đè bẹp. Riêng siêu thị Thanh Bình Jeunes này chuyên bán các thực phẩm đem từ Việt Nam sang (thay vì phần lớn nhập cảng từ Thái Lan như các siêu thị của người Tàu), và đặc biệt còn có mấy ngăn hàng bán sách báo Việt Nam in trong nước.
 

Lúc đó, tôi hơi ngạc nhiên thấy Lê Văn Hảo đến trò chuyện với một người Pháp, khoảng 40-50 tuổi, rõ ràng mang dáng dấp của một SDF (sans domicile fixe) như người Pháp nói bây giờ, tức là một loại clochard truyền thống ở Paris ngày xưa: áo quần xốc xếch, hai gò má lộ ra những tia máu đỏ của những người nghiện rượu. Trông thái độ hai người như thầy trò với nhau. Điều tôi lấy làm lạ, người Pháp này nói được tiếng Việt khá sỏi. Anh ta bảo với tôi rằng trong siêu thị đang bày bán mấy tạp chí có bài của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hóa ra, cứ mãi quanh quẩn với mấy nhân vật trí thức ngày xưa: Trịnh Công Sơn, Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, v.v.

Mấy hôm nay, tôi tìm được trên Internet mấy bài phỏng vấn Lê Văn Hảo và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cả hai chối bai bải không chịu nhận có dây dưa gì trong cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế. Cả hai nói, khi đó họ đều ở trên núi, không hề tham gia quyết định trong trận chiến. Họ quá lắm chỉ tự coi là bù nhìn.

Năm 1996, lần đầu tiên về thăm quê hương sau biến cố 1975, tôi ra xem hai tiệm sách lớn ở Saigon đường Nguyễn Huệ và đường Tự Do (cũ), chỉ rặt thấy bán những sách: hồi kí của Trần Văn Khê, nhạc của Trịnh Công Sơn, tiểu thuyết của Sơn Nam, sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ngoài ra, còn có một số sách của Nguyễn Hiến Lê. Nói tóm lại, đều là những người được chế độ mới ưu đãi.

Gần như cả cuộc đời trên mặt đất tôi chỉ là một kẻ mất quê hương.

Từ mấy chục năm nay, tôi chỉ có một câu hỏi quay quắt trong đầu:

Một cá nhân Hồ Chí Minh, xảo quyệt dường nào đi nữa, nếu không có những bộ hạ, và nhất là những tay "trí thức" loại "trung lập", "chủ hòa" hoặc "thành phần thứ ba", cộng với sự hỗ trợ đắc lực của hàng triệu những bác sĩ, giáo sư, thi sĩ, kĩ sư, tu sĩ... —những "tên khờ có ích" (idiots utiles), thì làm sao có thể đưa đẩy đất nước và dân tộc Việt Nam vào con đường vô vọng ngày nay?








10 comments:

  1. from:
    date: Sun, Aug 6, 2017 at 4:10 AM

    (...) Sắp hết cuộc đời, tôi mới giải hoá được mặt thật của những người mà người ta gọi là nhân dân, bất kể thành phần nào. Từ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng... xuống tới LV Hảo, HPN Tường... đều thực hiện chủ nghĩa ngu dân -- một trong nhiều loại Vô minh.

    ReplyDelete
  2. from:
    date: Thu, Aug 17, 2017 at 7:33 PM

    (...)
    Hồi đó chúng tôi có nhà ở Vỹ Dạ, sống rất an bình bên giòng sông Hương thơ mộng.
    Sau biến cố MT, Vỹ Dạ không còn an ninh về đêm như trước nên Viện Đại Học Huế cấp nơi cư trú cho một số giáo sư ở trong vùng thiếu an ninh. Nhà tôi hồi đó trong ban giảng huấn của ĐH Sư Phạm và Kiểu Mẫu Huế nên được cấp một căn trong Cư Xá Giáo Sư Đại Học, nằm trên bờ sông Bến Ngự, cạnh cầu ga xe lửa.
    Ngẫu nhiên chúng tôi được cấp căn apartment ông Lê văn Hảo ở trước khi theo VC vào bưng. Tôi còn nhớ lúc dọn vào căn nhà bề bộn với bao nhiêu sách vở, thư từ hồ sơ của gđ ông Hảo không kịp dọn dẹp hay đem theo trong lúc vội vã. Ông Hảo có nhiều bài khảo cứu về văn hoá cổ truyền VN, tôi thấy ngổn ngang trên nền nhà những bài viết lở dở có sketch những đình làng, miếu cổ, chùa chiền.
    (...)
    Rồi 7 năm sau, VC chiếm miền Nam, những người vào bưng lục tục trở về như HPNT, NĐX, LVH ...Ông Hảo hình như không rộn ràng như những người kia.
    Những người vô bưng hồi đó ngoài ông Hảo, còn có Đại lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu (chùa Thiên Mụ), bà Tuần Chi -- nguyên hiệu trưởng trường ĐK thời tôi học trung học. Tôi hoàn toàn không hiểu nổi vì sao các vị ấy lại theo CS.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ghi chú thêm: 14/02/2023
      Comment ngày 17/08/2017 của chị TH (Huế), hiện sống tại Sydney (Úc).

      Delete
  3. from: PTD@yahoo.com
    date: Mon, Aug 7, 2017 at 10:25 PM

    Trước khi bàn về bản thân Lê V Hảo, hãy nói qua về hai tay VC có đính líu tới việc Hảo được đề bạt lên làm "Chủ tịch Mặt trận Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình TP Huế vào dịp xuân 1968": Hoàng Phủ Ngọc Tường & Nguyễn Đắc Xuân.
    Tiểu sử HPNT trên trang Wiki có đoạn: "Năm 1966-1975: thoát ly lên chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng hoạt động văn nghệ."
    Theo NĐX thì Tường là VC chính hiệu qua đoạn viết sau, vì chỉ có đảng viên mới biết người kia là CB đảng viên:
    “Cái nhóm làm Việt Nam Việt Nam, hồi tết năm Bính Ngọ (1966) từng ra vùng Giải phóng Khu V học chính trị và các bạn đã làm Việt Nam Việt Nam dưới sự chỉ đạo của một cán bộ Mặt trận Giải phóng”. Người cán bộ chính trị ấy chính là ông Lê Phương Thảo (tức Lê Công Cơ) - người đồng chí đồng sự với tôi sau nầy. Trong hồi ký Năm Tháng Dâng Người, ông Lê Công Cơ có ghi lại sự kiện làm tập san Việt Nam Việt Nam trong nhà ông Lê Văn Hảo. " (source: http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p2/c16/n18384/Nho-Tien-si-Le-Van-Hao-thoi-o-Hue.html).
    Cũng trong bài viết này Xuân viết:
    "Đầu năm 1966, tinh thần chống Mỹ trong giới sinh viên đi vào chiều sâu. Một nhóm bạn tranh đấu gồm các anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Thanh Xuân, Lê Tử Thành, và tôi (lấy tên là Nguyễn Khắc Túy) tranh thủ ông Lê Văn Hảo cho sử dụng gian hộ riêng của ông trong cư xá giáo sư Đại học để làm tờ tập san chống Mỹ Việt Nam Việt Nam".
    Cũng cùng bài viết, Xuân còn cho biết nhóm VC nằm vùng này, mà lúc đó tự gọi là Chống Mỹ Cứu Quốc" còn tự thú nhận rằng đã dùng chùa chiền làm nơi tụ họp và chống Mỹ. Nhưng nếu ai nói đám PG Ấn Quang và Từ Đàm đã làm việc cho VC thì có vài Phật Tử dẫy nẩy lên cho rằng chống phá PG:
    "Vì công việc tôi thường ở lại các chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm hay tại phòng trọ cũ của tôi ở Đập Đá bên bờ sông Thọ Lộc nên phòng ngủ ông Lê Văn Hảo dành cho tôi chuyển lại cho đôi nhân tình Lê Tử Thành/Thắm. Anh chị Thành Thắm vừa viết bài vừa giúp đánh máy và quay Ronéo tập san Việt Nam Việt Nam"
    Khi viết đoạn sau, có lẽ Xuân muốn minh oan cho PG không phải là làm việc cho VC:
    "Một người cháu rể của cô bạn gái Nguyễn Khắc của tôi ở Đông Hà đọc xong rồi bảo tôi:
    -“Quan điểm lập trường chống Mỹ trong Việt Nam Việt Nam là của Mặt trận Giải phóng chứ không phải của Phật giáo các anh”."
    Nhưng về hậu quả của các việc làm đó, chống Mỹ và VNCH, đối với miền Nam VN thì có khác gì giữa việc PG AQ và TĐ làm việc dưới sự chỉ đạo của MTGPMN với việc tiếp tay cho MTGPMN ???
    Về việc có phải đích thân HPNT và NĐX chỉ huy vụ thảm sát Huế năm Mậu Thân hay không thì có hai nguồn tin khác nhau:
    Theo Xuân thì trong suốt thời gian chiến dịch, Tường ở chiến khu tại địa đạo, Khe Trái, trong vùng núi phía tây huyện Hương Trà để làm công việc của Mặt trận GP.

    ReplyDelete
  4. (tiếp theo) PTD@yahoo.fr:

    Tuy nhiên năm 1982, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại tường thuật chi tiết trận đánh giống như là nhân chứng có mặt trong thời gian biến cố Mậu Thân xảy ra trong cuộc phỉng vấn ngày 29/2/1982 với một nhà làm phim Mỹ, phim "VietNam Television History" của ông Burchett nói về trận Mậu Thân Huế.
    Nhưng qua năm 1997, Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời bà Thụy Khuê trên đài RFI thì thấy có 2 điểm quan trọng khác hẳn câu trả lời phỏng vấn năm 1982. Một là Tường chối không có mặt tại Huế khi đang diễn ra cuộc thảm sát. Hai là Tường xác nhận có “những tang tóc thê thảm” ở Huế do “quân nổi dậy” và nhìn nhận đó là “một sai lầm không thể nào biện bác được”.
    Tóm gọn, tuy Tường không đích thân ra lệnh thảm sát mấy ngàn dân vô tội ở Huế, nhưng hắn thú nhận các đồng chí của MTGPMN, mà Tường gọi là "quân nổi dậy" đã làm" (nhiều gia đình người Huế đã phải chịu cho hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế vào năm Mậu Thân).
    Theo Liên Thành (Biến Động Miền Trung) thì đích thân Xuân đã giết dân lành tại Huế trong dịp Mậu Thân:
    "... Rạng sáng ngày mồng hai Tết, tại khu vực cửa Đông Ba thuộc Quận I thị xã Huế, đội An Ninh và tự Vệ của Nguyễn Đắc Xuân đã dẫn 6 nạn nhân ra đứng sắp hàng ngang úp mặt vào tường tại thượng thành ngay cửa Đông Ba. Nhiều nhân chứng đã kể lại cho ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên/Huế rằng họ nhận diện được 2 nạn nhân trong 6 người nầy là:
    - Ông chồng bà Nội thương gia, chủ tiệm xe đạp tại gần cuối đường Phan Bội Châu.
    - Sinh viên Trần Mậu Tý.
    Các nhân chứng cũng đã nhận diện được ngoài tiểu đội VC có mặt tại hiện trường, còn có những tên Nguyễn Đắc Xuân, Tôn Thất Dương Tiềm, Hoàng Văn Giàu.
    Chính tên Nguyễn Đắc Xuân đã đích thân xử bắn Trần Mậu Tý, và tên Tôn Thất Dương Tiềm ra lệnh cho Tiểu đội VC xử bắn 5 nạn nhân kia. (...)"
    Đó là sơ lược gốc gác của tay VC nằm vùng, Tường, đã đề bạt Hảo lên chức chủ tịch Mặt Trận Huế, và tay Xuân đã dùng nhà của Hảo để làm tập san VNVN Chống Mỹ và chống VNCH.
    Mà không chờ cho đến khi hay tay này hợp tác thì LVH mới thân VC.
    Tay Hảo này ngay khi còn du học ở Pháp đã sưu tập các tài liệu "văn học" ở ngoài Bắc đề đem lậu về nước "mở mang" đầu óc của SV miền Nam. Theo NDX:
    "Ở Pháp về, ông Hảo mang theo 200 ký lô sách lịch sử văn hóa Việt Nam xuất bản ở Hà Nội gởi bán ở Paris. Để có thể lọt qua được cửa khẩu Tân Sơn Nhất Sài Gòn, ông Hảo đã phải xé bỏ bìa các sách của miền Bắc và thay vào đó bằng bìa một cuốn sách xuất bản hợp pháp ở miền Nam có cùng kích cỡ. Ngoài sách, ông Hảo còn có hàng trăm bài nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam xé ra từ các tạp chí văn hóa lịch sử xuất bản ở miền Bắc."

    ReplyDelete
  5. (tiếp theo) PTD@yahoo.com

    Nếu ai đã từng đọc các sách "lịch sử" hay "Văn Học" của miền Bắc thời đó mà sau ngày 30/4/1975 dân miền Nam đểu biết thì đều thấy nó là loại một chiều, bóp méo sự thật, và phải có tính ca ngợi đảng, ca ngợi giai cấp cơ bản, ca ngợi lao động tốt, và có tính chiến đấu cao, đọc chỉ muốn lộn mửa.
    Vậy mà một tay có chút học vấn, Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp -- tương đương cấp Cao Học hay Master của Mỹ, như LVH đã bỏ hết công sức để đem lậu nó về như là báu vật. Đây là khả năng và sự đánh giá về ngành chuyên môn Dân Tộc của LVH.
    Theo Xuân thì Hảo đã cho đám VC nằm vùng xử dụng căn phòng của Hảo cho chúng làm tập san VNVN để chống Mỹ và VNCH. Không lẽ cái nhìn chuyên môn đã kém mà Hảo cũng không nhận ra mục đích chống Mỹ và VNCH của nhóm hàng ngày tập họp tại phòng của Hảo để bàn luận và viết lách ???
    Rõ ràng Hảo phải biết rất rõ mục đích và việc làm của nhóm tập san VNVN.
    Mà Hảo không phải bị buộc ra chiến khu của MTGPMN. NDX viết:
    "Mặt trận Giải phóng Thành phố Huế, qua Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mời ông Lê Văn Hảo ra chiến khu và đặt ông làm Chủ tịch Mặt trận Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình TP Huế vào dịp xuân 1968 chăng?"
    Hiển nhiên không VC không bao giờ một tay ấm ớ hay một tay không cùng đường hướng với chúng lên làm lĩnh đạo tối cao của một thành phố, nhất là TP rất nóng bỏng và nhiều VC nằm vùng như Huế. Nên nói qua về việc VC phân chia thành phần dân chúng mà tôi được học tập trong những năm còn sống với họ, từ tốt nhất cho tới xấu nhất:
    - Đảng viên CS, giai cấp thống trị và đặc quyền trong một XH tự cho là không giai cấp.
    - Cảm tình viên: loại đờ mi đảng viên, hay ngấp nghé ở ngưỡng cửa vào đảng. Không phải tự xưng là cảm tình viên là được mà phải qua một diễn trình phấn đấu cho đảng và phải được vài đảng viên CS đề nghị.
    - Loại làm lợi và ủng hộ cho chế độ CS nhưng chưa được làm cảm tình viên.
    - Loại vô thưởng vô phạt với chế độ. Thường thường nếu lý lịch ba đời là bần cố nông, hoặc chưa làm việc cho Ngụy, và không phải là dân Bắc Kỳ Ri Cư Công Ráo thì được xếp vào loại này. Tuy không được hưởng các đặc quyền như mấy loại trên, nhưng con cái được đi học, được làm việc và không bị đì là một hạnh phúc lớn lao trong chế độ CS.
    - Loại BK Ri Cư CG
    - Kẻ thù và có nợ máu với nhăn răng, đám Ngụy.
    Để nắm chức hay để được đế bạt lên chức chủ tịch MT Nhân Dân hay MT Tổ Quốc, người đó tối thiểu phải là người ủng hộ VC, nếu chưa muốn nói phải là loại cảm tình viên với VC. Chưa nói tại sao Hảo lại cắp bàn tọa vào chiến khu để bị chúng ép cho cái chức lớn như vậy?
    Nếu tôi được chính tay này than thở rằng "Họ đã bombardé tôi vào chức đó" có lẽ tôi cười sặc sụa đến chết.
    Tôi không biết sau khi trở lại Pháp, không hiểu Hảo đã chỉ trích VC với dân Mít bên Pháp như thế nào, mà theo Xuân thì có lẽ là nói bịp để lấy lòng người nghe:
    "Năm 2005, trong một bữa cơm thân mật ở Quận 13, ông tâm sự:
    - “Qua đây mình muốn ở đây nên phải nói vậy và viết vậy người ta mới cho mình tỵ nạn chứ đối với đất nước, đối với anh em mình vẫn quý như xưa!”."
    Hình như tay Hảo này khi tâm sự với K. thì với giọng điệu khác với khi đã tâm sự với Xuân.
    Đối với tên này thì tôi chỉ tóm gọn:
    - ngu: vì không biết rõ VC nên theo chúng hay bị chúng bịp đến khi gần chết mới bò lại qua Pháp để chết.
    - hèn: dối trá như cuội.
    (...)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ghi chú 14/02/2023: PTD là cựu học sinh Chu Văn An Saigon (1961-1968).

      Delete
  6. from:
    date: Sun, Aug 6, 2017 at 4:21 AM

    Nguyễn Hiến Lê có công gì vậy?

    >>
    Nguyễn Hiến Lê thời VNCH thường có thái độ khinh thường chính quyền miền Nam. Có lần ông ấy được giải thưởng văn học gì đó, ông ấy từ chối không nhận. Khi nói đến tổng thống đệ nhất cộng hòa, ông nói với giọng khinh miệt "Diệm"; còn nói về Hồ Chí Minh, cứ một mực "cụ Hồ".
    Ở miền Nam, NHL vẫn được coi là một trong những học giả nghiêm túc nhất. Sau 1975, tôi nghe kể có cán bộ cộng sản vào Nam, xem sách NHL, nói: Hóa ra trong này cũng có người giỏi đấy.
    Trong tập hồi kí của NHL, có chỗ NHL tỏ lòng hối tiếc về chế độ mới. Dù một cách rất nhẹ nhàng, nhưng tôi nhớ đã bị kiểm duyệt một dạo. NHL có phổ biến bản gốc ra nước ngoài thì phải.
    Tuy nhiên, bảo là NHL có công với chế độ, có lẽ hơi khe khắt.

    >>
    Về cuốn hồi kí của NHL, có 3 đoạn (19-20-21) tôi đã chú ý từ lần đọc đầu tiên, cách đây 20-30 năm. Về cái tôi gọi là "niềm hối tiếc" của NHL đã lầm tin Hồ Chí Minh trong suốt cuộc chiến tranh ý thức hệ 1945-1975.

    19. Thay đổi bản tính con người như Mặc Tử, như Karl Marx muốn là chuyện không dễ một sớm một chiều. Thế giới còn những nước nhược tiểu nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ sẽ khai thác biển, đáy biển, Họ còn sống lâu. Tuy nhiên cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời nay đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi lần lần.
    20. Xã hội bao giờ cũng có người tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói, lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời sau khi giải quyết xong việc này thì lại sinh ra việc khác liền; sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp ngay quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.
    21. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu quá. Nhưng hồi năm mươi tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.
    cf. https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Hiến_Lê
    Theo ý tôi, NHL chưa "giác ngộ" đủ về bản chất hoang đường phá sản của XHCN Việt Nam.
    >>
    Tham khảo thêm 2 đoạn (10-11) trong hồi kí của NHL
    https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Hiến_Lê

    10. Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.
    11. Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập, cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi; tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của một người.


    Hai lời khuyên "vô vọng" của NHL.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ghi chú 2023-02-10: câu hỏi là của ha@hdccom

      Delete

Note: Only a member of this blog may post a comment.